Vì sao thủ khoa xuất sắc chưa chắc đã thành danh, thành công?
Những cựu sinh viên thành danh theo nghĩa phát huy được năng lực sáng tạo, khẳng định bản thân trên đường đời không phải đều là những thủ khoa xuất sắc.
“ Học thật, thi thật, nhân tài thật” là một trong những câu chuyện đang được bàn luận sôi nổi trong thời gian qua. Thế nhưng, nhận diện sao cho đúng về việc “học thật, thi thật” là một vấn đề cần phải làm rõ.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói rằng, bản chất vấn đề học thật thi thật là phải học và dạy học như thế nào, học để làm gì, dạy để giúp người học làm được gì hay chỉ để người học thi đạt điểm cao?
Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)
Ở Việt Nam mình lâu nay, dạy và học thường lấy mục tiêu là đạt điểm cao trong kỳ thi cử, học miệt mài cũng vì ngày mai đi thi, người dạy cũng nhấn mạnh nội dung nào có trong chương trình thi, ôn luyện học thêm cũng chỉ xoay quanh vấn đề sẽ thi cái gì và làm bài thi như thế nào để lấy được điểm 9, điểm 10.
Người học phải học rất nhiều, từ học chính khóa đến học thêm, học ngày học đêm, quá trình thi cử cũng làm rất chặt và vô cùng áp lực. Nhưng tất cả chỉ để thi và làm bài đạt điểm cao rồi dừng lại ở đó, còn việc thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, định hướng cuộc sống ra sao thì chúng ta không hướng tới.
“Từ bậc tiểu học, phổ thông đến đại học, học sinh của chúng ta đều phải học rất nhiều, lượng kiến thức nhiều vô kể. Những kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông,…đều được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ. Chúng ta có xảy ra tiêu cực trong thi cử nhưng đó vẫn là những hiện tượng rất nhỏ. Vì vậy, nếu xét theo đúng nghĩa thì rõ ràng chúng ta đã học thật, học rất nặng, rất nhiều và thi thật. Tuy nhiên, bản chất của ‘học thật, thi thật’ là gì có lẽ cần phải được hiểu một cách thấu đáo hơn.
Thầy cô, bố mẹ cứ đôn đốc các em học đi, phải học thêm, phải luyện nhiều để giải phương trình,giải bài toán khó để lấy điểm 10, nhưng điểm số cao để làm gì nếu như các em không hiểu được bản chất của các phương trình và bài toán đó, nó có những quan hệ và ứng dụng thế nào trong cuộc sống?
Chúng ta thường thấy ở nhiều quốc gia, học sinh không không phải học quá nhiều, chương trình không quá nặng, các em được vừa học vừa chơi, được trải nghiệm nhiều từ các môn kỹ thuật, các trải nghiệm xã hội chứ không chỉ cắm mặt vào sách vở, nhưng như vậy không có nghĩa là học không thật.
Học thật là việc học tập đó sẽ mang lại lợi ích gì cho người học, có giúp người học biến kiến thức thành nhận thức và thay đổi hành vi hay không? Hành vi thay đổi đó sẽ đóng góp gì cho cuộc sống, con đường sự nghiệp của mỗi người và giúp ích như thế nào cho xã hội”, Giáo sư Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Theo thầy Hoàng Văn Cường, mục đích cuối cùng của việc học là biến tri thức thành hành động, học để thay đổi kỹ năng hành nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.
Video đang HOT
UNESCO đã đề ra mục đích của việc học là “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình”.
Học để biết là thay đổi về mặt trí tuệ, nhận thức; học để làm là thay đổi hoạt động, thay đổi hành vi, và rèn luyện được những kỹ năng cần thiết; Học để chung sống là anh phải có khả năng kết nối, tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Cuối cùng học để trở thành con người chân chính, những con người có giá trị và đóng góp cho cuộc sống này.
“Một người có giá trị, một người thành công không có nghĩa anh phải đạt chức cao vọng trọng. Người thành công có ở bất kỳ vị trí nào, nghề nghiệp nào, khi mà họ đã được sống và làm việc với tất cả đam mê, năng lực, sở trường để không chỉ bản thân mãn nguyện với công việc của mình mà còn được mọi người đánh giá ghi nhận thành quả từ việc làm và đóng góp của anh ta.
Để đạt được điều đó không phải tự nhiên mà có, mỗi người đều phải học từ sách vở, học trong nhà trường, học ngoài xã hội, bạn bè, đồng nghiệp và phải luôn tự mình đúc rút ra những bài học bổ ích làm thay đổi cho riêng bản thân mình.
Và như vậy, bản chất của việc học thật thi thật phải bắt đầu từ việc dạy để hướng cho người học đạt đến mục tiêu gì và mỗi người học phải dần xác định được cho mình mục tiêu riêng, dần dần tự họ tích lũy các kiến thức kỹ năng phù hợp với bản thân mình cần.
