Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018
GD&TĐ – Sáng nay (18/11) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bộ GD&ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức lễ dâng hương, trao Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT cho các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho nhà giáo tiêu biểu
Buổi lễ nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhân dịp đoàn cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu xuất sắc năm 2018 về Thủ đô tham dự các hoạt động của chương trình Tri ân, tôn vinh cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu của ngành Giáo dục năm 2018.
Các đại biểu và nhà giáo tiêu biểu dâng hương tại Văn miếu Quốc Tử Giám.
Đến dự hoạt động ý nghĩa này có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức, Tổng Biên tập báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm cùng 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc – những tấm gương tiêu biểu nhất năm 2018 trong vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà giáo, phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Hơn 70 năm qua, nền giáo dục cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, chăm lo; sự nghiệp giáo dục và đào tạo từng bước đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Trong đó, đội ngũ nhà giáo ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, sáng tạo, đổi mới, tâm huyết với nghề.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi lễ
Biết bao tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Buổi lễ dâng hương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám hôm nay thể hiện sự trân trọng ghi nhận, đồng thời tin tưởng và mong đợi các nhà giáo tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí vượt lên mọi khó khăn trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Video đang HOT
Quang cảnh lễ tri ân, tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2018 tại Văn miếu Quốc Tử Giám
Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các thầy cô giáo, nhà trường tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, lan tỏa những tấm gương sáng tới toàn ngành và xã hội; đồng thời quan tâm chú trọng ứng xử văn hóa trong trường học theo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” mà Thủ tướng đã phê duyệt, góp phần thực hiện thành công đổi mới GD&ĐT.
Xúc động thay mặt 183 nhà giáo được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, cô giáo Lê Thị Lợi – Giáo viên Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – chia sẻ: Tất cả giáo viên, trong đó có tôi, khi đứng trên bục giảng, trước những thế hệ học sinh thân yêu đều tâm niệm trách nhiệm và niềm tự hào về nghề mà mình đã chọn – nghề giáo.
Cô giáo Lê Thị Lợi – Giáo viên Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phát biểu
Bởi vậy, chúng tôi luôn luôn tận tâm, tìm tòi, nghiên cứu và đổi mới phương pháp, tiếp cận kiến thức mới, cố gắng hết mình để truyền thụ tri thức, quan tâm chăm lo, giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh phát triển toàn diện, để học sinh trở thành công dân tốt, đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước.
Niềm vui nhà giáo trong lễ tri ân.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các nhà giáo tiêu biểu
Tâm huyết, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, trong nhiều năm gắn bó với nghề, cô giáo Lê Thị Lợi đã phụ trách, bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi Toán quốc tế, quốc gia, học sinh giỏi cấp quận, thành phố… Các lớp do cô giảng dạy luôn đứng đầu toàn trường nhiều năm liền trong kì thi vào lớp 10 thành phố môn Toán; 100% HS lớp cô chủ nhiệm đỗ vào các trường công lập chất lượng cao với điểm xét tuyển rất cao; 80% học sinh đỗ vào các trường chuyên.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho nhà giáo tiêu biểu.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018.
Theo Giáo dục Thời đại
"Khi cánh cửa trường học mở ra, cánh cửa tù khép lại"
Mỗi em là hoàn cảnh, có em cha chết, mẹ bán vé số; có em mẹ làm nghề mại dâm, cha đi tù... nhưng thầy cô giáo vẫn kiên trì giành giật với đời từng học trò
Có một lớp học, em 9 tuổi học chung em 17 tuổi. Trong lớp, thường xuyên có cảnh em này giật tóc em kia, bạn sau lấy thướt chọt lưng bạn trước, khi bạn quay lại cự thì cười nham nhở...
Và mỗi em mỗi hoàn cảnh, có em cha chết, mẹ bán vé số, có em mẹ làm nghề mại dâm, cha đi tù... Hỗn độn, ồn ào nhưng cũng đầy nước mắt trong lớp học này vì thế đôi vợ chồng nhà giáo Võ Thị Bích Vân- Nguyễn Tất Hữu (58 tuổi) đã gắn bó hơn 22 năm mà chưa có ý định rời xa.
Cùng học cao đẳng sư phạm Quảng Nam nhưng đến năm thứ ba, cô nữ sinh Bích Vân mang thai nên phải tạm gác lại việc học. Anh chàng lãng tử ca hay, đàn giỏi Tất Hữu cũng nghỉ học để đi làm kiếm tiền chuẩn bị cho đứa con đầu lòng chào đời. Họ lấy nhau, lần lượt 3 đứa con ra đời, khó khăn chồng chất. Năm 1994, họ rời quê theo bạn bè vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Hai vợ chồng thuê nhà trọ tại phường 15 quận Tân Bình, TP HCM. Vợ bán rau muống ở chợ còn chồng đạp xe khắp nơi dạy kèm tiếng Anh để đắp đổi qua ngày.
Những năm này, dân nhập cư đổ về cư ngụ ở quận Tân Bình ngày càng đông, trong đó nhiều em một chữ bẻ đôi cũng không biết, giấy khai sinh không có. Trước tình hình này, Hội khuyến học phường 15 mở ra lớp học dành cho các em thuộc đối tượng khó khăn. Không có giáo viên dạy, cô Vân tình nguyện đứng lớp. Có em một buổi đi bán vé số, một buổi đến lớp. Có em đến lớp 1-2 ngày lại biến mất vì phải canh công an cho mẹ "đi khách"... Những lúc này, cô Vân lại lóc cóc đạp xe đến nhà trọ, ra đường tìm từng đứa học trò mang về lớp. Rồi lớp học đông dần, cô phải chia ra làm 2 và nhờ chồng phụ đứng lớp. Hiện nay, lớp có 27 em theo học 2 lớp: từ lớp 1 đến lớp 3 học vào buổi sáng do thầy Hữu dạy, từ lớp 4 đến lớp 5 học buổi chiều do cô Vân đảm trách.
Trong lớp ấy, mỗi em mặc đồng phục có logo của một trường, có em mặc quần ngắn, có em mặc quần dài, em mặc váy xanh, có em mặc quần jean... Sách vở cũng khác nhau, có sách trắng tinh cũng có sách ghi chi chít chữ vì tất cả đều là đồ người khác cho. "Cứ vào đầu năm học, chúng tôi lại đi vận động, ai có gì cho nấy. Rồi vợ chồng chịu khó soạn ra, thấy cái nào còn mới, lành lặn, hợp với đứa nào thì đưa mang về để mặc; sách vở cũng thế nên mỗi em mỗi kiểu, không em nào giống em nào"- thầy Hữu cho hay.
Hơn 22 năm âm thầm làm kiếp đưa đò, cô Vân, thầy Hữu không thể nào nhớ hết họ đã giúp cho bao hoàn cảnh, dạy dỗ cho bao em học sinh có cha mẹ thuộc thành phần bất hảo của xã hội. Đang trò chuyện, chúng tôi nghe một giọng vang lên: "Đ.M mày chơi ăn gian.." của hai em nhỏ đang ngồi chơi cờ. Cô Vân bỏ dở cuộc trò chuyện bước ra nói với các em: "Các con không được chửi thề, như thế là xấu. Cô nghe lần nữa sẽ phạt" rồi cô phân bua: "Chúng tôi thường xuyên nghe những câu này. Em ấy cha mẹ chết, mỗi ngày phải ra chợ phụ bán cá với bà ngoại nên nói năng có phần lỗ mãn. Đa số các em đều thiếu tình thương nên phải nhẹ nhàng. Nói thế nhưng đôi khi tôi cũng phải dùng biện pháp mạnh mới răn đe nổi".
