Vì sao thương hiệu điện thoại Việt ‘chết yểu’?
Đã có lúc 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh điện thoại di động với thương hiệu riêng. Tuy nhiên, hiện chỉ còn vỏn vẹn một số ít thương hiệu Việt trên thị trường.
Tình hình kinh doanh tụt dốc
Năm 2011-2012, các thương hiệu điện thoại Việt liên tục “khai tử”. HiPT “khai tử” Hi-Mobile bằng một văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo sản phẩm Hi-Mobile đã được chuyển giao cho Công ty TNHH một thành viên Phân phối Hà Nội Belico.
Không chỉ có Hi-Mobile, một số thương hiệu khác như BlueFone của Tập đoàn CMC, Hanel của Tập đoàn Hanel cũng lặng lẽ ra đi. Dù không được công bố, song theo các nhà kinh doanh bán lẻ thì điện thoại BlueFone và Hanel đã bị “khai tử” từ đầu năm nay khi họ không nhận được sự hỗ trợ nào từ các hãng sản xuất của hai thương hiệu nói trên.
Vào các năm 2009 và 2010, có ít nhất 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh điện thoại di động với thương hiệu riêng. Cũng đã có những thương hiệu nhanh chóng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như Q-Mobile của ABTel, F-Mobile của FPT, Mobiistar của P&T, Avio của VinaPhone, Zik 3G của Viettel… Thậm chí có công ty sở hữu một lúc ba thương hiệu như Công ty Vũ Huy Hoàng với Mobell, Cayon và K-Touch.
Một dòng điện thoại của Hi-Mobile.
Sự thành công của một số nhà cung cấp đã khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ có tiềm lực tài chính lẫn công nghệ như HiPT, CMC và Hanel tham gia một cách rầm rộ.
Các doanh nghiệp này lạc quan tin tưởng rằng với thế mạnh về sản xuất và phân phối, họ sẽ chiếm các vị trí hàng đầu trên phân khúc điện thoại thương hiệu Việt. Thế nhưng nay, cả ba đã “không kèn không trống” rút khỏi thị trường.
Theo một kết quả nghiên cứu thị trường của IDC, năm 2011, tổng thị phần của điện thoại thương hiệu Việt chiếm 21%, giảm so với năm 2010 là 24%. Đáng chú ý là, trong quý I/2012, số lượng điện thoại thương hiệu Việt được tiêu thụ giảm rất mạnh (15%) so với quý trước.
Video đang HOT
Đi tìm lý do thất bại?
Năm 2012 là năm thực sự khó khăn đối với các hãng điện thoại thương hiệu Việt. Đã có nhiều hãng có doanh thu giảm mạnh và nhiều hãng rời khỏi thị trường. Hiện tại, có rất ít hãng hy vọng “sống” qua được thời kỳ khó khăn và tiếp tục bước đi.
Sức tiêu thụ điện thoại giảm mạnh cộng với sức ép cạnh tranh rất gay gắt từ các hãng điện thoại lớn như Nokia, Samsung và LG, Apple đã khiến cho thị phần của điện thoại thương hiệu Việt bị thu hẹp. Thêm vào đó, hơn một chục thương hiệu Việt cạnh tranh lẫn nhau khiến cho miếng bánh thị phần ngày càng co hẹp.
Các nhà sản xuất trong nước bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Apple.
Một nguyên nhân khác là mức độ hiểu biết về thị trường và người tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Thời điểm năm 2011 -2012, khi mà các doanh nghiệp điện thoại Việt chỉ tập trung vào dòng điện thoại giá rẻ, ít cải tiến thì các nhà sản xuất thế giới như Apple, Samsung đã bắt đầu cải tiến công nghệ, đưa ra những sản phẩm điện thoại thông minh với nhiều ứng dụng hữu ích.
Để có được nhiều mẫu mã với giá thành rẻ, các nhà sản xuất trong nước đã thực hiện bằng cách mua một mẫu máy tại Trung Quốc, sau đó dán thương hiệu của mình lên để phân phối.
Các doanh nghiệp Việt sẽ không mất bất kỳ chi phí nào cho việc phát triển sản phẩm ban đầu. Nhưng điều hạn chế của những sản phẩm này đó chính là chất lượng phần cứng và nâng cấp về phần mềm sau này hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị sản xuất.
Theo các chuyên gia, đã qua rồi cái thời mà doanh nghiệp nào cũng có thể nhập khẩu một lô điện thoại từ Trung Quốc về, dán nhãn Việt Nam và bán ra thị trường. Chiếc điện thoại không còn là một thiết bị chỉ để nghe và gọi, mà là một sự trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cao.
Chính vì vậy, muốn được chấp nhận, hơn ai hết doanh nghiệp phải trang bị cho mình những sự hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, năng động và thấu đáo.
Hiện tại trên thị trường điện thoại, chỉ còn lác đác một vài thương hiệu Việt được chú ý như Q-Mobile, Mobiistar… và mới đây nhất là Bphone của Bkav.
Bphone của Bkav có chiến lược khác hẳn so với các thương hiệu điện thoại Việt trước đây, với mục đích đánh vào phân khúc smartphone cao cấp, cấu hình mạnh mẽ. Tuy nhiên, liệu Bphone có thành công hay không vẫn là một câu hỏi lớn với nhà sản xuất, khi mà các thương hiệu điện thoại Việt đang vấp phải những khó khăn, với tình hình kinh doanh xuống dốc.
Theo Minh Trang/Bizlive
Tín hiệu vui từ các hãng di động thương hiệu Việt
Trong khi Mobiistar cách tân thiết kế điện thoại, thì BKAV hứa hẹn đột phá trên nhóm cao cấp. Đây là các đại diện tiêu biểu cho smartphone thương hiệu Việt năm nay.
Mobiistar vừa trình làng 4 chiếc di động dòng KIM. Trong đó, sản phẩm cao cấp nhất - Prime X Gold mỏng chỉ 6,9 mm, vỏ kim loại mạ vàng, mặt lưng chất liệu kính. Thay vì tạo ra điện thoại kiểu dáng phổ thông, giá rẻ như trước đây, Mobiistar gây chú ý nhiều hơn bằng kiểu dáng công nghiệp. Họ kinh doanh điện thoại đẹp, tạo ấn tượng tốt cho người dùng.
Định hướng của Mobiistar dần thay đổi từ năm ngoái với loạt smartphone nguyên khối. Giá và mẫu mã sản phẩm là 2 yếu tố quan trọng khi người dùng tiếp cận sản phẩm. Mobiistar cho thấy, họ có thể làm tốt 2 điểm này.
Prime X Gold - smartphone mỏng 6,9 mm, vỏ mạ vàng từ thương hiệu di động Việt Mobiistar. Ảnh : Duy Tín.
Trong khi đó, Bkav gây xôn xao cộng đồng trong nước với sự kiện ra mắt smartphone "made in Việt Nam" vào 26/5. Trong lĩnh vực di động, Bkav là tên tuổi mới. Cách thức tiếp cận số đông người dùng của họ cũng khác.
Đầu năm nay, smartphone của họ bất ngờ có mặt tại CES 2015. Đây là triển lãm uy tín, tổ chức thường niên tại Mỹ.
Sau đó, công ty bảo mật này hé lộ nhỏ giọt thông tin về sản phẩm. Máy thuộc nhóm cao cấp, sản xuất tại Việt Nam, có thể bán hàng theo hình thức online... Dù chưa ra mắt, Bkav smartphone đã thành công trong việc gây sự chú ý của người dùng.
Chiến lược dẫn dắt truyền thông của Bkav cho thấy, họ có chuẩn bị kỹ lưỡngcho smartphone sắp ra mắt. Ảnh: Vnreview.
Những tín hiệu vui từ Mobiistar, Bkav mang đến hy vọng cho người dùng trong nước. Lãnh đạo một hãng di động Việt từng chia sẻ: Samsung, Nokia đã giết chết các thương hiệu Việt. Tuy nhiên, theo phản hồi của người dùng, chính những thương hiệu Việt tự giết mình bởi sản phẩm không đủ sức cạnh tranh.
Người dùng quyết định thị trường. Họ là những trọng tài công bằng nhất. Nếu Mobiistar bán smartphone kiểu dáng đẹp, phần cứng tốt, giá rẻ, người dùng không quay lưng. Tương tự, nếu di động của Bkav "đẹp hơn và nghe nhạc hay hơn iPhone 6" khách hàng sẽ đứng về phía họ.
Theo nhiều tin đồn, Bkav có thể chọn cách thức bán hàng online. Các chuyên gia cho rằng, hướng đi mới có thể sẽ mạo hiểm. Tuy nhiên, bán hàng qua mạng từng thành công ở nhiều quốc gia. Trong đó, Xiaomi - nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc là ví dụ điển hình.
Thành Duy
Theo Zing
Điện thoại '7 sắc màu' LAI 504c của Mobiistar hút khách Đã hơn 4 tháng xuất hiện tại các siêu thị bán lẻ trên cả nước, Mobiistar LAI 504c vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. "LAI 504c ra tới đâu, bán hết tới đó. Nhiều siêu thị đã rơi vào tình trạng hết hàng cục bộ, phải chờ vài ngày mới có hàng về", đại diện kinh doanh của Mobiistar cho biết. Với...