‘Viên phấn vàng’ – ký ức một thời của cô giáo đất mỏ
Cô Vũ Thị Thúy Hà (SN 1977) Phó Trưởng phòng GD Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã có 25 năm công tác trong ngành Giáo dục.
Cô Hà (đứng bên trái) kiểm tra tại một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NVCC
Từ khi đứng trên bục giảng cho đến làm lãnh đạo cấp phòng, cô đã có những thành tích ấn tượng và được lãnh đạo tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Cô giáo Tiểu học bén duyên với chàng sĩ quan công an
Cô Thúy Hà sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố làm trong quân đội, mẹ là thanh niên xung phong, sau đó đi học ngành sư phạm rồi về dạy tại một trường THCS. Gia đình có ba chị em gái, chị gái lớn theo bố làm trong ngành quân đội, cô em út làm trong ngành ngân hàng, còn cô Hà theo mẹ làm trong ngành Giáo dục.
Giữa năm 1997, cô tốt nghiệp Khoa Sư phạm Giáo dục Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh (nay là Đại học Hạ Long). Hơn hai tháng sau cô được nhận vào Trường TH-THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long). Vài năm sau, trường tách ra thành lập Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo. Sau đó cô được chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo từ tháng 8/2000, kiêm Bí thư chi đoàn giáo viên nhà trường.
“Những ngày đầu mới ra trường, điều tôi lo lắng nhất là không xin được việc. Nhưng may mắn vài tháng sau được nhận vào một trường rất lớn như trường Trọng Điểm nên rất vui. Năm đầu tiên được giao làm Tổng phụ trách đội Thiếu niên nhà trường nên chưa phải đứng lớp. Thời gian này giúp tôi làm quen với môi trường Giáo dục và có thời gian để quan sát, trải nghiệm các môn học. Năm sau được đứng lớp, được giao dạy các môn về tự nhiên, xã hội, lúc đó tôi không thấy bỡ ngỡ nữa”, cô Hà kể.
Thấm thoát đã hơn 20 năm trôi qua, cô Hà không thể quên những kỷ niệm khi còn đứng trên bục giảng. Với cô, tuổi thanh xuân đẹp nhất là được giảng dạy các em học sinh Tiểu học, rèn từng nét bút cho đến tiếng tập đọc ê, a.
Vài năm sau, cô bén duyên với chàng trai là sĩ quan trong ngành công an. “Lúc đó chồng tôi mơ ước lấy được vợ làm giáo viên nên khi cưới về, anh ấy rất yêu thương tôi. Đặc biệt từ khi chúng tôi có con nhỏ, tôi thường hay thức khuya soạn bài và tham gia các kỳ thi, cuộc thi. Lúc đó anh luôn động viên và ủng hộ, thường xuyên chăm sóc con, phụ việc nhà giúp tôi để tôi yên tâm công tác. Đến bây giờ anh ấy vẫn vậy”, cô Hà vui vẻ nói.
Cô Vũ Thị Thúy Hà, Phó Trưởng phòng GDPT, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh. Ảnh: NVCC
Danh hiệu “Viên phấn vàng”
Sau những năm công tác, dạy học ở trường tiểu học, cô Hà đạt được những thành tích ấn tượng. Từ năm 1997 đến 2004, cô là giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp thành phố, giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh, là giáo viên cốt cán cấp tỉnh trong quá trình thực hiện thay sách giáo khoa năm 2000.
Video đang HOT
Năm học 2003 – 2004, cô được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn cử tham gia dự thi Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia và đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Toàn quốc. Cô Hà là thủ khoa của hội thi khu vực phía Bắc, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen đạt thành tích Giáo viên dạy giỏi bậc Tiểu học cấp Quốc gia và tặng danh hiệu “Viên phấn vàng”. Cô còn được Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Cô Thúy Hà cho biết, rất ấn tượng với danh hiệu “Viên phấn vàng”. Đây là món quà quý giá nhất được ghi nhận trong sự nghiệp dạy học của bản thân.
“Ngày đó Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia và chia thành 5 cụm thi trên toàn quốc. Tại cụm số 1 gồm 14 tỉnh miền núi phía Bắc gồm có cả Quảng Ninh và thi tại Yên Bái. Mỗi một tỉnh sẽ có 5 giáo viên đi thi. Khi đi thi như vậy sẽ có các giải liên quan. Giáo viên nào đạt được điểm cao sẽ xếp loại xuất sắc và trong số những giáo viên đạt xuất sắc sẽ chọn ra một người xuất sắc nhất để trao danh hiệu “Viên phấn vàng” và tôi được trao danh hiệu này nên rất vui”, cô Hà chia sẻ.
Theo cô, mỗi một cụm thi chỉ có một người được trao danh hiệu “Viên phấn vàng”. Trong nội dung sẽ có hai tiết dạy, một là bốc thăm và tự chọn. Đối với tiết dạy bốc thăm sẽ đến cuộc thi rồi mới bốc thăm để soạn giảng, còn tiết dạy tự chọn là được chuẩn bị trước môn học mình yêu thích. Ngoài ra, còn phải có một sáng kiến kinh nghiệm.
