Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào các công việc của Hội đồng Nhân quyền
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực và công việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì các quyền, tự do và các giá trị nhân bản của nhân loại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội Nghị Cấp cao Khóa họp thứ 25 Hội đồng Nhân quyền LH (Ảnh TTXVN)
Ngày 3/3 tại Geneva (Thụy Sỹ), Hội nghị Cấp cao Khóa họp thứ 25 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã khai mạc.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao chiều ngày 3/3, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò và đóng góp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào việc thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Phó Thủ tướng nhận định hơn 7 năm qua, Hội đồng Nhân quyền đã hoạt động hiệu quả với chương trình nghị sự cân bằng, đề cập đầy đủ tất cả các quyền với các cơ chế hữu hiệu như Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), góp phần nâng cao nhận thức và pháp điển hóa các quyền con người, đảm bảo việc thụ hưởng các quyền ngày càng tốt hơn trên thực tiễn.
Với tư cách là nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam mong muốn Hội đồng Nhân quyền ưu tiên đến những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và quan tâm đầy đủ hơn các nước đang phát triển trước các khó khăn, thách thức hiện nay.
Phó Thủ tướng kêu gọi Hội đồng Nhân quyền tiếp tục là diễn đàn để đối thoại xây dựng và hợp tác trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt với các quốc gia liên quan khi xử lý các vi phạm nhân quyền và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền và là đối tác tin cậy, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các nước trên các vấn đề cùng quan tâm về quyền con người, trong đó có các vấn đề đương đại về đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, đối phó biến đổi khí hậu và ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Chính sách này xuất phát từ truyền thống văn hóa và lịch sử, từ nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và phù hợp với những giá trị chung của nhân loại.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ với các nước những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam thời gian qua để đảm bảo chất lượng cuộc sống và việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền cho người dân ở mọi lĩnh vực. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 5/8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và có triển vọng hoàn thành các Mục tiêu còn lại trước thời hạn 2015. Việt Nam là 1 trong 10 nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua theo Báo cáo chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng cũng nêu bật những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được về phổ cập giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chỉ số phát triển con người, đảm bảo đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, tự do thông tin, sử dụng Internet và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống.
Phó Thủ tướng cho biết tuy có một số khó khăn kinh tế một phần do tác động của tình hình kinh tế-tài chính toàn cầu, nhưng Việt Nam không những không cắt giảm mà còn đẩy mạnh các chính sách đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn khác.
Riêng năm 2011-2012, hơn 1 tỷ USD đã được đầu tư để hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, miễn giảm học phí và trợ cấp tiền ăn cho trẻ em nghèo, trẻ em thuộc dân tộc thiểu số…
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 sau một thời gian dài tiếp thu hàng chục triệu ý kiến đóng góp, dành riêng 36/120 Điều nói về quyền con người và quyền và nghĩa vụ của công dân, là bước tiến đáng kể của việc củng cố nhà nước pháp quyền và pháp điển hóa quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người của Việt Nam.
Phó Thủ tướng khẳng định với bài học kinh nghiệm, thành tựu và quyết tâm của mình, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực và công việc chung của Hội đồng Nhân quyền vì các quyền, tự do và các giá trị nhân bản của nhân loại.
Hội nghị Cấp cao tiếp tục diễn ra đến ngày 6/3 và Hội đồng Nhân quyền sẽ chuyển sang chương trình nghị sự của Khóa họp thường kỳ thứ 25 trong suốt tháng 3/2014.
Theo Trần Đức
Chính phủ
"Nhà nước có rất nhiều chính sách tôn vinh người cao tuổi"
Sáng 1/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp tổng kết năm 2013 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2014 của UB Quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam.
Theo Báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ khá nhanh (tỷ lệ người cao tuổi hiện chiếm khoảng 10,2% tổng dân số với hơn 9 triệu người).
