Vì sao phim về sử Việt chưa ‘hút’ khán giả?
Các phim đề tài lịch sử đang là ‘kho vàng’ đối với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc… khi có thể mang về doanh thu khủng, thúc đẩy du lịch.
Nhưng ở Việt Nam, nó lại là bài toán khó. Thực tế cho thấy những dự án truyền hình – điện ảnh thuộc thể loại này chưa thật sự ấn tượng về cả số lượng lẫn chất lượng.
Phim về đề tài lịch sử thua lỗ
Cách đây không lâu, Huyền sử vua Đinh trở thành đề tài bàn tán khi thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé. Tác phẩm tái hiện chân dung vua Đinh Tiên Hoàng từ thuở thiếu thời đến lúc dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế, chỉ thu về 42 triệu đồng sau 10 ngày ra rạp. Đây cũng là một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất lịch sử và vấp phải không ít tranh cãi.
Với dung lượng 78 phút, tác phẩm phơi bày sự non nớt về khâu kịch bản, bối cảnh lẫn những pha hành động, khiến người xem ngán ngẩm vì một tác phẩm về lịch sử lại làm hời hợt, kém chất lượng.
Huyền sử vua Đinh thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé khi chỉ thu về 42 triệu đồng sau 10 ngày công chiếu. T.L
Theo đạo diễn Anthony Võ, mục đích ban đầu khi làm Huyền sử vua Đinh là để chiếu giới thiệu cho học sinh, mang lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ. Anh thừa nhận tác phẩm của mình còn nhiều hạn chế và việc phải nhận ý kiến trái chiều cũng là dấu hiệu cho thấy mọi người còn quan tâm đến phim cũng như lịch sử nước nhà. “Khi mình đã đưa bộ phim ra rạp thì phải chấp nhận khán giả có quyền nhìn ở góc độ của họ”, nhà làm phim cho biết.
Huyền sử vua Đinh không phải phim lịch sử đầu tiên ở Việt Nam nếm mùi thất bại tại phòng vé. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, Thiên mệnh anh hùng - tác phẩm vịn vào một sự kiện có thật về thảm án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc từng nhận được những phản hồi tích cực của khán giả về nội dung, võ thuật… Dự án điện ảnh có sự góp mặt của Vân Trang, Midu, Khương Ngọc nhận về không ít giải thưởng danh giá, song ngậm ngùi nhận doanh thu vài tỉ đồng, trong khi mức đầu tư lên đến con số 25 tỉ.
Loạt phim như Sống cùng lịch sử, Mộ gió và Đam mê cũng chung số phận khi phải ngừng chiếu vì không bán nổi vé. Điều đó cũng đồng nghĩa con số thu về không đạt được như mong đợi. Trong đó, Sống cùng lịch sử của đạo diễn – NSND Thanh Vân đầu tư lên đến 22 tỉ đồng nhưng ghế vẫn trống rạp.
Tác phẩm Phượng khấu quy tụ dàn diễn viên chất lượng song cũng không thể cứu vãn được phim. Chụp màn hình
Không chịu áp lực về doanh thu vì phát trên nền tảng trực tuyến, dự án Phượng khấu của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhận về không ít tranh cãi. Được xem là phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam kể về cuộc đời của Từ Dụ thái hậu, tác phẩm từng được công chúng kỳ vọng là một dự án khởi sắc về đề tài phim lịch sử vì trang phục đẹp, diễn viên thực lực… Tuy nhiên sau mùa đầu tiên, Phượng khấu nhận không ít ý kiến trái chiều về cả nội dung lẫn kỹ xảo. Thậm chí, những ồn ào bên lề của phim cũng khiến khán giả thất vọng.
Hiện hai dự án được kỳ vọng là Quỳnh hoa nhất dạ do siêu mẫu Thanh Hằng thủ vai thái hậu Dương Vân Nga và Trưng Vương – tác phẩm huyền sử về cuộc đời Hai Bà Trưng vẫn “án binh bất động” dù được công bố từ năm 2019. Chính điều đó khiến không ít khán giả đặt dấu chấm hỏi lớn về khả năng phát triển của dòng phim lịch sử trong tương lai.
Nguyên nhân do đâu?