Chị Hà (đứng giữa) trong một chuyến công tác tại một điểm trường ở huyện Hải Hà. Ảnh: NVCC
Có nhiều sáng kiến khi làm lãnh đạo cấp phòng
Với những thành tích đạt được, cô Hà được điều động về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh từ tháng 1/2005 cho đến nay.
17 năm công tác tại sở, cô đã trải qua các vị trí như chuyên viên, lãnh đạo các phòng thuộc sở, phụ trách chuyên môn cấp Tiểu học toàn tỉnh. Có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu, quản lý về lĩnh vực Giáo dục Tiểu học, hằng năm, cô đều nghiên cứu, viết các sáng kiến kinh nghiệm nhằm góp phần thực hiện đổi mới Giáo dục Tiểu học tại địa phương.
Các sáng kiến đã được công nhận ở cấp tỉnh, cấp cơ sở của cô như: “Nâng cao chất lượng giáo dục các trường tiểu học khu vực miền núi, hải đảo Quảng Ninh giai đoạn 2012 – 2015″; “Một số phương pháp, hình thức giúp cha mẹ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học”; “Giải pháp chuyển đổi mô hình dạy học 1 buổi/ngày sang dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học thuộc địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh”; “Một số kinh nghiệm trong công tác tham mưu chỉ đạo xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2015 – 2020″; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh tiểu học tại Quảng Ninh”…
Trong thời gian công tác, cô Hà luôn được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến, 10 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Cô cũng nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen từ các cấp; Đặc biệt là Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
“Với cương vị là lãnh đạo đơn vị, cá nhân tôi đã cùng tập thể lãnh đạo xây dựng phòng công tác đoàn kết, thống nhất, vững mạnh. Đặc biệt là triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018″, cô Hà cho biết.
Theo cô, trong những năm học tiếp theo, khi chương trình mới đòi hỏi phải đạt các mức độ cao hơn, thực chất hơn, bản thân đã xác định tiếp tục phải cố gắng hơn nữa để tham mưu triển khai thành công chương trình mới ở cấp Tiểu học một cách khoa học, hiệu quả;
Tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức đổi mới từ giáo viên đến cán bộ quản lý ở cấp học, từ lãnh đạo cơ sở đến lãnh đạo địa phương định hướng đúng tinh thần của Chương trình GDPT mới, hướng tới mục tiêu cuối cùng là học sinh;
Chủ động trong tham mưu xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ của cấp học. Chỉ đạo gắn việc xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường với việc tăng cường kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia…
Giờ học vang thơ ca của cô giáo Địa lí
Cô Đào Thị Diệp (SN: 1980) giáo viên Trường THPT Bãi Cháy có nhiều sáng kiến được đưa vào giảng dạy trong trường học.
Cô Diệp trong một giờ dạy môn Địa lí lớp 10. Ảnh: Minh Cương
"Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang. Cà Mau, mũi đất mỡ màng phù sa" là hai trong số những câu thơ được cô giáo Đào Thị Diệp đưa vào giảng dạy Địa lí lớp 12. Hai câu thơ này giúp học sinh nhớ được vị trí địa lí điểm cực Bắc (Hà Giang) và điểm cực Nam nước ta (mũi Cà Mau).
Cô giáo có nhiều sáng kiến trong dạy học
Cô Đào Thị Diệp (SN: 1980) giáo viên Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã có 20 năm gắn bó với nghề. Cô đã có nhiều sáng kiến được đưa vào giảng dạy trong trường học.
Cô Diệp cho biết, trong những năm qua đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đưa vào giảng dạy như: "Tích hợp giáo dục dân số trong môn Địa lí", "Tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường dựa trên phương pháp dạy học tích cực trong môn Địa lí lớp 12", "Sử dụng ca dao, tục ngữ trong giảng dạy Địa lí lớp 10 nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh", "Sử dụng thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát vào giảng dạy Địa lí tự nhiên Việt Nam lớp 12", "Xây dựng sơ đồ tư duy trong dạy học Địa lí lớp 12"...
Đặc biệt, sáng kiến "Sử dụng thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát vào giảng dạy Địa lí tự nhiên Việt Nam lớp 12" đã được triển khai làm tài liệu giảng dạy của nhóm Địa lí Trường THPT Bãi Cháy từ năm học 2018 - 2019. Đề tài đã được báo cáo trong chuyên đề cấp cụm môn Địa lí và được các giáo viên Địa lí đưa vào sử dụng trong dạy học tại các trường THPT trên địa bàn TP Hạ Long.
Theo cô Diệp, trong trường học hiện nay đa số các em học sinh ít quan tâm đến môn Địa lí, và là môn học thuộc lòng nên dẫn đến học sinh ngại học.
Cô Đào Thị Diệp. Ảnh: Minh Cương
Chính vì vậy cần phải tìm ra những phương pháp dạy học sáng tạo, mới lạ, hiệu quả, lúc đó học sinh mới hứng thú. Khi có hứng thú say mê trong học tập thì việc lĩnh hội tri thức trở nên dễ dàng hơn. Ngược lại khi nắm bắt vấn đề nghĩa là hiểu được bài thì người học lại có thêm hứng thú.
