Viên ngọc giữa đại ngàn Tây Bắc
Được ví như ‘Hạ Long trên núi’, hồ Thác Bà đang là điểm đến sơn thủy lãng mạn và giàu trải nghiệm hấp dẫn bậc nhất ở Tây Bắc, mang tầm vóc của một Khu du lịch quốc gia.
Viên ngọc giữa đại ngàn Tây Bắc đang hình thành Khu du lịch quốc gia.
Các chuyên gia Liên Xô khi giúp đỡ Việt Nam xây dựng thủy điện Thác Bà cách đây 50 năm – thủy điện đầu tiên ở nước ta tiếp sức chủ lực cho dòng điện Tổ quốc sau khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, đã từng nêu ý kiến rằng trong tương lai đất núi Yên Bình (Yên Bái) sẽ trở thành địa danh du lịch hấp dẫn nhất nhì vùng Tây Bắc.
Một vùng hồ nhân tạo hiện ra thắng cảnh sơn thủy tuyệt đẹp với hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ và những hang động huyền ảo, Thác Bà còn là chứng tích lịch sử nổi tiếng và đã được công nhận quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1986.
Chuyển đổi canh tác nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên vùng đất núi sau khi hồ nhân tạo hình thành, phát triển vận tải thủy, nuôi trồng thủy sản, và cả khích lệ người dân, doanh nghiệp làm du lịch nhằm thoát nghèo, những nỗ lực dài hơi của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã bắt đầu được đền đáp xứng đáng khi cách đây gần 2 năm, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là điều kiện, cơ hội thuận lợi để huyện Yên Bình nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung đẩy mạnh khai thác, phát triển du lịch hồ Thác Bà và ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai dự án, trong đó nổi bật là dự án phát triển du lịch, dịch vụ của tập đoàn Alphanam và khảo sát của tập đoàn Sungroup. Nhan sắc hồ Thác đang đứng trước vận hội mới.
Trải nghiệm “homestay” ở vùng ven hồ Thác là ấn tượng đặc biệt khó phai.
Đất Yên Bình có quả bưởi Đại Minh ngon ngọt “tiến Vua”, có cá sạch đặc sản khác biệt, có đêm trăng đẹp như luyn mặt nước, có muôn vàn đảo xanh nối nhau bất tận, có động Thủy Tiên mê hoặc khách du, có núi Cao Biền thăm thẳm đất giời, có bản sắc văn hóa của cộng đồng 13 dân tộc anh em, có sơn thủy nghỉ dưỡng và trải nghiệm khám phá…
Video đang HOT
Nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng phải thốt lên rằng khó có tác phẩm nghệ thuật nào diễn tả hết vẻ đẹp thú vị và lãng mạn hồ Thác nếu bạn chưa một lần trực tiếp đến nơi này mà cảm nhận.
Theo ông An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình, từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong huyện, địa phương này đã đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện năm nay. Tỷ lệ giảm nghèo đạt hơn 4% – về đích sớm 2 tháng so với kế hoạch, vận động hỗ trợ làm nhà cho 226 hộ gia đình khó khăn về nơi ở, xây dựng gần 100 km đường giao thông nông thôn, phát triển nhiều mô hình du lịch cộng đồng mới.
Ông An Hoàng Linh cho biết, huyện triển khai hiệu quả các dự án chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc biệt, như bưởi Đại Minh, cá hồ Thác, gạo Bạch Hà, gà Linh Môn (năm nay đã có gần 110.000 lượt khách du lịch đến với hồ Thác Bà). Đây cũng là địa bàn ghi điểm cao về trồng rừng (tiếp tục trồng thêm 220 ha rừng vụ thu, nâng diện tích rừng trồng mới của toàn huyện đạt 3.450 ha) ở Tây Bắc. Tính đến cuối năm nay Yên Bình có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thu ngân sách gần 300 tỷ đồng.
“Thi bóc bưởi” – bưởi quý Đại Minh ngon nổi tiếng là trái ngọt không thể bỏ qua đối với du khách khi đến huyện Yên Bình.
“Ngày mới trên quê hương hồ Thác” – tiếng hoan ca từ một chương trình nghệ thuật hấp dẫn mới được tổ chức.
Hiện toàn huyện có 235 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 482 tổ hợp tác và trên 2.500 hộ kinh doanh cá thể. Mỗi năm giải quyết gần 3.000 việc làm mới cho người lao động. Tổng giá trị sản xuất của các thành phần kinh tế năm 2020 ước đạt trên 13.000 tỷ đồng. Chỉ 5 năm qua, đã có 61 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng và 11,14 triệu USD; đến nay đã có 33 dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động hiệu quả. Đáng kể cho đầu tư công nghiệp phải kể đến nhà máy may Dae Seung Global, Bảo Lai…
Viên ngọc ẩn mình trong 'Vương quốc hang động' Quảng Bình
Ngoài danh xưng 'Vương quốc hang động', Quảng Bình vẫn còn vô vàn những ẩn số chưa có lời giải, những kỳ quan chìm lấp dưới đại ngàn mênh mông và dào dạt chảy trôi sâu trong lòng đất. Nổi bật trong số đó, không thể bỏ qua danh thắng với cái tên lạ kỳ - 'Suối nước Moọc'.
Tọa lạc ở nơi có bề ngang hẹp nhất theo chiều Đông - Tây của dải đất hình chữ S, Quảng Bình không chỉ là một mảnh đất "địa linh nhân kiệt" với những vị tướng tài ba, là chứng nhân lịch sử của một thời Trịnh - Nguyễn phân tranh chia cắt đôi bờ xứ sở, nơi đây còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ thống hang động, hệ thống sông ngầm, suối khoáng lộ thiên kì vĩ mà bất kể vị lữ hành nào cũng khao khát được một lần ghé chân khám phá.
Cách trung tâm TP. Đồng Hới khoảng 60km, đi theo nhánh Đông đường Hồ Chí Minh về phía Bắc là ngã ba Khe Gát, rẽ tiếp theo nhánh Tây, đi thêm khoảng 5km, du khách sẽ đến với "Suối nước Moọc".
Nằm trong phân khu dịch vụ hành chính của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tên gọi của địa danh này cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Không rõ nguồn gốc khởi thủy từ đâu, dòng suối nước Moọc khi cuộn xoáy trên những dải núi đá vôi, lúc bỗng mất hút kỳ lạ vào những mạch nước nhỏ để rồi ùn ùn từ lòng đất "mọc" lên đầy sửng sốt rồi hòa vào dòng chảy sông Chày.
"Mọc" trong tiếng địa phương có nghĩa là "Moọc", nên người dân đã dùng chính hiện tượng đó để đặt tên cho địa danh. Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia thám hiểm Hoàng gia Anh cho đến nay vẫn chưa thể tìm lời giải đáp cho hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.
Địa danh tuyệt đẹp với nguồn gốc kỳ lạ. Nguồn: quangbinhchannel.com
Thời điểm thích hợp nhất để du khách ghé thăm nơi này là từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.
Ở đây có một điều kỳ lạ là những ngày trời nắng gắt cực điểm cũng là thời điểm làn nước trong xanh và mát lạnh nhất. Ngay cả khi đứng trên những tảng đá lớn giữa suối, nắng chói chang trên đầu, gió ràn rạt thổi sau lưng, du khách vẫn sẽ thấy vô cùng mát mẻ và sảng khoái, như thể vừa lạc vào một miền tiên cảnh.
Ẩn mình dưới bốn bề là vách núi cao được bao phủ bởi những tán rừng rậm rạp phủ kín, vùng nước xanh trong phẳng lặng và nên thơ của suối nước Moọc được du khách thập phương ví như một viên ngọc bích trong vắt đầy bí ẩn, mang đến sức sống mát lành cho mảnh đất gió Lào, cát trắng giữa cái nóng oi bức của mùa hè. Dòng suối kỳ lạ này sau hàng trăm km luồn lách trong lòng núi khi lộ thiên thì trở nên mát lạnh, nhiệt độ thường xuyên dao động từ 16 đến 18C suốt quanh năm.
