Vì đâu cả nước thiếu 76.000 giáo viên?
Thống kê chưa đầy đủ từ 43 tỉnh, thành cho thấy trước thềm năm học mới, các trường học đang thiếu gần 76.000 giáo viên, đặc biệt bậc mầm non thiếu đến 40.000 người.
Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT tại 43 tỉnh, thành, các trường học hiện thiếu gần 76.000 giáo viên (GV).
Thừa – thiếu cục bộ khắp nơi
Nói về bậc mầm non, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay tính đến ngày 15/8, cả nước có gần 310.000 GV mầm non. Nếu so với định mức mà Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ thống nhất, số GV mầm non còn thiếu khoảng 40.000 người.
Theo bà Nghĩa, GV mầm non thiếu ở rất nhiều địa phương, đặc biệt ở tỉnh Điện Biên hay khu vực ĐBSCL còn thiếu GV trầm trọng hơn. Thống kê cho thấy chỉ riêng tại Hà Tĩnh, GV mầm non còn thiếu lên đến 800 người, khoảng 1.200 trẻ không được nhập học vì thiếu GV cũng như trường lớp.
Giáo viên tại TP.HCM hướng dẫn học sinh chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Ở bậc tiểu học, số GV còn thiếu gần 19.000 người. Trong khi đó, bậc THCS và THPT xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ. THCS thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người, còn bậc THPT thì thiếu trên 3.000 GV.
Video đang HOT
Bộ GD&ĐT nhận định đội ngũ GV đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác. Tình trạng thừa thiếu cục bộ xảy ra ngay trong quy mô nhà trường, trong một huyện và giữa các huyện trong một tỉnh.
Lý giải tình trạng thừa – thiếu GV, đặc biệt là GV mầm non, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, GV tăng nhưng không theo kịp tốc độ tăng của trẻ, đặc biệt là các khu đô thị, KCN, KCX.
Thêm vào đó, khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhiều địa phương phản ánh từ năm 2015 đến nay, họ không được giao chỉ tiêu biên chế, dẫn đến thiếu GV các cấp học.
Thứ ba, theo bà Nghĩa, công tác quy hoạch, dự báo ở các địa phương hạn chế dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ GV. Thừa ở THCS, THPT, thiếu ở mầm non, tiểu học.
Vì thiếu – thừa như vậy nên ở cấp mầm non rất thiếu GV nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng, dẫn đến tình trạng thiếu GV từ năm này sang năm khác không được khắc phục. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng số lượng GV thừa – thiếu cũng như quy mô học sinh từng cấp học là những con số có thể tổng hợp, thống kê từ trước nhưng một số địa phương đã không chủ động xử lý nên đã dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi lại thiếu.
Một mình bộ không làm nổi!
“Giải quyết tình trạng thiếu – thừa GV, một mình Bộ GD&ĐT khó có thể làm nổi do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục (GV, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành nội vụ” – bà Nghĩa cho biết.
Thứ trưởng thông tin thêm Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục sắp xếp rà soát mạng lưới trường lớp theo hướng giảm điểm lẻ, tăng quy mô các trường để tiết kiệm định mức đầu tư cũng như biên chế.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương điều tiết GV từ nơi thừa sang thiếu, từ cấp học thừa sang cấp học thiếu để khắc phục tình trạng có học sinh mà không có GV. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư để giảm tải cho trường công”, bà Nghĩa nói.
Thông tin thêm về nội dung này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho hay quan điểm của Bộ GD&ĐT là không để các huyện tự xử lý nội bộ vấn đề biên chế GV vì như vậy rất khó giải quyết liên huyện hoặc trong một tỉnh. Tình trạng thừa – thiếu mang tính cục bộ nên có thể điều chuyển GV từ huyện này sang huyện khác ở chung một cấp học.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ – ngành trong đó có bộ GD&ĐT điều chỉnh biên chế phù hợp với việc tăng dân số cơ học.
Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đang phối hợp yêu cầu các địa phương tổng hợp rà soát về dân số từ 2015-2018, số lượng học sinh, số lượng GV cả biên chế và hợp đồng và trên cơ sở đó, tỉnh cân đối về biên chế và báo cáo về Bộ Nội vụ để bộ này báo cáo Thủ tướng.
“Để đáp ứng nhiệm vụ của năm học mới, Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ về chính sách đối với GV. Theo đó, đối với những địa phương thiếu định mức GV theo quy định thì đề nghị cho phép được ký hợp đồng có thời hạn ở những vùng quá thiếu GV”, bà Nghĩa nói.
Bạo hành trẻ cũng là hậu quả của thiếu GV
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng không thể thực hiện việc tinh giản biên chế GV, đặc biệt là GV mầm non, một cách cơ học bởi GV trên lớp phải theo định mức quy định, nếu không sẽ dẫn đến những hệ lụy khó tránh khỏi như không an toàn cho trẻ.
Nhiều trường hợp GV bạo hành trẻ, việc này cực kỳ đáng lên án nhưng phần nào đó thì đó là hậu quả của việc thiếu GV mầm non do cường độ, áp lực làm việc của GV mầm non quá lớn.
Theo Zing
Chỉ 19,4% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố số liệu thống kê tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của từng bậc học hiện nay. Trong đó đáng chú ý là chỉ 19,4% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn.
Năm học mới, nhà trường tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu - B.THANH
Ngày 17.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 bậc trung học. Theo đó, Sở công bố số liệu thống kê tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của từng bậc học hiện nay. Cụ thể, bậc tiểu học dẫn đầu với 96,7%, tiếp theo đến bậc THCS với 85,3%, bậc mầm non 62%. Còn lại 2 bậc học có tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn thấp là THPT với 19,4% và GDTX với 15,93%.
Ngoài ra, Sở cũng thông tin số lượng trường học và học sinh ngoài công lập. So với 5 năm trước, hiện nay, số trường ngoài công lập tăng 168 trường (24,7%) và số học sinh đang theo học cũng tăng 58.192 học sinh (26,2%). Thành phố hiện có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài với trên 1.345 giáo viên, hơn 10.799 học sinh (5.080 học sinh Việt Nam) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tốt cho con, em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác hoặc kinh doanh, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của thành phố bằng cách cung cấp chương trình giáo dục quốc tế có uy tín và được công nhận trên toàn thế giới.
Trong năm học mới 2018 - 2019, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định tiếp tục chỉ đạo các trường đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Tăng cường tổ chức cho học sinh tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Đồng thời hướng dẫn trường chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của học sinh, sinh viên theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học. Chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học.
Theo thanhnien.vn
Bạn đọc viết: Học chữ sớm không bằng dạy con cách tư duy Năm nay con tôi kết thúc bậc tiểu học để chuyển sang bậc THCS. Trải qua những năm đồng hành cùng con, tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân. Trong đó nhận thức quan trọng nhất là dạy con học chữ sớm không bằng dạy con cách tư duy khi gặp một vấn đề mới cần giải...