Viettel mua lại Kakao Talk của Hàn Quốc: Liệu có khả thi?
Đầu năm mới, bên cạnh tin mừng về doanh thu khủng của game Việt Flappy Bird,Viettel đang gây xôn xao giới công nghệ nước nhà khi cho biết đang có ý định mua lại Kakao Talk.
Kakao Talk đang thống trị thị trường Hàn Quốc.
Theo Viettel, công ty này đang muốn hợp tác hoặc mua lại các dịch vụ OTT, trong đó tiêu điểm là Kakao Talk. Hiện hai bên đang đàm phán và có hai phương thức đang được cân nhắc. Một là Viettel sẽ mua lại toàn bộ KakaoTalk, hai là hai bên sẽ thành lập liên doanh để khai thác thị trường Việt Nam.
Từ trước tới nay, các nhà mạng vẫn coi các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí nền OTT là nguyên nhân gây sụt giảm doanh thu của họ. Có nhà mạng cho biết họ mất hàng nghìn tỷ đồng vì OTT mỗi năm. Đợt tăng giá cước 3G đầu tháng 10 năm trước cũng được nhiều người đánh giá là do một phần lớn vì sự sụt giảm do OTT mang lại. Tuy nhiên gần đây có vẻ các nhà mạng và các ứng dụng OTT đang gần gũi nhau hơn để tìm tiếng nói chung.
Các ứng dụng OTT giúp người dùng có thể thực hiện nhắn tin, gọi điện thoại, gọi điện video cho người thân, bạn bè mà không mất tiền, chỉ phải trả tiền cước 3G hoặc internet wifi. Mức giá thuê bao gói cước 3G không giới hạn dung lượng là 70.000 đồng/tháng hoặc giá cước internet thấp nhất vào khoảng 120.000 đồng/tháng. Vì thế nhiều người dùng đã so sánh với giá cước cuộc gọi và tin nhắn của nhà mạng để nhảy qua sử dụng OTT làm phương tiện liên lạc chính.
Thị trường Việt Nam là một sàn đấu sôi động của các công ty OTT. Sau cuộc đại chiến đầu năm trước, nay ngôi thứ tại thị trường đã phân rõ ràng. Viber đứng đầu với 8 triệu người dùng tại Việt Nam, Zalo xếp sau với 7 triệu, LINE đứng thứ 3 với 4 triệu, Kakao Talk công bố đạt 1 triệu người dùng từ đầu năm 2013 và hiện chưa có cập nhật gì thêm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, số lượng người dùng của các ứng dụng ở Việt Nam có thể chỉ là lượng tải về, số lượng người sử dụng thực hàng tháng đáng ra phải thấp hơn. Ngoài OTT, một số ứng dụng smartphone được sử dụng nhiều vào việc nhắn tin và gọi điện miễn phí như Skype, Facebook Messenger, Yahoo Messenger cũng có lượng người dùng đông đảo.
Kakao Talk đang được đánh giá là công ty yếu nhất tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này lại rất thành công ở quê hương Hàn Quốc. Kakao Talk chiếm khoảng 93% lượng người dùng smartphone ở Hàn Quốc, theo Nielsen. Cuối tháng 12/2013, công ty này dự đoán họ đạt khoảng 200 triệu USD doanh thu, so với con số 42 triệu USD của năm trước.
Video đang HOT
Mạnh mẽ ở Hàn Quốc như vậy, nhưng Kakao Talk lại khó khăn trong việc mở rộng thị trường, khi các nước lân cận cũng có nhiều đối thủ trấn giữ. Tại Nhật Bản là LINE và tại Trung Quốc là WeChat. Mong muốn mở rộng thị trường ra các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Phillipines dường như không đạt được kỳ vọng của hãng.
Trở lại câu chuyện Viettel muốn “mua đứt” Kakao Talk, một chuyên gia công nghệ nhận định đây là điều bất khả thi.
Thứ nhất, lượng tiền của Viettel có thể không đủ để mua Kakao Talk. Vào tháng 10 năm trước, từng có tin đồn KakaoTalk có kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và công ty được định giá vào khoảng 5 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó KakaoTalk phủ nhận tin này. Một số công ty phân tích định giá KakaoTalk vào khoảng 1,5 tỷ đến 2 tỷ USD.
Viettel rất mạnh ở thị trường Việt Nam, nhưng như thế là chưa đủ để mua đứt Kakao Talk.
Doanh thu của Viettel năm 2013 đạt 162,886 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 26.413 tỷ đồng. Như vậy, nếu mua trọn Kakao Talk thì Viettel sẽ phải bỏ ra nguyên một năm lợi nhuận sau thuế của mình, một con số không tưởng. Hơn nữa, Tập đoàn viễn thông Quân đội còn rất nhiều hạng mục đầu tư, riêng việc đầu tư vào Viettel Global (công ty phụ trách các dự án nước ngoài của Viettel) đã “ngốn” của Viettel 12.100 tỷ đồng.
Thứ hai, Viettel khó lòng mua trọn Kakao Talk. Kakao Talk là một doanh nghiệp không lớn ở thị trường Hàn Quốc nhưng hiện hãng đang thống trị thị trường nước này ở mảng ứng dụng nhắn tin, gọi điện. Vì thế việc mua lại KakaoTalk có thể gặp khó khăn từ sự ngăn trở của chính phủ Hàn Quốc. Hơn nữa, một cuộc mua bán công ty toàn cầu thường mất từ 1 – 2 năm làm thủ tục. Và với sự phá triển như vũ bão của thị trường, 1 năm là quá dài và có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Theo vị chuyên gia trên, rất có thể Viettel chỉ muốn mua lại bộ máy vận hành của Kakao Talk ở Việt Nam, sau đó sẽ triển khai kinh doanh ứng dụng này tại thị trường nước ta. Nếu như vậy, giá trị của thương vụ cũng nhỏ hơn nhiều và nằm trong khả năng của Viettel. Với KakaoTalk, việc bán lại cho Viettel mảng kinh doanh ở Việt Nam để khai thác tốt thị trường Hàn Quốc và tập trung vào các thị trường dễ thở hơn là một lối thoát tốt.