Thi thật không có nghĩa anh phải làm bài thi nghiêm túc, đạt điểm cao mà phải đánh giá xem những điều đã học có giúp gì làm thay đổi nhận thức và hành động của người học, để họ tiếp cận gần mục tiêu, thông qua đánh giá năng lực thực hành các kiến thức học được biến thành kỹ năng cuộc sống.
Tôi cho rằng thi cử không quan trọng, quan trọng là quá trình học tập đó giúp con người thay đổi được gì? Kiến thức nhiều, điểm số cao sẽ vẫn là vô nghĩa nếu anh không ứng dụng được vào thực tiễn”, Giáo sư Cường nhận định.
Thi cử không thay thế được đánh giá trong quá trình học tập
Giáo sư Hoàng Văn Cường cho biết, hướng đến “học thật thi thật” thì hoạt động dạy học phải thực chất, muốn vậy, phải thay đổi đánh giá trong quá trình học tập.
Trở lại với câu chuyện học sinh ngồi nhầm lớp, dù học sinh có lưu ban, hay học sinh ngồi nhầm lớp thì đó đều là những câu chuyện không mong muốn của giáo dục.
“Chúng ta dạy học mà không có đánh giá, rồi đến cuối kỳ, cuối năm tổ chức thi và đánh trượt học sinh. Vì thế mới sinh ra những học sinh lưu ban, nếu chạy theo thành tích thì lại để các em ngồi nhầm lớp.
Đánh giá là cả một quá trình, nghĩa là trong từng giai đoạn học tập, thầy cô phải đánh giá năng lực học sinh, nếu học sinh chưa đạt được như mực tiêu năng lực cần có thì phải hỗ trợ ngay, giúp các em từng bước hoàn thiện.
Qua kiểm tra thầy phát hiện có em học sinh đọc được nhưng không viết được, thầy phải chú ý kèm thêm em này về kỹ năng viết; nhưng có em viết được, đọc lại yếu thì chú ý kèm thêm về kỹ năng đọc. Có nghĩa là thông qua đánh giá để phát hiện năng lực của người học đã đạt được đến đâu, cần hỗ trợ thêm mặt nào. Nếu làm được như thế sẽ không còn câu chuyện ngồi nhầm lớp nữa.
Đánh giá rất quan trọng, đánh giá giúp phát hiện các tố chất thiên hướng của mỗi cá nhân, đánh giá thúc đẩy mỗi người hoàn thiện bản thân, phát triển các mặt mạnh và khắc phục các điểm yếu chưa hoàn thiện bằng hỗ trợ, bồi dưỡng tiếp, quá trình đánh giá nhằm mục đích giúp con người ta hoàn thiện”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Theo Giáo sư Hoàng Văn Cường, nếu hiểu đúng bản chất và mục tiêu đánh giá thì không chỉ giúp người học phát huy hết khả năng vượt trội của bản thân mà còn tự do suy nghĩ, sáng tạo trong việc chuyển hóa từ kiến thức bài học thành hiểu biết và tri thức cá nhân. Từ đó, buộc người dạy phải thay đổi căn bản hành vi dạy học. Khi đó, người dạy không thể cố nhồi nhét bắt học sinh học những cái để đi thi mà phải cung cấp cho người học những kiến thức học sinh cần cho thay đổi nhận thức và hình thành kỹ năng, hành vi mong muốn. Đó chính là điều cần thay đổi căn bản trong cả dạy và học ở mọi cấp học ở nước ta.
Nền giáo dục Việt Nam còn quá nặng về thi cử, người dạy cũng như người học chỉ chú tâm xem đề thi ra nội dung gì thì mình học cái đó, “cày” kiến thức rất kĩ để thi lấy điểm cao, nhưng thi xong không biết để làm gì.
Ngay trong các trường đại học cũng vậy, những sinh viên có kết quả điểm thi cao xếp loại xuất sắc nhưng chưa chắc đã là những người có khả năng làm việc tốt nhất khi đi làm. Hằng năm các trường đều vinh danh thủ khoa xuất sắc, nhưng những cựu sinh viên thành danh theo nghĩa phát huy được năng lực sáng tạo, khẳng định bản thân trên đường đời không phải đều là những thủ khoa xuất sắc.
Để thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, thì cả việc dạy và học từ trong trường phổ thông đến các trường đại học đều phải hướng mỗi người trả lời thỏa đáng câu hỏi học để làm gì chứ không phải học vì điểm số, để vượt qua một kỳ thi”, Giáo sư Hoàng Văn Cường khẳng định.