"Có nhiều cách để tạo hứng thú học tập cho học sinh trong giờ học Địa lí. Tôi đã áp dụng một trong những biện pháp đó là sử dụng thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát có liên quan đến nội dung bài học để giảng dạy Địa lí", cô Diệp nói.
Theo cô Diệp, thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát là những sáng tác văn học có vần, nhạc điệu, giàu hình ảnh, kết cấu ngắn gọn dễ nhớ phản ánh nhận thức tâm tư của con người trước các hiện tượng đời sống trong đó có các hiện tượng tự nhiên.
Việc đưa thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát vào giảng dạy Địa lí góp phần tích hợp giữa Địa lí với Văn học, Âm nhạc, giúp học sinh có hứng thú hơn trong quá trình học tập, giúp giờ dạy của giáo viên không bị nhàm chán.
Ví dụ ca dao có câu "Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về". Cô Diệp giải thích, câu này nói Cần Thơ là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh lớn trong sản xuất lúa gạo do đất phù sa màu mỡ, khí hậu cận xích đạo gió mùa nhiệt cao, mưa nhiều phù hợp với đặc điểm sinh thái của cây lúa.
Ngoài ra, cô Diệp còn sử dụng các trò chơi trong dạy học, sử dụng hiệu ứng máy chiếu, video, tranh ảnh để kích thích các em. Và động viên các em có các hoạt động nhóm, xây dựng chuyên đề làm các dự án và tổ chức các cuộc thi để các em hứng thú hơn trong học tập.
Em Trương Hà An, học sinh lớp 10A7, Trường THPT Bãi Cháy cho biết, rất yêu thích môn Địa lí vì nó thực tế với đời sống hàng ngày. Đặc biệt, môn học của cô Diệp có những phương pháp dạy đổi mới, cô còn sử dụng các thiết bị thông minh trong giảng dạy, giúp cho học sinh thích thú, hiểu bài nhanh và có nhiều sáng tạo hơn.
"Cô Diệp luôn nhiệt tình, hăng say trong các bài giảng của mình và truyền được nguồn năng lượng đến học sinh. Cô là một giáo viên tận tình, gần gũi với học sinh, lúc nào cô cũng vui vẻ và hay chia sẻ với học sinh khiến cho chúng em thích môn học này", Hà An nói.
Theo Hà An, có những bài cô Diệp sẽ không trực tiếp giảng mà sẽ giao bài cho từng nhóm, sau đó học sinh sẽ thuyết trình những vấn đề mình đã tìm hiểu về bài học. Sau đó cô sẽ dựa vào phần tìm hiểu đó để sửa lỗi và giảng lại, từ đó giúp chúng em hiểu bài nhanh hơn dễ tiếp thu và có tinh thần làm việc nhóm.
Cô Diệp chụp ảnh kỉ niệm cùng học sinh lớp 10A7 tại sân trường. Ảnh: Minh Cương
Đạt được nhiều thành tích
Trong 20 năm công tác, cô Diệp liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Năm học 2014 đạt Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhiều năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, hai lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Là giáo viên tiêu biểu của tỉnh trong phòng trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cấp Bộ.
Năm học 2018 - 2019, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" năm học 2018 - 2019. Năm học 2020 - 2021, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cá nhân đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thầy Lưu Hải Tiền, Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy cho biết, cô Diệp có rất nhiều sáng kiến trong giảng dạy, cô cũng là giáo viên giỏi của tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
"Cô Diệp rất năng nổ, nhiệt tình, được đồng nghiệp và học sinh yêu quý. Cô cũng đã làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Bản thân tôi thấy cô Diệp rất xứng đáng. Còn hồ sơ phải qua mấy vòng, cái này còn đợi các bước, qua các cấp", thầy Tiền nói.
"Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi đó là năm học 2016 - 2017, tôi cùng các thành viên trong tổ Sử - Địa - GDCD đã thực hiện một hoạt động ngoại khóa với nội dung giao lưu văn hóa, lịch sử Việt Nam - Hàn Quốc và được các tổ chuyên môn, nhà trường đánh giá cao. Sau buổi ngoai khóa tôi được Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chọn là ứng cử viên xuất sắc và được mời sang Hàn Quốc giao lưu học hỏi trong thời gian một tuần. Sau khi về bài thu hoạch của tôi về đất nước và con người Hàn Quốc được đánh giá cao và được Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á mời làm báo cáo viên tại Quảng Nam hồi tháng 6/2018.
Ước gì giáo viên đến trường chỉ cần lo việc dạy học Khi thầy cô đến trường với một tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng sẽ có những bài giảng hay, sẽ có nhiều thời gian gần gũi để yêu thương học trò nhiều hơn. Ai cũng biết, nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học. Tuy nhiên hiện nay, ngoài trách nhiệm giảng dạy và giáo dục học sinh trên lớp thì các...