Việt Nam trở thành ‘điểm nóng’ giao dịch tiền điện tử Đông Nam Á
Việt Nam và Thái Lan vượt qua Singapore, trung tâm tài chính Đông Nam Á để trở thành “điểm nóng” giao dịch tiền điện tử khu vực.
Theo dữ liệu công bố ngày 21/9 của nền tảng phân tích blockchain Chainalysis, 2 nước Đông Nam Á đã ghi nhận số lượng mua bán crypto kỷ lục trị giá hơn 100 tỷ USD tại mỗi quốc gia trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022.
“Người dùng tại các nước có thu nhập trung bình thấp và trung bình cao thường sử dụng crypto để gửi và giữ tiền trong những thời điểm đồng tiền pháp định biến động lớn”, Chainalysis cho biết. “Các quốc gia này có xu hướng dựa vào Bitcoin và các đồng ổn định nhiều hơn so với các quốc gia khác”.
Cụ thể, Thái Lan ghi nhận số lượng tiền điện tử giao dịch trị giá 135,9 tỷ USD, trong khi đó con số này ở Việt Nam là 112,6 tỷ USD. Singapore, trung tâm tài chính khu vực, chỉ đạt 100,3 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Video đang HOT
Dù vậy, các đợt sụt giảm của thị trường crypto từ đầu năm đến nay đang khiến nhà đầu tư ngày càng thận trọng. Vào tháng 5, đồng ổn định TerraUSD (UST) cùng mã thông báo LUNA sụp đổ ngoạn mục, thổi bay hàng chục tỷ USD.
Tuần trước, bản nâng cấp được chờ đợi từ lâu với Ethereum, công nghệ blockchain nền tảng của Ether, đồng tiền lớn thứ 2 thế giới sau Bitcoin, đã không làm token này tăng giá bất chấp sự phấn khích xung quanh sự kiện được coi là bước ngoặt với tài sản ảo.
“Rủi ro đang ngày càng đè nặng lên thị trường với các yếu tố vĩ mô như lạm phát và lãi suất tăng khiến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên hiện hữu”, Vijay Ayyar, Phó Chủ tịch nền tảng crypto Luno nhận định.
Theo công ty kế toán KPMG, các cổ đông đằng sau doanh nghiệp dường như không hứng thú với những mã thông báo kỹ thuật số.
Số liệu từ KPMG cũng cho thấy, nguồn vốn đầu tư crypto tại Singapore đã giảm hơn 50% tính tới đầu tháng này. Dòng tiền chảy vào tiền điện tử giảm xuống còn 539,1 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022, từ mức 1,3 tỷ USD của nửa cuối năm ngoái.
VTC và Microsoft hợp tác nâng tầm thể thao điện tử Việt Nam
Ngày 22/9, VTC và Microsoft công bố kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2022 - 2025 trong lĩnh vực thể thao điện tử.
Hợp tác nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để mở rộng sản phẩm, nâng cao trải nghiệm người chơi, thúc đẩy khả năng sáng tạo, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Startup Công nghệ và Game Việt Nam nhằm phát triển và nâng tầm thị trường game Việt Nam.
Hiện nay, thế giới có khoảng 3 tỷ người chơi game và đến năm 2030 con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 tỷ người. Game là ngành công nghiệp có trị giá gần 200 tỷ đô la với mức tăng trưởng hàng năm là hai con số. Tại Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một cường quốc game của khu vực. Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng game download. Ngoài ra, Việt Nam cũng xếp thứ 3 trong Top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của khu vực. Cứ 25 games được download thì có một game sản xuất tại studio Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc VTC cho hay: "VTC là đơn vị tiên phong đưa ra khái niệm eSports và triển khai thành công tại Việt Nam thông qua hệ thống giải đấu dày đặc, điển hình là Vietnam eSports Championship. Với nội lực sẵn có và các tham vọng phát triển trong tương lai, hợp tác chiến lược giữa Microsoft và VTC hi vọng sẽ tạo ra nhiều giá trị đột phá cho thị trường game và thể thao điện tử Việt Nam".
Trong nội dung hợp tác, Microsoft và VTC sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính, bao gồm xây dựng hệ thống giải đấu thể thao điện tử; đào tạo và nâng cao kỹ năng phát triển games; thiết lập nền tảng đám mây hybrid cho VTC và hỗ trợ VTC trở thành trung tâm khởi nghiệp game tại Việt Nam.
Theo đó, ngay sau khi kí kết hợp tác chiến lược, Microsoft ủy quyền cho VTC phát hành trò chơi Age of Empires (AoE) phiên bản I, II, III, và IV tại Việt Nam. VTC có vai trò phát hành, phân phối, xây dựng, triển khai chính thức các giải đấu thể thao điện tử và đưa AoE trở thành bộ môn thi đấu chính thức trong trong các giải Thể thao điện tử Quốc gia và đấu trường khu vực.
Microsoft và VTC sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo và nâng cao kỹ năng cho các nhà phát triển game và các vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp Việt Nam. Microsoft cũng sẽ cung cấp các nền tảng sản xuất game cho VTC để Việt Nam có thể sáng tạo và phát hành game ra thị trường quốc tế.
Microsoft hỗ trợ VTC xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Startup Công nghệ và Game Việt Nam để nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cho thị trường game như Liveops, Blockchain, và Web 3.0. Ngoài ra, Microsoft sẽ xây dựng nền tảng đám mây hybrid cho VTC và kết nối trung tâm dữ liệu của VTC với mạng lưới các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu của Microsoft để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các nhà phát triển, phát hành game tại thị trường Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ hợp tác, VTC sẽ đầu tư nguồn lực để triển khai dự án, tận dụng sức mạnh công nghệ của Microsoft trong mảng game, nền tảng hạ tầng, môi trường làm việc số, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và và các giải pháp về an toàn bảo mật. Microsoft cũng sẽ cung cấp nguồn lực, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các đối tác, để thực hiện đánh giá, tư vấn, chuyển giao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và triển khai các sáng kiến đã được thống nhất giữa hai bên.
Trong hơn 40 năm qua, với 23 Xbox studio, Microsoft luôn đi đầu trong lĩnh vực game, sản xuất các trò chơi đình đám nhất mọi thời đại, trao quyền cho các nhà sáng tạo game, và mở ra những cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các nhà lập trình game trên toàn thế giới. "Thông qua các tựa game kinh điển, dịch vụ sáng tạo nội dung, phát triển các game hiện đại và mở rộng hợp tác chiến lược với các đơn vị tiên phong như VTC, Microsoft hi vọng sẽ tạo ra bước tiến đột phá, góp phần tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế số của Việt Nam" - bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết thêm.
Người Việt mua hàng hóa, dịch vụ nào qua mạng nhiều nhất? Theo Sách Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, năm 2021, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương...