Việt – Trung nhất trí củng cố quan hệ chiến lược toàn diện
Sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí về mục đích, ý nghĩa và kết quả của chuyến thăm này.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phan Lê
- Đề nghị Bộ trưởng cho biết mục đích của chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?
- Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 19 đến 21/6/2013.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, nhân dân hai nước có truyền thống giao lưu hữu nghị lâu đời, văn hóa có nhiều nét tương đồng. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục được duy trì và có bước phát triển mới, Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì trao đổi tiếp xúc thường xuyên; hợp tác cùng có lợi tiếp tục có những tiến triển thực chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hoá, thể thao, giáo dục đào tạo…; cơ chế hợp tác giữa hai bên không ngừng hoàn thiện, hợp tác, giao lưu giữa các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể quần chúng tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc sau khi Trung Quốc có Ban lãnh đạo mới. Mục đích chính của chuyến thăm nhằm khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và nhằm tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Chuyến thăm cũng là dịp để Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc thống nhất nhận thức chung về định hướng phát triển của quan hệ hai nước, thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Đây cũng là dịp Lãnh đạo hai nước trao đổi thẳng thắn về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề trên biển.
- Các hoạt động và kết quả nổi bật của chuyến thăm là gì?
- Trong thời gian ngắn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao ta đã có nhiều hoạt động với nội dung phong phú, đa dạng trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp gỡ, nói chuyện với đại diện cố vấn, chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến hoặc từng công tác tại Việt Nam cũng như đại diện thế hệ trẻ Trung Quốc; thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và cộng đồng người Việt tại Bắc Kinh; tham quan Trung tâm quy hoạch đô thị Thủ đô Bắc Kinh…. Ngoài Bắc Kinh, Chủ tịch nước đã thăm tỉnh Quảng Đông, tiếp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, thăm Trụ sở Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và viếng mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái….
Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm là việc Chủ tịch nước và các nhà Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã trao đổi và đạt nhất trí cao về tầm quan trọng của việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Hai bên đã cùng nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt – Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt – Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước; khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt – Trung. Hai bên đã trao đổi những phương hướng lớn nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng bất đồng, nhất là trong vấn đề trên biển. Các cuộc tiếp xúc rộng rãi của Chủ tịch nước với nhiều thành phần nhân dân Trung Quốc ở các địa phương đã diễn ra trong không khí thân tình, hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy.
Video đang HOT
Hai là, nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng. Hai bên đã ra Tuyên bố chung, ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có những văn kiện vừa định hướng cho tương lai quan hệ hai nước, vừa đề ra các bước phát triển hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực để thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu hơn nữa như Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Có những văn kiện sẽ góp phần củng cố khu vực biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển như Thỏa thuận hợp tác biên phòng (sửa đổi) và Điều lệ Công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu. Hai bên cũng đã đạt nhiều thỏa thuận cụ thể về việc triển khai hợp tác văn hóa, du lịch giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Có thể nói, các thỏa thuận này vừa thể hiện quyết tâm và thiện chí của hai bên trong việc tăng cường tin cậy, mở rộng hợp tác, vừa đáp ứng nhu cầu hợp tác ngày càng rộng mở trong quá trình phát triển của quan hệ hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn nữa nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Ba là, hai bên đã trao đổi biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Hai bên đã nhất trí đề ra các biện pháp hữu hiệu, quyết liệt nhằm giảm dần nhập siêu của Việt Nam, tiến tới cân bằng thương mại. Hai bên phấn đấu thực hiện trước thời hạn đưa kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2015. Việc hai bên ký Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu, một mặt cũng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, nhất là nông-thủy sản sang thị trường Trung Quốc, mặt khác góp phần lành mạnh hóa việc nhập khẩu các mặt hàng gia cầm, gia súc từ Trung Quốc vào Việt Nam, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả nguy cơ lây lan bệnh dịch từ gia súc gia cầm nhập khẩu. Hai bên cũng nhất trí sẽ thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư lớn, góp phần thúc đẩy tăng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam,
Bốn là, với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, hai bên cũng đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Nhân dịp chuyến thăm, hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về việc xây dựng Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia. Đồng thời, hai bên cũng nhất trí tổ chức Liên hoan Thanh niên Việt – Trung lần thứ 2, Diễn đàn nhân dân Việt – Trung vào nửa cuối năm nay tại Trung Quốc
- Những vấn đề mà dư luận trong và ngoài nước quan tâm như tranh chấp trên biển, vấn đề nghề cá được hai bên đề cập và trao đổi như thế nào?