Theo PLXH
Nóng bỏng vì cuộc chiến ứng dụng OTT
Các ứng dụng OTT trên di động cung cấp nhiều tính năng tiện ích nhưng cũng đang tạo ra cuộc cạnh tranh nóng bỏng tại thị trường Việt Nam.
Thị trường nhắn tin, gọi điện miễn phí do dịch vụ OTT (dịch vụ nội dung trên nền mạng viễn thông) đang chứng kiến cuộc đua quyết liệt với sự tham gia của hàng chục sản phẩm quốc tế như Line, Kakao Talk, Viber, WhatsApp... hay do các công ty Việt Nam phát triển như Zalo, Wala.
Các ứng dụng OTT giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí đang hấp dẫn người dùng Việt Nam.Nhà mạng tuyên chiến hay hợp tác?
Với những tính năng như nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí, các ứng dụng OTT trên di động gần đây đã bị các nhà mạng trong nước liệt vào hàng đối thủ vì có nguy cơ ăn mòn lợi nhuận từ các dịch vụ của nhà mạng. Trong các hội thảo về dịch vụ OTT gần đây, hầu hết nhà mạng đều cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cần đưa ra những chính sách hợp lý để tránh thiệt hại cho nhà mạng và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra từ phía doanh nghiệp (DN) như tăng giá cước 3G, tự làm các dịch vụ OTT hay đầu tư và phát triển các dịch vụ tương tự... Thậm chí có ý kiến cho rằng các nhà mạng nên bắt tay với DN nội dung số đưa ra các gói cước mới, ăn chia doanh thu với những DN nội dung số, kiểm soát dịch vụ OTT thông qua các biện pháp kỹ thuật... Các nhà mạng phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể tránh dẫn tới cạnh tranh quá mức, phá giá.
Có thể thấy nguyên nhân khiến người dùng đổ xô sử dụng OTT là do các ứng dụng, dịch vụ của nhà mạng Việt Nam hiện nay rất nghèo nàn, chất lượng thấp. Theo một khảo sát vừa được công bố mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen tại Việt Nam, khảo sát người dùng trong năm 2012 về tốc độ và chất lượng dịch vụ 3G của các nhà mạng thì chỉ hơn 55% người dùng cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền, thấp hơn so với 64% của năm 2011; 26% người dùng không hài lòng và 19% rất không hài lòng.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT-TT, cho rằng các nhà mạng cần đoàn kết, thống nhất trong phương pháp xử lý chung, vừa bảo vệ lợi ích của chính mình vừa bảo vệ người tiêu dùng. Các nhà mạng nên chủ động ngồi lại và đàm phán với các công ty sở hữu dịch vụ OTT cả trong nước và nước ngoài...
Đại diện Viber tại Việt Nam cho hay đúng là khi một người dùng gửi tin nhắn hay gọi điện, nhà mạng sẽ thu được nhiều tiền hơn so với tiền cước dữ liệu sử dụng qua ứng dụng OTT. Tuy nhiên, khi số lượng người dùng ngày càng đông, đồng nghĩa với lưu lượng sử dụng dữ liệu tăng lên. Từ đó các nhà mạng có thể đưa ra các gói cước phù hợp, do vậy tiền thu được hoàn toàn thuộc về phía nhà mạng.
Hiện tại Viber, Line, Zalo đều cho biết mong muốn có sự hợp tác tốt với tất cả các nhà mạng tại Việt Nam để người dùng được sử dụng dịch vụ dễ dàng với chất lượng tốt nhất.
Bối rối chọn ứng dụng OTT
Tuy nhiên, có quá nhiều ứng dụng OTT đã gây bối rối cho người dùng chọn lựa. Chẳng hạn, muốn kết nối với nhau qua OTT từ các smartphone thì người dùng phải dùng cùng một ứng dụng. Theo ý kiến đánh giá từ nhiều người dùng, các ứng dụng trong nước như Wala, Zalo gần đây trở nên thu hút do các ứng dụng thuần Việt phù hợp với người Việt. Tính từ đầu năm đến nay, lượng người dùng ứng dụng Zalo tăng vọt một cách nhanh chóng với mức tăng trưởng 700%.
Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VNG - đơn vị phát triển ứng dụng Zalo, cho biết Zalo cho hay ứng dụng này được định hướng thiết kế phù hợp nhất với môi trường Việt Nam, đội ngũ kĩ thuật cũng như bộ phận theo dõi vận hành của Zalo đều là người Việt nên có thể lắng nghe phản hồi người dùng để cải thiện sản phẩm một cách nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu người dùng.
Theo Thongtincongnghe
Nhà mạng trước "mối nguy" nhắn tin, gọi điện miễn phí Zalo, Viber, Wala, Line, WhatsApp, KakaoTalk..., những ứng dụng OTT (Over The Top) cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí đang nở rộ như nấm sau mưa tại Việt Nam, tỷ lệ thuận với số người dùng smartphone càng ngày càng lớn. Sự bùng nổ của các ứng dụng OTT như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng đang là một...