Vỡ đập tại Lào: Ít nhất 20 người chết, hơn 100 người mất tích
Ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 100 người mất tích do lũ lụt sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở đông nam Lào hôm 23/7, BBC dẫn nguồn tin địa phương cho biết.
Hơn 6.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. (Ảnh: Attapeu Today)
BBC dẫn lời giới chức tỉnh Attapeu, Lào cho biết, lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian và nước lũ để tìm kiếm những người sống sót cũng như hỗ trợ người dân trong vùng ảnh hưởng sơ tán.
Thống kê ban đầu cho thấy, hàng tỷ mét khối nước từ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ đã làm ngập 6 ngôi làng ở hạ lưu, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 100 người mất tích, đẩy hơn 6.000 người vào cảnh không nhà cửa.
Các video, hình ảnh được truyền thông địa phương đăng tải cho thấy, nhiều người dân trong vùng ảnh hưởng phải leo lên mái nhà để chờ cứu hộ sau khi nước ngập lên tận nóc.
Trực thăng tham gia cứu hộ. (Ảnh: Getty)
Lực lượng cứu hộ đã triển khai các trực thăng và thuyền để tham gia tìm kiếm và sơ tán người dân bị mắc kẹt trong vùng lũ. Giới chức địa phương cũng đề nghị các cơ quan chính phủ và cộng đồng chung tay để hỗ trợ người dân vùng lũ như hỗ trợ thực phẩm, nước uống, thuốc men và quần áo.
Một quan chức giấu tên của Lào cho biết với Reuters: “Chúng tôi tiếp tục nỗ lực cứu hộ vào hôm nay nhưng tình hình rất khó khăn. Hàng chục người đã thiệt mạng. Con số có thể cao hơn”.
Video đang HOT
Người dân trú tạm trên mái nhà, tránh lũ, chờ cứu hộ. (Ảnh: Reuters)
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân trong vùng lũ. (Ảnh: Reuters)
Tại một trung lánh nạn tạm thời. (Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)
Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy vỡ vào khoảng 20h ngày 23/7 do mưa lớn kéo dài khiến mực nước trong đập dâng cao. Đây là đập thủy điện vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019.
Trước khi xảy ra sự cố, ban quản lý dự án đã nhận thấy nguy cơ đập bị vỡ do sức nước quá lớn từ các trận mưa dài ngày. Họ đã cho xả bớt nước lũ từ một trong các đập chính tuy nhiên không có hiệu quả. Đến tối 23/7, đập bị hư hại nghiêm trọng hơn và kéo theo sự cố vỡ đập.
Theo Laos News Agency, trong số các công ty tham gia dự án trên có Công ty sản xuất điện Ratchaburi của Thái Lan, Công ty điện Korea Western của Hàn Quốc và tập đoàn Lao Holding State của Lào.
Trong thông cáo phát đi hôm qua, công ty Thái Lan Ratchaburi cho biết, đập phụ dùng để chuyển dòng nước sông đã bị hư hại sau mưa lớn đã tạo sức ép cho hồ chứa của đập chính. “Sự cố này là do mưa bão liên tục khiến lượng nước chảy vào hồ chứa của dự án tăng mạnh”, công ty Ratchaburi cho biết.
Trong khi đó, một trong các công ty Hàn Quốc, Công ty xây lắp kỹ thuật SK, cho biết đã cử một nhóm khắc phục sự cố tới Lào, đồng thời triển khai các máy bay từ Thái Lan tới hỗ trợ cứu hộ.
(Đồ họa: BBC)
Minh Phương
Theo Dantri
Vỡ đập thủy điện: Lào tuyên bố cứu hộ khó khăn, số người chết có thể tăng cao
Thông tin về vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, một quan chức cấp cao của chính phủ Lào cho biết, nỗ lực cứu hộ hôm nay vẫn tiếp tục nhưng trong điều kiện rất khó khăn khiến số người thiệt mạng có thể tăng thêm.
Tình hình cứu hộ vụ vỡ đập thủy điện ở Lào đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Reuters, các nhân viên cứu hộ hôm nay 25.7 đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót trong vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu dù điều kiện rất khó khăn do vùng bị ảnh hưởng là khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Một số người khác cố gắng lên thuyền gỗ để đến nơi an toàn hơn.Truyền thông địa phương đã đăng tải nhiều hình ảnh tại hiện trường cho thấy người dân ở các làng, bao gồm nhiều trẻ em mắc kẹt trên mái nhà xung quanh là biển nước mênh mông, mong ngóng được giải cứu.
Người dân trèo lên mái nhà chờ cứu hộ.
Thông tin về vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy với Reuters, một quan chức cao cấp của chính phủ Lào từ chối nêu tên vì không được phép phát ngôi với truyền thông cho biết, hàng chục người đã chết và hàng trăm người vẫn mất tích sau sự cố vỡ đập tối 23.7.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cứu hộ hôm nay nhưng rất khó khăn. Tình hình rất khó khăn. Hàng chục người đã chết. Con số này có thể cao hơn", vị quan chức cho biết qua điện thoại.
Attapeu là một tỉnh nông nghiệp, nằm ở cực nam của Lào chủ yếu giáp với Việt Nam ở phía đông và Campuchia ở phía nam. Con đập bị sập là một phần của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, do các công ty Lào, Thái Lan và Hàn Quốc hợp tác xây dựng.
Phát ngôn viên công ty cho biết chủ tịch Ahn Jae-hyun và nhiều quan chức đã lên đường tới Lào để đánh giá thiệt hại do lũ gây ra, đồng thời hợp tác với giới chức tỉnh Attapeu trong hoạt động cứu hộ. SK E&C sẽ kiểm tra liệu một trong những con đập bị vỡ hay dòng nước lũ chỉ tràn ra khỏi hồ chứa Xe Namnoy.SK Engineering and Construction (SK E&C), một trong các nhà đầu tư vào dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, hôm nay thành lập đội xử lý khủng hoảng để ứng phó với trận lũ sau sự cố vỡ đập đêm 23.7, Yonhap đưa tin.
"Khu vực này phải chịu lượng mưa lớn gấp ba lần bình thường. Dòng nước chảy nhanh xuống hạ lưu, nơi vốn đã ngập nước và gây ra nhiều thiệt hại hơn", đại diện SK E&C phát biểu.
Công ty Hàn Quốc cũng triển khai một số trực thăng từ Thái Lan để giải cứu những người còn đang mắc kẹt. Phần lớn người dân đã được sơ tán, trong khi nỗ lực cứu hộ tại khu vực chìm trong biển nước gặp nhiều khó khăn do vấn đề địa hình và liên lạc.
Theo Danviet
Người Việt nơi vỡ đập thuỷ điện Lào sống ra sao? Chiều 24/7, PV Báo Giao thông đã liên lạc được với người Việt vùng rốn lũ vụ vỡ đập thuỷ điện ở Lào. Người dân được di dời đến một nơi cao ráo. Trao đổi với Báo Giao thông, chị Đỗ Thị Dung (32 tuổi, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình; hiện đang làm ăn tại trú tại bản Mit Săm Phăn, huyện...