Vụ “Giáo sư ngôn ngữ bị tố đạo văn của học trò”: Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vào cuộc
Giáo sư Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, hiện đang là thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ học đã bị tố đạo văn của học trò và đồng nghiệp khác.
Việc GS,PGS bị tố đạo văn giờ không phải là trường hợp hiếm của Việt Nam
Trao đổi với PV Dân trí ngày 17/5, một lãnh đạo Hội đồng chức danh GS nhà nước cho biết, mặc dù chưa nhận được đơn thư tố cáo về việc GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn nhưng từ thông tin trên báo chí phản ánh, với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội đồng đã yêu cầu Hội đồng chức danh GS ngành ngôn ngữ rà soát toàn bộ thông tin về chuyên môn của GS Tồn có đạo văn hay không.
“ Vụ việc này phải làm đúng quy trình vì đây là danh dự của một con người. Hội đồng chức danh GSNN không bao che nhưng phải hết sức thận trọng” – lãnh đạo Hội đồng CDGSNN nhấn mạnh.
Theo báo VNN đăng, trong cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” – NXB ĐHQG Hà Nội 2002 của GS Nguyễn Đức Tồn được cho là đã lấy gần như toàn bộ luận án phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh có tên “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” được bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học. Bà Nguyễn Thúy Khanh cũng là nghiên cứu sinh do GS. Tồn hướng dẫn.
Cuốn sách này cũng được cho là đạo gần như toàn bộ 96 trang luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, khóa 1991-1995 của ĐH Tổng hợp Hà Nội. Luận văn của bà Cao Thị Thu do ông Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn và bảo vệ năm 1995 có tên “ Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt”.
Cuốn sách thứ hai là “ Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc THCS” - NXB ĐHQG Hà Nội của GS. Nguyễn Đức Tồn có đưa nguyên vẹn bài báo “ Dạy từ láy cho học sinh THCS” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà.
Bài báo này từng được in trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 2 năm 2001. Đây cũng là tạp chí mà GS. Tồn chính là Tổng biên tập thời điểm đó. Tuy nhiên, khi đưa vào cuốn sách của mình, GS. Tồn chú thích “Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học“. Trong khi đó, bài báo này khi in trên Tạp chí Ngôn ngữ không thấy ghi tên GS. Nguyễn Đức Tồn.
Lùm xùm trên đã được báo chí phản ánh, thời điểm đó, trả lời báo chí vào năm 2007, ông Tồn cho biết, ông là người hướng dẫn các bài viết cho nghiên cứu sinh và sinh viên theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ luận án Phó tiến sĩ của ông được bảo vệ tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1988. Luận án của GS. Tồn có tên là “Đặc điểm trường từ vựng – ngữ nghĩa các tên gọi bộ phận cơ thể người”.
Ông Tồn cũng cho biết, khi sử dụng các công trình của NCS và sinh viên, ông đã chú nguồn và tác giả rõ ràng, vì thế không thể quy kết ông “đạo văn”.
GS. Tồn cũng cho biết, trường hợp Cao Thị Thu là cháu ruột ông, còn Nguyễn Thúy Khanh là học trò của ông, nên không bao giờ ông lại đi lấy trộm sản phẩm mà ông hướng dẫn cho cháu ông và học trò.
Ông Tồn cũng đưa ra lý do: sự việc này đã được Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học xem xét và kết luận từ năm 2006-2007. Ông hoàn toàn trong sạch nên mới được công nhận giáo sư.
Nên giao cho Thanh tra Bộ GD&ĐT rà soát
Trả lời trên báo VNN, GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học khẳng định, việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn của học trò là có thật.
Việc đạo văn đã khiến ông Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha.
Video đang HOT
“Các ý kiến Hội đồng phát biểu đều nhận định rằng ông Tồn đã có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua, 2 lần hồ sơ không được thông qua; không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời” – GS Thêm cho hay.
Cũng theo GS Thêm, vào năm trước đó (năm 2008), ông Tồn đã vừa mới được Viện KHXH Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Để bổ nhiệm, Viện KHXH chắc chắn cũng đã cân nhắc chuyện này. Với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên Hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10.
Đến năm 2011, GS Nguyễn Đức Tồn với tư cách là Viện trưởng, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ (cùng hai vị nữa) được đề nghị bổ sung vào làm thành viên Hội đồng CDGS Ngành ngôn ngữ học.