Cô Vân kể trong suốt khoảng thời gian đứng lớp, cô nhớ nhất hoàn cảnh của hai chị em ruột Đ.N.M, Đ.T.P có cha mất, mẹ làm nghề "tú bà". Anh của hai em cũng chết vì AIDS còn chị theo chân mẹ làm gái bán hoa.
Khi cô Vân tìm đến gặp mẹ hai em, bà nhiều lần lẩn tránh và quyết không cho con đi học. "Nhưng rồi kiên trì mãi tôi cũng gặp được mẹ của M. và N. Tôi hỏi: Chị làm nghề này có sợ công an bắt không? Nếu chị sợ thì đừng bắt con mình sống như mình. Hai đứa con đầu đã lỡ rồi, 2 đứa nhỏ như 2 tờ giấy trắng. Xin chị giao 2 đứa nhỏ cho tôi để tôi dạy dỗ các cháu"- cô Vân nhớ lại.
Không ngờ câu nói từ tận đáy lòng ấy đã chạm đến tình mẫu tử của một người mẹ gian hồ, bà hứa cho con đi học và không bắt con theo nghề mình. Nay M. đang làm công nhân, đã lấy chồng sinh con còn em trai cũng mở được tiệm sửa xe.
Có một lần, lớp cô đón 5 mẹ con rách rưới, đen nhẻm từ Campuchia trở về. Cha chết trong nạn Pôn Pốt, người mẹ không có nghề nghiệp, các con không có giấy khai sinh, không nói được cả tiếng Việt. Vợ chồng cô Vân, thầy Hữu nhận 4 đứa trẻ vào, dạy chữ, dạy cả sinh hoạt, văn hóa Việt Nam. Và 4 đứa trẻ ngày ấy nay đã thành tài, có người là giáo viên, có người là công an xã, người làm kế toán và một người làm nhân viên bảo trì.
Từ lớp học nghèo nàn, chấp vá này, rất nhiều em đã vào được cao đẳng, đại học. Như em N.C.T, mẹ chết vì bệnh AIDS, cha em cũng tự tử khi biết mang trong người căn bệnh thế kỷ, em sống cùng bà ngoại rất nghèo. May mắn, T. không có virus HIV trong người. Học xong chương trình tiểu học, vợ chồng cô Vân, thầy Hữu đã vận động các mạnh thường quân tiếp sức đóng học phí, mua sách vở để em tiếp tục đến trường. Nay T. đã vào đại học bằng chính tình yêu thương vô bờ bến của thầy cô mình.
"Ngày 20-11, nhiều em gọi điện thoại về cho vợ chồng tôi chúc mừng, thông báo tình hình việc làm, đời sống. Chỉ cần nghe thế, vợ chồng ngồi cười cùng nhau rồi lặng lẽ khóc khi chúng tôi giành giật với đời thành công từng đứa học trò. Khi cánh cửa trường học mở ra, cánh cửa tù khép lại"- thầy Hữu tâm sự.
Vào ngày Tết Trung Thu, Tết thiếu nhi, nhiều em đã trở về để cùng thầy cô tổ chức chương trình vui chơi, tặng quà cho các em đang học. Rồi có em được địa phương cho xe đạp mới đã mang chiếc xe đạp cũ đến tặng lại lớp học để cho các em nhỏ hơn có phương tiện đến trường. Tình yêu thương, vòng tay của thầy cô cứ thế nối ra, lớn ra, lan rộng.
Theo Người lao động
Cô giáo trẻ nấu cơm cho hàng trăm trò nghèo Ngoài giờ lên lớp, cô Dung tranh thủ vận động thêm người dân trong xã mỗi người một ít để tổ chức bữa ăn. Từ lâu, cô Dung đã trở thành người mẹ thứ 2 của những học sinh nghèo Ngày đầu đứng trên bục giảng cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung đã rớt nước mắt khi chứng kiến những đứa trẻ người...