Vụ học sinh lập nhóm chát “nói xấu” cô giáo: Thiếu lời cảm ơn!
Trong sự việc học trò ở Thanh Hóa lập nhóm chát “ nói xấu” cô giáo và bị cô giáo phát hiện sau khi tịch thu điện thoại, cả cô và nhà trường đều đã rất vội vã vào cuộc xử lý. Tiếc rằng, thay vì xử phạt thì lẽ ra trong trường hợp này cần một lời cảm ơn.
Câu chuyện bắt đầu từ một học sinh (HS) dùng điện thoại trong lớp và bị cô giáo bộ môn tịch thu rồi giao lại cho cô chủ nhiệm. Cầm điện thoại học trò, cô giáo đọc được tin nhắn các em gồm một số học sinh lập nhóm chát riêng nói xấu mình, nói xấu nhà trường, từ đó cô đọc lại toàn bộ lịch sử tin nhắn của các em và báo cáo lên nhà trường.
Sự việc gói gọn ở đó và nhà trường lập Hội đồng kỷ luật mà theo quyết định kỷ luật có 14 thành viên. Và cũng hết sức bất ngờ khi kết quả đều ở mức 10 – 13/14 phiếu đồng ý với hình thức đuổi học 7 HS và cảnh cáo một em trước toàn trường.
Cũng dễ hiểu ngay sau đó, quyết định kỷ luật này bị thu hồi. Thay cho việc kỷ luật trong trường hợp này, lẽ ra phía nhà trường, giáo viên cần một lời cảm ơn vì đây chính là cơ hội để họ thể hiện vai trò của giáo dục, cơ thể để “điều chính” chính mình và học trò.
Học trò có “ thế giới bí mật” mà người lớn không thể dùng hình phạt để giải quyết
Trước hết, hãy cảm ơn các em. Trước những bất mãn, khó chịu trong môi trường học đường của tuổi mới lớn, thay vì hành xử một cách tiêu cực như quay clip, tung hê lên mạng hay mang cục “ấm ức” trong mình chờ dịp trả đũa…
Thực tế, đã có vô số vụ việc đau lòng trò đánh thầy bắt nguồn từ sự ấm ức, bốc đồng, bột phát của tuổi trẻ, của học trò. Ở đây, các em đã biết chia sẻ quan điểm với những người bạn, bằng hình thức nhóm kín. Ở đó là thế giới của các em, để các em “xả” những ức chế của mình.
Việc giáo viên đọc tin nhắn và lôi ra toàn bộ lịch sử trò chuyện của HS trong điện thoại cá nhân là việc xâm phạm quyền riêng tư. Gác vấn đề này lại, nếu nói về “bản tính người” thì không hề dễ dàng để chúng ta kiềm chế lại sự tò mò về việc người khác nói về mình. Nhưng ở vị thế là một người thầy, họ hoàn toàn có thể ứng xử để “bí mật” này vĩnh viễn là điều không bao giờ được “bật mí”. Học trò có một “thế giới riêng” mà người lớn không thể dùng hình phạt để giải quyết. Đó cũng biểu hiện của tinh thần cao thượng. Và điều này vừa bảo vệ học trò, vừa bảo vệ chính mình!
Dù các em nói gì về mình thì đây chính là cơ hội để nắm tâm tư, tình cảm của học sinh – điều mà chúng ta vẫn nghe hàng ngày về trọng trách giáo dục. Nếu các em nói đúng, nhận xét về những biểu hiện của mình, hãy dành cho các em một lời cảm ơn để từ đó điều chỉnh, tiết chế bản thân. Một nhóm HS – lại được nhận xét là lứa HS nhà trường gửi gắm nhiều niềm tin – cùng bức xúc với giáo viên thì ít hay nhiều sẽ có lý do. Những lời nói xấu có khi đáng giá hơn những lời nói tốt là ở đây.
Video đang HOT
Còn nếu giáo viên cho rằng các em quá đà, nói oan uổng về mình, có những ngôn từ không thể nào chấp nhận được thì đây là dịp để “chỉnh sửa, uốn nắn” các em, thể hiện vai trò của giáo dục, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo.
Vậy mà, chưa thấy một động thái giáo dục nào, cả hội đồng kỷ luật trong nhà trường lại quá nhanh nhảu ra hình thức kỷ luật đuổi học, cảnh cáo HS với lý do “để răn đe, giáo dục”.
Cũng như phụ huynh, có thể vô tình hay cố ý đọc được nhật ký của con với những điều bí mật họ không dám tin là có thật. Nhưng đó là cơ hội chân thực nhất để họ biết vấn đề của con, để hiểu con hơn, để tìm cách giải quyết mà không “bứt dây động rừng”. Còn lập tức tung hô, trừng phạt đã đồng nghĩa với việc đưa tay đẩy con ra xa mình hơn.
Ở góc độ trường học cũng cần dành cho học trò một lời cảm ơn. Qua sự việc này, môi trường giáo dục cần nhìn lại những bất ổn về dân chủ học đường, học sinh chưa có chỗ để bày tỏ tiếng nói, những bức xúc của mình. Nhà trường cần tạo môi trường, hướng học sinh để các em lên tiếng, góp ý một cách tích cực nhất.
Một chuyên gia về tâm lý cảm xúc bày tỏ đuổi học học sinh, chỉ muốn đẩy các em ra ngoài, nhất là khi chưa áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực là một sự vô trách nhiệm. Thấy được tâm tư của trò dành cho mình là cơ hội lớn để ngồi xuống đối thoại với các em, lấy sự lắng nghe và bao dung để giáo dục học trò thật sự.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Vô lý - vô tình trong quyết định đuổi học học sinh vì "nói xấu" giáo viên
Thu hồi quyết định đuổi học học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) vì "nói xấu" giáo viên là một việc cần thiết. Bởi việc đuổi học học sinh trong trường hợp này không chỉ vô lý mà còn còn thể hiện sự vô tình, vô tâm của chính những người làm giáo dục.
Vô lý
Theo như thông tin sự việc, một học sinh (HS) dùng điện thoại trong lớp bị cô giáo bộ môn tịch thu rồi giao lại cho giáo viên. Cô chủ nhiệm đọc được tin nhắn, cả lịch tin nhắn nhóm chát của học sinh nói xấu mình nên cô đã báo lên nhà trường. Sau đó, nhà trường ra quyết định đuổi học 7 học sinh tham gia nhóm nói chuyện này từ 1 tuần đến 1 năm, một em bị cảnh cáo trước toàn trường.
Quyết định kỷ luật đuổi học, cảnh cáo 8 học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa đã được thu hồi (Ảnh: Duy Tuyên)
Chị Lê Phương Huyên, đang học Thạc sĩ tại Mỹ cho biết, có quá nhiều vấn đề từ quyết định kỷ luật HS từ sự việc trên. Việc giáo viên tự ý xem nội dung tin nhắn riêng tư của HS có thể nói là hành vi lộng hành, họ không tôn trọng quyền riêng tư của học sinh.
Rồi kể cả việc có quy định giáo viên được phép kiểm tra điện thoại của HS cũng không có quyền cấm các em nghĩ xấu về giáo viên. Hành vi trừng phạt các em vì dám nói xấu thầy cô càng thể hiện... thầy cô như vậy rất khó để không bị nói xấu.
Việc đuổi học học sinh vì chúng tham gia vào một nhóm nói chuyện kín là chuyện rất khó tin. HS gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào khi một nhóm chung quan điểm bất đồng với giáo viên? Các em không lan truyền bịa đặt đồn thổi, không gây tổn hại cho xã hội, chỉ tìm một chỗ để xả ra ấm ức của mình.
Việc đuổi học HS vì "nói xấu" giáo viên ở trong trường hợp trên vừa không có lý lại còn thiếu cái tình. Một hiệu trưởng ở TPHCM bảy tỏ giáo viên có quyền thu điện thoại HS nếu HS vi phạm nội dung sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhưng thu điện thoại không có nghĩa là mở ra đọc các thông tin cá nhân, riêng tư của các em. Việc đuổi học các em cũng cũng không dựa vào một quy định nào của ngành.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng cho biết, ông rất hài lòng với chỉ đạo thu hồi quyết định kỷ luật HS của Trường THPT Nguyễn Trãi.
Theo phân tích của ông Hưng, Hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định đuổi học 7 em học sinh có liên quan, căn cứ áp dụng là theo Thông tư 08/TT năm 1988. Tuy nhiên, TT 08 không có quy định nào rõ ràng là việc nói xấu thầy cô và nói xấu như thế nào thì bị đuổi học và theo ông, TT 08 cách đây 30 năm đã quá lạc hậu, không điều chỉnh kịp những hành vi trên mạng xã hội, vốn được cho là riêng tư và quyền thể hiện cá nhân.
"Chưa nói, hành động xâm nhập điện thoại và FB của cô giáo như vậy là vi phạm quyền riêng tư, bởi các em chỉ lập nhóm kín, không phổ biến ra ngoài, nên rất khó chứng minh mức độ ảnh hưởng của hành vi", ông Hưng khẳng định.
Thiếu tình
Ông Nguyễn Kiều Hưng cũng nhấn mạnh, tuổi học sinh, tâm sinh lý các em chưa thực sự ổn định, bên cạnh việc dạy văn hóa, nhà trường, giáo viên cần truyền đạt lòng nhân ái, sự yêu thương. Áp dụng các biện pháp giáo dục hay kỷ luật cần tính đến các yếu tố tâm lý, xã hội. Không chừng lại có tác dụng ngược, phần lớn các em bị đuổi học đều rất dễ trở thành học sinh cá biệt trong tương lai, do mặc cảm và tâm lý...
Theo chị Lê Phương Huyên, chị cũng băn khoăn về cả hai hình thức kỷ luật được nhà trường đưa ra đuổi học các em là minh chứng của thật sự thất bại trong giáo dục, còn việc cảnh cáo, bêu rếu HS trước toàn trường là hình phạt phản giáo dục nhất.
"Theo tôi, chúng ta cần vận động để có quy định ngăn chặn các trường học thực hiện hình thức kỷ luật cảnh cáo HS trước toàn trường", chị Huyên đề xuất.
Quy định trong trường học chưa theo kịp so với những hành vi, ứng xử trên mạng xã hội
Quyết định đuổi học học sinh vì "nói xấu" giáo viên của Trường THPT Nguyễn Trãi đã kịp thời được thu hồi nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, công tác trong ngành tham vấn, chúng ta cần cân nhắc trước hình thức kỷ luật đuổi học HS trong nhiều trường hợp khác.
Đuổi học HS là cách nhanh nhất để chúng ta chối bỏ trách nhiệm của nghiệp trồng người. Loại các em ra khỏi vòng tay người thầy, nhà trường là một hạ sách tệ nhất trong các cách ứng xử khi các em bị chối bỏ bởi chính những người thầy có thể rơi vào tình trạng bị kỳ thị, bị bỏ mặc.
"Nếu đuổi học là phương cách được vận dụng dễ dãi thì đâu là bản lĩnh hay sự kiên nhẫn của nhà trường, thầy cô với những học sinh "có vấn đề" vốn càng cần được yêu thương gấp bội.
Theo tôi giáo dục chính là dẫn đưa những tâm hồn lầm lạc trở về nẻo chính và được soi dẫn bởi dũng khí của những người thầy - từ tâm và tình yêu thương. Chúng ta đối xử với học trò hôm nay thế nào thì xã hội sẽ thừa hưởng gấp trăm lần trong tương lai", ông Dũng bộc bạch.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Nữ sinh xúc phạm cô giáo trên Facebook thừa nhận 'bồng bột' Trở lại lớp sau gần 10 ngày bị đuổi học, hai nữ sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) chia sẻ rất hối lỗi, sẽ quyết tâm sửa sai. Ngày 2/11, hai trong ba học sinh bị Hội đồng kỷ luật trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) đuổi học một năm vì xúc phạm thầy cô trên Facebook đã trở lại trường....