Vì sao Qatar đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột Israel – Hamas?
Thỏa thuận phóng thích con tin và ngừng bắn đạt được gần đây giữa Israel – Hamas có sự đóng góp không nhỏ của Qatar, với vai trò nước trung gian hòa giải.
Nhiều quốc gia ở Trung Đông, gồm cả Ai Cập, Oman và Kuwait, mong muốn đóng vai trò hòa giải, nhưng Qatar đã thể hiện là nước giải quyết vấn đề then chốt và ủng hộ đối thoại trong khu vực.
Các quan chức Qatar đã tham gia vào nhiều quá trình dàn xếp đàm phán ở Ukraine, Lebanon, Sudan, Iran, Afghanistan và Dải Gaza, bao gồm cả quá trình tiếp đón các lãnh đạo của nhóm Taliban và cánh chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas.
Giới quan sát tin Qatar tích cực đảm nhận vai trò này vì, là một quốc gia nhỏ bé nhưng cực kỳ giàu có nhờ sở hữu nguồn khí đốt hóa lỏng khổng lồ, nước này cần trở thành một phần không thể thiếu đối với cộng đồng quốc tế và được bảo vệ khỏi sự can thiệp không mong muốn từ các nước láng giềng lớn hơn như Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Theo báo Guardian, cuộc tẩy chay Qatar giai đoạn 2017 – 2021 do Ảrập Xêút dẫn đầu cho thấy Doha có lí do chính đáng để lo sợ.
Thách thức
Qatar đã vấp phải sự phản đối cả ở bên phía Mỹ và Israel. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X đầu tuần trước, Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Budd tỏ ra hoài nghi việc “suốt nhiều tuần qua, Bộ ngoại giao Qatar tuyên bố ‘gần’ đàm phán được một thỏa thuận phóng thích các con tin bị Hamas bắt giữ, kể cả các con tin Mỹ”.
Gershon Baskin, nhà đàm phán Israel trực tiếp làm việc với Hamas, đã thách thức Qatar tại một cuộc hội thảo gần đây của Viện Trung Đông. Ông cáo buộc Qatar là “quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”.
Video đang HOT
Lưu ý việc căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực đặt tại Qatar, ông Baskin cho rằng, Washington cần gây sức ép buộc Doha phải cảnh báo Hamas thả các con tin, nếu nhóm không muốn bị trục xuất khỏi Qatar. Nhà đàm phán Israel này là một trong những người đánh giá tình báo Ai Cập có đường dây liên lạc với Hamas tốt hơn Qatar và Qatar không có đường dây tương tự với tình báo Israel.
Theo cây bút bình luận Patrick Wintour, những lời chỉ trích như vậy gây áp lực lớn, buộc Doha vừa phải thể hiện sự độc lập với Hamas vừa chứng minh tính hiệu quả của mình. Thực tế, tuyên bố bất ngờ ngày 19/11 của Thủ tướng Qatar về việc nước này đã tiến gần đến một thỏa thuận có thể phản ánh nhu cầu chống lại sự hoài nghi Doha ngày càng tăng tại Quốc hội Mỹ.
Qatar giải thích, những người chỉ trích đã hiểu sai lí do nước này tiếp đón các thủ lĩnh chính trị của Hamas. Động thái không phải vì thiện cảm về mặt ý thức hệ, mà vì Washington đã yêu cầu Doha làm vậy.
Có ý kiến cho rằng, vai trò của Qatar khác với vai trò của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), tổ chức có thể đảm nhận truyền tải thông điệp như Thụy Sĩ từng làm cho Mỹ ở Tehran. Công việc đó đòi hỏi mức độ tin cậy chính trị, sự hiểu biết và sự nhạy cảm về chính trị. Giống như Mỹ không đưa ra nhiều lời chỉ trích công khai đối với Israel, Qatar cũng làm tương tự đối với Hamas.
Quan điểm riêng về xung đột
Qatar không tán thành việc Hamas thực hiện vụ đột kích đẫm máu vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, nhưng tin trách nhiệm một phần thuộc về Israel vì quân đội Do Thái đã chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Doha đã đưa ra những thông điệp cứng rắn hơn để lên án Israel, cáo buộc họ vi phạm Công ước Geneva. Chính phủ Qatar cũng đề cập đến những gì họ coi là tiêu chuẩn kép của một số trong cộng đồng quốc tế.
Lí do đàm phán về con tin khó khăn
Ở một mức độ nào đó, đây là một cuộc trao đổi các tù nhân chính trị và là một biện pháp xây dựng lòng tin thường xuyên trong một cuộc xung đột. Danh tính của những người được trao đổi, tiêu chí, địa điểm và phương thức chuyển giao phải được thống nhất. Trong trường hợp này, các bên đã nhất trí trong hơn 2 tuần trước đó rằng phụ nữ và trẻ em sẽ là những người đầu tiên được cả Hamas và Israel trả tự do.
Tuy nhiên, mọi việc phức tạp hơn vì liên quan đến việc ngừng bắn nhân đạo, đòi hỏi phải thảo luận về số lượng cửa khẩu biên giới được mở, viện trợ sẽ được phép chuyển vào, cách vận hành các trạm kiểm soát của Israel, điều phối viện trợ và mức độ giảm xung đột quân sự.
Theo chuyên gia Baskin, đối với Tel Aviv, đây là một kiểu đàm phán bất thường vì họ đang thương lượng gián tiếp với đối tượng có ý định tiếp tục chiến đấu. Vì kết quả của cuộc xung đột này có thể quyết định tương lai của Trung Đông trong những thế hệ sắp tới, nên không bên nào muốn mất vị thế từ sớm.
Số phận của các con tin còn lại
Ngay cả khi thỏa thuận hoàn tất, Hamas sẽ vẫn còn 150 con tin trong tay và họ nhiều khả năng muốn một nhóm tù nhân khác đang bị giam trong các nhà tù của Israel được phóng thích.
Nhà chức trách Do Thái đang giam giữ khoảng 7.000 tù nhân Palestine, với 559 trường hợp trong số này thụ án chung thân vì tội sát hại người Israel. Ngoài ra, Israel còn bắt giam khoảng 130 người Palestine với cáo buộc “khủng bố” nước này vào ngày 7/10.
Te Aviv thống kê, 1/3 số tù nhân là thành viên của Hamas. Chỉ có khoảng 400 trong tổng số 7.000 tù nhân nói trên đến từ Gaza, trong khi đa số đến từ Bờ Tây. Phần lớn đang thụ án vì bị kết tội thuộc tổ chức khủng bố hoặc ném đá hay hỗn hợp gây cháy tự chế molotov vào các lực lượng an ninh Do Thái. Một số tù nhân là những người bị Israel tống giam mà không qua xét xử chính thức.
Giới quan sát nhận định, việc đảm bảo tự do cho họ cũng như các con tin Israel còn lại sẽ khó khăn hơn nhiều. Dư luận vẫn đang chờ xem liệu Qatar cùng với Mỹ và Ai Cập có thể giúp mang tới một thỏa thuận mới nhằm chấm dứt xung đột Israel – Hamas hoặc một lệnh ngừng bắn lâu dài trong khu vực hay không.
Israel-Hamas đổi người đợt hai, Gaza yên tiếng súng
Tình hình giao tranh ở Dải Gaza không được ghi nhận trong ngày ngừng bắn thứ hai, trong khi lực lượng Hamas và Israel đã tiến hành thêm một đợt trao đổi người nữa.
Phong trào vũ trang Hamas ngày 25/11 đã bàn giao nhóm con tin thứ hai gồm 13 người Israel và 4 người Thái Lan cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế ở Dải Gaza, gần hai tháng kể từ khi những người này bị bắt trong cuộc đột kích của Hamas vào Israel hôm 7/10, New York Times đưa tin.
Xe của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đưa những người được Hamas thả tự do ra khỏi Dải Gaza. Ảnh: New York Times
Đổi lại, Israel thả tự do 39 người Palestine bị giam giữ trong các nhà thù trên lãnh thổ nước này, tương tự quy mô và hình thức của cuộc trao đổi đầu tiên diễn ra ngày 24/11.
Cuộc trao đổi thứ hai đã có nguy cơ đổ vỡ do Hamas cáo buộc Israel không tuân thủ các nội dung chính trong thỏa thuận đạt được hồi đầu tuần và muốn trì hoãn việc thả người. Qatar và Ai Cập đã rất nỗ lực để vận động hai bên xung đột tiếp tục trao đổi con tin.
Thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày giữa Israel và Hamas chỉ còn gần hai ngày hiệu lực. Các cuộc giao tranh tiếp tục không được ghi nhận ngày 25/11, trong khi hàng chục chuyến xe viện trợ nhân đạo liên tiếp đi vào Dải Gaza để cung cấp nhu yếu phẩm cơ bản cho 2,2 triệu người Palestine.
Hôm 25/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá việc Hamas và Israel trao đổi con tin suôn sẻ mở ra "khả năng có thật" nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn. Ông tiết lộ mình đang giữ liên lạc với các nhà lãnh đạo Qatar, Ai Cập và Israel "để đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng".
Israel trước đó họ sẵn sàng "gia hạn ngừng bắn thêm một ngày cho mỗi 10 con tin nữa được thả tự do". Giới chức Israel nhận định, khoảng 240 người mang nhiều quốc tịch bị lực lượng Hamas đưa từ lãnh thổ Israel sang Dải Gaza hồi tháng trước.
Trong bối cảnh các bên chưa thể đi đến một thỏa thuận mới, theo New York Times, Israel tuyên bố họ sẽ tiếp tục tấn công Hamas ở Dải Gaza sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc.
Tại thành phố Tel Aviv lớn nhất Israel, hàng ngàn người dân đã xuống đường kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ưu tiên thực hiện giải pháp để toàn bộ con tin được thả tự do, thay vì nhanh chóng nối lại hoạt động quân sự ở Dải Gaza.
Thời điểm đem lại kỳ vọng ở Dải Gaza Bắt đầu có hiệu lực từ 12h ngày 24/11 (giờ Việt Nam), thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine sẽ kéo dài trong 4 ngày ở cả miền Bắc và miền Nam Dải Gaza, để các bên trao đổi con tin và tù nhân, mở ra không gian cho những hỗ trợ nhân đạo quốc tế....