Về Long Xuyên, khám phá vương quốc cá sấu của miền Tây
Trại cá sấu Long Xuyên của tỉnh An Giang được mệnh danh là ‘ vương quốc cá sấu’ với hơn 30.000 con cá sấu đang được nuôi dưỡng và bảo vệ.
Nơi đây còn có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm độc đáo, thú vị.
Trại cá sấu Long Xuyên tọa lạc tại số 44 đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Thạnh, nằm ngay khu vực trung tâm thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang. Với vị trí địa lý thuận tiện cho việc di chuyển, trại cá sấu đã trở thành địa điểm du lịch lý tưởng được nhiều gia đình lựa chọn ghé thăm dịp cuối tuần. Mỗi ngày, nơi đây đón hàng trăm lượt khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Khi đến với trại cá sấu Long Xuyên, du khách sẽ được trực tiếp ngắm nhìn các loại cá sấu khác nhau ở ngay khoảng cách gần vô cùng thú vị.
Trại cá sấu Long Xuyên là một trong năm trang trại nuôi cá sấu lớn nhất ở nước ta. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Trại cá sấu Long Xuyên là một trong năm trang trại nuôi cá sấu lớn nhất ở nước ta, với tổng diện tích khu vực nuôi nhốt lên đến 33.2 ha. Được bảo tồn và chăm sóc theo quy trình công nghệ hiện đại, tiên tiến, cá sấu tại đây được ban quản lý đảm bảo vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Các chế phẩm từ cá sấu như thực phẩm hay sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều cực kỳ an toàn và chất lượng, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Không gian nơi đây rộng rãi với cảnh quan trong lành, tạo môi trường sống khỏe mạnh cho cá sấu.
Trại cá sấu được xây dựng và phát triển đã hơn 20 năm. Từ một trang trại gây giống nhỏ chỉ vài héc ta, đến nay, trại cá sấu Long Xuyên đã được chuyển đổi thành mô hình trang trại, kết hợp với làm du lịch và dịch vụ ăn uống, cafe trong các nhà hàng.
Nơi đây được thiết kế giống một trạm dừng chân trên đường quốc lộ, giúp du khách vừa có thể nghỉ ngơi, tham quan, vừa có thể ăn uống, vui chơi. Mô hình này được đánh giá là vừa giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chung của khu trại cá sấu, vừa thu hút du khách, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Trại cá sấu được xây dựng và phát triển đã hơn 20 năm. Từ một trang trại gây giống nhỏ chỉ vài héc ta, đến nay, trại cá sấu Long Xuyên đã được chuyển đổi thành mô hình trang trại, kết hợp với làm du lịch. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Chị Hoàng Vân Trang, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Hai bé nhà mình rất thích đi thăm vườn bách thú hay những nơi có nhiều loài động vật hoang dã. Nay có dịp ghé An Giang chơi, mình đã cho các con đến tham quan trại cá sấu. Dù lúc đầu cháu nhỏ còn hơi sợ nhưng chỉ một lúc sau, khi đã quen rồi thì cháu rất vui khi được nhìn thấy nhiều loài cá sấu ở khoảng cách gần như vậy”.
Khi ghé thăm trại cá sấu Long Xuyên, ngoài việc được tận mắt ngắm nhìn các loài cá sấu đa dạng về chủng loại, kích cỡ, du khách còn được dạo bước trong khuôn viên của khu trại với loạt cây xanh nhiều bóng mát, cùng bầu không khí thoáng đãng, trong lành.
Video đang HOT
Nơi đây cũng có nhiều chỗ ngồi cho du khách nghỉ chân. Những chú cá sấu to lớn với vẻ ngoài thô ráp có phần hơi đáng sợ, nhưng khi nằm gọn đằng sau những hàng rào ngăn cách, chúng lại nằm ngủ rất yên bình, chỉ khi nào được cho ăn, cá sấu mới động đậy. Khi ăn xong, chúng lại tiếp tục nằm nghỉ ngơi. Vì vậy, khá nhiều du khách, đặc biệt là các bạn nhỏ có thể ngắm nhìn cá sấu cả buổi mà không thấy chán.
Khá nhiều du khách, đặc biệt là các bạn nhỏ có thể ngắm nhìn cá sấu cả buổi mà không thấy chán. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Khi đặt chân vào trang trại, du khách chắc chắn sẽ cảm thấy ấn tượng ngay với bức tượng đá khổng lồ được điêu khắc khéo léo theo hình con cá sấu cùng tấm biển “Welcome to Cá sấu Long Xuyên”, như đang mời gọi du khách đến tham quan, khám phá. Dù có diện tích rộng lớn nhưng trại cá sấu Long Xuyên luôn được nhân viên túc trực quét dọn hằng ngày nên vô cùng sạch sẽ, không hề có mùi hôi khó chịu giống như một số khu vực nuôi động vật hoang dã hay các loại gia súc, gia cầm khác.
Đi sâu hơn vào phía trong, du khách sẽ được tham quan khu vực phụ trợ bao gồm khu hồ nuôi các loại cá sấu lớn, bên cạnh đó là các nhà hàng, nhà nghỉ dưỡng, khu ăn uống, vui chơi… Tại nơi đây có rất nhiều nhà gỗ được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo, được trang trí bằng những chiếc đèn lồng đỏ, các tiểu cảnh như hòn non bộ, những cây cầu cong cong giữa các ngôi nhà,… Nơi đây còn có những hàng cây xanh mát, tươi tốt được cắt tỉa hàng ngày bởi bàn tay khéo léo của những người thợ làm vườn khiến không gian càng thêm trong lành.
