Vinh danh 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc
Tối 18/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương lần thứ I, năm 2019.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết: Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương là giải thưởng do Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dành cho các giáo viên, giảng viên có quốc tịch Việt Nam, không quá 35 tuổi, đang công tác, giảng dạy trong các trường, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Năm 2019 là năm đầu tiên Trung ương Đoàn tổ chức xét chọn và tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương. 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu được lựa chọn từ 229 hồ sơ ứng viên do các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc giới thiệu, xét chọn. Trong đó, có 46 thầy giáo, 29 cô giáo; 9 nhà giáo trẻ người dân tộc thiểu số; 14 tiến sĩ, 26 thạc sĩ và 35 cử nhân.
Bên cạnh thành tích xuất sắc về chuyên môn, mỗi nhà giáo trẻ tiêu biểu đều có đạo đức và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục; có những sáng kiến nổi bật trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng phương pháp mới, mang lại hiệu quả tốt cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập. Đây cũng là những tấm gương đầy nghị lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, tiếp tục bám nghề và yêu nghề. Nhiều thầy, cô giáo được tuyên dương là đảng viên, cán bộ Đoàn, tổng phụ trách đội tích cực cống hiến cho công tác Đoàn – Đội và phong trào thanh thiếu nhi của các đơn vị.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Lê Quốc Phong trao Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho các nhà giáo trẻ tiêu biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chúc mừng những thành tích mà 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu đã đạt được. Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, phát triển giáo dục – đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá, 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu có mặt tại buổi lễ dù tuổi đời và tuổi nghề đều còn trẻ nhưng đều là những tấm gương sáng, hình ảnh đẹp trong đời sống, xã hội.
Video đang HOT
Nhấn mạnh những trách nhiệm to lớn của ngành giáo dục trong thời đại mới gắn với các mục tiêu phát triển của đất nước, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Trung ương Đoàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, cổ vũ, khuyến khích, biểu dương các thầy cô giáo trẻ tiêu biểu; lan tỏa các tấm gương để ngày càng có thêm nhiều người trẻ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục; hỗ trợ các giáo viên trẻ đang ngày đêm nỗ lực ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng mong muốn 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp, luôn giữ vững vai trò định hướng, dẫn dắt học sinh trở thành người chủ tương lai của nước nhà.
Trong khuôn khổ chương trình tuyên dương, trước đó, 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu đã tham gia cuộc giao lưu với sinh viên, thanh niên tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; dự lễ dâng hương tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiền Hạnh
Theo TTXVN
Dấu ấn đóng góp của những người thầy - chiến sĩ Công an
Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo CAND đã có sự phát triển, trưởng thành về nhiều mặt, góp phần quan trọng trong xây dựng, đào tạo lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đội ngũ nhà giáo CAND còn là lực lượng "trụ cột" trong nghiên cứu khoa học, đóng góp quan trọng trong tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận CAND, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND.
Để có được những thành quả đó, đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là những nhà giáo trẻ, đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trau dồi tri thức và kinh nghiệm. Họ miệt mài đổi mới, tìm sáng kiến trong giảng dạy, với mong muốn không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền được cảm hứng cho các thế hệ học viên CAND...
Bài 1: Trưởng thành từ các "sân chơi trí tuệ"
Nỗ lực chuẩn hóa trình độ và chức danh
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn đặc biệt quan tâm tới phát triển đội ngũ nhà giáo CAND. Bộ Công an đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản nhằm xác định rõ vai trò và tầm quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có Đề án thành phần số 5 "Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên" (thuộc Đề án 1129 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020"). Đề án đã xác định rõ mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các trường CAND đến năm 2020.
Cùng với đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA và Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 13/CT- BCA về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong CAND để cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đây là những văn bản quan trọng đánh dấu sự phát triển của công tác giáo dục đào tạo trong CAND thời kỳ đổi mới.
