Vì sao khan hiếm giáo viên bộ môn nghệ thuật?
Người dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng, nguồn tuyển khan hiếm là thực tế về giáo viên bộ môn nghệ thuật tại TP.HCM
TP.HCM khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên bộ môn nghệ thuật – Đ.N.T
Vừa hiếm vừa thiếu
Trước thông tin do Bộ GD-ĐT cung cấp, TP.HCM cùng 10 tỉnh, thành khác mới đạt từ 50% trường tiểu học có giáo viên nghệ thuật, lãnh đạo phụ trách bậc học này của TP.HCM cho hay, giáo viên bộ môn này vừa hiếm vừa thiếu.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục quận 12, TP.HCM, cho hay từ nhiều năm qua, số lượng giáo viên âm nhạc và mỹ thuật của các trường tiểu học trong quận mới chỉ dừng ở mức đảm bảo có để tổ chức hoạt động giảng dạy chứ chưa đủ. Ngoài ra, các trường cũng không có cơ hội tuyển người giỏi hơn vì “có người ứng tuyển là tốt rồi”.
Tương tự, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Tân, TP.HCM, cũng từng nói về việc khan hiếm giáo viên âm nhạc và mỹ thuật. Theo đó, có những năm, ứng viên dự tuyển vị trí giáo viên các môn toán, vật lý, hóa học có nguồn tuyển phong phú dẫn đến tỷ lệ chọi xấp xỉ 1/10, còn các môn âm nhạc, mỹ thuật lại không có ứng viên đăng ký dự tuyển. Hay như, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bình Chánh, TP.HCM, từng thông tin: “Giáo viên bộ môn mỹ thuật và âm nhạc luôn luôn thiếu nguồn tuyển, có những năm các trường đề xuất lên cần 8 đến 11 giáo viên mà có khi chỉ có vài ba hồ sơ đăng ký”.
Video đang HOT
Còn ở quận Tân Phú, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục quận này, cho hay cơ bản là mỗi trường có ít nhất một giáo viên để tham gia thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên dạy nhiều nhiều môn và đảm bảo một số tiết dạy theo quy định.
Học sinh có năng khiếu nghệ thuật không chọn ngành sư phạm
Ông Khiêm nói thêm, sở dĩ các trường đảm bảo hoạt động giảng dạy là do bậc tiểu học có đặc trưng là giáo viên dạy nhiều môn, ngoại trừ môn tin học và ngoại ngữ cùng với mức độ kiến thức của các môn học này dừng lại ở mức biết và hiểu một cách cơ bản nhất nên việc thiếu nguồn tuyển không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Về phía Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, cho biết trong các hội nghị tổng kết công tác tuyển dụng giáo viên, lãnh đạo các phòng giáo dục đều nêu khó khăn trong việc tuyển giáo viên bộ môn nghệ thuật, cho dù đã bỏ quy định về hộ khẩu thường trú.
Ông Huỳnh Long chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực do thu nhập thấp hơn so với tham gia vào các hoạt động ngoài nhà trường, đồng thời đầu vào ngành sư phạm của bộ môn mỹ thuật và âm nhạc không nhiều. Bởi theo ông Long, nếu có năng khiếu nghệ thuật thì học sinh, sinh viên theo định hướng khác chứ không chọn ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, hiện TP.HCM có 2 trường là Trường ĐH Sài Gòn đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc và Trường ĐH Mỹ thuật đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật với tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong cả nước là khoảng 100. Vi vậy, không thể chắc chắn 100 sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ theo ngành sư phạm và ở lại TP.HCM làm việc nên khó tuyển là chuyện đương nhiên.
Nói về kế hoạch tổ chức trong thời gian tới, ông Huỳnh Long thông tin Sở đã có kế hoạch làm việc với Nhạc viện TP.HCM để có định hướng cho sinh viên đang theo học hỗ trợ cho các quận, huyện. Song song với đó tham mưu và đề xuất chế độ chính sách cho giáo viên nhạc họa để thu hút nhân lực.
Theo Thanh niên
Từ những lớp học năng khiếu hè
Những năm gần đây, nhiều bậc phụ huynh thay đổi suy nghĩ trong việc lên kế hoạch kỳ nghỉ hè của con em mình. Thay vì cho con đăng ký các lớp học văn hóa, cha mẹ hướng cho trẻ tham gia những lớp thể thao, năng khiếu hay nghệ thuật.
Điểm chung của những lớp học này giúp rèn luyện sức khỏe, trang bị cho trẻ những kỹ năng thiết yếu, qua đó có thể phát hiện năng khiếu ở từng em.
Nắm được xu thế trên, Nhà Thiếu nhi An Giang đã khai giảng nhiều lớp học hè như: bóng đá, võ thuật, cờ vua, múa, thanh nhạc... Bên cạnh đó, các khóa học ở đây được mở xuyên suốt trong năm (4 khóa/năm), các em còn được hưởng các chế độ miễn giảm học phí nên thu hút đông đảo học viên tham gia. Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi An Giang Huỳnh Việt Thắng cho biết, sau thời gian chiêu sinh, có trên 500 em đăng ký các lớp học năng khiếu, tập trung nhiều ở các môn: bơi lội, võ vovinam, cầu lông, cờ vua, hội họa, múa... Theo đó, các lớp học trong nhà đều được Nhà Thiếu nhi trang bị máy lạnh, cơ sở vật chất hiện đại cùng chương trình đào tạo được xây dựng khoa học, dễ tiếp thu. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ giảng dạy đảm bảo chuyên môn, nhiệt huyết và đặc biệt yêu mến trẻ. Qua đó, giúp các em thoải mái phát triển năng khiếu cũng như có được sân chơi giải trí lành mạnh, bổ ích trong hè. Một môi trường tốt sẽ giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi gửi con em mình.
Luyện tập các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, học tập tốt hơn
Trước đây, cứ hè về là chị Thanh Quỳnh (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) đăng ký cho con học thêm, nào là Toán, tiếng Anh, vì nghĩ học như vậy con mới tiến bộ được. Tuy nhiên, năm nay chị cho con trai mình tham gia các môn năng khiếu vào dịp hè. "Thời gian qua, trên báo, đài và thực tế chứng kiến nhiều về chuyện áp lực học hành, khiến trẻ không còn năng động, không có được niềm vui, mất đi tuổi thơ vốn có. Từ đó, tôi đã thay đổi suy nghĩ, cho con tham gia các môn thể chất, con thích học đàn tôi tạo điều kiện cho học, để con thoải mái phát triển năng khiếu của mình" - chị Quỳnh giải thích. Em Trần Hoàng Trọng (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) đã tham gia 2 khóa học cầu lông tại Nhà Thiếu nhi An Giang chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, hè về là ba mẹ sẽ cho em lựa chọn một môn năng khiếu để học, em thích môn nào sẽ được học môn đó. Em chọn môn cầu lông vì môn thể thao này giúp rèn luyện sức khỏe, lại vui vì giao lưu được nhiều bạn mới".
Các lớp học vẽ giúp các em phát triển khả năng sáng tạo
Trong suy nghĩ của nhiều em học sinh, nghỉ hè là dịp các em được nghỉ ngơi, vui chơi, được thư giãn sau một năm học vất vả. Tuy nhiên, phần đông phụ huynh đều lựa chọn giải pháp đăng ký các lớp học hè cho con. Họ đều mang tâm lý phải cho con đi học thêm, học trước chương trình trong dịp hè để không bị thua sút bạn bè, đạt thành tích tốt trong năm học tới. "Phần đông phụ huynh chọn cho con em mình đến các trung tâm để rèn luyện thêm các môn văn hóa, mặc dù đã được học suốt 9 tháng. Minh chứng rõ ràng là số lượng học viên tham gia các lớp năng khiếu hè giảm rõ rệt, chỉ bằng một nửa so với những năm trước" - ông Thắng chia sẻ.
Đó là chưa kể đến việc cho con học cùng lúc nhiều lớp năng khiếu, với kỳ vọng con sẽ trở thành người tài giỏi, vô hình chung tạo nên áp lực cho các em. Nghỉ hè là lúc các em vui chơi, nghỉ ngơi, do vậy các bậc phụ huynh không nên ép con phải học thêm quá nhiều. Phụ huynh có thể cho con tham gia sinh hoạt trong những câu lạc bộ hoặc các lớp năng khiếu như: cờ vua, âm nhạc, võ thuật, bóng đá, đọc sách, vẽ... theo sở thích của các em. Sau đó, dành ra khoảng 2 buổi/tuần để đăng ký cho con đi học lớp văn hóa, bổ sung lại các kiến thức cũ để trẻ vừa học vừa chơi, vừa có thời gian thư giãn.
ÁNH NGUYÊN
Theo baoangiang
Nâng chất dạy học nghệ thuật: Cần chiến lược xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên Điểm nổi bật trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) được triển khai ở các cấp học. PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cho rằng - các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, cập nhật, nắm bắt, theo...