Vì sao Việt Nam không có trường thuộc 350 đại học tốt nhất châu Á?
Việt Nam vắng bóng trên bảng xếp hạng đại học của Times Higher Education là nỗi buồn đối với giáo dục đại học.
ảnh minh họa
Times Higher Education (THE) vừa công bố Bảng xếp hạng châu Á năm 2018. Trong số hơn 350 trường được xếp hạng, Việt Nam không có đại diện nào.
Trong khi đó, ở bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings) của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Việt Nam cũng chỉ có 5 cái tên được xếp hạng
Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới còn xa
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng không có đại học nào lọt vào bảng xếp hạng của THE là nỗi buồn của giáo dục Việt Nam.
Bảng xếp hạng này chú trọng tiêu chí nghiên cứu khoa học. Trường nào có thành tích nghiên cứu khoa học tốt sẽ được xếp hạng cao. Những trường có thứ hạng cao đều là đại học nghiên cứu.
Một trong những biểu hiện cụ thể được THE xem xét chính là công bố khoa học cấp quốc tế và trong nước. Khi so sánh tiêu chí này, rõ ràng các trường đại học của Việt Nam bị bỏ xa.
“Đã gọi là xếp hạng là phải so sánh, tức là mình cũng cố gắng nhưng họ cũng cố gắng. Mình cũng nỗ lực để tiến lên nhưng so với phần cố gắng của những trường khác thì có thể chưa tốt bằng. Nếu có số liệu cụ thể về sự đầu tư nghiên cứu khoa học giữa các trường ở Việt Nam với trong khu vực và trên thế giới thì sẽ thấy chúng ta còn cách họ rất xa”, ông Chính nói.
Việc những cái tên của đại học việt Nam vắng bóng trên bảng xếp hạng này trong khi một số trường đại học của Thái Lan, Indonesia có tên cho thấy sự đầu tư chưa đúng mức của chúng ta vào việc nghiên cứu khoa học ở bậc đại học.
Video đang HOT
Theo ông Chính, để có kết quả khả quan hơn trên bảng xếp hạng đại học uy tín hàng đầu của thế giới, các trường phải tập trung nhiều yếu tố. Đầu tiên là sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sau đó là sử dụng nguồn đầu tư đó một cách hiệu quả.
Muốn được xếp hạng, trường phải đầu tư
TS Phạm Hùng Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục tại Hà Nội, cho hay theo quy trình của THE, các trường phải tham gia nộp dữ liệu. Những trường không cung cấp dữ liệu cho THE thì việc không xuất hiện trên bảng xếp hạng của họ là đương nhiên.
“Mọi người thường cảm thấy không xuất hiện nghĩa là mình thấp, kém nhưng vấn đề là việc xếp hạng này cần có lựa chọn. Để xuất hiện trên các bảng xếp hạng trên thế giới như THE hay QS, các trường phải bỏ công sức, cung cấp thông tin và tốn kém nguồn lực”, TS Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng cho rằng bảng xếp hạng là cuộc chơi của các đại học nhà giàu. Một số trường như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ chọn một trong hai bảng xếp hạng (QS và THE) là việc làm hợp lý, ít nhất về mặt chi phí.
“Theo bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2018 của QS, Việt Nam có 5 đại diện, trong đó đứng đầu là ĐH Quốc gia Hà Nội (thứ 139). Cũng trong bảng này, ĐH Utara Malaysia (UMM) đứng thứ 131, tức là đâu đó cùng đẳng cấp với ĐH Quốc gia Hà Nội. Tại bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2018 của THE, UMM đứng thứ 301. Nghĩa là, nếu ĐH Quốc gia Hà Nội tham gia vào THE, việc lọt top 350 là hoàn toàn khả thi”, ông Hiệp nhận định.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa việc giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được trình độ khu vực. Trên bảng xếp hạng QS châu Á 2018, Việt Nam chỉ có 5 đại diện trong khi Philippines có 6.
Theo thống kê của ông Hiệp về số lượng công bố quốc tế trên danh mục Scopus – tiêu chí quan trọng trong xếp hạng – Việt Nam có khoảng 5.500 bài, nhiều hơn gấp đôi Philippines, 2.600 bài.
Dường như 5.500 bài của Việt Nam không tập trung ở 5 đại học hàng đầu, còn 2.600 bài của Philippines lại khá tập trung tại 6 đại học tốt nhất của họ.
“Có vẻ chúng ta đang gặp vấn đề về đầu tư dàn trải, chưa tạo những cơ chế để các nhà khoa học giỏi tập trung cho các trường lớn để tạo thành đại học hàng đầu, tinh hoa, có thể dẫn dắt nền giáo dục tiến bước cũng như là động lực để phát triển kinh tế đất nước. Với tiềm năng của Việt Nam, chúng ta lẽ ra phải có nhiều đại diện trên các bảng xếp hạng hơn và có thứ hạng cao hơn”, ông Hiệp băn khoăn.
Nhiều trường nói không với xếp hạng
TS Phạm Thị Ly, ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng các trường đại học Việt Nam nên tham khảo nhưng không nên chạy theo thứ bậc trên các bảng xếp hạng đại học của thế giới. Một trường đại học có nhiều việc và nhiều vấn đề cần lưu tâm hơn những con số tượng trưng cho thứ hạng, bởi vì nguồn lực của các trường có hạn.
TS Phạm Thị Ly không ủng hộ các trường chạy theo các tiêu chí xếp hạng đại học một cách mù quáng. Ảnh: Minh Nhật.
