Việt Nam – Thụy Sĩ mở diễn đàn giáo dục đại học
Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam – Thụy Sĩ diễn ra sáng 12/10 tại Hà Nội đã thu hút hàng trăm các giáo sư, nhà khoa học, nhà quản lý đại diện cho các trường ĐH Việt Nam – Thụy Sĩ.
Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam – Thụy Sĩ lần thứ nhất do Bộ GD-ĐT Việt Nam và Đại Sứ Quán Thụy Sĩ tại Hà Nội tổ chức.
Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam – Thụy Sĩ là một trong những hoạt động của chương trình hợp tác về giáo dục đào tạo đã ký kết giữa Bộ GD-ĐT và Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam vào tháng 5/2010. Sự kiện này được tổ chức để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Sỹ.
Các đại biểu Thụy Sĩ tại diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam – Thụy Sĩ. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Video đang HOT
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các giáo sư, nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức của Việt Nam và Thụy Sĩ. Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết: “Trong khuôn khổ diễn đàn này, tôi hi vọng các trường ĐH Việt Nam có thêm cơ hội để học hỏi kinh nghiệm giáo dục của Thụy Sỹ và thúc đẩy hợp tác với các đối tác phía Thụy Sỹ. Ngành giáo dục đào tạo Việt Nam cũng sẽ đưa ra nhiều giải pháp và cụ thể hóa các hoạt động để phát triển giáo dục trong lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm”.
Thứ trưởng Quý cũng cho hay, mặc dù giáo dục đại học Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những câu hỏi đặt ra với giáo dục Việt Nam là làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, để đào tạo đại học đáp ứng được yêu cầu của thực tế phát triển kinh tế xã hội và hội nhập sâu, rộng hơn với quốc tế. Thứ trưởng Quý mong diễn đàn sẽ đặt ra được nhiều vấn đề để bàn luận nhằm giúp giáo dục Việt Nam phát triển.
Sau diễn đàn giáo dục đại học này, Bộ GD-ĐT sẽ khuyến khích các cơ sở đào tạo và nghiên cứu giữa hai nước trao đổi, giao lưu, triển khai các chương trình hợp tác song phương. Theo kế hoạch đến năm 2015, sẽ xây dựng được ít nhất 5 – 7 dự án hợp tác song phương cấp cơ sở và cấp Bộ giữa Bộ GD-ĐT và các cơ quan đối tác ở Thụy Sĩ.
Theo DT
Góp ý dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020: Nhấn mạnh yếu tố người thầy
Hôm qua 4/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận làm việc với UBND TPHCM để nghe góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020. Các đại biểu trong ngành giáo dục của TPHCM đều cho rằng phải nâng vài trò của đội ngũ giảng dạy.
Trong buổi làm việc, nhiều đại biểu đến từ các trường ĐH, các bậc từ THPT đến mầm non trên địa bàn TPHCM đều đồng tình dự thảo lần này đã tiến bộ khi nhấn mạnh đến "phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt". Yếu tố đội ngũ giáo viên trở thành yếu tố quan trọng xuyên suốt ở mọi cấp học tuy nhiên các đại biểu góp ý rằng cần được thể hiện sâu hơn trong chiến lược phát triển.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến và có hướng xử lý.
Đại diện cho cấp phổ thông, ông Nguyễn Bác Dụng, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng "Những nguyên nhân yếu kém đã nêu trong dự thảo là đúng nhưng cần bổ sung thêm vấn đề chế độ chính sách vẫn chưa hợp lý, chưa kích thích được và tạo động lực cho giáo dục. Điều thứ hai là đội ngũ nhân tài phục vụ cho ngành của chúng ta còn hạn chế. Thực ra nhân tài có rất nhiều nhưng ở những ngành nghề khác còn phục vụ cho ngành giáo dục còn hạn chế". Còn riêng phần giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo, theo ông Dụng thì thực tế hiện nay đầu vào sư phạm quá yếu, nên muốn phát triển phải có lộ trình cụ thể, bởi 10 năm rất ngắn.
Tương tự, bà Trần Thị Thu Hà, hiệu trưởng trường Mầm non 19/05 góp ý rằng dự thảo nói nhiều về chăm lo về đời sống, chất lượng giáo dục, nhưng những người làm giáo dục mầm non như bà rất quan tâm đến chất lượng đào tạo giáo viên. Ngành có đổi mới nhưng cần liên kết chặt chẽ với khối đào tạo là các trường sư phạm. Thêm nữa là cần đổi mới cách đánh giá chất lượng học sinh và giáo viên.
Còn ở cấp bậc ĐH, vấn đề thiếu giáo viên, chất lượng đội ngũ giảng dạy nhận được những góp ý thẳng và gay gắt từ những chính lãnh đạo các trường. PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cho rằng "Lực lượng giảng viên hiện nay thiếu trầm trọng ở các trường ĐH và CĐ cả trong và ngoài công lập. Các trường công lập vẫn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, còn các trường ngoài công lập thì một phần phải thỉnh giảng từ các trường công lập, trong khi việc tự đào tạo, tuyển dụng trong xã hội lại không có kế hoạch rõ ràng. Nếu từng trường tự lo thì cũng không tốt mà cần có chủ trương chung của Nhà nước".
PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết rất tâm đắc với chiến lược lần này vì so với dự thảo trước thì đã xác định, nhận thức đầy đủ vai trò của đội ngũ nhà giáo và vai trò của đổi mới quản lý Nhà nước. Theo ông Sen thì: "Cái yếu bậc nhất của giáo dục chúng ta hiện nay là đội ngũ sinh viên tăng trong khi đội ngũ giáo viên rất ít. Nếu hiệu trưởng các trường công đều siết không cho giáo viên đi dạy ngoài thì các trường ngoài công lập sẽ gặp khó ngay". Tuy vậy ông Sen cũng rất tiếc trong chiến lược lần này chưa trình bày sâu chiến lược củng cố và xây dựng đội ngũ thầy cô giáo của 10 năm tới. Ông cũng đề xuất: "Hiện nay nhu cầu du học hiện rất phát triển, vậy với vai trò Nhà nước thì ngành giáo dục hãy quản lý và đây cũng là 1 giải pháp để củng cố đội ngũ người thầy".
Đó cũng là điều mà PGS.TS Võ Tấn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM rất đồng tình. Ông Sơn băn khoăn trước tình trạng đầu vào sư phạm có xu hướng giảm và đề nghị "Nên quản lý lực lượng này, Bộ GD-ĐT nên có ý kiến với Bộ Ngoại giao làm sao du học sinh mới quay về phục vụ đất nước được".
Cũng nhấn mạnh tăng vai trò đội ngũ giáo viên nhưng PGS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng ĐH Luật lại nhìn ở một góc độ khác. "Các trường đứng trước thách thức to lớn về thiếu đội ngũ giảng viên. Việc sử dụng đội ngũ ở các cơ sở khác đang rơi vào trạng thái gặm nhấm lẫn nhau giữa các trường, đội ngũ người thầy ngày càng xuống cấp. Bộ nên xem xét nên có cơ chế về mặt hợp đồng dân sự đối với quản lý giảng viên. Nếu cứ như tình trạng sử dụng hiện nay thì sẽ không có trường nào có đủ lực để duy trì đội ngũ cán bộ giảng viên đúng như yêu cầu", bà Quỳ ý kiến.
Bên cạnh nội dung trên, các đại biểu cũng góp ý những vấn đề liên quan đến mục tiêu và các giải pháp để phát triển giáo dục đến năm 2020 như việc phân tầng ĐH, bỏ thi "3 chung", tăng quyền tự chủ cho các trường... Trong buổi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết "Bộ GD-ĐT lắng nghe và sẽ xử lý những thông tin, ý kiến đóng góp cho dự thảo". Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh ý đưa TPHCM trở thành một trong những địa phương đi đầu về giáo dục.
Theo DT
Lào Cai: Phụ huynh phản đối khi nhà trường cho HS ăn cơm hộp Đầu năm học 2011 - 2012, việc Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) cho học sinh bán trú ăn cơm hộp đã vấp phải sự không đồng tình của hàng trăm phụ huynh. Trước vụ việc này, lãnh đạo thành phố Lào Cai phải vào cuộc... Chiều ngày 8/10 vừa qua, UBND thành phố Lào Cai...