Vĩnh Phúc: Sáng kiến cấp tỉnh phải được thử nghiệm ở 9 đơn vị giáo dục
Từ năm 2023, Sở Giáo dục Vĩnh Phúc có một số điều chỉnh mới liên quan đến yêu cầu về sáng kiến cấp tỉnh thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 1942/SGDĐT-KTQLCLGD về việc đánh giá, công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2022.
Theo đó, đối với các sáng kiến lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu phải có tính mới, tính sáng tạo, tính ứng dụng và đảm bảo được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh;
Nội dung sáng kiến không sao chép kết quả nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân khác, phần trích dẫn phải có nguồn gốc rõ ràng, tác giả phải đảm bảo và chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung sáng kiến, trường hợp vi phạm thì tác giả sẽ bị xem xét hình thức kỷ luật theo quy định.
Ngoài ra, để đảm bảo cơ sở cho việc đánh giá sáng kiến cấp tỉnh năm 2022 đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh đã đề nghị các tác giả có sáng kiến cấp tỉnh năm 2022 thực hiện ký cam kết.
Chi tiết bản cam kết mà các tác giả có sáng kiến cấp tỉnh năm 2022 phải kí. Ảnh chụp màn hình
Bên cạnh đó, thông báo cũng nêu rõ một số điểm mới trong liên quan đến yêu cầu về sáng kiến cấp tỉnh thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo được áp dụng bắt đầu từ năm 2023. Cụ thể: sáng kiến phải được thử nghiệm tại 9 đơn vị giáo dục thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, mỗi huyện ít nhất 01 lần và được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận chất lượng bằng văn bản trước khi làm hồ sơ gửi Hội đồng cấp tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đề nghị các đơn vị trực thuộc, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quán triệt đến cán bộ quản lý, giáo viên thuộc thẩm quyền về yêu cầu đối với sáng kiến đăng ký cấp tỉnh.
Đồng thời, các đơn vị tiến hành tập hợp bản cam kết của các cán bộ quản lý, giáo viên thuộc thẩm quyền, gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo (qua phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục) chậm nhất vào ngày 14/10/2022.
Video đang HOT
Thay đổi hình thức thi chọn HSG khiến thầy trò bất ngờ, Sở GD Vĩnh Phúc nói gì?
"Việc thay đổi này là thiết thực, hiệu quả và thúc đẩy phong trào bồi dưỡng HSG ở các đơn vị, nâng cao chất lượng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐGNL".
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2022-2023, trong đó có điều chỉnh một số điểm mới so với năm học trước đó.
Đáng chú ý, đối với các kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10, 11, 12 chương trình trung học phổ thông sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, bao gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa; thi tự luận đối với môn Văn, Tin; hình thức kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan đối với môn Tiếng Anh.
Cả thầy và trò đều phải đổi hình thức ôn tập
Thông tin này đã khiến nhiều học sinh, giáo viên khá bất ngờ và có phần lo lắng vì từ trước tới nay các kỳ thi chọn học sinh giỏi của tỉnh đều thi theo hình thức tự luận.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi tại tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: "Tôi rất bất ngờ với quyết định mới của Sở Giáo dục và Đào tạo. Vì việc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh đã được nhà trường triển khai từ hè, bây giờ đổi sang hình thức thi trắc nghiệm lúc cách thời gian thi chỉ hơn 2 tháng nên cả thầy và trò đang phải làm quen lại từ đầu".
Thầy giáo này cho hay, với hình thức thi trắc nghiệm bắt buộc thí sinh phải ôn tập sâu, rộng và kĩ hơn rất nhiều so với thi tự luận. "Mặc dù biết nội dung thi sẽ nằm trong phạm vi chương trình học, tuy nhiên mức độ khó dễ từng phần ra sao đến nay chúng tôi vẫn chưa nắm được".
Khi phóng viên hỏi về thuận lợi của việc đổi sang hình thức thi trắc nghiệm, người thầy có nhiều năm kinh nghiệm ôn luyện thi học sinh giỏi nói: "Bây giờ thuận lợi chưa thấy gì, chỉ thấy khó khăn!".
"Học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi của trường tôi mới đổi hình thức ôn tập được hơn 1 tuần nay, hiện tại đã chuyển sang giai đoạn ôn luyện đề. Hiện cũng chưa biết cấu trúc đề thi học sinh giỏi tỉnh như thế nào mà tháng 12 thi rồi", thầy giáo này chia sẻ băn khoăn.
