Võ Lâm Truyền Kỳ được đưa vào nội dung thi học kỳ của trường Đại học
Vừa qua, cộng đồng sinh viên của trường Đại học Công Nghệ Thông Tin – Đại học Quốc gia TP HCM đã được một phen bất ngờ trước bộ đề thi học kỳ có một không hai và các Giảng viên mang đến trong kỳ thi học kỳ 3 (học kỳ bổ sung tại các trường đại học) vừa kết thúc mới đây…
Cụ thể, trong kỳ thi kết thúc Học kỳ 3 môn Lập trình hướng đối tượng của khoa Công nghệ Phần mềm diễn ra vào ngày 25/8 vừa qua, câu hỏi thứ 3 của đề thi có nội dung “Xây dựng chương trình mô phỏng game Võ Lâm Truyền Kỳ với các mô tả sau”, và bên cạnh đó là những dữ liệu và thông tin cực chi tiết về tựa game đình đám một thời này.
Bên cạnh đó, người ra đề còn tỏ ra rất cẩn thận và đưa ra nội dung Lưu ý: “Trong trường hợp sinh viên không biết về trò chơi này trước đây thì phải đọc kỹ thông tin trên (các thông tin trên đủ để sinh viên thực hiện các yêu cầu của đề thi) và nghiêm túc làm bài. Giám thị coi thi không giải thích gì thêm”.
Như vậy, theo nhận xét của hội đồng giám thị, đề thi nói trên hoàn toàn hợp lệ và đáp ứng đủ yêu cầu đặt ra như việc cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết của câu hỏi. Không chỉ có vậy, khi nội dung câu hỏi liên quan đến Võ Lâm Truyền Kỳ này được phát tán trên Diễn đàn của Sinh viên Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP HCM, thì những bạn trẻ đang theo học tại ngôi trường này, đặc biệt là những bạn game thủ, cũng tỏ ra vô cùng hào hứng với đề thi này.
Nếu như theo lẽ thường, chắc hẳn bất kỳ sinh viên nào khi nhắc tới 2 chữ thi cử cũng chỉ có một phản ứng là…”chạy mất dép”, nhưng khi mà đề thi đó lại có đề cập tới một lĩnh vực mà ai cũng thích thì ngay cả những game thủ không mấy bận tâm tới việc học cũng tỏ ra rất háo hức trong việc giải mã câu hỏi này.
Nói về cơn sốt không ngờ tới mà đề thi môn Lập trình hướng đối tượng tạo nên, đại diện của khoa Công nghệ Phần mềm thuộc trường Đại học nói trên cho biết: đây là đề thi được soạn thảo bởi nhóm giảng viên phụ trách bộ môn, một thầy giáo trong nhóm đã từng là “tín đồ” của tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ nên đã quyết định đưa trò chơi này vào đề thi. Vị đại diện này cũng phát biểu trên báo chí rằng:
“Chúng tôi muốn đưa tới cho sinh viên các vấn đề mang tính thực tiễn hơn trong cuộc sống. Và game đã là một vấn đề rất thực tế hiện nay rồi”.
Video đang HOT
Quả thực, nếu nhắc tới những môn học về Công nghệ thông tin mà không có một ví dụ thực tiễn nào thì những kỳ thi sẽ trở nên vô cùng khô khan và áp lực. Với việc lựa chọn đề tài về game – một đề tài không thể thực tiễn hơn mà lại vô cùng gần gũi với sinh viên, những giảng viên của Đại học CNTT đã thành công trong việc tạo nên sự hứng khởi cũng như động lực để học trò của mình hoàn thành bài thi cũng như nắm bắt kiến thức một cách bổ ích nhất mà vẫn tạo nên được không khí trẻ trung, vui vẻ trong giảng đường.
Giáo viên: Bản thân tôi cũng đã từng là game thủ… Ảnh minh họa
Một điều đáng lưu ý nữa là đội ngũ Giáo viên, Giảng viên của nhà trường cũng tỏ ra khá ủng hộ đề thi này cũng như có cái nhìn khá tích cực vềGame Online: “Bản thân tôi cũng đã từng có thời gian chơi Võ Lâm Truyền Kỳ” – Một thầy giáo khác của trường cũng thoải mái chia sẻ. Và chính điều này có lẽ sẽ phần nào mang lại những hiệu ứng tích cực khi mang đến cho cộng đồng những cái nhìn bớt khắt khe hơn về ngành game trong tương lai không xa…
Theo Game4V
Game Online Việt Từ kỷ nguyên hoàng kim tới thời đại suy tàn
Từ vị thế thống trị tuyệt đối trong làng game Việt, thể loại Game Online tại Việt Nam đang ngày càng lún sâu vào sự suy tàn bởi cả những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan...
