Vì sao thị trường thương mại điện tử Việt Nam hấp dẫn nhất khu vực?
Người tiêu dùng cởi mở và sẵn sàng với các dịch vụ kỹ thuật số là một trong những động lực giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) hấp dẫn nhất khu vực.
Báo cáo SYNC Đông Nam Á do Meta vừa công bố nhận định Việt Nam được đánh giá là nước đứng đầu về tỷ lệ tiếp nhận công nghệ tương lai. “Tại Việt Nam, gần 8/10 dân số tiêu biểu là người tiêu dùng kỹ thuật số”, báo cáo nhận định.
Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ và lượng người dùng Internet đông đảo. Theo số liệu của các cơ quan quản lý, Việt Nam có khoảng 75 triệu người dùng Internet và nhiều người tiêu dùng sẵn sàng với dịch vụ kỹ thuật số.
Người tiêu dùng Việt Nam thích ứng nhanh với tiêu dùng số. Ảnh minh họa (Meta)
Số lượng người tiêu dùng trực tuyến ở Việt Nam tăng nhanh qua từng năm. Năm 2020 tại Việt Nam, có khoảng 49,3 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới. Trong đó, có tới hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể chạm mốc 60 triệu, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng Internet. Với con số này, Việt Nam là thị trường có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực.
Trở lại với nghiên cứu của Meta, đóng góp trung bình của TMĐT vào tổng bán lẻ đã tiếp tục tăng ở mức 15% trong năm qua, với tỷ trọng trực tuyến trên tổng bán lẻ là 6%. Tổng lượng hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến tăng từ 10 tỷ USD năm 2021 lên 12 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 28% từ năm 2022 đến năm 2027.
Gần 3 năm sau đại dịch, nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng đang ở một giai đoạn phát triển mới, ưu tiên trải nghiệm mua sắm tích hợp kết hợp hiệu quả giữa các dịch vụ trực tuyến và trực tiếp. Sau đại dịch, 10% người Việt Nam được khảo sát đã chuyển ít nhất một trong các danh mục mua sắm của họ từ kênh trực tuyến sang kênh trực tiếp vì yếu tố “giao diện” mà các kênh bán hàng trực tiếp mang lại. Tuy vậy, vẫn có nhiều danh mục mua sắm nhất định vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn “chốt đơn” online, cho thấy mua sắm trực tuyến tiếp tục đóng vai trò là một kênh quan trọng đối với người mua sắm kỹ thuật số trong nước.
Đây là giai đoạn người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam sử dụng nhiều nền tảng hơn bao giờ hết với sự thống trị của thị trường TMĐT chiếm 51% chi tiêu trực tuyến, trong khi các mạng xã hội chiếm gần một nửa lượng khám phá trực tuyến, bao gồm hình ảnh (16%), video trên mạng xã hội (22%) và các công cụ liên quan như nhắn tin (9%).
Nghiên cứu của Meta cũng nhận định, người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam ngày càng hiểu biết hơn, chuyển đổi các thương hiệu thường xuyên hơn và tăng số lượng nền tảng mà họ sử dụng để tìm kiếm giá trị tốt hơn, với 22% số đơn hàng trực tuyến được thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau.
Giá trị là một trong những yếu tố chính thúc đẩy hành vi này khi “giá tốt hơn” được chọn là lý do hàng đầu để chuyển đổi nền tảng, tiếp theo là chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng nhanh hơn. Số lượng nền tảng trực tuyến được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng, từ 8 nền tảng năm 2021 lên 16 nền tảng trong năm 2022.
Video đang HOT
Giới đầu cơ iPhone: "Săn sale Shopee rẻ hơn đặt cọc tại đại lý"
Kể từ khi Apple có kênh phân phối chính thức trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), giới đầu cơ iPhone có thêm "địa chỉ" mua hàng iPhone giá rẻ trong đợt đầu mở bán.
Cách thức đặt trước iPhone trên TMĐT khác với đại lý bán lẻ
0 giờ ngày 7/10, Apple cho phép các kênh phân phối tại Việt Nam mở chương trình đặt trước iPhone 14 series. Đối với các đại lý bán lẻ, khách hàng tiến hành đặt trước bằng cách truy cập website của đại lý, lựa chọn phiên bản iPhone, để lại thông tin và đặt trước một khoản tiền cọc (từ 500,000 - 1 triệu đồng tuỳ đại lý), sau đó tới ngày mở bán (tuỳ thời điểm đặt), khách hàng tới nhận máy và thanh toán đầy đủ giá trị máy.
