Vì sao khủng hoảng chip hiện nay lại đáng lo hơn rất nhiều?
Cơn khát chip làm gián đoạn sản xuất xe hơi, tăng giá thiết bị điện tử và gây lo ngại trên toàn cầu nay đã tìm thấy nạn nhân mới: các hãng thiết bị sản xuất bán dẫn.
Thời gian chờ để được nhận máy sản xuất chip – một trong các cỗ máy phức tạp nhất thế giới – đã kéo dài trong vài tháng gần đây. Vào đầu mùa dịch, mất vài tháng từ khi đặt hàng cho tới khi giao hàng. Trong một số trường hợp, khách hàng phải chờ 2 – 3 năm. Ngay cả những đơn đặt hàng cũ cũng chậm trễ.
Vì vậy, hi vọng sớm giải tỏa được cơn khát chip trở nên mong manh hơn nhiều. Bắt nguồn từ nhu cầu laptop và thiết bị điện tử tăng đột biến do xu hướng làm việc, học tập tại nhà trong dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng nhanh chóng trở thành vấn đề trầm trọng của cả ngành công nghiệp. Nhiều lãnh đạo các hãng chip dự đoán, khủng hoảng có thể kéo dài sang năm 2023, 2024 hoặc lâu hơn.
Nhân viên Wolfspeed làm việc trong phòng sạch tại nhà máy New York, Mỹ tháng 4/2022.
Tom Caulfied, CEO hãng sản xuất chip GlobalFoundries, không cho rằng vào cuối năm 2022, cung cầu sẽ cân bằng. Còn theo Doug Lefever, CEO Advantest America, thời gian sản xuất loại máy dùng để kiểm tra chip mới chế tạo hoạt động chuẩn xác không đã tăng gấp đôi hoặc hơn. Những chiếc máy này cần tưới 250.000 bộ phận và chỉ một gián đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng cũng làm cả quá trình bị hoãn. Ông dự báo tình trạng này còn kéo dài.
Ganesh Moorthy, CEO Microchip Technology – nhà sản xuất chip vi điều khiển chuyên xử lý dữ liệu trong tất cả các loại thiết bị điện tử – nói công ty đang xem các nhà cung ứng thiết bị chip là khách hàng ưu tiên, thay vì các nhà sản xuất thiết bị y tế như đầu dịch.
Các công ty chip nhấn mạnh nếu đơn hàng được ưu tiên, cuộc khủng hoảng chip sẽ “dễ thở” sớm hơn. “Hiệu ứng số nhân” được nhắc đến trong một sách trắng gần đây. Cụ thể, một công cụ kiểm tra cần khoảng 80 chip chuyên dụng, có thể lập trình lại sau khi sản xuất. Nó sẽ hỗ trợ sản xuất 320.000 con chip cùng loại mỗi năm.
Video đang HOT
Các công cụ không phải vấn đề hóc búa duy nhất. Những thách thức khác bao gồm khó khăn khi tuyển lao động làm việc trong các nhà máy mới, thiếu nguồn cung hóa chất cần thiết, thiếu chất nền (substrate) gắn chip với bảng mạch.
Cùng lúc này, nhu cầu chưa có dấu hiệu chậm lại. Doanh số ngành công nghiệp chip đạt 500 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2021 và có thể tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ. Thời gian chờ giao chip lâu kỷ lục. Theo ước tính của hãng tài chính Susquehanna vào tháng 4, phải chờ hơn 6 tháng để được giao hàng.
Dù vậy, “nỗi đau” có thể được xoa dịu trong một số lĩnh vực, theo Peter Hanbury, đối tác chuyên về công nghệ chip tại Bain & Co. Với các nhà máy sản xuất chip đời cũ dùng cho xe hơi mới xuất hiện, căng thẳng chuỗi cung ứng sẽ được giải tỏa, dù nguồn cung chip hiện đại trong thiết bị điện tử chưa cải thiện.
ASML Holding, công ty Hà Lan chuyên chế tạo những thiết bị sản xuất chip đắt tiền và tân tiến nhất thế giới, dự đoán cầu tiếp tục vượt cung trong năm sau. Họ đang làm việc với các nhà cung ứng để xem có sản xuất thêm được công cụ đáp ứng nhu cầu hay không, song điều này không thể xảy ra trước năm 2025. Ngay cả khi đã giao hàng, vẫn cần thời gian để các nhà sản xuất chip tận dụng đầy đủ máy móc.
Vấn đề giao hàng làm ảnh hưởng đến doanh thu của một số doanh nghiệp. Tim Archer, CEO Lam Research – một trong các công ty thiết bị bán dẫn lớn nhất toàn cầu – cho biết khủng hoảng linh kiện đồng nghĩa họ không thể được hưởng lợi trọn vẹn từ nhu cầu mạnh mẽ.
Gián đoạn thiết bị sản xuất chip xuất hiện trong bối cảnh hàng loạt nhà sản xuất chip lên kế hoạch mở rộng quy mô. Chẳng hạn, TSMC – nhà thầu sản xuất chip lớn nhất hành tinh – dự định chi 100 tỷ USD đến năm 2024 để tăng công suất. Intel sẽ xây nhà máy tại Arizona, Ohio (Mỹ) và Đức trong thập niên tiếp theo.
CEO Intel Pat Gelsinger thừa nhận cung – cầu sẽ cân bằng muộn hơn so với dự tính trước đó. Thiếu hụt thiết bị cản trở khả năng cung ứng của cả ngành. Dù vậy, kế hoạch đối với các nhà máy mới của Intel vẫn không thay đổi.