Theo TS Ly, các trường đại học tập trung cho nghiên cứu khoa học – tiêu chí quan trọng của các bảng xếp hạng – là tốt, nhưng không nên coi những bài báo khoa học là mục tiêu cuối cùng. Vì những con số trên bảng xếp hạng chưa chắc đã mang lại lợi ích thiết thực cho người học.
Không phủ nhận tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, nhưng bà Ly cho rằng các trường không nên tuyệt đối hóa bài báo khoa học như một thước đo độc nhất cho thành quả của một trường đại học.
“Xếp hạng là cuộc chơi của vài trăm trường, trong khi cả thế giới có tới 17 nghìn trường đại học. Chạy theo tiêu chí của các bảng xếp hạng để rồi có tên trong đó là điều không cần thiết. Việc tất cả đều đuổi theo mô hình đại học nghiên cứu cũng không phải điều đáng khích lệ, nhất là với nước nghèo. Thay vì đổ tất cả nguồn lực cho bài báo khoa học, các trường nên tập trung phát triển công nghệ, đào tạo tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp”, TS Ly nêu quan điểm.
Trên thế giới, những đại học tập trung sứ mạng thực sự của nhà trường và tự tin vào chất lượng công việc của mình sẽ không lo lắng về việc bị tổn hại uy tín bởi các bảng xếp hạng dỏm.
Nhiều đại học nói không với các bảng xếp hạng, trong đó có những trường rất xuất sắc, như Stanford University. Từ năm 1997, trường này đã không gửi số liệu cho bảng xếp hạng US News &World Report do những khiếm khuyết về phương pháp và cách tiếp cận của bảng xếp hạng này.
Trường Kinh tế Chính trị London cho rằng những thước đo của các bảng xếp hạng chẳng có giá trị gì đối với phẩm chất khoa học trong những hoạt động của trường. ĐH Kỹ thuật Olin được xem là trường đào tạo kỹ thuật tốt nhất thế giới nhưng cũng không có tên trong bất cứ bảng xếp hạng nào.
Theo Zing
Đại học Nhật có tỷ lệ sinh viên trên nhân viên thấp nhất thế giới
0,6 sinh viên trên nhân viên là tỷ lệ thấp nhất được THE ghi nhận. Con số này thuộc về một trường y khoa của Nhật Bản.
Nhiều trường y khoa có tỷ lệ sinh viên trên nhân viên thấp. Ảnh minh họa: US News & World Report
Trong danh sách 100 trường có tỷ lệ sinh viên trên nhân viên (bao gồm cán bộ giảng viên, nhân viên trong trường) thấp nhất thế giới do Times Higher Education (THE) biên soạn, Nhật Bản có 34 trường. Mỹ có 25 trường. Phần còn lại là các đại học đến từ Nga, Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc. Không có đại diện nào của Vương quốc Anh xuất hiện trong top 100 này.
Top 10 đại học có tỷ lệ sinh viên trên nhân viên trong trường thấp nhất thế giới. Ảnh chụp màn hình
Top 10 danh sách đều là các trường đào tạo về y khoa. Đứng đầu là Đại học Y Jikei (Nhật Bản) với tỷ lệ sinh viên trên nhân viên chỉ 0,6, tức là nhân viên nhiều hơn sinh viên. Có tỷ lệ một sinh viên trên một nhân viên, Đại học Y tế và Khoa học Oregon (Mỹ) xếp ngay sau. Hai vị trí tiếp theo thuộc về hai trường của Nhật là Đại học Y khoa Kansai và Đại học Y khoa Saitama với tỷ lệ lần lượt là 1,1 và 1,5.
Trong top 10, Đại học Y khoa Vienna là trường duy nhất không thuộc Mỹ và Nhật Bản. Đại diện của Áo xếp thứ tám với tỷ lệ sinh viên trên nhân viên ở mức 2,7. Trường cuối cùng trong top 10 là Đại học Y tế Fujita (Nhật Bản) với tỷ lệ 3,1 sinh viên trên nhân viên.
Tỷ lệ sinh viên trên nhân viên thấp có thể giúp sinh viên trau dồi mối quan hệ gần gũi với giảng viên, tiếp cận bài giảng và được phản hồi thắc mắc nhanh hơn. Nó cũng tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia các cuộc hội thảo và thảo luận với mức độ tương tác cao hơn.
Một cuộc khảo sát được tiến hành tại Đại học Y Jikei, trường có tỷ lệ sinh viên trên nhân viên thấp nhất thế giới. Câu hỏi đầu tiên là sinh viên cảm thấy thế nào khi được hỗ trợ bởi nhiều nhân viên. Phần lớn người tham gia trả lời tin rằng điều đó có ảnh hưởng tích cực đến việc học của họ.
"Mỗi nhân viên có thể dành nhiều thời gian hơn cho một sinh viên. Chúng tôi dễ dàng đặt câu hỏi và được trả lời một cách tận tình", một sinh viên nói.
Nhiều sinh viên quốc tế cũng khẳng định tất cả nhân viên trong trường sẵn sàng giúp đỡ và luôn đáp ứng các đề xuất của người học. Đặc biệt, họ cảm thấy các bài thuyết trình, sản phẩm tốt nghiệp luôn nhận được sự quan tâm từ phía giảng viên và nhân viên trong trường.
Theo VNE
Cần tỉnh táo với bảng xếp hạng trường đại học đầu tiên ở Việt Nam Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, với bảng xếp hạng 49 trường đại học, người tỉnh táo sẽ thừa biết giá trị. Kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải của tổ chức có uy tín. Chiều 6/9, buổi tọa đàm công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội. Trong lần đầu...