Vĩnh Phúc linh hoạt trong dạy và học chương trình sách giáo khoa mới
Cùng với cả nước, năm học 2022-2023 là năm thứ 3 ngành Giáo dục Vĩnh Phúc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên triển khai dạy và học sách giáo khoa mới ở các khối lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Giờ học Toán thông qua các trò chơi của học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên.
Qua gần 3 tháng thực hiện, thầy và trò tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, triển khai nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn để thực hiện hiệu quả chương trình đổi mới giáo dục.
Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên có 292 học sinh khối lớp 3. Để triển khai tốt sách giáo khoa mới ở lớp 3, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bố trí giáo viên tham gia tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo sách giáo khoa và các loại sách cần thiết khác cho giáo viên, học sinh. Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên chuyển từ dạy học chú trọng phát triển kiến thức kỹ năng sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng để giúp học sinh tiếp thu kiến thức.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Bảo cho biết: Năm nay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì môn Tiếng Anh và Tin học là 2 môn học bắt buộc, do đó nhà trường đã rà soát, đánh giá các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, trước mắt tập trung nguồn lực ưu tiên cho lớp 3, bố trí lại thời lượng các môn học, đảm bảo đúng chương trình.
Tại Trường Trung học Phổ thông Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, để đáp ứng tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán, giàu kinh nghiệm, các thầy cô có sự tự điều chỉnh phương pháp giảng dạy; xây dựng các nhóm môn học đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, ưu tiên bố trí các phòng học có máy chiếu, thiết bị hỗ trợ kết nối internet để giáo viên có thể linh hoạt triển khai nội dung chương trình các môn học.
Thầy giáo Trần Văn Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Liễn Sơn, huyện Lập Thạch cho biết: Năm học này, nhà trường có 10 lớp 10 với 400 học sinh. Ngay từ đầu năm học, nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn tăng cường nghiên cứu, thảo luận để nắm sâu nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và căn cứ vào những yêu cầu đổi mới để linh hoạt điều chỉnh phương pháp giảng dạy nhằm thực hiện hiệu quả chương trình. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, chủ động gần gũi các em để nắm bắt mức độ nhận thức của học sinh, từ đó kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ, động viên các em học tập…
Linh hoạt tổ chức dạy và học
Trong quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên chia sẻ, các bộ sách giáo khoa lớp 3,7,10 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ đẹp, rõ ràng. Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho học sinh. Các bộ sách đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phù hợp, cùng hướng tới mục đích cần đạt theo thông điệp của từng bộ sách. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như lượng kiến thức đưa vào các bài học còn nặng so với năng lực của học sinh.
Nhận xét về môn Tiếng Việt lớp 3, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Qua thực tiễn gần 3 tháng dạy hoc, giáo viên nhận xét môn Tiếng Việt lớp 3 đã được giảm tải ở một số nội dung, kiến thức được trình bày rõ ràng hơn, học sinh học dễ hiểu hơn, nhất là ở phần luyện từ và câu. Tuy nhiên, phần tập làm văn thì có nhiều phần kiến thức hơi quá sức với học sinh. Một số nội dung tập làm văn có lượng kiến thức nhiều gấp 3 lần so với chương trình cũ.
Video đang HOT
Có cùng nhận xét, cô giáo Phạm Thị Hồng Huế, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho rằng: Môn Ngữ Văn ở lớp 7 kiến thức hơi nặng so với chương trình sách giáo khoa cũ. Nhiều tác phẩm văn học ở lớp 8, lớp 9 trong chương trình sách giáo khu cũ được đưa xuống dạy ở lớp 7 trong chương trình sách giáo khoa mới, nên nhiều bài học sinh chưa tiếp thu được. Trong phần Tiếng Việt, trước có nội dung lý thuyết, nay trong chương trình mới không có mà để học sinh làm bài tập luôn, do đó nhiều em lúng túng trong việc hiểu để làm bài tập.
Tiết học Tiếng Việt với bài giảng trực quan, sinh động theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới của cô và trò Trường THCS Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên.
Cô giáo Phạm Thị Hồng Huế cho biết thêm: Để giúp học sinh nắm được kiến thức, nhà trường đã yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể, giúp các giáo viên nắm bắt được nội dung dạy của từng tiết, tránh bị động, bỡ ngỡ. Trong những tuần đầu năm học, giáo viên tập trung hướng dẫn học sinh cách tiếp cận với kiến thức trong sách giáo khoa mới. Ban Giám hiệu nắm bắt tình hình của học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để điều chỉnh bài giảng phù hợp với điều kiện dạy học, mức độ tiếp nhận của học sinh.
Qua kinh nghiệm giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 và 2, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Muốn học sinh tiếp thu và hiểu môn học, tôi chia thành nhóm, hướng dẫn và giao nhiệm vụ đọc bài trước ở nhà, soạn và trả lời những câu hỏi liên quan. Với hệ thống bài tập trong từng bài học, mỗi nhóm học sinh có thể được giao bài tập khác nhau, phù hợp với năng lực tiếp nhận và kỹ năng mà các em cần được rèn luyện. Chẳng hạn như nhóm học sinh giỏi sẽ làm bài tập ở mức độ vận dụng cao, học sinh trung bình sẽ hoàn thành những bài tập ở mức dễ hơn”.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở các khối lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022-2023 tại Vĩnh Phúc vẫn còn những khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm của các nhà trường, sự nhiệt huyết của mỗi cán bộ, giáo viên là những yếu tố tiên quyết để thực hiện hiệu quả chương trình đổi mới của ngành giáo dục, giúp học sinh nắm chắc kiến thức, đảm bảo hiệu quả trong dạy và học sách giáo khoa mới.
SGK mới: Các trường lựa chọn ra sao?
Bộ GDĐT đã chính thức công bố danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đây là thời điểm các địa phương bắt tay vào quy trình lựa chọn sách.
Năm học 2022-2023, cả nước tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 3, 7 và 10. Danh mục 3 bộ SGK đã chính thức được Bộ GDĐT công bố. Thời điểm này, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận SGK đối với các địa phương, các nhà trường và giáo viên là yêu cầu được đặt ra. Bởi thực tế, ở những năm trước, thời gian tiếp cận, lựa chọn SGK không nhiều khiến các địa phương, giáo viên lúng túng.
SGK lớp 3, 7, 10 có gì mới?
Đến thời điểm này, Bộ GDĐT đã triển khai thực hiện "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" sang năm học thứ hai, ở các lớp 1, 2 và lớp 6. Năm học 2022 - 2023, chương trình sẽ tiếp tục thực hiện ở lớp 3, 7 và 10.
Để chuẩn bị cho việc này, Bộ GDĐT đã phê duyệt danh mục SGK mới của các lớp 3, 7 và 10 và chuẩn bị tập huấn chương trình cho đội ngũ giáo viên.
Theo danh mục SGK được phê duyệt lần này, lớp 3 có 43 sách của 11 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 7 gồm 40 sách giáo khoa của 12 môn học và hoạt động giáo dục và lớp 10 gồm 44 SGK của 14 môn học và hoạt động giáo dục.
So với chương trình hiện hành, các nhà biên soạn SGK theo Chương trình GDPT mới đánh giá, nhiều môn học đã giảm bớt các nội dung khó, hàn lâm và thay đổi về cách tiếp cận.
Bàn về điểm mới của SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018; Tổng chủ biên, kiêm chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 3 - Bộ sách Cánh Diều cho hay: "Chúng tôi đều thống nhất phương châm "Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống".
Thực học thực nghiệp thể hiện ở mỗi môn một khác. Nhưng ở tất cả các sách bao giờ cũng đi từ thực tế, từ phân tích thực tế rút ra các bài học. Đem bài học vào thực tiễn".
Với tư cách là Chủ biên Chương trình GDPT mới môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, điểm mới của môn Ngữ Văn là thay đổi cách tiếp cận.
"Tôi thường nói với giáo viên, các thầy cô dạy gì cũng được nhưng học sinh đọc văn bản phải hiểu, phải viết được, diễn đạt trung thành ý nghĩ của cá nhân và người nghe hiểu được; văn phong trong sáng, rõ ràng, áp dụng được nhiều kiến thức vào cuộc sống. Theo tôi, đổi mới phải bám sát cuộc sống, vì đây là văn hóa phổ thông, không phải đào tạo ra nhà phê bình văn học hay nhà văn", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Đối với môn Toán, GS. TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên Chương trình GDPT mới môn Toán cho hay, từng bài học trong Toán lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của chương trình mới đã cụ thể hóa những nhu cầu cần đạt một cách rõ ràng, rành mạch và trong sáng về mặt sư phạm.
Ông Thái nêu, chẳng hạn trong mạch kiến thức thống kê ở THCS, đối với lớp 6, 7, 8 không có vẽ biểu đồ mà nội dung đó ở lớp 9. Nếu giáo viên bám sát, hiểu được, cụ thể hóa được những yêu cầu của môn Toán, giáo viên sẽ không bắt học sinh vẽ biểu đồ từ lớp 6.
Môn Toán lớp 12 cũng vậy, sẽ bỏ hết những phần kỹ thuật tính toán khó vì tích phân khi ứng dụng trong cuộc sống là những tích phân tính toán đơn giản.
"Nhìn chung, nội dung mang hướng giảm tải. Nhưng giảm tải phải được hiểu là bỏ những kiến thức hàn lâm, giữ lại những phần cần thiết cho học sinh trong cuộc sống, nền tảng cơ bản cho bậc học cao hơn, không cắt bỏ một cách cơ học, không đúng về mặt sư phạm", GS. TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Đẩy nhanh tiến độ tiếp cận SGK
Thời điểm này, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận SGK đối với các địa phương, các nhà trường và giáo viên là yêu cầu được đặt ra. Bởi thực tế, ở những năm trước, thời gian tiếp cận, lựa chọn SGK không nhiều khiến nhiều giáo viên lúng túng.
Trong thời gian triển khai chương trình mới nhiều nhà trường, giáo viên - những người trực tiếp triển khai thực hiện chương trình, SGK mới đã nêu nhiều ý kiến góp ý về vấn đề lựa chọn sách.
Theo ý kiến giáo viên, việc tôn trọng ý kiến của giáo viên trong lựa chọn SGK là vô cùng quan trọng.
Cô giáo Phan Hồng Hạnh, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, việc tôn trọng ý kiến của giáo viên trong lựa chọn SGK là vô cùng quan trọng.
Trên thực tế, đặc điểm của học sinh các vùng miền không giống nhau cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế của các địa phương cũng khác nhau.
Vì vậy, giáo viên là người nắm bắt rất rõ tâm lý của học sinh, đặc điểm năng lực của từng học sinh và cũng là người tiếp cận trực tiếp các bộ SGK. Đấy chính là kênh tham mưu rất tốt cho UBND cấp tỉnh, các Sở, ban ngành, thành phố để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Quan điểm về lựa chọn SGK, bà Hà Ngọc Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, không có bộ SGK nào bị giảm chất lượng do việc lựa chọn. Quan niệm về SGK cũng cần đôi chút thay đổi. SGK nên hiểu là tài liệu tham khảo để thầy cô dạy theo chương trình.
"Từ đó cho thấy các trường và thầy cô nếu có thể thì không nên lựa chọn một bộ SGK duy nhất mà có thể tham khảo, tận dụng song song nhiều bộ. Bởi chất lượng đến từ giáo dục chứ không phải là lựa chọn bộ sách nào", bà Thủy nói.
Giám sát việc thực hiện chương trình, SGK mới thời gian qua, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, việc lựa chọn SGK của các địa phương về cơ bản đúng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tuy nhiên vẫn có những nơi còn máy móc. Tức là chỉ chọn một bộ sách theo quan điểm xã hội hóa. Nhưng khi xác định SGK là tài liệu thì không nên coi chỉ chọn một bộ mà cần tôn trọng đăng ký từ các cơ sở giáo dục.
Về việc đưa chương trình vào thực hiện trong năm học này, bà Hoa chia sẻ với các địa phương cũng như các NXB vì chúng ta đã triển khai trong một bối cảnh phức tạp. Từ khâu biên soạn, thẩm định và lựa chọn đến việc tập huấn giáo viên, đưa SGK đến tay giáo viên và học sinh là một thách thức rất lớn khi chúng ta thực hiện yêu cầu về giãn cách.
"Qua nhiều ý kiến góp ý, chúng tôi cho rằng Bộ GDĐT nên rà soát và hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương trong quá trình chọn SGK lớp 3, 7, 10 tới đây cần hiểu một cách linh hoạt hướng dẫn của Bộ và trên nền tôn trọng ý kiến cơ sở", bà Hoa cho hay.
Quan tâm định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 Trường THCS Khai Quang, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã tích cực thực hiện công tác hướng nghiệp đáp ứng được nguyện vọng của học sinh và phụ huynh. Một hội nghị tư vấn tuyển sinh được tổ chức tại Trường THCS Khai Quang. Đa dạng hình thức Định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp học sinh hình thành lộ trình học tập...