Học thật, thi thật: 'Học để thi cũng giống như người chỉ lo trang điểm để chụp ra bức ảnh đẹp'
Học thật, thi thật sẽ gặp khó nếu bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích để thi. Và việc học chỉ để đi thi sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó, học thiếu thực chất.
Học thật, thi thật sẽ gặp khó nếu bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích để thi. (Nguồn: Thanhnien)
Thực học tức là học thật, có kiến thức thật. Hư học là lối học ứng phó với thi cử, học chỉ cốt thi đỗ.
Người "thực học" thì lo học trước, khi học đủ kiến thức mới đi thi. Người "hư học" thì ham danh, thích hư danh nên chỉ lo thi để cầu danh. Để chống "hư học", Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Mục tiêu của đổi mới là để thay việc học nhồi nhét kiến thức bằng việc học để phát triển phẩm chất và năng lực người học. Nhà nước đã lần lượt bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học, rồi bỏ thi tốt nghiệp THCS. Mấy năm gần đây lại tiếp tục bỏ thi học sinh giỏi Tiểu học.
Như vậy, các em học sinh từ lớp 1 tới lớp 9 không còn phải lo thi. Các em được học trong tâm thế thoải mái. Do đó, các thầy cô cùng cha mẹ học sinh phải động viên, khơi gợi, tạo hứng thú để các em học.
"Có nhiều bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích học để thi. Và việc học chỉ để đi thi sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó"
Kiến thức ở hai bậc học này là kiến thức rất nền tảng. Các em cần phải học đều để tiếp thu được kiến thức các môn. Đó là kiến thức văn hóa phổ thông, tức là những kiến thức ai cũng phải biết và ai cũng có thể biết.
Nếu các bậc cha mẹ đều hiểu rằng học là cái có trước, cần trước; thi là cái có sau, nghĩ đến sau thì hằng ngày hãy chăm lo việc học của con. Thay vì hỏi con "được mấy điểm" hãy hỏi "con đã học chăm chú chưa? Con có hiểu bài không?", "trên lớp có gì vui không?"...
Hãy vui mừng khi con có ý thức tốt trong học tập, có phương pháp học tập khoa học, có tình cảm yêu mến tri thức, muốn chiếm lĩnh tri thức, muốn được thử thách bản thân cũng như khám phá chính mình.
Khi con gặp khó khăn trong học tập (kém hứng thú khi học, ham chơi hơn học, hay quên chuẩn bị đồ dùng học tập, hay nói chuyện riêng trong giờ học, thiếu nỗ lực ý chí trong học tập...) hãy cùng con tìm hiểu vấn đề. Hãy đồng hành cùng con để chia sẻ những khó khăn.
Nguyên nhân của thực trạng trẻ gặp khó trong chuyện học thường bắt đầu từ việc học hằng ngày, tiếp thu kiến thức và rèn luyện kiến thức, tham gia hoạt động học của các con. Do đó, cha mẹ cần nhắc nhở, lặng lẽ dõi theo con, giúp con khắc phục khó khăn đó.
Có thể nói, những khả năng của con như sức khỏe, trí thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo là cái vốn của con. Tất cả những yếu tố đó sẽ làm nên kết quả là sự phát triển phẩm chất và năng lực của con.
"Cha mẹ hãy vui mừng khi con có ý thức tốt trong học tập, có phương pháp học tập khoa học, có tình cảm yêu mến tri thức, muốn chiếm lĩnh tri thức, muốn được thử thách bản thân cũng như khám phá chính mình"
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại chỉ thích nhìn hình vẽ, ảnh chụp để vui buồn, để tự hào hay thất vọng, để khích lệ hay gây sức ép. Có nhiều bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích học để thi. Và việc học "chỉ để đi thi" sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó.
Việc học chỉ để đi thi cũng giống như người chỉ lo trang điểm để ra chụp ảnh để có bức ảnh đẹp. Học chỉ để đi thi dẫn đến học rất nhiều, tốn nhiều thời gian công sức mà không có kiến thức thật. Ví dụ, các em học thuộc văn mẫu, học tiếng Anh rất nhiều mà không giao tiếp được...
Vì tương lai, hạnh phúc của con, phụ huynh hãy chú ý vun bồi, chăm lo việc học cho con. Hãy đồng hành cùng con để có học thật, thi thật, kết quả thật.
Còn chạy theo chỉ tiêu thành tích sẽ không có học thật, thi thật Thực tế hiện nay có một số lãnh đạo nhà trường chạy theo thành tích, giao chỉ tiêu cho các giáo viên làm thế nào để học sinh có điểm số cao, học bạ đẹp, đỗ 100%. "Vấn đề học thật, thi thật, chất lượng thật luôn là điều cốt lõi của bất cứ một nền giáo dục nào, đây là vấn đề...