Thống kê của Bộ LĐ,TB&XH cho biết, hiện có hơn 3,3 triệu NCT được hưởng lương hưu, BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng; gần 1 triệu NCT được chúc thọ, mừng thọ, tặng quà hằng năm. Nhiều địa phương đã quan tâm, ưu tiên thực hiện các chính sách giảm nghèo, xóa nhà tạm và các chính sách an sinh xã hội khác đối với hộ nghèo có NCT; hỗ trợ kinh phí cho quỹ và các hoạt động của Hội NCT.
Công tác chăm sóc sức khỏe của NCT được chú trọng, mạng lưới y tế được củng cố từ TƯ đến địa phương, 59 BV tỉnh đã thành lập Khoa Lão khoa. TƯ Hội NCT Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương triển khai thực hiện "Chương trình mắt sáng cho NCT", khám cho 1,5 triệu người, điều trị cho 167.000 người với kinh phí gần 237 tỷ đồng; khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 110.000 lượt NCT...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý vai trò quan trọng của các chính sách đối với người cao tuổi.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về Luật, chính sách đối với người cao tuổi còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn khó khăn do cơ sở vật chất, nhân lực, y bác sĩ còn thiếu và yếu.
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136 về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 180.000 đồng lên 270.000 đồng, có hiệu lực từ 1/1/2014. Tuy nhiên, do chưa cân đối được nguồn lực nên Chính phủ thống nhất chưa thực hiện Nghị định 136. Một bộ phận người cao tuổi ở nông thôn, nhất là vùng núi, vùng cao biên giới phải sống trong nhà tạm, lao động vất vả, đời sống còn nhiều khó khăn...
Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Cù Thị Hậu nêu thực tế: "Việc thành lập Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT tại xã/phường còn gặp khó khăn do thủ tục và huy động nguồn quỹ ban đầu. Nhiều nơi thành lập quỹ chủ yếu do bản thân NCT tự đóng góp, chưa huy động được nguồn lực xã hội".
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, truyền thống của dân tộc là luôn kính già yêu trẻ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Không chỉ trước đây, mà hiện nay công tác chăm sóc NCT được thực hiện rất tích cực với sự tham gia của MTTQ, các đoàn thể và sau này có thêm Hội NCT.
Theo Phó Thủ tướng, chính sách đối với NCT rất quan trọng; công tác dân số nói chung, công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người lớn tuổi càng ngày càng quan trọng. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách thể hiện rõ sự tôn trọng, tôn vinh NCT bằng các danh hiệu, các cuộc vận động.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc NCT được cụ thể hóa thông qua việc hỗ trợ NCT cùng con cháu phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống tinh thần... Việc lồng ghép nhiều chương trình chăm sóc NCT, nhất là các chính sách hỗ trợ vật chất, trợ giúp xã hội đã góp phần nâng cao đời sống của NCT.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý việc lồng ghép cần phải hạn chế tác động tiêu cực, rà soát lại các chính sách hỗ trợ trực tiếp để đảm bảo vừa phổ cập theo tiêu chí chung nhưng cũng có đặc thù.
Phó Thủ tướng giao Bộ LĐ,TB &XH tiếp tục đề xuất xây dựng, điều chỉnh chính sách pháp luật về người cao tuổi theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Y tế tăng cường công tác khám, chữa và phòng bệnh cho người cao tuổi; triển khai và nhân rộng số tỉnh tham gia Đề án Tư vấn chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.
TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt cuộc vận động toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban Công tác người cao tuổi và các sở, ban, ngành phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở địa phương. Các tỉnh, thành phố phối hợp với Hội Người cao tuổi và các cơ quan liên quan đánh giá, rà soát hoạt động, củng cố và phát triển Quỹ chăm sóc người cao tuổi ở cơ sở...
Theo Dantri
Không ít người sau khi đến công an lại phải nhập viện, vì sao? Gần đây nhiều người phải nhập viện, thậm chí tử vong sau khi đến công an. Có vụ công an thừa nhận đánh đập nạn nhân nhưng cũng có vụ công an đổ thừa là nạn nhân tự té, tự gây thương tích... dù trước đó nạn nhân bình thường và hoàn toàn khỏe mạnh. Đâu là lý do? Cách nào khắc phục...