Theo đánh giá của Cục Đào tạo, Bộ Công an, Đề án thành phần số 5 đã mang lại một sức sống mới cho công tác phát triển đội ngũ nhà giáo CAND. Nhìn lại những thành quả của Đề án, Đại tá Trần Anh Hoài, Trưởng phòng Quản lý công tác dạy và học (Cục Đào tạo) chia sẻ: Đề án đã hỗ trợ các trường công an đào tạo cử nhân chất lượng cao, đào tạo tiếng Anh cho hàng ngàn cán bộ, giáo viên các trường CAND; hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các trường học tập, hoàn thành các văn bằng chứng chỉ; đồng thời, Đề án giúp mở nhiều lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị và nhiều lớp bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ Công an.
Ngoài việc học tập nâng cao trình độ, hàng trăm giáo viên được cử đi tham quan, học tập tại nước ngoài. Những giáo viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ còn được Đề án hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu khoa học. Những thành quả này góp phần giúp đội ngũ nhà giáo CAND sớm được chuẩn hóa trình độ và chức danh.
Chỉ tính riêng năm 2018, các trường CAND đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt cán bộ, giáo viên theo hướng chuyên sâu từng nội dung giảng dạy. Cục Đào tạo đã mở nhiều lớp bồi dưỡng chuyên đề có chất lượng, góp phần nâng cao kỹ năng quản lý, kiến thức về công tác giáo dục đào tạo cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Các trường CAND đã tổ chức trên 250 hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác giảng dạy, giáo dục đào tạo; trên 80 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về phương pháp giảng dạy, phương tiện hỗ trợ giảng dạy và trên 20 hội nghị, lớp tập huấn về những vấn đề mới trong thực tiễn và lí luận. Với sự hỗ trợ của Đề án, Cục Đào tạo đã tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Bộ và các trường CAND tiếp tục tổ chức công tác thực tế, đưa giáo viên luân chuyển về địa phương...
Theo Đại tá Trần Anh Hoài, việc tổ chức và triển khai Đề án thành phần số 5 đã giúp Bộ Công an và các trường CAND tập trung các nguồn lực thực hiện quy hoạch, tuyển chọn, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có cơ cấu hợp lý, đồng bộ theo quy mô, nhu cầu đào tạo của lực lượng CAND; góp phần xây dựng, kiện toàn cơ chế chính sách, đảm bảo cho các trường CAND phát triển vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng lực lượng CAND.
Giảng viên các trường CAND đang tích cực đổi mới phương pháp, lấy người học làm trung tâm.
Vượt khó qua từng bài giảng
Sự trưởng thành của đội ngũ nhà giáo CAND có được ngoài sự hỗ trợ của Đề án thành phần số 5, còn có sự đóng góp quan trọng từ những sáng kiến trong hoạt động giảng dạy đang được các trường CAND đẩy mạnh, phát triển sâu, rộng, tạo ra khí thể thi đua sôi nổi trong đội ngũ giảng viên CAND. Đồng thời, đây còn là môi trường nhiều thử thách để các thầy cô được phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo. Học viện ANND, cơ sở giáo dục hàng đầu trong hệ thống giáo dục CAND luôn đi đầu trong đổi mới và tìm sáng kiến trong giảng dạy.
Thiếu tá Lương Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Học viện ANND) cho hay, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện ANND đã nhận thức rõ tầm quan trọng của đổi mới và sáng kiến là bước đột phá để đổi mới giáo dục "căn bản và toàn diện", góp phần cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Học viện thường xuyên luân chuyển giáo viên trẻ về các đơn vị thực tế; tổ chức cho giáo viên tham gia tổng kết nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu tham khảo về thực tế nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nhà trường còn đa dạng hóa các hình thức giảng dạy, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.
Học viện ANND đã dành riêng một hội thảo cho việc "Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo". Không chỉ Học viện ANND, phong trào đổi mới trong giảng dạy còn lan tỏa trong nhiều trường. Trường Trung cấp CSND III còn tổ chức riêng một hội thi chỉ để nâng cao "tay nghề" của giáo viên trong thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử...
Một "sân chơi trí tuệ" đang phát triển mạnh mẽ trong các nhà trường CAND đó là hội thi giảng viên dạy giỏi. Năm học 2018 - 2019, có 10/16 trường tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường với hàng trăm lượt giáo viên đạt bài dạy giỏi. Sân chơi này còn có những đòi hỏi vô cùng "khắt khe" mà nếu vượt qua được, các thầy cô đều trưởng thành nhanh chóng.
Tại hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ năm 2019 do Bộ Công an tổ chức, nhiều thầy cô trong Ban giám khảo đã dành nhiều sự khen ngợi cho các thầy cô giáo CAND. (Ban giám khảo đều là những chuyên gia đầu ngành đến từ các trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh...). Có giám khảo còn cho chúng tôi biết, chưa bao giờ họ được tham gia một hội thi giáo viên dạy giỏi "thú vị và chất lượng" như vậy, đến mức mà nhiều bài giảng khi vừa kết thúc, cả hội trường đã đứng lên vỗ tay không ngớt.
Đây cũng là hội thi mà đội ngũ "thí sinh CAND" đã được trẻ hóa; tỉ lệ lãnh đạo cấp khoa, bộ môn đăng ký tham gia rất cao (theo Cục Đào tạo, đây là một điểm rất tiến bộ của hội thi, tránh tình trạng, giảng viên lên lãnh đạo rồi là thôi, không tham gia hội giảng, cho thấy sự năng động cầu thị của các giảng viên làm quản lý). Tuy nhiên, khâu đột phá của hội thi dạy giỏi cấp Bộ Công an năm nay là hồ sơ bài giảng đã được "số hóa" (trước đây, hồ sơ dự thi giảng viên dạy giỏi rất cồng kềnh; có trường Công an phía Nam đã phải chi phí vài chục triệu đồng để vận chuyển tủ hồ sơ cho giáo viên ra Bắc dự thi). Việc "số hóa" bài giảng đảm bảo hồ sơ gọn nhẹ, khoa học, dễ khai thác, dễ sử dụng, đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ 4.0.
Để có được một bài giảng trình diễn trước hội đồng, các giảng viên phải dày công chuẩn bị nhiều tháng trời và trải qua biết bao trăn trở. Đại úy, Tiến sĩ Vũ Việt Hà, giảng viên Bộ môn Pháp luật và Nghiệp vụ Công an (Học viện Chính trị CAND) -người vừa đạt giải nhì Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ 2019 lĩnh vực pháp luật, tâm sự với tôi rằng: "Để tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ, công tác chuẩn bị hồ sơ bài giảng phải được chuẩn bị từ 1 năm học trước đó, hồ sơ được chỉnh sửa và cập nhật mới qua mỗi hội đồng thi dạy giỏi các cấp, từ cấp Khoa, cấp Học viện. Mỗi giảng viên phải giảng đi giảng lại rất nhiều lần trước hội đồng các cấp để nghe ý kiến đóng góp cả về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, chúng em phải sử dụng nhuần nhuyễn các phương tiện giảng dạy hiện đại, có kết nối Internet phục vụ bài giảng...".
Từ "sân chơi nhiều thử thách" này, đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy cô giáo trẻ tiêu biểu dạy giỏi như: Cô giáo Nguyễn Quỳnh Anh (Trường ĐH ANND), cô giáo Trần Thị Trang (Học viện CSND), thầy Cao Ngọc Anh (Học viện ANND), thầy Nguyễn Trọng Nghĩa (ĐH CSND)... Những giảng viên trẻ dạy giỏi này đang góp phần xây dựng một hình ảnh người thầy CAND mới năng động, quyết liệt và dám dân thân đổi mới...
Thu Phương
Theo CAND
Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số: Tạo cú huých cho trường phổ thông dân tộc nội trú Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Trong những năm qua, hệ thống các trường PTDTNT đã có nhiều nỗ lực nâng...