Vì sao Bộ trưởng cho học sinh mang ghi âm, máy quay vào phòng thi?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “trấn an” các trường tại Hội nghị thi, tuyển sinh 2013 bằng câu nói: “Chúng ta phải có sự thích ứng với môi trường giáo dục khoa học công nghệ phát triển”.
Tại Hội nghị thi, tuyển sinh 2013 tổ chức chiều 22/1, đại diện nhiều trường ĐH, CĐ và các Sở GD&ĐT trong cả nước bày tỏ lo ngại trước quy định mới cho phép học sinh được mang những thiết bị ghi âm, thu hình vào phòng thi. Bởi theo nhiều ý kiến thì đối với một số trường đặc thù như múa, hội họa… đó lại là điều cần bàn.
TS.NGƯT Đào Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc mang máy ảnh, máy ghi hình, ghi âm vào phòng thi là để đảm bảo công khai, dân chủ nhưng đặc biệt một số ngành như mỹ thuật, vẽ một bức tranh tới 2 ngày, nếu mang máy ảnh vào chụp (mặc dù không có màn hình), vẫn có thể mang về để xin ý kiến bổ sung, sửa chữa. Và ông Hùng đề nghị, riêng trường Mỹ thuật không được đưa vào máy ảnh vào trong.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại Hội nghị thi, tuyển sinh 2013.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Lê Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, quy định cho thí sinh mang máy ảnh không có khả năng phát sóng vào phòng thi có điểm tốt và không tốt. Thực tế cho thấy, với đặc thù là trường nghệ thuật việc quy định cho mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi như trên có thể ảnh hưởng tới quá trình dự thi của thí sinh. Điều này đã được ông Hòa dẫn chứng trong những năm qua với các môn thi năng khiếu trường đã phải giải quyết các khiếu nại liên quan tới việc này. Do vậy, ông đề nghị Bộ GD&ĐT cần cân nhắc hơn.
Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết quan điểm của ông khi cho rằng việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi hoàn toàn không phải là sáng kiến của Bộ GD&ĐT mà xuất phát từ vấn đề thực tiễn phát sinh. Những năm trước đó Bộ GD&ĐT đã có quy định học sinh không được mang những vật dụng này vào phòng thi, tuy nhiên thực tiễn đã nói lên tất cả khi sự việc Đồi Ngô làm dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Từ đó, Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định ban hành quy định này không phải là chuyện vẽ đường cho hưu chạy mà đây chính là công việc phải làm, phải bắt đầu thích ứng với môi trường giáo dục khoa học công nghệ phát triển, đây chính là lúc chủ động để ngành giáo dục thực hiện trước khi rơi vào thế bị động.
Video đang HOT
Những năm qua công tác tuyển sinh, nhất là các khâu coi thi, hiện tượng giám thị vi phạm không còn là cá biệt, nhất là lực lượng sinh viên đi coi thi. Vẫn còn có đâu đó một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất mà vụ việc Đồi Ngô năm trước là một điển hình, nếu không có học sinh thì ai biết được có những tiêu cực đó? Bộ trưởng Luận cho rằng, phải biết dựa vào đại bộ phận học sinh đứng đắn để tìm ra những tiêu cực trong thi cử.
“Chúng ta không bắt buộc học sinh phải mua thiết bị mang vào nên phần lớn học sinh sẽ không mang gì, nhưng nếu có học sinh không bằng lòng với tiêu cực thì có thể chung tay chống tiêu cực vì đây là một chủ thể trong nhà trường. Quy định này như một tấm lưới giăng lên đầu chúng ta như có một sự kiểm soát vô hình để có một kỳ thi nghiêm túc”, Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh, cho thí sinh mang thiết bị sẽ có tính chất tích cực trong công tác giám sát phòng thi, đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi. “Trước kia tâm lý xã hội nghĩ rằng đằng sau cánh cổng trường thi là xã hội không biết chuyện gì đang xảy ra, thì nay cả xã hội sẽ cùng giám sát kỳ thi để đảm bảo sự công bằng trong sáng của ngành”.
Nguồn : Giáo dục Việt Nam
Nghiên cứu xác định điểm sàn theo khu vực
Cần xác định điểm sàn theo khu vực, thí sinh tiếp tục được mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình là 2 vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị thi và tuyển sinh 2013 diễn ra ngày 22/1.
Không tuyển đủ chỉ tiêu là do điểm sàn?
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của đại diện các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, năm 2012 tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, nguyên nhân là do điểm sàn, thời điểm xét tuyển quá dài. Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn; xác định điểm sàn theo từng khu vực. Cũng có ý kiến cho rằng, những trường trọng điểm nên có mức điểm sàn cao hơn.
GS. Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng cho rằng: "Việc kéo dài thời gian xét tuyển, điểm NV2 không cần bằng hoặc cao hơn NV1 khiến các trường công lập "vét" hết chỉ tiêu của trường ngoài công lập. Nhiều trường khối ngoài công lập đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển được sinh viên".