Là em út trong một "gia tộc" chỉ toàn 1 lũ anh em trai với nhau, không quá khó hiểu khi tôi làm quen với Online từ rất sớm khi được những ông anh của mình dẫn dắt "vào đời". Đó là khi tôi mới bước vào lớp 5, cũng là lúc thị trường Game Online Việt đang dần được thai nghén và hình thành.
Đối với một thằng nhóc chưa đầy 10 tuổi như tôi ở thời điểm đó, khái niệm về thể loại game vẫn còn là một cái gì đó vô cùng xa lạ, và ngày ấy thì ở Việt Nam cũng chẳng có mấy tựa game Online để mà lựa chọn. Tôi dần quen với việc đi chơi ở những quán net cỏ chật trội và nóng nực vào mỗi ngày nghỉ cuối tuần, và sau đó là cả những buổi trốn học đi chơi game nữa.
Nhưng quanh đi quẩn lại, đám trẻ chúng tôi cũng chỉ biết tới "Háp lai", Đế chế, Đua xe hay mấy trò Flash Games khác, cho tới khi MU Online xuất hiện. Đó là tựa game Online đầu tiên mà tôi được trải nghiệm, nhưng cái tên mà tôi cảm thấy gắn bó và yêu mến hơn cả lại là Võ Lâm Truyền Kỳ.
Nhắc đến những Game Online hồi đó thì có lẽ tôi cũng không cần phải giới thiệu nhiều nữa, game xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chiếm phần nhiều, nhưng những trò chơi được mua về từ Hàn Quốc hay các nước khác cũng không hề hiếm. Cũng chẳng hiểu vì sao mà ngày đó, chẳng có 1 tựa game Online nào bị chỉ trích vì "hút máu".
Ngay cả như Võ Lâm Truyền Kỳ, dù mang tiếng thu phí giờ chơi nhưng thực tế cơ hội cho mỗi người chơi đều rất bình đẳng, tất cả đều phải bỏ công sức cày cuốc, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để đạt được mục tiêu mà mình đề ra. Ở đây tôi không đề cập đến một bộ phận thiểu số là những đại gia lắm tiền, nhiều của, có thể thoải mái vung tiền triệu để mua đồ khủng hoặc thuê người cày hộ.
Nhìn chung thì thời đó, những tính năng của game hãy còn đơn giản, người chơi chủ yếu là "try hard" và tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kể cả những game Casual có hệ thống nạp thẻ chi tiết như Audition hay Zingspeed, Boom Online thì có chăng cũng chỉ là sắm cho mình những bộ đồ thời trang, những con Pet đáng yêu để tô điểm cho vẻ bề ngoài mà thôi.
Giữa cái thời kỳ mà nhà nhà chơi game Online, người người chỉ biết tới Game Online, có ai ngờ đâu rằng chỉ vài năm nữa thôi, thị trường Game Online Việt đã trở nên hỗn tạp và thoái trào tới mức không ai ngờ tới. Từ những Webgame thế hệ đầu phần nào vẫn dành được thiện cảm từ cộng đồng như Võ Lâm Chi Mộng, Gunny hay Vua Pháp Thuật, các NPH bắt đầu "khủng bố" làng game bằng hàng loạt những Webgame mà cụm từ mô tả chính xác nhất về chúng chính là "game rác".
Những trò chơi này thật sự chẳng mang lại cho tôi một cảm giác hứng khởi nào, tôi cũng sẽ không châm biếm những người đã nạp hàng triệu đồng vào nó và nhận lại là việc game đóng cửa chỉ sau vài ba tháng hoặc một năm, nếu NPH nào tử tế thì họ sẽ đền bù một phần số tiền nạp, còn không thì xem như mất trắng. Chất lượng của chúng hầu hết chỉ ở mức trung bình, chẳng có tính năng nào nổi bật, người chơi thì chẳng phải làm gì vì hệ thống auto đã lo cho họ hết rồi.
Và quan trọng nhất là chỉ cần nạp tiền, bạn sẽ có tất cả. Ở thời của tôi, ngay cả những đại gia tiếng tăm trong làng Võ Lâm Việt cũng thường xuyên bị bắt gặp đang phải cày cuốc đến "mướt mồ hôi" trong một tiệm net hay quán cà phê để nâng cấp skill nhân vật, họ thừa sức để thuê người khác cày giúp, nhưng họ không muốn thế. Họ muốn tự mình trải nghiệm cảm giác chơi game miệt mài và nhận lại thành quả quý giá từ chính nỗ lực của bản thân.