Tuy nhiên, đối với kênh phân phối chính thức của Apple trên các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada, người dùng lại có cách đặt hàng trước hoàn toàn khác. Thay vì đặt cọc một khoản tiền nhỏ, khách hàng tiến hành thanh toán toàn bộ giá trị máy và máy sẽ được giao vào ngày mở bán chính thức tới địa chỉ khách đặt mua.
Shopee và Lazada, 2 sàn TMĐT có kênh phân phối chính thức của Apple đồng loạt cho đặt trước máy ngay từ 0 giờ ngày 7/10 (Ảnh: Shopee)
Ưu điểm của hình thức đặt hàng này là khách hàng sẽ biết được chính xác số tiền mà mình bỏ ra để mua iPhone mới, kèm theo đó là các ưu đãi cũng được nêu rõ ngay tại thời điểm đặt mua. Thông thường, kênh phân phối của Apple trên các sàn thương mại điện tử đều có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn trong đợt đầu mở bán, kèm theo đó là ưu đãi tới từ phía ngân hàng (đa số áp dụng cho thẻ tín dụng) giúp mức giá iPhone mà người dùng mua được trong khoảng thời gian này thấp hơn rất nhiều so với mức giá niêm yết.
Đợt đầu mở bán luôn có các ưu đãi từ các sàn TMĐT kèm theo ưu đãi từ đơn vị thanh toán giúp giới đầu cơ iPhone có cơ hội mua iPhone với giá rẻ hơn giá niêm yết (Ảnh: Lazada)
Chính nhờ ưu điểm này mà giới đầu cơ iPhone luôn có cách "săn" iPhone giá rẻ, đảm bảo thời gian nhận hàng sớm mà không sợ tình trạng "cọc xong không biết khi nào nhận máy" như khi đặt cọc tại một số đại lý bán lẻ.
Kẻ gom chục máy, người lần chẳng ra
Chia sẻ với phóng viên, ông Hải, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại tại Hà Nội cho biết, trong đợt mở đặt trước ngày 7/10 vừa qua ông đã gom được một vài máy trên trang TMĐT Shopee và Lazada, rẻ hơn giá niêm yết vài triệu đồng. Mặc dù cũng gặp phải khó khăn khi đặt mua iPhone trên các trang TMĐT, tuy nhiên ông Hải cho biết đặt mua iPhone trên Shopee dễ hơn, rẻ hơn và yên tâm hơn khi đặt cọc tại các đại lý. "Người dùng thanh toán 100% giá máy và chỉ việc nhận hàng vào hôm mở bán khiến việc săn iPhone trở nên dễ hơn nhiều", ông Hải chia sẻ.
Một vị khác, cũng là chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại Hà Nội cho biết bản thân có vốn ít nên chỉ gom được vài máy, nếu có đủ nguồn lực và thời gian thì hoàn toàn có thể "ôm" được thêm nhiều máy từ cả các sàn TMĐT lẫn các đại lý. Vị này còn tiết lộ nhiều bên mua bán iPhone còn liên kết với các đại lý thông qua nhân viên kinh doanh của cửa hàng để gom được nhiều máy hơn.
Giới đầu cơ ưa chuộng săn iPhone trên các sàng TMĐT (Ảnh: Thế Duyệt)
Trong khi giới đầu cơ tích cực gom iPhone mới kể từ lúc chưa mở bán với giá hời, giá rẻ thì ở phía ngược lại, khách hàng cuối là người muốn mua và sử dụng iPhone khi đặt trước máy đều gặp rất nhiều khó khăn: từ việc website đặt trước gặp lỗi vì quá tải lượng truy cập cho tới việc nhận máy trễ hơn so với thời gian dự tính ban đầu do nguồn hàng cung cấp cho các đại lý có hạn. Chưa kể mức giá mà người dùng cuối bỏ ra cũng chưa chắc đã hấp dẫn được như dân đầu cơ săn máy.
Anh Long, người dùng iPhone lâu năm tại Hà Đông, Hà Nội cho biết dù đã canh đúng 0 giờ ngày 7/10 để đặt một chiếc iPhone 14 Pro Max màu Tím, tuy nhiên anh vẫn không truy cập các trang đặt trước của các đại lý lớn do các trang web này đều "sập" do có lượng lớn người dùng truy cập cùng lúc. Kể cả khi chuyển sang các sàn TMĐT, anh cũng không đặt được máy vì số lượng máy bán ra hết hàng quá nhanh. "Mãi tôi mới đặt được một suất trên trang web của một đại lý nhưng sau đó được thông báo máy sẽ giao sau ngày 24/10, tức là ở đợt trả hàng thứ 2 chứ không phải là 14/10 như ban đầu", anh Long ngậm ngùi.
Trang web của một đại lý lớn "sập" trong ngày mở đặt trước iPhone 14 do lượng truy cập tăng đột biến, việc đặt trước iPhone trở nên khó khăn đối với người dùng
Chị Quỳnh Anh, cũng là một người dùng iPhone tại Gia Lâm, Hà Nội dự tính đặt mua 2 máy iPhone 14 Pro Max màu Tím cho bản thân và chồng. Tuy nhiên vì không quen việc đặt máy trực tuyến với các thao tác rắc rối, chị không thể đặt được bất cứ suất mua nào từ hôm mở đặt trước. "Tôi định mua iPhone 14 để mừng sinh nhật hôm 23/10 nhưng đặt máy rất khó. Khi hỏi các bên mua bán iPhone thì họ 'hét' giá tới 36 triệu cho một chiếc iPhone 14 Pro Max màu Tím bản 128GB. Giờ tôi nhờ người quen đặt hộ nhưng đều được thông báo giao sau ngày 24/10", chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Không khó để tìm thấy các bài đăng bán lại iPhone 14 series với giá cao (Ảnh: Người dùng Facebook)
Đại lý nỗ lực chống nạn đầu cơ iPhone
Nhiều doanh nghiệp vì chạy doanh số bán hàng mà liên kết với các đơn vị nhỏ để bán sỉ các mặt hàng iPhone, các nhân viên cửa hàng cũng chủ động tiếp tay để đẩy càng nhiều hàng ra ngoài thị trường càng tốt. Đối với các đại lý lớn khi ký hợp đồng với Apple, cần phải đảm bảo chấp hành nghiêm ngặt bộ quy tắc mà Apple đưa ra. Mặc dù lượng kích hoạt iPhone trong đợt mở bán là tiêu chí để Apple đánh giá năng lực bán hàng của các đại lý, tuy nhiên không vì thế mà dẫn tới việc tiếp tay cho nạn đầu cơ mua đi bán lại iPhone.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS cho hay vấn đề chống nạn đầu cơ iPhone tuỳ thuộc vào văn hoá và chính sách bán hàng của từng doanh nghiệp. Ông cho biết hệ thống CellphoneS tuân thủ nghiêm ngặt chính sách của Apple, chỉ cung cấp hàng hoá cho người dùng cuối và nghiêm cấm nhân viên thực hiện bán sỉ hay tiếp tay cho nạn đầu cơ iPhone bởi nếu để xảy ra sự việc, toàn hệ thống có thể bị ảnh hưởng tới khả năng thăng tiến trong tương lai.
"Ngoài kiểm soát bằng quy định, quy chế và quy trình, chúng tôi còn có các hệ thống data giám sát sớm phát hiện những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của từng cửa hàng để kịp thời ngăn chặn các hoạt động bán sỉ, đầu cơ iPhone", ông Huy chia sẻ.
Bên cạnh đó, các hệ thống bán lẻ trong năm nay tiếp tục áp dụng quy định kích hoạt máy ngay tại cửa hàng trước khi khách hàng ra về, vừa là để tăng tỷ lệ máy được kích hoạt giúp cửa hàng chạy doanh số, vừa là để chống nạn đầu cơ iPhone khi khách gom máy về bán lại.
Các đại lý áp dụng quy định yêu cầu khách mua iPhone kích hoạt máy ngay tại cửa hàng trước khi ra về (Ảnh: CellphoneS)
iPhone 14 series sẽ sớm mở bán vào sáng ngày 14/10 tới đây. Chủ yếu trong ngày này các đại lý và kênh phân phối chính thức của Apple sẽ thực hiện trả hàng cho khách đặt trước máy từ ngày 7/10. Các đợt trả hàng tiếp theo dự kiến bắt đầu từ ngày 24/10 trở đi.
Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: Shopee, Tiki, Grab có thứ hạng ra sao? Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 đã chỉ ra 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT). Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, năm 2021, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu...