Về sông Bồ thưởng thức món chột nưa kho với cá cù
Ngoài trồng lúa, người dân sinh sống dọc theo sông Bồ, thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) còn trồng cây chột nưa. Loài cây này được xem như một “đặc sản” kinh tế vườn, bởi chột nưa nấu canh với cá đồng, tôm, cua là món ăn rất ngon miệng được nhiều người yêu thích.
Cây nưa thuộc họ cây môn (khoai nước, khoai sọ, dọc mùng…), lá nưa nhiều khuyết chẻ như lá đu đủ, chột nưa là phần thân ăn được và rất ngon. Cây nưa ưa đất ruộng ẩm nên thường được trồng vào cuối hè và thu hoạch gần cuối đông khi mưa ở Huế bắt đầu dai dẳng. Cây nưa cũng mọc hoang ven sông Bồ, nơi có nhiều cá cù (cá đồng vụn). Củ nưa ăn rất ngứa nên sau khi thu hoạch thường được bảo quản khô trên giàn bếp để làm giống cho mùa sau. Chỉ vài vùng đất như ở các xã của huyện tôi thì củ nưa có thể ăn được và rất ngon vì hương vị rất đặc trưng so với các loại khoai sọ khác.
Món chột nưa kho cá cù thơm ngon
Video đang HOT
Một trong những món ăn rất bình dân nhưng là “đặc sản” của cả xứ “Huế thương” là chột nưa kho với cá vụn nước lụt mùa đông như cá cấn, cá mại, cá mương, cá sơn… mà quê tôi gọi chung là cá cù, vì cứ vào đông, mưa lụt liên miên, bù lại đây là mùa thu hoạch vụ nưa và dưới sông, rạch lại có lắm cá cù. Cách chế biến món chột nưa kho cá vụn này lại rất đơn giản nhưng là món ăn cùng nỗi nhớ của người dân xứ Huế: Chột nưa được lột sạch vỏ dọc từ gốc lên ngọn, xong thái thành lát dày khoảng lóng tay; cá vụn rửa sạch để nguyên cả con không bóc mang, bỏ ruột; thêm mắm muối, tiêu hành, nghệ và ít thịt mỡ rồi kho xâm xấp nước. Vì được để nguyên con không bỏ ruột nên nồi cá kho chột nưa có một hương vị không lẫn với món ăn nào khác, đó là vị đăng đắng, bùi bùi ăn rất ghiền.
Chột nưa còn được dùng nấu nhiều món canh độc đáo như canh chua cá trê (loại nhỏ), canh chua cá lóc (tràu), canh chột nưa nấu với tôm, chột nưa hầm thịt, chột nưa còn được dùng kèm trong các loại lẩu như một loại rau. Ngoài ra, dưa nưa hay chột nưa muối chua cũng được làm như dưa môn, nhưng khi ăn dưa nưa có vị bùi, thơm hơn và không bị ngứa miệng. Người Huế thường dùng dưa nưa ăn kèm với cá trê đồng nướng chấm nước mắm gừng với hương vị thơm ngon, vị rất đặc trưng mà chẳng có “nơi mô” có được.
Xa sông Bồ đã lâu, nay mái tóc đã lên màu sương khói, nhưng cứ mỗi năm, nhìn trời mưa bão, nơi đất khách quê người, lòng tôi bỗng bồi hồi xúc cảm nhớ về con sông Bồ quê hương da diết, nhớ về món “chột nưa kho cá cù” do mẹ tôi chế biến và nhớ những cơn mưa bụi xa mờ xứ Huế, trên dòng Hương Giang êm ả, trên thành quách lâu đài lối cũ xưa.
Theo Tiên Sa (Dân Việt)
'Siêu giải nhiệt' canh bầu nấu cua
Quả bầu có giá trị dinh dưỡng cao và là một vị thuốc dân gian có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, nhuận tràng, chống táo bón. Bầu nấu canh với cua luôn làm cho bữa cơm thêm phần hấp dẫn và thanh nhiệt.
Nguyên liệu chuẩn bị nấu canh - Ảnh: Ngô Mã Thiên
Ở vùng nông thôn, mỗi nhà thường trồng một giàn bầu để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Bởi vậy, việc tìm nguyên liệu này dễ như trở bàn tay. Chọn hái những quả bầu thon dài, còn hơi non, vỏ xanh lốm đốm trắng, loại bầu này còn gọi là bầu sao, ăn rất ngọt, ngon hơn bầu trắng và bầu nậm. Bầu có thể nấu nguyên chất hoặc nấu kết hợp với các loại thực phẩm như: thịt, tôm, ruốc, cá, nghêu... món nào cũng hấp dẫn nhưng độc đáo nhất là món canh bầu nấu cua.
Quả bầu hái về, dùng dao gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài, rửa sạch, xắt hoặc băm nhỏ tùy theo sở thích mỗi người. Cua đồng rửa sạch, bóc bỏ mai và yếm. Khêu lấy phần gạch cua để riêng, phần thân cua đem giã hoặc xay thật nhuyễn. Cho lượng nước vừa đủ ăn vào thịt cua khuấy đều rồi lọc bỏ bã cua, lấy nước lọc cua. Tiếp tục cho nồi nước lọc cua lên bếp, đun với lửa vừa phải để nước cốt cua không bị trào ra khỏi miệng nồi. Sau đó thả phần bầu đã chuẩn bị vào nồi canh.
Bầu chín rất nhanh. Khi thả bầu vào nồi canh cua, đợi nước sôi lại, nêm hành ngò thái nhỏ và gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp, nhấc xuống múc ra tô thưởng thức. Món canh bầu nấu cua được mệnh danh là món canh "siêu giải nhiệt", kích thích ăn uống và rất dễ tiêu hóa nên hợp với mọi lứa tuổi.
Theo ihay
Béo giòn cá mương cuốn bánh tráng Nếu bạn có dịp về vùng đất xứ nẫu Phú Yên, thử một lần ghé ngang thị trấn La Hai (Đồng Xuân) hay Chí Thạnh (Tuy An), hẳn bạn sẽ được giới thiệu món cá mương cuốn bánh tráng béo giòn - một món đặc sản nơi này. Cá mương là một loại cá nước ngọt xương mềm, thường sống ở những vùng...