Thi chọn học sinh giỏi bằng hình thức trắc nghiệm không mới
Để có góc nhìn đa chiều, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc. Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Mừng - Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay:
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã căn cứ Điều 3, Thông tư số 22/VBHN-BGDĐT ngày 25/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Cụ thể: "Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tham khảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia để quy định cụ thể việc tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp cơ sở tại địa phương, đơn vị".
Ngoài ra, năm học 2022-2023, bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 trung học phổ thông trong đó việc đổi mới công tác thi, kiểm tra nhằm đánh giá được phẩm chất, năng lực của học sinh cần thực hiện đồng bộ và là một trong những yêu cầu cấp thiết.
Do đó, năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã điều chỉnh một số nội dung trong quy chế thi chọn học sinh giỏi tỉnh.
Thi chọn học sinh giỏi theo hình thức trắc nghiệm đã được nhiều tỉnh áp dụng (Ảnh minh họa: Doãn Nhàn)
Lý giải về việc sử dụng hình thức thi trắc nghiệm để lựa chọn học sinh giỏi tỉnh (đối với học sinh trung học phổ thông không chuyên), ông Mừng cho rằng với hình thức ra đề theo hướng trắc nghiệm sẽ đảm bảo bao quát kiến thức, tránh học tủ, việc chấm thi đảm bảo độ chính xác cao hơn;
Đồng thời, việc thay đổi theo hình thức trắc nghiệm phù hợp với đối tượng học sinh trung học phổ thông không chuyên. Hình thức thi này cũng phù hợp với hình thức kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập trên lớp của học sinh, gắn công tác bồi dưỡng học sinh giỏi với công tác ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học theo hình thức đánh giá năng lực của học sinh;
"Chúng tôi cho rằng việc thay đổi này là thiết thực, hiệu quả và thúc đẩy phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi ở các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đánh giá năng lực. Do đó, hình thức thi được cơ cấu theo hướng tương đồng với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học theo hình thức đánh giá năng lực;
Hình thức thi này cũng đồng thời giúp giảm áp lực đối với giáo viên, học sinh, tạo thuận lợi cho giáo viên trong công tác ôn tập theo hướng đồng bộ với hình thức thi tốt nghiệp, trong việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Đối với môn Tiếng Anh, việc kết hợp hình thức thi tự luận và trắc nghiệm khách quan nhằm đảm bảo đánh giá được các kỹ năng nghe, đọc, viết", ông Trịnh Văn Mừng cho hay.
Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc) cho biết thêm, thi chọn học sinh giỏi theo hình thức trắc nghiệm đã được nhiều tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả như Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình,...
Tuy nhiên, việc đổi mới hình thức thi ở thời điểm hiện tại trên thực tế cũng phần nào gây ra nhiều bỡ ngỡ cho các thầy cô giáo và học sinh. Trao đổi với phóng viên, ông Mừng cho biết:
"Để việc đổi mới công tác thi học sinh giỏi cấp tỉnh được thành công, Sở Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh lùi lịch kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 trung học phổ thông không chuyên 2 tuần so với năm học trước.
Đồng thời, Sở chỉ đạo các đơn vị phổ biến Quy chế, hướng dẫn thi học sinh giỏi đến toàn thể giáo viên, học sinh biết (đặc biệt là các điểm mới trong công tác tổ chức thi), yêu cầu các nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp với lịch thi, hình thức và chương trình thi theo hướng dẫn của Sở; tổ chức triển khai kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi để đảm bảo kiến thức, phương pháp làm bài cho học sinh thi đạt kết quả cao".
Ngoài điểm mới về hình thức thi chọn học sinh giỏi tỉnh đổi với khối trung học phổ thông không chuyên, năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực điều chỉnh đổi mới một số điểm ở kỳ thi chọn học sinh giỏi dự thi quốc gia.
Cụ thể, đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin sẽ được tổ chức thi 2 bài, khác với năm học trước chỉ thi 1 bài, các môn còn lại thi 1 bài.
Ông Trịnh Văn Mừng cho biết việc điều chỉnh để hình thức ra đề, tổ chức thi tương đồng với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (môn Khoa học tự nhiên thi 2 bài, môn Khoa học xã hội thi 1 bài).
"Điều này nhằm đảm bảo việc lựa chọn đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đảm bảo tính khách quan, chất lượng và hiệu quả", ông Trịnh Văn Mừng nói.
Vĩnh Phúc: 204 trường thiếu GV, hàng trăm trường cơ sở vật chất xuống cấp Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc: các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 9/2022, Sở Giáo dục Vĩnh Phúc đã thực hiện đánh giá ngoài và công nhận...