Với 4.000 năm dựng nước và giữ nước, lịch sử Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh. Trong đó, Ngô Quyền, thái hậu Dương Vân Nga, vua Lê, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nam Phương hoàng hậu… được xem là những nhân vật lịch sử có thể khai thác thành những tác phẩm phim truyền hình, điện ảnh tầm vóc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường điện ảnh Việt ra mắt hàng chục tác phẩm mỗi năm, nhưng vì sao số lượng phim về đề tài lịch sử đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay?
PGS-TS Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM) lý giải lý do vì sao phim về lịch sử Việt Nam chưa “hút” khách: “Nội dung và chất liệu để làm phim về lịch sử Việt Nam thì còn nhiều điều thú vị. Chỉ tiếc rằng do công nghệ và sự đầu tư chưa tới. Thực tế có nhiều vấn đề để mình khai thác, đặc biệt là các triều đại, các nhân vật lịch sử và kể cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này. Chất liệu thì nhiều nhưng cách thức khai thác còn hàn lâm, mang tính chất tuyên truyền nên chưa thu hút được giới trẻ. Từ trước đến nay chúng ta có nhiều bộ phim lấy chủ đề về lịch sử nhưng thành công thì chưa nhiều. Phim điện ảnh và truyền hình về lịch sử của một số nước khác hay lắm. Xét về chất liệu, rõ ràng chúng ta không thua kém gì. Nhưng do công nghệ, cách khai thác của chúng ta chưa tới, còn hạn chế”.
Còn theo nhận định của thạc sĩ Văn Thị Cẩm Hiên, giảng viên bộ môn lịch sử Trường quốc tế Á Châu thì lịch sử Việt Nam có nhiều chất liệu hay để làm nên một bộ phim, tuy nhiên chưa được khai thác xứng tầm. “Có thể vì chưa nghiên cứu kỹ nên một số bộ phim còn hời hợt khiến người xem chưa cảm thấy thu hút. Thực tế lịch sử Việt Nam quá hay, nhưng khi lên màn ảnh lại chưa truyền tải hết và có nhiều chi tiết chưa đúng. Đôi khi về trang phục, lựa chọn diễn viên chưa phù hợp làm giới trẻ chưa hứng thú. Nếu như đúng với giá trị của nó chắc chắn phim lịch sử sẽ được tiếp nhận nhiều”, giảng viên Cẩm Hiên nói.
Những khó khăn khi làm một tác phẩm phim về đề tài lịch sử là câu chuyện cũ song vẫn chưa có cách giải quyết. Nhìn vào con số có thể thấy để thực hiện một bộ phim về đề tài này, nhà sản xuất phải bỏ ra kinh phí không hề nhỏ, trong khi khả năng thu hồi vốn là mong manh. Càng muốn tác phẩm chỉn chu thì càng tốn kém cho bối cảnh, phục trang, máy móc, diễn viên quần chúng… nên không ngoa khi có một số ý kiến cho rằng đây không phải là sân chơi cho những nhà sản xuất nghiệp dư như nhận định của NSƯT – đạo diễn Công Ninh: “Tôi nghĩ có thể không phải nhà sản xuất Việt không biết cách làm mà là do kinh phí thấp quá nên phải “bó tay”. Để bỏ ra số tiền tương xứng với yêu cầu của phim lịch sử thì kinh khủng lắm. Mà với thị hiếu của khán giả hiện tại, nhà sản xuất cũng không dám bỏ tiền ra để đầu tư”.
Đơn cử là câu chuyện của Phượng khấu. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói với chúng tôi rằng để thực hiện tác phẩm này với một nguồn kinh phí khoảng 10 tỉ đồng là quá ít. Bởi theo nam đạo diễn, anh và ê kíp gần như phải chạy đua với thời gian để đảm bảo không bị hao hụt, điều đó khiến khâu sản xuất còn nhiều cập rập, thiếu sót. “Vì không có kinh nghiệm sản xuất phim lịch sử nên có những phát sinh ngoài ý muốn. Trong khi chúng tôi là gương mặt mới còn đề tài này cũng rất khó. Nếu đề tài này dễ thì mọi người đã bắt tay thực hiện từ lâu rồi”, anh thẳng thắn.
Quỳnh hoa nhất dạ đang trong quá trình sản xuất. NVCC
Video đang HOT
Huyền sử vua Đinh được xem là một ví dụ điển hình. Tác phẩm kể về vua Đinh Bộ Lĩnh bị nhận xét phù hợp để chiếu mạng hơn là ra rạp, bởi nó bộc lộ nhiều điểm yếu như bối cảnh sơ sài, trang phục thiếu đầu tư, hóa trang thiếu chân thật… Anh Tài – diễn viên đóng vai chính trong phim thừa nhận: “Một bộ phim làm đề tài lịch sử nhưng tôi biết kinh phí của đoàn hạn chế. Thời điểm sản xuất bộ phim, cả đoàn khó khăn trăm bề. Nếu khi ấy tôi đặt vấn đề cát sê lên nữa thì khó khăn lại chồng chất lên và mọi người phải chờ đợi thêm”.
Mặt khác, kịch bản cũng là điểm yếu của phim Việt nói chung và phim về đề tài lịch sử nói riêng. Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, nếu được làm lại, anh sẽ tập trung vào khâu kịch bản nhiều hơn để tác phẩm có thể chỉn chu hơn. “Phim phải hay từ khâu kịch bản cái đã. Trách nhiệm cuối cùng vẫn là đạo diễn nhưng mình thừa nhận là chưa tốt. Lúc đó tôi còn mới quá, trong khi không có nhiều kinh phí nên không thể kiểm tra các khâu”, anh thừa nhận.
Từng có ý kiến cho rằng làm phim lịch sử “rủi nhiều hơn may” bởi chỉ tình yêu dành cho lịch sử thôi là chưa đủ. Nó đòi hỏi người sáng tạo phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bắt tay thực hiện. Đó là chưa kể đến việc phải đối diện với nhiều tranh cãi khi phim lên sóng. Thực tế, phim về đề tài lịch sử không phải là sân chơi cho những nhà sản xuất nghiệp dư hay các hãng phim tư nhân như đạo diễn Đinh Thái Thụy chia sẻ: “Có một thực tế là các nhà đầu tư, đạo diễn, biên kịch vẫn rất “rén” khi khai thác đề tài này. Đặc biệt là các hãng phim tư nhân vì tính rủi ro khá cao”.
Khi được hỏi về cái nhìn đối với phim lịch sử, khán giả M.D (26 tuổi, Bình Định) thẳng thắn: “Tôi rất khao khát Việt Nam có những bộ phim chất lượng, khắc họa được lịch sử nước nhà một cách đầy đủ, kiêu hùng nhất. Giống như việc mình hay nhiều người từng say mê xem cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc… Nếu một ngày chất lượng phim Việt vượt xa hơn cả vậy, thì chuyện ủng hộ là điều hiển nhiên. Mình không e dè phim sử, mình chỉ đang chờ đợi và hy vọng vào một tương lai người Việt cũng có thể yêu lịch sử bằng điện ảnh”.
Thực tế, khán giả không quay lưng với phim lịch sử song họ vẫn đang chờ đợi một tác phẩm xứng tầm. Cũng giống như việc một số bộ phim như Đêm hội Long Trì, Thăng Long đệ nhất kiếm… từng được khán giả yêu mến, ủng hộ khi ra mắt. Điều quan trọng là làm sao để giải quyết được bài toán về kinh phí, làm sao để nâng cao chất lượng và vượt qua sự e ngại về chuyện thua lỗ để sản xuất những dự án tốt, thỏa “cơn khát” phim lịch sử từ người xem.
Thanh Hằng: Khán giả sẽ thích thú với 'Quỳnh hoa nhất dạ'!
Sau Chị chị em em, Thanh Hằng có màn tái xuất đáng trông đợi trong Quỳnh hoa nhất dạ - bộ phim dã sử lấy cảm hứng từ cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga - người phụ nữ quyền lực của hai triều đại Đinh - Lê.
Cũng bởi yêu mến và đã tìm hiểu về nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga trong suốt 2 năm qua, Thanh Hằng quyết định tham gia dự án với cả hai vai trò diễn viên chính và đồng sản xuất để có thể chủ động phát triển các ý tưởng theo mục tiêu ban đầu của mình. TGĐA đã có cuộc trò chuyện với Thanh Hằng, để nghe cô tâm sự về dự án mà cô cho rằng đó là một quyết định táo bạo, nhiều khó khăn nhất đến thời điểm hiện tại mà cô từng trải qua.
Đã lâu, khán giả mới có dịp được gặp lại chị trên màn ảnh rộng với một vai diễn đầy sức nặng ở Quỳnh hoa nhất dạ. Cơ duyên nào đã tạo động lực để chị quay lại với một vai diễn "nặng ký" - Thái hậu Dương Vân Nga?
Hằng xin chào quý độc giả của báo TGĐA, rất lâu rồi mới có dịp xuất hiện và trò chuyện với độc giả của quý báo.
Thanh Hằng thường bị thu hút bởi những nhân vật có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt và có lòng trắc ẩn. Sau lần viếng thăm nơi thờ cúng Thái hậu Dương Vân Nga hai năm trước, Hằng rất muốn làm một bộ phim về người phụ nữ quyền lực của hai triều Đinh - Lê. Với Hằng, quyết định nào cũng cần có cái duyên của nó, cũng như cảm xúc của bản thân dành cho nhân vật hay bộ phim mình tiếp nhận. Bộ phim Quỳnh hoa nhất dạ mang tính chất cổ trang dã sử xoay quanh nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga và các vị Vua vào thời Đinh - Lê. Ban đầu khi quyết định "chơi lớn" cũng không nghĩ sẽ gặp nhiều khó khăn. Cũng may, Hằng cùng ekip bình tĩnh đi qua các giai đoạn để chuẩn bị.
"Với Hằng, quyết định nào cũng cần có cái duyên của nó, cũng như cảm xúc của bản thân dành cho nhân vật hay bộ phim mình tiếp nhận", Thanh Hằng chia sẻ
Dương Vân Nga là hoàng hậu của hai vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc trong lịch sử Việt Nam - Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Tuy nhiên, bà không được chính sử ghi chép nhiều. Đây có phải là lý do Thanh Hằng quyết định thực hiện bộ phim này để những khán giả trẻ thêm hiểu rõ hơn về Thái hậu Dương Vân Nga?
Đúng là vậy. Nếu chúng ta quan sát thì sẽ thấy thị trường phim ảnh làm về nhân vật thời xưa của các nước rất nhiều, chúng ta biết đến họ nhiều hơn các vị ở nước mình. Hằng thích thể loại cổ trang lắm, cộng thêm nhân vật Thái hậu xưa nay thông qua cải lương chúng ta chỉ biết được 1 phân đoạn Thái hậu trao long bào cho Lê Hoàn, chứ chưa đi sâu vào tiểu sử của bà. Đây là nhân vật càng tìm hiểu sâu thì mọi người sẽ yêu mến và thán phục đến ngạc nhiên.
Phục trang được Thanh Hằng diện trong Quỳnh hoa nhất dạ
Đây không phải lần đầu Thanh Hằng tham gia vào một dự án cổ trang, thậm chí vai diễn Kiều Thị trong Mỹ nhân kế của chị còn từng rất thành công trong quá khứ. Vậy quá trình chuẩn bị cho vai diễn này khác trước thế nào? Và quan trọng nhất là thần thái của một vị Thái hậu, Thanh Hằng có bị gặp áp lực nhiều không? Và chị đã khắc phục được điều đó như thế nào để khán giả khi xem phim tin rằng đây là Thái hậu Dương Vân Nga chứ không phải Thanh Hằng?
Ngoài vai trò diễn viên thì Hằng cũng đảm nhận luôn vai trò nhà sản xuất cho dự án Quỳnh hoa nhất dạ. Rất may Hằng còn các cộng sự rất giỏi nên năng lượng dành cho nhân vật cũng không quá bị ảnh hưởng. Bạn biết đó! Việt Nam mình chưa có phim trường dành cho cổ trang, cũng như cổ phục đi kèm. Tư liệu vào thời Đinh - Lê lại rất hiếm... vì thế ekip của Hằng đã mất hơn 6 tháng để thu thập nhiều nguồn và sâu chuỗi cũng như viết lại theo cấu trúc của kịch bản phim... đó chỉ là vài ví dụ chứ kể hết chắc mải miết mất (cười).
Cùng lúc đảm nhận vai nữ chính kiêm nhà sản xuất cho Quỳnh hoa nhất dạ thế nhưng Thanh Hằng luôn lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người
Về nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga, Hằng nắm được cốt lõi của nhân vật cần gì, phân tích và diễn thử với các bạn diễn như thế nào cho ăn ý... đến thời điểm này có thể nói là tạm ổn. Chỉ cần ra hiện trường là "chiến" thôi.
Làm phim cổ trang, dã sử chắc chắn sẽ tốn rất nhiều kinh phí và tâm huyết, trong khi mức độ thành công tại Việt Nam rất hiếm. Cũng có người nói rằng Thanh Hằng đang tự đưa mình vào thế khó và "chơi nổi" với dự án này? Sự mạo hiểm của chị có thể giải thích là đáp số của niềm đam mê, điều này đúng chứ?
Đúng là chọn đề tài cổ trang là thế khó thật. Đề tài này nó khác biệt nên cũng vì thế trở nên nổi trội. Và khiến cả ekip áp lực khi sản xuất rất nhiều. Nhưng hành trình này Hằng rất thích và đầy thú vị. Ekip lần mò được ra nhiều thứ hay ho, nhưng mất nhiều thời gian chuần bị. Cũng như trì hoãn quay vài lần cho chu đáo nhất mới "ra quân".
Nếu trước đây, phim cổ trang Việt là của hiếm trên màn ảnh rộng thì vài năm trở lại đây, các dự án phim cổ trang liên tiếp trình làng. Nhưng khán giả háo hức mong chờ thì ít mà hoài nghi, định kiến thì nhiều. Bởi rất nhiều phim được nhà sản xuất "nổ" tận mây xanh, đến khi công chiếu thì bị chê tơi tả vì chất lượng quá tệ. Với tư cách là một nhà sản xuất, chị đã lường trước những tình huống sẽ diễn ra khi phim của mình ra mắt chưa? Chị kỳ vọng như thế nào đối với dự án này?
Chính vì muốn cho bộ phim chất lượng nhất có thể nên ekip sản xuất cũng thay đổi lịch vài lần. Bạn tưởng tượng nhé. Từ phục trang, giày dép, trâm cài tóc, đại cảnh thượng triều hay phòng Thái hậu... mọi thứ đều được dựng lên chứ không có sẵn. Thêm một chút là chi phí tăng theo, mọi thứ phải được tính toán kỹ lưỡng và hợp lí. Chính vì vậy mọi người sẽ thắc mắc sao phim Quỳnh hoa nhất dạ lâu ra mắt đến vậy. Bởi, bộ phim cần thời gian nhiều hơn bình thường cho sự chỉn chu. Sẽ không vì tiến độ mà ảnh hưởng chất lượng phim!
Sản phẩm nào cho ra đời cũng sẽ được kì vọng. Hằng tin mình tạo ra được bộ phim khi ra rạp, khán giả sẽ cảm thấy họ bỏ tiền mua vé là xứng đáng!
Sản phẩm nào cho ra đời cũng sẽ được kì vọng. Hằng tin mình tạo ra được bộ phim khi ra rạp, khán giả sẽ cảm thấy họ bỏ tiền mua vé là xứng đáng!
Một trong những khó khăn lớn nhất khi thực hiện phim cổ trang đó là vấn đề trang phục. Với Quỳnh hoa nhất dạ, chị và cộng sự của mình - NTK Thủy Nguyễn đã "đau đầu" ra sao cho phần trang phục của phim? Đồng thời, cũng xin chị hé lộ về con số dành cho trang phục trong dự án này?
Trang phục cho tổng phim là hơn 200 bộ. Của riêng Thái hậu toàn đồ lộng lẫy với nhiều tầng lớp khác nhau khoảng 30 bộ. Mỗi chi tiết trên bộ trang phục đều mang ý nghĩa riêng chứ không chỉ đáp ứng tiêu chí đẹp. Nên lắm cầu kì và nhiều công phu. Cái khó nhất mà các phim cổ trang Việt Nam hiện nay mắc phải đó là tóc cho các diễn viên nam. Làm không khéo trông rất giả, may mắn cho chúng tôi đã mời được ekip tốt để tạo hình cho nhân vật nam. Họ khác biệt và rất đẹp!
Theo tiết lộ của Thanh Hằng, phục trang dành riêng cho Thái hậu trong phim là khoảng 30 bộ trong tổng số 200 bộ cho toàn dự án Quỳnh hoa nhất dạ
Sau dự án này, chị đã "nhem nhóm" cho mình những dự án kế tiếp với vai trò là NSX chưa?
Ồ chưa! Chắc nghỉ xả hơi một chút với gia đình chứ nhỉ? (cười) Diễn viên cần một khoảng trống nạp năng lượng lắm bởi nhập vai diễn mất sức thật sự!
Là một Siêu mẫu, một diễn viên nổi tiếng và giờ là một nhà sản xuất. Có thể thấy, tham vọng của Thanh Hằng dành cho điện ảnh là rất lớn. Trong tương lai, chị có định thử thách mình với vai trò khác không? Có thể là một đạo diễn chẳng hạn?
Thôi, thôi! Hiện tại Hằng kham việc muốn đứt hơi rồi. Hãy để các đạo diễn vẫn vui vẻ với Hằng (cười lớn).
Khi được hỏi về tham vọng lấn sân sang vị trí đạo diễn, Thanh Hằng cười lớn, cho biết: "Hiện tại Hằng kham việc muốn đứt hơi rồi. Hãy để các đạo diễn vẫn vui vẻ với Hằng"
Ở thời điểm này, một chương trình mới là The New Mentor có format tương tự The Face đang trong quá trình sản xuất. Và Thanh Hằng là một trong 4 vị Mentor quyền lực của chương trình. Tuy nhiên, dàn HLV bị đánh giá có thực lực chênh nhau. Chị nói sao về điều này và đánh giá thế nào về 3 mentor còn lại?
Với chương trình The New Mentor, cùng dàn huấn luyện viên hiện tại Hằng cho đây là đội hình đẹp và tốt nhất. Mỗi người mỗi thế mạnh, cùng tư duy làm việc văn minh, vui vẻ. Hương Giang hài hước pha trò, Hà Hồ nhẹ nhàng, Lan Khuê quyết liệt. Ngày làm việc kéo dài hơn 15 tiếng nhưng chính sự vui vẻ, văn minh mà trôi qua rất nhanh trong sự hào hứng. Hằng thích không khí làm việc như vậy!
Thanh Hằng là 1 trong 4 vị super mentor quyền lực của The New Mentor
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng cũng như rating của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay là rất lớn. Thế nhưng cũng có nhiều khán giả cho rằng, các chương trình thực tế hiện nay bị lạm dụng drama quá đà, cố chiếm spotlight bằng những câu nói giật gân, sốc óc để viral. Và các mentor đôi lúc họ chỉ là "quân cờ" kéo tương tác của nhà làm show. Chị nghĩ gì về điều này?
Với The New Mentor, nhà sản xuất là người cầu thị và biết lắng nghe. Chúng tôi tạo thành một tập thể hòa hợp để tạo ra cái chung tốt đẹp nhất. Nơi đó có tranh luận về tư duy, nhưng không tranh cãi để hạ bệ. Hai điều này khác nhau. Sự thú vị của các vị huấn luyện viên sẽ tạo nên thu hút cho chương trình. Khán giả bây giờ họ cũng thích xem cái gì tươi sáng chứ mệt đầu cả ngày với công việc riêng rồi.
"Với The New Mentor, nhà sản xuất là người cầu thị và biết lắng nghe. Chúng tôi tạo thành một tập thể hòa hợp để tạo ra cái chung tốt đẹp nhất. Nơi đó có tranh luận về tư duy, nhưng không tranh cãi để hạ bệ", Thanh Hằng chia sẻ
Là một chương trình đi sau, theo chị The New Mentor sẽ có điểm gì để thu hút khán giả cũng như giúp khán giả có cái nhìn thiện cảm hơn với chương trình truyền hình thực tế hiện nay?
Tháng 8 chương trình phát sóng sẽ là câu trả lời rõ nhất!