Vài năm trở lại đây, chất lượng của thị trường game Online Việt không hề thay đổi, với tôi, đó thực sự là một nỗi thất vọng lớn. Những tựa game hay không còn được ra mắt, thay vào đó là những sản phẩm "vô bổ" nhưng lại sử dụng những chiêu trò quảng cáo lố bịch, phản cảm để câu khách, để rồi kết quả mang lại là gì? Game Online được xướng tên trên những phương tiện thông tin đại chúng như một loại tệ nạn xã hội cần bị xóa bỏ. Tuyệt vời!
Bản thân tôi thì nhận ra một điều rằng chính cộng đồng game thủ Việtcũng đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự thoái trào này. Game thủ Việt ngày nay không còn giữ được ngọn lửa đam mê của mình như trước, họ ham muốn chiến thắng đến mức biến trò chơi trở thành cuộc ganh đua với một thái độ đầy tiêu cực, nhưng trớ trêu thay, họ còn không cố gắng nỗ lực để đạt được tham vọng đó, mà chỉ đơn giản là nạp thật nhiều tiền vào game để tham vọng bước lên đỉnh cao của thế giới ảo. Đó là còn chưa kể đến việc dùng hack, cheat một cách vô tội vạ để thỏa mãn cho những vinh quang ảo tưởng của họ, bất chấp tới lợi ích chung của cả cộng đồng.
Chính vì vậy mà ở một vài khía cạnh, thật khó để đổ hoàn toàn trách nhiệm cho các NPH game, tuy nhiên thì trách nhiệm của họ cũng không hề nhỏ chút nào. Thật khó để tìm được một Vinagame thứ hai giữa những NPH Việt tên tuổi hiện nay, một Vinagame với những con người đầy nhiệt huyết, đam mê, táo báo và liều lĩnh, một NPH game non trẻ nhưng đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê cho không biết bao thế hệ game thủ và những người làm game Việt.
(Tôi không gọi họ là VNG, bởi lẽ chính NPH này giờ đây cũng đã không còn giữ được bản sắc của mình nữa rồi, trong tâm trí game thủ chúng tôi, chỉ có duy nhất một Vinagame của Võ Lâm Truyền Kỳ mà thôi)
Các NPH bây giờ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, những sản phẩm Webgame tuy có tuổi thọ ngắn nhưng tiền đầu tư cũng chỉ dừng ở con số khiêm tốn, trong khi lợi nhuận mà nó mang lại thì vô cùng hấp dẫn. Vậy là mặc cho những lời chỉ trích từ cộng đồng, những Webgame "tồn kho" xuất xứ từ Trung Quốc cứ thế được mở cửa tại Việt Nam với những lời quảng bá đao to búa lớn, để rồi lại ra đi không kèn không trống kéo theo biết bao của cải và vật chất của những người chơi đã trót đặt niềm tin vào nó.
Trong khi thế giới vẫn đang đắm chìm với những tựa game Online bom tấn, được đầu tư kỹ lưỡng cả về lối chơi và đồ họa, thì game thủ Việt vẫn chỉ biết loay hoay với vài tựa game "đồ họa 3D tân tiến" hầu hết vốn đã lỗi thời, hay ăn mày dĩ vãng với những cái tên từ thuở xưa cũ. Tôi tự hỏi rằng liệu các NPH game Việt có thực sự mưu cầu sự phát triển, hay chỉ đơn giản là tìm cách kiếm những đồng tiền lời lãi qua ngày? Ngay lúc này đây, tôi, và cả cộng đồng yêu game Online Việt Nam, đang rất muốn được chứng kiến lời hồi đáp, bằng một hành động thiết thực chứ không chỉ là những câu hứa suông, đến từ những NPH "tâm huyết" của làng game Việt...
Theo Game4V
Bộ truyện tranh Võ Lâm Truyền Kỳ tiếp tục lấy nước mắt cộng đồng game thủ Game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ đã từng rất ấn tượng với bộ truyện tranh một năm trước đây, nói về những hình ảnh quen thuộc của anh em bôn tẩu chốn giang hồn. Một lần nữa, cộng đồng Võ Lâm lại hào hứng đón nhận bộ truyện thứ 2. Võ Lâm Truyền Kỳ trải qua bao nhiêu năm tháng, vẫn giữ cho...