Theo tổ chức công nghiệp SEMI, hơn 90 nhà máy chip dự kiến bắt đầu sản xuất từ năm 2020 đến năm 2024. Đây là con số lớn nếu xét tới việc chỉ một công cụ sản xuất cũng có chi phí hàng triệu USD. Bất chấp gián đoạn nguồn cung, doanh số thiết bị sản xuất chip năm nay có thể chạm mốc 100 tỷ USD, ngưỡng mà nhiều cựu binh trong ngành từng cho rằng còn lâu mới đạt được.
Dù nhu cầu dần chậm lại so với đỉnh dịch và tỉ lệ lạm phát cao ảnh hưởng đến chi tiêu, các lãnh đạo ngành chip tin rằng sự chuyển dịch thị trường về lâu dài như chuyển sang xe điện, tăng cường tự động hóa công nghiệp hay sự phổ biến của thiết bị thông minh… sẽ giữ cho các nhà máy luôn bận rộn và kéo dài cuộc khủng hoảng chip.
Nhu cầu bán dẫn nở rộ, 'đại gia' làng chip không ngại 'bơm' tiền
Các nhà sản xuất bán dẫn khắp thế giới tích cực đầu tư những khoản tiền lớn vào nghiên cứu và phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của thế giới.
Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC cam kết chi 100 tỷ USD trong 3 năm để tăng cường sản xuất silicon wafer hiện đại, vốn được dùng để chế tạo ra hàng loạt loại chip khác nhau.
Tháng 1, công ty thông báo chi phí tài sản cố định sẽ tăng 47% năm 2022, dự định chi từ 40 đến 44 tỷ USD trong năm nay, tăng từ 30 tỷ USD năm 2021.
"Gã khổng lồ" bán dẫn Đài Loan đang xây nhà máy 12 tỷ USD tại Phoenix, Arizona (Mỹ) và một nhà máy khác tại Nhật Bản để tăng công suất. Họ đã có vài nhà máy khác - hay còn gọi là các "fab".
TSMC không phải nhà sản xuất duy nhất rót hàng tỷ USD vào các nhà máy công nghệ cao. Đối thủ Intel tháng 3/2021 tiết lộ kế hoạch chi 20 tỷ USD cho 2 nhà máy chip mới tại Arizona. Intel đã hiện diện tại đây trong hơn 40 năm và tiểu bang này là quê hương của hệ sinh thái bán dẫn nổi tiếng. Ngoài Intel, các hãng chip khác cũng đang hoạt động tại đây bao gồm On Semiconductor, NXP và Microchip.
Samsung chưa đưa ra kế hoạch chi tiết năm 2022, nhưng tháng trước chia sẻ đã dành 90% chi phí tài sản cố định năm 2021 cho mảng chip.
Theo hãng nghiên cứu Gartner, năm 2021, doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu đã chi 146 tỷ USD để tăng công suất và nghiên cứu. TSMC, Samsung và Intel - ba công ty lớn nhất trong ngành - chiếm 60% trong số 146 tỷ USD.
Trong khi đó, nhà phân tích Peter Hanbury của hãng nghiên cứu Bain, dự đoán chi phí vốn giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng gần gấp đôi giai đoạn 2016-2020. Điều này là vì tính phức tạp ngày một tăng của các công nghệ mới, cần nhiều quy trình xử lý hơn để tạo ra wafer và cần công cụ đắt tiền hơn, cũng như nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chip hiện tại.
Nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn như Nvidia, AMD, Qualcomm không cần chi số tiền lớn như vậy vì họ không tự sản xuất, theo Glenn O' Donnell, Giám đốc nghiên cứu hãng phân tích Forrester. Họ chỉ thiết kế chip và sau đó giao việc sản xuất cho các nhà thầu như TSMC.
Vài hãng chip kém nổi hơn cũng đang dự định tăng cường chi tiêu trong năm nay. Chẳng hạn, Infineon - nhà sản xuất chip lớn nhất châu Âu - cho biết, sẽ chi thêm 2,4 tỷ EUR để mở rộng hoạt động. ST Micro có kế hoạch đầu tư gấp đôi so với năm 2021, lên 3,6 tỷ USD, để đáp ứng nhu cầu. Khách hàng của họ bao gồm Tesla và Apple.
Trước làn sóng "bơm tiền" này, các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng bán dẫn sẽ được hưởng lợi không ít. Đó là ASML, Applied Materials, Air Products, các nhà cung ứng chính cho những nhà máy sản xuất chip.
Bất chấp hàng núi tiền đã được bỏ ra, ngành bán dẫn vẫn chưa thể sản xuất đủ chip. Chip được dùng trong mọi thứ, từ lò vi sóng, máy giặt cho đến tai nghe, hệ thống tên lửa của máy bay chiến đấu. Nhiều sản phẩm như xe hơi chứa hàng chục loại chip khác nhau.
Một số người lo ngại tình trạng dư thừa chip sẽ xảy ra một khi tất cả fab mới đi vào hoạt động, song ông O'Donnell không nghĩ vậy. "Cuộc đua của nhân loại gắn với công nghệ. Nhu cầu còn tiếp tục tăng, không giảm. Thực tế, tôi hoài nghi những khoản đầu tư này đã đủ chưa".
Apple loay hoay giữa cuộc khủng hoảng chip toàn cầu Sự khan hiếm về nguồn cung linh kiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến iPad, khiến doanh thu của dòng sản phẩm này giảm 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trang Nikkei Asia đã theo dõi thời gian giao hàng các sản phẩm của Apple tại 25 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... kể từ đầu tháng 11/2021. Theo...