Thực sự để giữ vững ngôi vị đỉnh cao trong giới showbiz suốt hơn 1 thập niên qua, Thanh Hằng có thể chia sẻ chị đã gặp phải những áp lực nào trong suốt chặng đường ấy? Đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, chị muốn nói điều gì?
Xung quanh Hằng thì đầy áp lực, nhưng sống chung với những điều đó lâu năm nên quen rồi. Trái lại bây giờ còn làm chủ được nó, áp lực chỉ vì cầu toàn cho công việc nên vui chứ không nên mệt mỏi.
Bạn hỏi đứng trên đỉnh cao Hằng muốn nói gì hả? Hằng thấy đó là số phận của mình phải đón nhận, giữ gìn nó và lan tỏa những điều hay ho cho các hậu bối của mình.
Nghe được tin Thanh Hằng sắp kết hôn, cả showbiz Việt đều mừng và chúc phúc đến chị. Vốn biết Thanh Hằng là một người kín tiếng trong chuyện tình cảm, nhưng rất muốn được chị chia sẻ đôi lời về người đàn ông may mắn đó. Để có thể khiến "chị đại" Thanh Hằng cảm thấy tin tưởng và đặt trọn niềm tin, ắt hẳn đó là một người đàn ông đủ ấm áp?
Cám ơn mọi người và những lời chúc dành đến cho Hằng. Nhưng vẫn như thường lệ là Hằng ít khi chia sẻ chi tiết về chuyện cá nhân. Đến khi rõ ràng hơn thì Hằng sẽ trả lời nhé!
"Hằng ít khi chia sẻ chi tiết về chuyện cá nhân. Đến khi rõ ràng hơn thì Hằng sẽ tiết lộ về một nửa của mình nhé"
Trong mắt khán giả, Thanh Hằng là người phụ nữ mạnh mẽ, đầy bản lĩnh vậy không biết rằng khi chuẩn bị kết hôn, để làm vợ, làm mẹ đã thay đổi chị thế nào? Chị đã có kế hoạch gì cho gia đình nhỏ của mình chưa?
Hằng cũng chả rõ bản thân sẽ ra sao khi có gia đình cùng con cái. Với cá tính này thì chắc mọi thứ về tư duy sẽ không khác nhiều đâu, chỉ có thời gian sẽ biến thành một bà mẹ bỉm sữa mà thôi!
Chị có phải là một người thích nấu ăn không? Nếu có thì đâu là món ăn chị muốn nấu nhất cho ông xã tương lai của mình?
Khi có nhiều thời gian Hằng cũng hay nấu. Khiếu nấu ăn cũng có đó nha, Hằng học trên Youtube các công thức rồi cân theo vị mình mà nấu. Bật mí với độc giả là Hằng nấu ăn cũng ngon lắm đó... nhớ lại thời điểm dịch bệnh Covid-19 thì bánh bao, bánh giò, xôi mặn, bún bò... Hằng đều đã làm qua hết rồi. Muốn ăn gì là Hằng trổ tài món đó thôi. Việc nước việc nhà làm tuốt!
Không chỉ giỏi việc nước, Thanh Hằng còn rất đảm việc nhà. Cô hé lộ trình độ nấu ăn của mình cũng rất "thượng thừa"
Sau khi kết hôn có rất nhiều nghệ sĩ, họ chia sẻ thẳng thắn chuyện chưa muốn có con mà lo lắng cho sự nghiệp. Còn với chị có sẵn sàng gác lại sự nghiệp một thời gian để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của một người phụ nữ?
Lựa chọn có con thì tùy theo tư duy mỗi người. Độ tuổi này thì Hằng cũng nên có hậu duệ, cũng muốn nhìn xem phiên bản Thanh Hằng nhí sẽ ra sao!
Xin cảm ơn Thanh Hằng về cuộc trò chuyện!
'Đất rừng phương nam' và loạt phim bị phản ứng vì ồn ào của diễn viên Nhiều bộ phim như Đất rừng phương nam, Hạnh phúc của mẹ, Vu quy đại náo... bị vạ lây vì ồn ào của diễn viên. Sau khi hé lộ những thước phim đầu tiên, Đất rừng phương nam vấp phải những ý kiến trái chiều vì sự xuất hiện của Trấn Thành. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng nam diễn viên...