Ông Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐH QGHN kiến nghị: "Bộ GD-ĐT nên xác định điểm sàn theo khu vực". Đồng quan điểm, đại diện ĐH Đà Nẵng, cũng đề nghị tính điểm sàn theo từng khu vực, từng cơ sở đào tạo để tạo tính công bằng. Bởi lẽ, các trường ở địa phương không thể được đầu tư bằng các trường ở thành phố, các trường dân lập không thể bằng các trường công lập. Ngoài ra, Bộ nên điều chỉnh đề thi để thí sinh có thể đạt điểm sàn cao hơn 13 điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển.
Đại diện ĐH Đà Nẵng đề xuất: "Bộ GD-ĐT, nên phân biệt mức điểm sàn Cao đẳng của thí sinh dự thi ĐH để học cao đẳng và thí sinh thi cao đẳng học cao đẳng. Hai thí sinh này nên có hai mức điểm sàn khác nhau".
Về vấn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Việc xét điểm sàn hiện nay chưa thực sự khiến dư luận và các trường hài lòng. Bộ sẽ nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn, ví dụ như có thể xác định theo phổ điểm của từng môn và lấy trung bình chung của các môn thi/khối thi (thấp hơn hoặc bằng mức điểm này), đồng thời đề nghị các trường có những sáng kiến để xác định điểm sàn có tính thuyết phục nhất. Bộ cũng đang cố gắng ra đề thi cho phù hợp".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trả lời báo chí về những điểm "nóng" trong tuyển sinh.
Mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi tạo áp lực lớn cho giám thị
Bộ GD-ĐT thừa nhận công tác coi thi vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất ở mùa thi, giám thị ở một số phòng thi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, để thí sinh quay cóp, chép bài của nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận, dẫn đến nhiều thí sinh làm bài thi giống nhau, trong đó, có những nội dung sai giống nhau. Tuyển sinh 2013, Bộ GD-ĐT tiếp tục cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình.
Nhiều đại biểu băn khoăn vì quy định này khiến các trường gặp khó khăn, tạo áp lực lớn cho giám thị. Nhiều lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đề xuất Bộ nên rút quy định này.
Đại diện Trường ĐH Vinh cho rằng, công tác đảm chống tiêu cực là trách nhiệm của các trường, không nên vì một vài trường hợp mà đưa ra quy định chung, làm mọi việc trở nên rối rắm, gây khó cho các trường.
Giải thích vì sao Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: "Việc cho phép thí sinh mang ghi âm, ghi hình vào phòng thi không phải là sáng kiến của Bộ mà là vấn đề của thực tiễn. Nếu quy chế quy định không được mang nhưng thí sinh vẫn mang rồi ghi hình đưa lên mạng bừa bãi sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của các trường, của cả ngành giáo dục. Việc Bộ cho phép thí sinh mang vào không phải là vẽ đường cho hươu chạy mà là đối diện với thực tế, với những vấn đề phát sinh từ thực tế. Nếu quy chế không cho nhưng thí sinh vẫn đem vào thì chúng ta làm thế nào. Khi cho phép đàng hoàng rồi mà thí sinh còn phát tán tùy ý thì sẽ xử lý. Bộ sẽ quy định, sau khi quay thì thí sinh nộp về đâu".
"Trong các kỳ tuyển sinh trước, vẫn có những trường hợp giám thị, cán bộ, công an làm công tác coi thi, thanh tra thậm chí lãnh đạo nhà trường, chủ tịch hội đồng coi thi vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không công bố công khai thông tin này. Việc cánh ly các hội đồng thi sẽ trở thành nối áo cho giặc nếu như nội bộ tiêu cực. Ví như vụ việc THPT Đồi Ngô, nếu thí sinh không phát hiện thì ai sẽ phát hiện được tiêu cực? Tôi cho rằng, chúng ta dựa vào lực lượng đa số học sinh, sinh viên tốt là cách làm đúng đắn" - Bộ trưởng Luận cho hay.
Bộ trưởng Luận cho biết, Bộ sẽ cân nhắc, tính toán vấn đề này bởi quy định này như giăng lên một trách nhiệm vô hình khiến các lực lương tham gia coi thi phải nghiêm túc. Bộ không yêu cầu thí sinh phải trang bị thiết bị mang vào phòng thi nhưng nếu thí sinh nào không bằng lòng với tính nghiêm túc của hội đồng thi thì được phép mang vào.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: "Việc cho thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi là để cho xã hội thấy rằng sau cánh cửa cổng trường thi không hoàn toàn cô lập mà xã hội có thể giám sát được. Quy định này sẽ làm tính nghiêm túc của kỳ thi được nâng lên, và đặc biệt sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người coi thi, buộc họ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đó chính là điều Bộ nhắm tới chứ không phải để khuyến khích thí sinh mang máy ghi âm, máy quay vào phòng thi".
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Kết thúc kỳ thi tuyển sinh: "Nóng" chuyện thiết bị ghi âm, chụp hình Việc Bộ GD-ĐT chưa nhận được phản ánh tiêu cực nào qua địa chỉ email cộng với chuyện đề thi Toán được "tuồn" từ phòng thi ra ngoài đã khiến cuộc trao đổi giữa Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ với báo chí chiều ngày 10/7 trở nên "nóng bỏng". Tái khẳng định trước báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng -...