Viêm phổi mùa rét và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể phòng ngừa được, tuy nhiên khi tuân thủ thực hiện một số biện pháp cụ thể thì nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể giảm đi đáng kể.
Viêm phổi là một bệnh lý thường gặp, bệnh có thể diễn tiến trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Ảnh: AFP.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh – bác sĩ cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec): Viêm phổi là một bệnh lý thường gặp, bệnh có thể diễn tiến trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, bệnh này có thể phòng ngừa nếu như tuân thủ một số biện pháp cụ thể như: tiêm vaccine, ngưng hút thuốc và thực hiện lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Tiêm vaccine viêm phổi
Bệnh viêm phổi nguyên nhân có thể do một số loại vi khuẩn, virus hoặc các sinh vật lây nhiễm khác gây ra. Hiện tại, đã có vaccine bảo vệ chống lại hai nguyên nhân chính gây ra viêm phổi là: Vaccine ngừa phế cầu và vaccine cúm (influenza).
Ngoài ra, đã có một số loại vaccine bảo vệ chống lại một số nguyên nhân ít gặp hơn gây ra viêm phổi như vaccine ho gà.
Video đang HOT
Theo lời khuyên của bác sĩ, việc tiêm phòng và khuyến khích những người xung quanh tiêm phòng là cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm phổi. Đặc biệt, việc tiêm phòng quan trọng đối với người từ 65 tuổi trở lên, người hút thuốc lá, người bị suy giảm hệ miễn dịch và những người mắc một số bệnh mãn tính.
Bỏ hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm suy yếu khả năng chống lại bệnh viêm phổi do nó gây ra tổn thương phổi. Do đó, bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc là một trong những cách quan trọng và hiệu quả để giúp ngăn ngừa viêm phổi và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Giữ vệ sinh tay
Viêm phổi lây lan khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh (những hạt nhỏ li ti có thể di chuyển trong không khí), nên việc tiếp xúc với người bị viêm phổi làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng các dung dịch khử khuẩn chứa cồn là một trong những cách quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh và ngăn chặn lây bệnh cho người khác.
Duy trì tập luyện nâng cao sức khỏe
Sống lành mạnh bao gồm ăn uống phù hợp, tập thể dục và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe. Đặc biệt đối với các bệnh mãn tính mà có khả năng làm tăng nguy cơ viêm phổi thì việc uống thuốc theo chỉ định cũng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng về sức khỏe.
Tìm ra nguyên nhân gây tử vong do cúm
Cho đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến việc nhiễm virus cúm có thể dẫn đến tăng nguy cơ viêm phổi do vi khuẩn... có thể gây tử vong.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska (Thụy Điển) đã tìm ra nguyên nhân vì sao virus cúm cướp đi sinh mạng của nhiều người trên khắp thế giới mỗi năm.
Cúm Tây Ban Nha là một đại dịch cúm hoành hành khắp thế giới vào những năm 1918-1920. Không giống như nhiều đại dịch khác tấn công và gây tử vong cho người già, trẻ em hoặc bệnh nhân nặng, cúm Tây Ban Nha tấn công những người trẻ tuổi khỏe mạnh. Các nhà khoa học cho hay, bệnh nhân tử vong là do bị bội nhiễm do vi khuẩn, đặc biệt là phế cầu.
Bệnh cúm do virus gây ra, nhưng nguyên nhân tử vong phổ biến nhất là viêm phổi do vi khuẩn thứ phát chứ không phải do virus cúm. Viêm phổi gây ra bởi vi khuẩn phế cầu là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, gây nhiễm trùng tại phổi, làm phổi bị tổn thương và viêm, bệnh có thể tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phế cầu là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm phổi mắc phải ở cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Một trường hợp đã từng nhiễm virus cúm sẽ nhạy cảm với phế cầu, nhưng cơ chế đằng sau sự gia tăng tính nhạy cảm này vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Bội nhiễm phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây tử vong do cúm.
Nguyên nhân vì sao?
Các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska (Thụy Điển) hiện đã xác định được những thay đổi do cúm gây ra ở đường hô hấp dưới ảnh hưởng đến sự phát triển của phế cầu trong phổi. Sử dụng mô hình động vật, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa khác nhau (vitamin C và các chất bảo vệ tế bào thông thường khác) bị rò rỉ từ máu, do đó tạo ra một môi trường trong phổi thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Vi khuẩn thích nghi với môi trường viêm bằng cách tăng sản xuất men vi khuẩn HtrA.
Sự hiện diện của HtrA làm suy yếu hệ miễn dịch và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong đường thở bị nhiễm cúm. Việc thiếu HtrA làm ngừng sự phát triển của vi khuẩn.
GS. Birgitta Henriques Normark (Khoa Vi sinh, khối u và sinh học tế bào, Viện Karolinska), điều tra viên chính, cho biết: Khả năng phát triển của phế cầu trong đường hô hấp dưới khi bị nhiễm cúm dường như phụ thuộc vào môi trường giàu chất dinh dưỡng với hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn xảy ra trong quá trình nhiễm virus. Đồng thời, khả năng phát triển của phế cầu trong đường hô hấp dưới khi bị nhiễm cúm cũng phụ thuộc vào khả năng thích nghi với môi trường của vi khuẩn (tự bảo vệ khỏi bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch).
Làm gì để ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn?
Các nhà khoa học cho hay, kết quả nghiên cứu này cung cấp thông tin có giá trị về cách vi khuẩn hòa nhập với môi trường trong phổi và có thể được sử dụng để tìm ra liệu pháp điều trị mới cho nhiễm trùng kép giữa virus cúm và vi khuẩn phế cầu.
Nhà nghiên cứu Vicky Sender (Khoa Vi sinh, khối u và sinh học tế bào, Viện Karolinska) giải thích: HtrA là một enzym, một protease, giúp làm suy yếu hệ thống miễn dịch và cho phép vi khuẩn phế cầu xâm nhập lớp tế bào bảo vệ ở bên trong đường thở. Do đó, để ngăn chặn sự phát triển của phế cầu khuẩn trong phổi, các nhà khoa học cho rằng sử dụng chất ức chế protease có thể là một chiến lược khả thi.
Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết liệu bệnh nhân COVID-19 có nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng thứ phát như vậy hay không, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các cơ chế tương tự có thể được tìm thấy ở những bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng. GS. Henriques Normark nói: Có khả năng là tình trạng viêm phổi cấp tính vì nhiều nguyên nhân, dẫn đến rò rỉ chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và tạo ra môi trường thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn. Việc tìm ra cách để ngăn chặn sự phát triển của phế cầu khuẩn trong phổi có thể là tiền đề áp dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Cảnh báo biến chứng viêm cơ tim sau cúm Những ngày lạnh tăng cường tại miền Bắc, trẻ mắc cúm A nhập viện nhiều. Trong đó, không ít bệnh nhi gặp biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim... Một bệnh nhi mắc cúm A được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC Theo thống kê, từ tháng 10 tới nay, có 820 trẻ được điều trị...