‘Việt Nam chưa có đại học không vì lợi nhuận’
Tại tọa đàm điều kiện cho ĐH không vì lợi nhuận tại Việt Nam tổ chức ngày 12/5, nhiều chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam chưa có ĐH không vì lợi nhuận.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chỉ ra ba yếu tố khác khau giữa đại học tư thục vì lợi nhuận và đại học tư thục không vì lợi nhuận, thể hiện qua ba câu hỏi: Ai là nhà đầu tư, ai là người sở hữu, thặng dư của trường sử dụng như thế nào?
TS Vũ Thành Tự Anh.
3 điểm khác biệt về đại học tư thục không vì lợi nhuận giữa Việt Nam thế giới hiện nay là:
Video đang HOT
Ở Việt Nam, trường ĐH tư thục không vì mục tiêu lợi nhuận vẫn có Hội đồng quản trị, có sở hữu, nhà đầu tư và chia cổ tức (cổ tức bị giới hạn bởi lãi suất, trái phiếu chính phủ) Loại hình ĐH này đúng nghĩa là đại học tư thục vì mục tiêu lợi nhuận trung bình hoặc thấp.
Về hệ thống quản trị và quan hệ hiến tặng, trường ĐH không vì lợi nhuận trên thế giới là hội đồng tín thác. Tức hoạt động vì niềm tin người khác đặt cho mình, vì động cơ duy trì niềm tin đó, người đó đại diện cho xã hội, cộng đồng. Còn ở Việt Nam, Hội đồng quản trị là mô hình của một công ty cổ phần nên hiển nhiên chia cổ tức.
Thứ 3, ở Việt Nam có quan điểm tương đối hà khắc đối với đại học tư thục vì lợi nhuận, mặc dù đại học này ra đời xuất phát từ nhu cầu và chất lượng không khác đại học phi lợi nhuận.
“Cần tôn trọng tất cả các trường đại học công, tư, lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận nếu đáp ứng nhu cầu xã hội và tạo ra giá trị. Giá trị là then chốt” – TS Anh phân tích.
Tiến sĩ Phạm Thị Ly, ĐHQG TP HCM khẳng định, căn cứ vào 3 yếu tố để phân biệt đại học không vì lợi nhuận hay đại học vì lợi nhuận.
Trường đại học không vì lợi nhuận sử dụng lợi nhuận cho tái đầu tư và phát triển. Cơ cấu quản trị phản ánh lợi ích và tiếng nói các bên liên quan, phục vụ sứ mạng của nhà trường. Đại học không vì lợi nhuận không sở hữu tư nhân mà thuộc sở hữu cộng đồng.
“Nếu sử dụng 3 tiêu chí này cho thấy đại học không vì lợi nhuận ở Việt Nam hiện nay không giống ai. Về cách sử dụng lợi nhuận, trường không vì lợi nhuận vẫn chia lợi nhuận cho các cổ đông. Cơ cấu quản trị và trách nhiệm nhà trường không phản ánh tiếng nói các bên liên quan. Về sở hữu, trường không vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân. Ngoài ra trường được công nhận của thủ tướng.”
TS Ly cho rằng với điều kiện hiện nay để có đại học phi lợi nhuận, đầu tiên là pháp chế, pháp lý có cho phép xây dựng trường ĐH không vì lợi nhuận không, nhưng hiện nay là không. Thứ hai truyền thống hiến tặng không như “cơm có thịt” tức là không có niềm tin. Và thứ 3 là con người có muốn làm hay không. “Nếu nói trường ĐH không vì lợi nhuận thuộc về xã hội dân sự thì hiện nay chúng ta đã có xã hội dân sự chưa? – bà Ly đặt câu hỏi.
TS Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, tới thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có quy chế về đại học không vì mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy tất cả các trường ĐH tư thục đều được quản lý như thể hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận tức tựa như một công ty tư nhân.
Đại biểu tham dự tọa đàm.
Theo ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Ired, một trong những điều kiện để hình thành đại học tư thục không vì lợi nhuận (đại học tinh hoa) là phải “3 phi”. Tức, độc lập với 3 yếu tố chính trị, thị trường, tôn giáo.
Ông Trung cho rằng, chính trị theo đuổi lý tưởng quyền lực, thị trường theo đuổi lợi nhuận, tôn giáo theo thần quyền thì đại học tinh hoa phải theo đuổi lý tưởng về chân lý, lương tri, khoa học. Trong bối cảnh hiện nay, phải có người hiểu và muốn làm thứ đại học như vậy.
Quan điểm của ông Trần Đức Cảnh, thành viên của hội đồng quản trị Hiệp hội các trường đại học vùng Đông Bắc Bang Massachusetts, điều kiện quan trọng để có đại học phi lợi nhuận là cơ chế nhà nước cho phép, khuyến khích đại học phi lợi nhuận. ĐH phi lợi nhuận là sự đóng góp của xã hội, không có sở hữu mà đề cao tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình.
Theo Lê Huyền/Vietnamnet