Vụ hơn 250 giáo viên kêu cứu: “Yêu cầu tiếng Anh, tin học của thi viên chức còn thấp hơn thi nâng ngạch”
Đại diện Nội vụ Sóc Sơn cho biết đã có đề xuất phương án nếu giáo viên hợp đồng trượt viên chức, nhưng chưa thể tiết lộ giải pháp.
Những ngày qua, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều giáo viên như chết lặng khi hay thông tin số phận họ sẽ được quyết định sau cuộc thi tuyển viên chức trong năm tới. Họ là những giáo viên dạy hợp đồng lâu năm, người ít thì 6-7 năm, nhiều cũng ngót nghét gần 30 năm.
Trong số này, nhiều người từng là giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố, thậm chí nhận được kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, nhưng giờ đây đứng trước kỳ thi tuyển viên chức quyết định được tiếp tục hoặc chấm dứt nghề giáo.
Họ cho rằng cuộc thi là cuộc chơi “không cân sức” và thiếu công bằng, khách quan, thậm chí vô lý bởi việc thi tuyển cùng với các sinh viên vừa tốt nghiệp còn trẻ với những chương trình đào tạo mới.
Nhiều lá đơn “kêu cứu” đã được gửi tới các cơ quan chức năng nhưng chưa được xem xét. Điều đó có nghĩa, nhiều giáo viên trên dưới tuổi 50, thậm chí chỉ còn 2 năm nữa nghỉ hưu, cũng sẽ phải bước vào cuộc thi đầy khốc liệt này. Trường hợp thi không trúng tuyển hoặc không thi thì họ sẽ bị cắt hợp đồng làm việc vào tháng 5/2020.
Với những cống hiến, họ mong có những cơ chế, chính sách phù hợp, nhân văn để đảm bảo tiếp tục được làm việc cống hiến trong ngành, có thu nhập trang trải, nuôi sống gia đình.
Để làm rõ hơn vấn đề nhân sự này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Toàn, Phó trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn:
- Bà có thể chia sẻ nguyên nhân của việc huyện đang tồn dư số giáo viên hợp đồng lớn trong thời gian dài như vậy, để đến nay có những người đã 52, 53 tuổi mà vẫn phải đi thi tuyển viên chức?
Theo tình hình mà chúng tôi nắm được, không chỉ Sóc Sơn, ở các quận, huyện khác ở Hà Nội đều có tình trạng này.
Những năm chưa có Luật Viên chức ra đời, thành phố giao chỉ tiêu hợp đồng căn cứ vào nhu cầu, công việc. Tức là thành phố có giao trong tổng biên chế số giáo viên hợp đồng. Khi Luật Viên chức ra đời, không thể một phát “áp” toàn bộ số đó vào tuyển dụng.
Đây là năm thứ 4 thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển dụng. Sở Nội vụ đề xuất cho Hà Nội cơ chế đặc thù là dùng biên chế trong chỉ tiêu định mức được giao mà chưa thể bố trí ngay được biên chế.
Số lớp, số học sinh thì liên tục tăng; còn công tác thi tuyển thì thành phố không triển khai. Trong khi đó, huyện không thể để thiếu giáo viên dạy học sinh.
Ví dụ ở cấp Tiểu học, theo quy định cần có 1,2 giáo viên/lớp nhưng trong số này còn có những người sinh con, ốm đau hay có những vấn đề về sức khỏe khác. Nên nếu không đáp ứng thì lấy đâu ra người dạy.
- Nhưng qua mỗi một lần thi tuyển sẽ có những chuẩn riêng như yêu cầu hộ khẩu, bằng chính quy,… Tại sao qua từng lần đó, với những người không đạt yêu cầu, UBND huyện không rõ quan điểm loại luôn để họ tìm cho mình những cơ hội khác mà để đến tận bây giờ mới ra cơ sự này?
Khi tổng rà soát biên chế, đối với khối giáo viên mầm non, năm 2015 chúng tôi đã tiến hành thanh lý một loạt; báo chí cũng rộ lên một thời gian.
Còn lại số giáo viên hợp đồng của khối tiểu học và THCS, trên cơ sở rà soát đề án vị trí việc làm, chúng tôi vẫn còn có nhu cầu về việc hợp đồng đến thời điểm đó.
Ngoài 256 giáo viên này, năm 2016 chúng tôi cũng hợp đồng 9 tháng với một số giáo viên và đến năm học 2017-2018, rồi năm học 2018-2019 vẫn tiếp tục duy trì số đó nếu họ có nguyện vọng. Toàn bộ số lao động hợp đồng diện 9 tháng của năm trước cơ bản vẫn được sử dụng cho năm vừa rồi.
- Bà nghĩ sao về việc tới đây theo như thông báo của huyện, những giáo viên trên dưới 50 tuổi sẽ đi thi với những người vừa ra trường?
Về góc độ cá nhân, tôi rất thương các thầy cô giáo hợp đồng lâu năm. Nhưng bây giờ, cơ chế chính sách như vậy và huyện cũng đã làm hết các bước trong khả năng của mình tức là rà soát, xin ý kiến thành phố để xem có cơ chế đặc biệt gì.
Hơn 2 lần chúng tôi đã xin ý kiến. Nhưng hiện, theo Nghị định 161 của Chính phủ ban hành thì không thể có xét tuyển đặc cách.
UBND huyện Sóc Sơn cũng đã tổ chức một cuộc họp với toàn thể số giáo viên hợp đồng này để triển khai các nội dung, đặc biệt là các văn bản chỉ đạo của thành phố. Mặt khác, cũng lắng nghe những thắc mắc và động viên các giáo viên; cùng đó chỉ đạo các trường tạo điều kiện tối đa để các thầy cô có thể tham dự kỳ thi để có thể đạt kết quả tốt.
Đúng là đã có tuổi, nhưng không có con đường nào khác là phải học tập, phấn đấu. Như tôi đi thi thì không thể nói là mình có tuổi rồi và cũng phải thi ngoại ngữ, tin học. Do đó, cũng phải học lại để tham gia các kỳ thi.
Ngoài ra, từ tháng 1/2019 thì Nghị định 161 của Chính phủ ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác tuyển dụng bắt đầu có hiệu lực.
- Năm nay lần đầu tiên kỳ thi tuyển viên chức có môn thi Ngoại ngữ. Vậy với những giáo viên thế hệ trước không được học ngoại ngữ là tiếng Anh, giờ buộc họ phải thi trong khi chỉ có khoảng thời gian chuẩn bị ngắn, liệu có bất cập?
Tôi thấy Nghị định 161 của Chính phủ có nhiều điểm mới mang tính mở và yêu cầu đối với không chỉ viên chức mà cả cán bộ công chức, người lao động là phải có một trình độ chuẩn nhất định. Tôi hiểu là về số lượng thì đang được siết chặt để thực hiện đề án tinh giản biên chế; còn về chất lượng thì yêu cầu của Chính phủ, của thành phố ngày một cao hơn.
Chẳng hạn, một viên chức không thể không biết sử dụng máy vi tính. Tôi không coi đó là một bất cập mà cho rằng cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Ngoài việc tuyển dụng viên chức lần này, giáo viên còn cần phải tham gia các kỳ thi khác, ví dụ như những kỳ thi nâng ngạch.
Mà ở thi nâng ngạch, đòi hỏi về trình độ tin học và tiếng Anh còn cao hơn, chứ không chỉ ở mức đô như kỳ tuyển dụng viên chức.
- Lúc thiếu giáo viên mình cần họ, nhưng đến khi đủ thì không thể “đá” họ ra mà không xem xét hỗ trợ. Huyện có tính tới những hệ lụy xã hội nếu sau cuộc thi, số giáo viên này không trúng tuyển và mất việc?
Với vai trò tham mưu, chúng tôi đã đề xuất phải tính đến việc này và có những giải pháp. Nhưng giải pháp cụ thể như thế nào thì đến thời điểm này chúng tôi không được phép tiết lộ. Chúng tôi sẽ phải báo cáo, xin ý kiến của các cấp.
Ví dụ xong tuyển dụng có thể vẫn có những vị trí còn thiếu hoặc là có một số giáo viên nghỉ hưu hoặc chuyển công tác,… hay căn cứ vào tình hình thực tế của việc tăng số lớp, số học sinh,… thì xem xét.
Về mặt lộ trình, có thể thiếu những vị trí việc làm nhân viên. Ví dụ một nhân viên thiết bị thí nghiệm thực ra chỉ cần có một chứng chỉ về công tác thiết bị thí nghiệm, còn nếu là giáo viên đã thành thạo hết các thủ tục và bây giờ chỉ cần có chứng chỉ để làm công việc này thì có thể bố trí vào vị trí đó nếu có mong muốn.
Những kế hoạch cụ thể như thế nào thì tôi xin phép không tiết lộ.
- Huyện có đề xuất, kiến nghị gì để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các giáo viên hợp đồng này khi đi thi không?
Thực hiện công tác phân cấp trong công tác tổ chức bộ máy, UBND huyện Sóc Sơn hay UBND TP không thể ban hành ra một hướng dẫn khác với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Văn bản của Chính phủ là văn bản pháp quy tối cao và các cơ quan hành chính cấp dưới chỉ có tính chất chấp hành và không thể có một chế độ, chính sách gì khác ngoài chế độ ưu tiên được quy định trong Nghị định 161 (đối với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng vũ trang đã từng công tác, chiến đấu,…)
- Xin cảm ơn bà!
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, chính sách thi tuyển viên chức là của thành phố theo tinh thần Nghị định 161 của Chính phủ. Huyện cũng đã có đề xuất lên UBND TP về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Việc muốn xét đặc cách cho các giáo viên hợp đồng thì không thuộc thẩm quyền của huyện nữa mà phải từ thành phố.
“Nếu cấp trên tạo điều kiện để có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các giáo viên hợp đồng thì tốt quá. Về phía địa phương chúng tôi cũng mong muốn làm sao để có thể giải quyết được cho anh chị em giáo viên hợp đồng lâu năm”, ông Mạnh nói.
Tổng chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên toàn huyện Sóc Sơn được xác định là 685, trong đó cấp Mầm non là 206 chỉ tiêu, cấp Tiểu học là 282 chỉ tiêu và cấp THCS là 197 chỉ tiêu.
Thanh Hùng – Thúy Nga
Theo vietnamnet
Thực hư hơn 1.400 giáo viên bị cắt hợp đồng ở Cà Mau
Các phương tiện thông tin đại chúng thông tin hơn 1.400 giáo viên bị cắt hợp đồng. Thực hư như thế nào, phóng viên Tiền Phong tìm đến giáo viên bị cắt hợp đồng, cán bộ quản lý và chính quyền.
Học sinh Trường THCS- THPT Hồ Thị Kỷ, thành phố Cà Mau
Cá biệt, máy móc, cứng nhắc
Ngày 6/11, ông Huỳnh Thanh Hận, Trưởng phòng GD- ĐT huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết, sau rà soát mạng lưới trường lớp và biên chế ngành, Phòng GD- ĐT huyện Thới Bình đã cắt hợp đồng 143 giáo viên hợp đồng và hợp đồng lại 125 giáo viên đã hợp đồng trước đây.
Ông Huỳnh Thanh Hận nói: "Chúng tôi cắt hợp đồng vì thừa giáo viên nhưng không phải cắt đồng loạt giáo viên hợp đồng. Đồng thời, chúng tôi đã đề xuất hợp đồng lại giáo viên còn thiếu".
Thầy giáo Nguyễn Văn Kinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lợi, xã Hồ Thị Kỷ (Thới Bình) cho biết, lệnh của trên, trường phải thực hiện. Các đối phó dư thừa giáo viên là phân công giáo viên làm nhân viên thư viện, văn thư, kiêm nhiệm thủ quĩ, bảo vệ...Nhưng nhân viên y tế, kế toán thì giáo viên không thể làm vì thiếu chuyên môn.
Ông Nguyễn Văn Kinh cho biết, Trường THCS Tân Lợi, xã Hồ Thị Kỷ cắt giảm 4 giáo viên hợp đồng và đã có việc làm như đưa đò, mở shop quần áo, giữ xe...
Ông Nguyễn Văn Kinh nói: "Trường THCS Tân Lợi có diện tích phòng học phổ biến là 36 và 48 m2. Theo qui định, chúng tôi xếp khối lớp 9 từ 48 đến 50 học sinh/lớp, vô cùng chật hẹp, khó giảng dạy và không thể triển khai phương pháp mới".
Thầy giáo Lê Văn Việt, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Lợi, xã Hồ Thị Kỷ (Thới Bình) cho biết, vào đầu năm học đã cắt 7 giáo viên hợp đồng. Trong khi đó, Trường tiểu học Tân Lợi có sẽ số học sinh rất cao, vượt định mức UBND tỉnh Cà Mau phán quyết.
Cụ thể, tại Trường tiểu học Tân Lợi, học sinh các lớp từ 33 đến 48 học sinh/lớp. Ông Lê Văn Việt nói: "Nguyên nhân thừa giáo viên là do ghép lớp, ghép điểm lẻ, nâng sĩ số học sinh. Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng mà học sinh là thiệt thòi".
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình lý giải, UBND tỉnh Cà Mau xác định phòng GD- ĐT hợp đồng giáo viên tuỳ tiện, khó khăn ngân sách, phải sửa sai bằng cách cắt giáo viên hợp đồng không đúng.
Học sinh vùng sông nước Cà Mau đến trường
Không có chuyện hơn 1.400 giáo viên cắt hợp đồng
Ông Nguyễn Minh Luân, GĐ Sở GD- ĐT Cà Mau cho biết, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau chủ trương rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp và giáo viên theo hướng "tinh giảm, hiệu quả". Ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau đã rõ, xoá điểm lẻ không cần thiết, cắt hợp đồng giáo viên phải có lộ trình, minh bạch, công khai và đặc biệt chống tiêu cực.
Ông Nguyễn Minh Luân nói: "Chính quyền, phòng GD- ĐT huyện Thới Bình vận dụng cứng nhắc, cơ học, không thấu tình đạt lý. Chúng tôi cử cán bộ kiểm tra việc sử dụng đội ngũ giáo viên và kiểm tra các huyện, thành phố trong tỉnh để chấn chỉnh kịp thời".
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ kiểm tra việc cắt giảm giáo viên ở huyện Thới Bình. "Không có chuyện cắt hợp đồng 1.400 giáo viên. Nhiều lần họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo rất rõ, phương pháp cụ thể, hợp lý, minh bạch".
NGUYỄN TIẾN HƯNG
Theo Tiền phong
Gần 300 giáo viên kỳ cựu ở Sóc Sơn kêu cứu trước nguy cơ mất việc Các giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có đơn kêu cứu gửi đến báo Tiền Phong trước nguy cơ mất việc. Trong số gần 300 giáo viên này, người dạy thời gian ngắn nhất là 6 năm, người dạy lâu nhất đã 28 năm. Gần 300 giáo viên của Sóc Sơn đang lo lắng cho tương lai nghề...