Trả lời PV báo VNN, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cần phải làm gì về việc của GS Tồn? GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, để cho công bằng, việc này trước hết là cần phải làm sáng tỏ mọi điều để ông Tồn tâm phục, khẩu phục và không thể kêu là bị người khác vu cáo.
Theo kinh nghiệm đợt rà soát phong GS/PGS vừa qua, Chủ tịch Hội đồng CDGS Nhà nước kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên giao cho Văn phòng Hội đồng CDGS Nhà nước phối hợp với Thanh tra Bộ Giáo dục cử một tổ công tác xem xét đối chiếu lại tất cả mọi thứ có liên quan đến nghi án đạo văn của ông Tồn một cách khách quan và công bằng.
Trong thời gian xem xét, thiết nghĩ cần phải tạm thời đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng CDGS Ngành của ông Tồn.
Sau khi mọi việc sáng tỏ, nếu chứng minh được là ông Tồn bị vu cáo thì sẽ khôi phục tư cách thành viên Hội đồng CDGS Ngành của ông và xử lý những người vu cáo. Còn nếu quả là ông Tồn đạo văn, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, vi phạm Luật giáo dục, vi phạm Quy chế đào tạo tiến sĩ, không đáp ứng các tiêu chuẩn của chức danh giáo sư và phó giáo sư thì tôi nghĩ các bộ phận hữu trách của Bộ Giáo dục, Hội đồng CDGS Nhà nước và Viện HLKHXH Việt Nam sẽ biết rõ cần phải làm gì.
Hồng Hạnh ( tổng hợp)
Theo Dân trí
Xử lí tình huống sư phạm - GV cần linh hoạt, cân nhắc lựa chọn
Nhiều năm đứng lớp, những bài học sâu sắc nhất tôi học được lại chính từ những học trò của mình.
NGƯT Tô Ngọc Sơn
Bài học từ trò
Năm học 2004 - 2005, năm đầu tiên tôi được chính thức đứng lớp dạy học sinh lớp 4 tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Học sinh thành thị khác nhiều với học sinh miền quê. Em nào cũng tươm tất, gương mặt tươi vui và năng động. Trong lớp có học sinh tên Trí. Em hiếu động, bướng bỉnh nhất lớp; hay giơ tay xung phong phát biểu đầu tiên, nhưng hầu như chưa có câu trả lời nào hoàn chỉnh; có lúc không giơ tay, Trí cứ tự nhiên đứng dậy trả lời ngay. Khi đó, cả lớp lại được trận cười.
Dù nhiều lần nhắc nhở, nhưng bản tính nghịch ngợm, dường như em không chú ý gì đến lời khuyên của thầy, thậm chí còn lấy đó để mua vui, làm trò tiêu khiển.
Một buổi sáng, khi tôi giở sổ chuẩn bị kiểm tra bài cũ thì tổ trưởng tổ 1 đứng lên:
- Thưa thầy! Bạn Trí không học bài, không làm bài ở nhà ạ!
Tôi hỏi cả lớp:
- Còn bạn nào không học bài và không làm bài như Trí?
Cả lớp im thin thít.
- Vậy ai có học bài và làm bài, giơ tay?
Cả lớp cùng giơ tay, trừ Trí vẫn ngồi lặng thinh.
- Cả lớp mình, các bạn học tập rất tốt. Duy nhất chỉ có em. Sao vậy Trí?
Trí vẫn ngồi im thin thít. Lớp học lại xôn xao bàn tán. Nhất là tổ 1 của Trí vì tổ sẽ bị trừ điểm thi đua. Một bạn nữ nói:
- Thưa thầy, con thấy Trí về nhà là lo đi chơi không bao giờ học bài, vì con gần nhà bạn nên con biết.
- Bạn nói như vậy đúng hay sai vậy Trí?
Em vẫn ngồi im không nói lên một lời nào, nhưng sắc mặt lúc này đã thay đổi.
- Em lấy vở học ra cho thầy xem. Vở bài tập Toán nữa.
Tôi lật từng trang, tay tôi bắt đầu run lên:
- Trời! Đã học hơn một tháng rồi mà tập vở vẫn như thế này. Sao vậy Trí?
Thấy thầy nổi giận, hai tay Trí bắt đầu run lên. Bất thần, đôi bàn tay em giơ lên cao rồi đập mạnh xuống bàn.
- Trời ơi, em không biết thì sao có thể làm!
Đến lượt tôi lặng người. Bởi tôi đã cho từng học sinh số điện thoại, sẵn sàng ngồi lại cùng các em nêu chưa hiểu bài. Vậy tại sao?
Nhưng từ đó, sau mỗi bài học, tôi đều hướng vào Trí, vừa giúp em lấy lại kiến thức đã học, vừa tiếp thu kiến thức mới. Ngoài giờ học ở trường, nếp học tập ở nhà cũng rất quan trọng. Gia đình Trí lo làm ăn, buôn bán, ít quan tâm đến em, có chăng chỉ nhắc nhở em "học bài" hay "làm bài" rồi thôi, không để ý.
Tôi đã thật sự hiểu Trí và em cũng trở nên quý mến, gần gũi với thầy, hay tâm sự với thầy,... Trí dần thay đổi thái độ học tập, không còn bê tha bài vở nữa và tiến bộ hẳn lên. Tuy vậy, nhưng cuối năm em chỉ đạt loại trung bình khá.
Nhìn các bạn ai cũng nhận phần thưởng trên tay còn mình thì không, Trí rơi nước mắt. Tôi vội xuống căng-tin mua 2 quyển vở, gói lại và trao cho em trước lớp: "Đây là phần thưởng dành cho sự cố gắng học tập của Trí, mặc dù bạn không đạt kết quả cao như mong muốn nhưng bạn đã tiến bộ trong học tập."
Trí cũng được nhận một phần thưởng vô cùng to lớn từ phía các bạn, đó là một tràng pháo tay giòn giã. Em ôm mãi phần thưởng trước ngực cả trong giờ chơi đến khi ra về.
Bài học về ứng xử sư phạm
Việc học sinh không làm bài, lơ là trong học tập là chuyện thường gặp trong lớp, trong trường. Tình huống trên xảy ra đã để lại cho tôi một bài học đáng nhớ trong cách xử lí.
Tôi đã nhận ra Trí là một học sinh cần được quan tâm, đã chú ý nhắc nhở em mỗi ngày, nhưng tôi chưa thật gần gũi với em. Giá như tôi quan tâm chút nữa, tìm hiểu thêm một chút để lấp, vá lỗ hổng kiến thức của em, ngồi lại chia sẻ và động viên em làm bài ngay tại lớp thì em đâu bỏ trống vở cả tuần như vậy.
Sự phản ứng của Trí khiến tôi nhận ra cách giải quyết của mình chưa hợp lí. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã tìm được phương hướng xử lý: Những lời phân trần nhẹ nhàng trước lớp đã giúp các học sinh khác hiểu, giúp Trí đã nhận ra lỗi lầm của mình.
Lớp học nào mà không có học sinh lơ đãng, không có học sinh không chú ý, không thích làm bài. Giáo viên nên tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của sự việc. Trả lời cho bằng được câu hỏi: Vì sao như vậy? Phải làm thế nào? Càng suy nghĩ thấu đáo, hiệu quả của việc xử lí càng cao.
Trong quá trình xử lí tình huống, chúng ta cũng nên dự hướng đến kết quả - không chỉ là kết quả của việc xử lí tình huống mà là kết quả giáo dục.
Chẳng hạn, trong tình huống trên, bước đầu tôi chỉ giúp học sinh nhận ra lỗi của mình mà chưa quan tâm đến việc học tập của các em. Trí không biết làm bài. Em bị hổng kiến thức, em ngại làm bài nhưng tôi chưa khắc phục được nhược điểm này cho em. Tôi chưa kịp thời hướng dẫn em học tập. Tức là tôi chưa đạt được mục đích trong giáo dục. Đó là chưa tính đến tình cảm thầy trò, những ấn tượng tốt đẹp của thầy dành cho trò và ngược lại.
Tóm lại, việc xử lí các tình huống xảy ra trong giáo dục một việc làm rất cấp thiết. Nhưng để đạt được kết quả như mong muốn đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt, ứng phó nhạy bén nhưng cũng cần phải cân nhắc lựa chọn và giải quyết theo trình tự như trên hiệu quả mới cao.
NGƯT, ThS Tô Ngọc Sơn - Chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp
Theo giaoducthoidai.vn
Tròng trành con chữ trên bè tre Nước sông Rin cuộn chảy, cả chục học trò đứng trên chiếc ghe, bè tre bám vào sợi dây cáp cột ở đôi bờ, đu mình vượt sông tìm con chữ. Để theo đuổi con chữ, mỗi ngày học trò hai thôn Nước Tang và Nước Rin đánh đu trên dòng nước sông Rin - Ảnh: TRẦN MAI Chiếc ghe và chiếc bè...