Vì sao con tôi phải học thêm?
Tâm sự của hai phụ huynh trải lòng mình sau buổi họp đầu năm học…
Lớp con tôi mới họp phụ huynh đầu năm học. Nhiều khoản đóng góp “tự nguyện” được ban đại diện phụ huynh thông báo và đề nghị, mọi người thống nhất đóng trong lặng lẽ, chẳng ai có ý kiến gì.
Sau giờ học chính khóa, đông đảo học sinh tập trung chuẩn bị học thêm tại nhà một giáo viên – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Rồi cô giáo thông báo cho phụ huynh biết chương trình lớp 6 đầu cấp rất cực nhọc và khó khăn, vì các em không còn là học sinh tiểu học nữa, bài vở nhiều, kiến thức nặng, các em không chú tâm là đuối ngay.
Tháng qua thầy cô đã rất cảm thông nên có sự tập trung cho một số em bị hổng kiến thức nền, tuy vậy không thể kéo dài mãi được nếu khi làm bài kiểm tra các em cứ bị điểm kém, ảnh hưởng đến kết quả tổng kết cuối năm của học sinh. Các em này cần phải có nhiều thời gian để phụ đạo thêm! Sau đó cô cầm tờ giấy A4 đọc to danh sách học sinh có điểm môn văn, toán, lý từ 0 tới 3 điểm!
Video đang HOT
Vậy là không ai bảo ai, phụ huynh nào có con vừa được xướng tên trước lớp cuối phiên họp lũ lượt xếp hàng dài đăng ký cho con học thêm tại trường sau 5g chiều, một môn 350.000 đồng/tháng, tuần ba buổi!
Tôi thất vọng và thương cho các bậc phụ huynh đang lặng lẽ đứng gần bục giảng, có ai không cảm giác nặng nề khi nghe con mình bị bêu tên vì học kém hay không? Có nhiều cách tế nhị để giáo viên nhắc nhở phụ huynh quan tâm đến con em mình, nhưng cách ứng xử của cô giáo lớp con tôi không có chút gì là tôn trọng phụ huynh. Liệu cô có biết một số trẻ điểm kém sẽ bị cha mẹ trút sự giận dữ sau phiên họp này không?
Phụ huynh bây giờ muốn con không học thêm có được không? Môn văn lớp 6 mà có đến hơn nửa sĩ số trong lớp học yếu, rồi một tuần học thêm ba buổi, mỗi buổi học 2 giờ, liệu có bớt yếu chăng? Mà đó là môn Văn, nếu có khá lên thì phải cần một quá trình dài hơi để đọc, học, hiểu và cảm thụ. Còn môn Toán thì không thể thoát học thêm vì bài khó, dạy trong lớp cứ như đuổi bắt.
Con điểm thấp, phụ huynh lãnh đủ!
Con tôi học lớp 8 tại một trường ở trung tâm TP HCM. Học lực của cháu không đáng lo. Cứ cuối mỗi học kỳ và cuối năm cháu đều đem giấy khen về khoe gia đình. Bảy năm qua, cháu có 14 giấy khen học sinh giỏi. Hè, chúng tôi cho cháu vui chơi nhưng vẫn chú ý để cháu rèn luyện thêm môn tiếng Anh tại một cơ sở dạy ngoại ngữ gần nhà.
Cũng như khi cháu học chính khóa, tất cả giáo viên ở cơ sở ngoại ngữ đều khen cháu sáng dạ, chịu khó. Ở nhà tôi vẫn thường xuyên kèm thêm cho cháu bằng cách nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, tập cho cháu luyện nghe…
Đầu năm học, thầy chủ nhiệm, cũng là giáo viên môn tiếng Anh, cho kiểm tra thử 15 phút với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Con tôi lần lượt được 2, 4, 6 và 8 điểm. Lớp 34 cháu thì có 16 cháu bị điểm thấp như vậy. Giáo viên đã mời phụ huynh họp để thông báo tình hình sức học của các cháu. Tại buổi họp, giáo viên yêu cầu phụ huynh kèm thêm hoặc tìm người giúp các cháu.
Tôi là một giáo viên, đã đứng lớp gần 30 năm nên hiểu nỗi lòng của giáo viên. Thầy cô lo cho học sinh, lo cho chất lượng học tập của con em mình là điều đáng mừng. Nhưng sao tôi cảm thấy có cái gì đó không ổn.
Thứ nhất, các cháu mới vào học chưa đầy một tháng, chắc chắn chưa đủ thời gian để hiểu kỹ những kiến thức mới. Vậy có nên mời phụ huynh để thông báo việc các cháu “ học hành sa sút” không? Thứ hai, đây chỉ là kiểm tra 15 phút – một dạng kiểm tra chớp nhoáng và mới chỉ một lần, làm sao có đủ cơ sở để “thông báo tình hình sức học” mà mời phụ huynh?
Cuối buổi họp giáo viên nói thêm: “Phụ huynh cũng đừng hoang mang vì nhiều em kém hơn nhưng tôi đã rèn luyện và trở thành học sinh khá giỏi”. Mới nghe, tất cả phụ huynh chúng tôi đều mừng, nhưng sau mới biết giáo viên có một “cơ sở” dạy thêm ở nhà!
Với tư cách là một phụ huynh, tôi biết ơn vì thầy cô đã quan tâm đến con em mình. Với tư cách là một giáo viên, tôi thông cảm cho cái lo của giáo viên. Nhưng rất mong các thầy cô hãy tìm những biện pháp hữu hiệu hơn để giúp học sinh vươn lên, đừng vì những lý do khác mà gây áp lực với học sinh và phụ huynh. Nếu làm được điều này thì đó mới chính là những thầy cô giáo giỏi, và chúng ta đã có một nền giáo dục tích cực.
Theo Thụy Hiền – Mai Xuân/Tuổi Trẻ
TPHCM: Chuyển cơ sở bồi dưỡng văn hóa sang hình thức dạy thêm, học thêm
Ảnh minh họa
GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM đã đề nghị tất cả các cơ sở bồi dưỡng văn hóa đang hoạt động trên địa bàn thành phố đều phải lập hồ sơ, thực hiện thủ tục giải thể để chuyển sang hình thức dạy thêm, học thêm.
Đến nay về cơ bản, các cơ sở bồi dưỡng văn hóa do các trường THCS, trường THPTcông lập thành lập đã hoàn thành thủ tục giải thể để chuyển sang hình thức dạy thêm học thêm trong nhà trường.
Tuy nhiên, các cơ sở văn hóa ngoài giờ có chức năng bồi dưỡng văn hóa do các công ty, tổ chức, cá nhân thành lập (hiện có 193 cơ sở đã được Sở GD&ĐT cấp phép) đến nay chỉ có 11 cơ sở đã lập hồ sơ giải thể và chuyển sang hình thức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường trình Sở GD&ĐT.
Sở GD&ĐT đề nghị các nhà đầu tư và hiệu trưởng các cơ sở nghiêm túc thực hiện quy định của ngành, khẩn trương lập hồ sơ giải thể cơ sở bồi dưỡng văn hóa và hồ sơ đề nghị cấp phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, trình Sở GD&ĐT xem xét, quyết định; gia hạn thời gian đến hết ngày 31/5/2015.
Sau thời hạn này, Sở GD&ĐT cho biết sẽ kiểm tra, xem xét áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với các đơn vị không nghiêm túc thực hiện theo quy định trên.
Theo GD&TĐ
Điều kiện vật chất tốt, vì sao có học sinh-sinh viên tê liệt tự học? Lối dạy học áp đặt một chiều, đọc chép, học quá tải kéo dài cũng là lý do khiến học sinh, sinh viên xơ cứng, uể oải, mất dần hoặc mất hẳn khả năng tự học. Cha bán bánh cuốn, con mô tả là kỹ sưThi rồi lại thi ...Hai kỳ tuyển sinh, học trò muốn học Đại học Quốc gia phải thi...