- Trong các cuộc gặp và hội đàm với Lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều nhấn mạnh, việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc trao đổi, giải quyết thỏa đáng tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, và tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai nước.
Qua trao đổi thẳng thắn, hai bên nhất trí, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước cần duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề này; kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời phối hợp quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh. Hai bên khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Đây là văn bản hết sức quan trọng được 2 nước ký tháng 10 năm 2011 với nội dung đề cập một cách toàn diện những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết tranh chấp trên biển như tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi Luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Căn cứ theo nội dung Thỏa thuận này, hai bên nhất trí gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt – Trung. Hai bên đã đặt ra một số mục tiêu thực hiện ngay trong năm nay như khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để phục vụ nhiệm vụ phân định và hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, thực hiện một đến hai dự án hợp tác và Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.
Đối với vùng biển đã phân định trong Vịnh Bắc Bộ, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuần tra chung định kỳ giữa hải quân hai nước, đồng thời trao đổi triển khai các hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí. Nhân dịp chuyến thăm của Chủ tịch nước, trên cơ sở kết quả hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai bên trong Vịnh Bắc Bộ, hai bên đã ký “Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ” nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ.
Vấn đề nghề cá cũng là một nội dung được hai bên quan tâm và trao đổi sâu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan đến đời sống rất nhiều ngư dân, đề nghị có biện pháp xử lý thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng, an toàn cho ngư dân. Qua trao đổi, hai bên thống nhất nhận thức về tính cần thiết của việc phối hợp xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá, triển khai các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ thiết thực các hoạt động nghề cá, đối xử nhân đạo với ngư dân phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước cũng như với luật pháp và thông lệ quốc tế. Một trong những kết quả cụ thể là việc hai bên đã ký Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc đột xuất liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển. Cùng với đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng, đây là những biện pháp cụ thể để cơ quan chức năng hai bên liên hệ, trao đổi để phối hợp xử lý khi có vấn đề nảy sinh. Hai bên cũng có thể sử dụng cơ chế đường dây nóng này để phối hợp hỗ trợ, cứu hộ cho các hoạt động nghề cá khi cần thiết, phục vụ cho các hoạt động nghề cá, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Có thể nói, vấn đề trên biển đã được hai bên trao đổi ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, cố gắng xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, không để những bất đồng này cản trở các mặt hợp tác giữa hai nước cũng như ảnh hưởng đến tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước.
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm trong bối cảnh hiện nay?
- Đại hội XI của Đảng ta khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đại hội cũng đề ra mục tiêu và chiến lược phát triển của đất nước đến năm 2020. Trong hơn 2 năm qua, chúng ta đã tích cực triển khai đường lối đối ngoại đó, đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng trong thời gian qua, tình hình quốc tế, khu vực có những diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp. Cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau và đang tác động sâu sắc, nhiều chiều tới công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Trương Tấn Sang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định chủ trương tăng cường quan hệ hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác lớn trên thế giới, khẳng định mong muốn của Việt Nam góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Chuyến thăm đã thực sự là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, định hướng cho tương lai hợp tác hữu nghị và rộng mở giữa Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực. Điều quan trọng là việc triển khai tích cực và hiệu quả các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này. Trên thực tế, ngay trong khuôn khổ chuyến thăm, các Bộ, ngành (như Ngoại giao, Công an, Công thương, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải, Văn hóa…) đã có các cuộc gặp riêng với đối tác Trung Quốc để thảo luận cụ thể về các bước triển khai tiếp theo.
Theo VNE
Vòng kim cô" bao quanh Trung Quốc thêm chặt
Ấn Độ và Australia sẽ thực hiện một loạt "sáng kiến hợp tác quốc phòng" để củng cố thêm nữa "mối quan hệ đối tác chiến lược" song phương. Những hoạt động đó bao gồm từ việc tăng cường các hoạt động trao đổi quân sự, đối thoại quốc phòng thường xuyên đến an ninh hàng hải và tập trận chiến đấu chung giữa lực lượng hải quân hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Ấn Độ (bên trái) và Australia trong cuộc gặp mới đây.
Quyết định trên được đưa ra trong các cuộc hội đàm toàn diện giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A K Antony với người đồng cấp Australia Stephen Smith ở Perth và Canberra trong hai ngày 4 và 5/6. "Hai bộ trưởng đã công nhận mối quan hệ hợp tác quốc phòng và chiến lược song phương giữa Australia và Ấn Độ ngày càng thêm sâu sắc. Hai nhà lãnh đạo quân sự cũng nhất trí sẽ tiếp tục đóng góp cho hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như tăng cường hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương (IOR)," một quan chức Ấn Độ cho biết.
Mặc dù cả Ấn Độ và Australia đều lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và đẩy mạnh các hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương nhưng hai bộ trưởng Antony và Smith cho biết, họ phản đối bất kỳ cấu trúc hay trục chiến lược đa phương nào ở Châu Á-Thái Bình Dương có thể được xem là một động thái "kiềm chế" Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ hung hăng, hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông, Ấn Độ và Australia nhấn mạnh, "an ninh hàng hải và tự do hàng hải theo các quy định của luật pháp quốc tế là yếu tố quan trọng có tính sống còn đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương".
Trong một tuyên bố chung được phát đi sau các cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng Antony và Smith, hai nước Ấn Độ và Australia đã nhất trí tiếp tục tiến hành "các cuộc đối thoại song phương cấp bộ trưởng định kỳ" đồng thời tăng cường trao đổi giữa giới tướng lĩnh và lực lượng vũ trang hai nước thông qua những cơ chế như Đối thoại Chính sách Quốc phòng, Đối thoại Lực lượng Vũ trang hay các cuộc trao đổi quân sự chuyên nghiệp.
Ấn Độ và Australia cũng đồng ý tiếp tục "tiến hành các cuộc trao đổi hải quân song phương hiện nay để tạo dựng niềm tin và mối quan hệ thân thiết giữa hải quân hai nước", trong đó có việc tàu chiến Ấn Độ tham gia vào cuộc tập trận Duyệt Hạm đội Quốc tế được tổ chức ở Sydney vào tháng 10 năm nay và cuộc tập trận hàng hải chung vào năm 2015.
Hai nước Ấn Độ và Australia cũng sẽ hợp tác ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ song phương và đa phương, bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN...
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Ấn Độ và Australia tuyên bố phản đối các cấu trúc hay liên minh chống Trung Quốc nhưng người ta cho rằng, việc hai nước này thắt chặt mối quan hệ quân sự với nhau được xem là một bước đi tiếp theo nữa trên con đường thắt chặt vòng vây xung quanh cường quốc số 1 Châu Á.
Cả Ấn Độ và Australia đều có chung mối quan ngại lớn về Trung Quốc và trong thời gian vừa qua hai nước này đã có nhiều động thái nhằm chuẩn bị sẵn tư thế có thể đối phó với sự nổi lên có phần hung hăng của đất nước đông dân nhất thế giới này.
Trước cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Ấn Độ và Australia, Thủ tướng Ấn Độ đã có chuyến thăm đến Nhật Bản để thiết lập mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa hai nước đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố, Nhật Bản là đối tác "tự nhiên và không thể thiếu của chúng tôi trên con đường tìm kiếm sự ổn định và hòa bình ở Châu Á".
Trước mối quan hệ thắm thiết giữa Nhật Bản và Ấn Độ - hai cường quốc lớn hàng đầu của Châu Á, một loạt tờ báo của Trung Quốc đã có những bài viết thể hiện sự ghen tị không thể che giấu đồng thời đưa ra những lời chỉ trích gay gắt về mối quan hệ này. Bắc Kinh cáo buộc, Tokyo đang tìm cách đưa Ấn Độ vào vòng tròn các đối tác chiến lược nhằm chống lại Trung Quốc.
Trong khi Ấn Độ thắt chặt quan hệ với Nhật Bản thì Australia cũng củng cố quan hệ liên minh với Mỹ. Những mối quanhệ Ấn Độ-Australia, Ấn Độ-Nhật Bản, Australia-Mỹ... được cho đều là nhằm để đối phó với Trung Quốc.
Theo vietbao
Quan hệ Trung Quốc-ASEAN: Mười năm nhìn lại Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác Trung Quốc - ASEAN, giữa lúc hai bên đối mặt với nhiều thách thức để có thể duy trì quan hệ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) hội đàm với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (phải). Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc chủ trương thực thi chiến...