Đến với chốn "bồng lai", khách du lịch còn được trải nghiệm hàng loạt hoạt động lý thú như câu cá, chèo thuyền kayak, nhảy cầu treo,... Những trò chơi vừa đủ để tạo hứng thú cho người chơi, vừa không quá mạo hiểm và luôn có đội ngũ cứu trợ túc trực.
Đặc biệt, sau những giờ đằm mình trong dòng suối cùng các trò vận động thú vị, du khách sẽ được tận hưởng những món ẩm thực vô cùng khó quên của địa phương với cách bài trí đậm hồn quê dân dã. Đối với nhiều người, đôi khi đến suối Moọc không phải để tắm mà đơn thuần chỉ là đổi gió bên mẹt gà đồi, lợn bản hay xôi gấc,...cùng bạn bè, người thân.
Đặc sản địa phương với cách bài trí dân dã. Nguồn: Internet
Đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, trái tim du khách chắc chắn sẽ bị chinh phục trước vẻ đẹp huyền ảo của những tán cây cổ thụ rợp bóng, thỉnh thoảng có tia nắng xuyên qua kẽ lá, những cây cầu nhỏ xinh bắc ngang qua những khúc suối trong vắt, lúc chảy êm ả lúc lại chảy xiết tung bọt trắng xóa gầm gào. Màu xanh ngọc bích của suối Moọc in hình, soi bóng những chùm hoa Vàng Anh với hương thơm ngào ngạt, uốn lượn chảy vào trong thung lũng tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình say mê, tuyệt diệu.
Đặc biệt, cứ mỗi độ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, suối nước Moọc lại được tô điểm bằng sắc đỏ vàng của hoa Vàng Anh tươi thắm khiến du khách đến đây vào thời điểm này sẽ không ngừng thảng thốt.
Loài hoa này còn có tên gọi khác là Vô ưu, nghĩa là không ưu tư phiền muộn, giúp con người ta rũ bỏ hết mọi nỗi niềm còn vẩn đục, vấn vương... chốn hồng trần. Đó là nguyên do Vô ưu cũng được coi là loài hoa biểu trưng cho Phật giáo.
Loài hoa Vô ưu rực đỏ từng cung đường vào suối. Nguồn: Internet
Độ sâu của suối vẫn còn là bí ẩn thách thức sự khám phá tìm hiểu của con người. Lạc vào một thế giới của cỏ cây, trời mây, non nước, trải nghiệm ăn một bữa cơm mang đậm hồn quê tại địa điểm hoang sơ, giữa âm thanh núi rừng và tiếng suối chảy rì rầm như suối Moọc chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên trên hành trình khám phá dải đất hình chữ S của mỗi du khách.
Đến suối Moọc, ngoài cơ hội tìm hiểu về Vườn quốc gia và sự đa dạng sinh học của Quảng Bình, khách du lịch còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của một số loài chim, chuồn chuồn và sự đa dạng của một quần thể thực vật bao gồm cả các loài hoa phong lan nổi tiếng.
Địa danh thu hút đông đảo khách du lịch mỗi độ hè về. Nguồn: Internet
Nhằm kích cầu du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện tại nhiều địa điểm du lịch tại Quảng Bình đang được giảm 50% giá vé với nhiều chính sách ưu đãi, bao gồm suối nước Moọc. Nhờ đó, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm này, môi trường khí hậu mát mẻ tạo nên khung cảnh thủy mặc diệu kỳ, tựa như cảnh tiên của suối Moọc đang thu hút lượng du khách ngày càng lớn.
Chinh phục ngọn núi Tây Bắc, săn ảnh đại ngàn đẹp như tranh vẽ Núi Lảo Thẩn, nóc nhà Y Tý (Lào Cai), là điểm lý tưởng để trekking, ngắm biển mây, đi theo bóng mặt trời... Qua 2 chuyến đi, tôi rút ra được một vài típ lên hình sống ảo tại đây. Với độ cao 2.800 m so với mực nước biển, Lảo Thẩn mê hoặc phượt phủ bởi vẻ đẹp của vùng cao hoang...