Đi sâu hơn vào phía trong, du khách sẽ được tham quan khu vực phụ trợ bao gồm khu hồ nuôi các loại cá sấu lớn. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Chị Nguyễn Thị Tươi, một nhân viên làm việc tại trại cá sấu cho biết: “Trại đón khách quanh năm nên chúng tôi luôn duy trì việc dọn rửa khu vực nuôi hàng ngày để cá sấu có môi trường sống sạch sẽ. Việc chăm sóc tiểu cảnh, quét tước cũng luôn được thực hiện nhằm bảo vệ cảnh quan chung của nơi đây”.
Mỗi khu vực nuôi cá sấu sẽ có một hồ nước riêng ở giữa, bao xung quanh là các bãi đất trống tạo thành không gian thoáng đãng. Cây cối được trồng xen kẽ để tạo bóng mát cho cá sấu nằm nghỉ, giảm thiểu oi nóng vào những ngày nắng mạnh. Hình ảnh những con cá sấu to lớn lúc thì nằm yên bất động như đang ngủ, khi thì hé mắt liếc mọi thứ, có lúc lại chậm rãi di chuyển xung quanh hồ nước, tựa như đang giám sát xung quanh khiến nhiều du khách thích thú.
Nếu muốn được đến gần cá sấu hơn nữa, du khách có thể thử trải nghiệm hoạt động câu cá sấu khá mạo hiểm nhưng vô cùng thú vị. Tuy nhiên, hoạt động này đòi hỏi thể lực tốt, du khách hãy nhớ nắm chắc cần câu nếu không muốn bị giật ngã vì cá sấu là loài động vật to lớn, khỏe mạnh.
Sau khi đã thỏa sức ngắm nhìn cá sấu và tham gia những trò chơi thư giãn tại nơi đây, du khách có thể thử thưởng thức các món ăn được chế biến từ thịt cá sấu. Ngoài ra, ở trại cá sấu, người dân cũng bán nhiều món ăn đặc sản miền Tây khác như: bánh xèo, cá lóc nướng, hủ tiếu, cháo gà, cơm tấm,… những món ăn đều được chế biến ngon lành với mức giá hợp lý. Trại cá sấu Long Xuyên cũng có khu vực bán quà lưu niệm, với nhiều món đồ độc đáo làm từ da cá sấu và có giá trị sử dụng tốt như ví, túi xách, giày, có cả cá sấu nhồi bông cho các bé,…
Khách du lịch có thể đến tham quan trại cá sấu vào bất cứ thời điểm nào trong năm vì tỉnh An Giang có khí hậu tương đối ôn hòa, dễ chịu. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Khách du lịch có thể đến tham quan trại cá sấu vào bất cứ thời điểm nào trong năm vì tỉnh An Giang có khí hậu tương đối ôn hòa, dễ chịu. Tuy nhiên, đẹp nhất là đi vào mùa khô, trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4, vì đây là lúc thời tiết trong lành, thoáng đãng, nhiều nắng, không có mưa, rất thuận lợi cho các hoạt động dã ngoại ngoài trời.
Trong quá trình tham quan, vui chơi tại trại cá sấu, du khách cũng cần chú ý tuân thủ những chỉ dẫn của nhân viên và quy định chung của cả khu du lịch. Du khách tuyệt đối không nên có những hành vi nguy hiểm như vượt rào, trèo tường vào khu vực nuôi nhốt cá sấu, hay ném đồ vật lạ, đồ ăn lạ xuống hồ. Ngoài ra, du khách hãy nhớ mang theo áo chống nắng, mũ, ô, nước uống, thuốc chống muỗi,… để đảm bảo sức khỏe khi đến nơi đây.
Ghé thăm An Giang, du khách cũng có thể kết hợp tham quan một số địa điểm khá gần trại cá sấu Long Xuyên như: cù lao Ông Hổ, hồ Nguyễn Du, công viên Mỹ Thới, chùa Ông Bắc, Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, Vạn Hương Mai, chùa Vạn Linh….
Sức hút du lịch khám phá miệt vườn sông nước
Du lịch sông nước miệt vườn với không khí thoáng mát, không gian yên tĩnh cùng những nét văn hóa độc đáo đang là sự lựa chọn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Những năm gần đây du lịch sinh thái ở miền Tây đang rất phát triển, tận dụng và phát huy những nét riêng vốn có của miền sông nước về cảnh vật, con người và văn hóa.
Phát huy thế mạnh của con người, văn hóa và phong cảnh
|
Du khách tạo dáng với áo bà ba trên cầu khỉ |
Đến đây, du khách có rất nhiều lựa chọn cho mình trong đó được lựa chọn nhiều nhất là tham quan các vườn trái cây, vườn hoa, làng nghề truyền thống... Mùa nào quả ấy, đất đồng bằng mến đãi du khách xa gần bằng những loại trái cây ngọt lành, du khách có thể hái và thưởng thức trái cây chín tại vườn hoặc đem về làm quà cho người thân, bè bạn.
Những vườn chôm chôm sai quả ở cù lao An Bình (Vĩnh Long), vườn sầu riêng thơm lừng ở Bến Tre hay vườn dâu Hạ Châu trĩu quả ở Cần Thơ luôn là điểm dừng chân hút khách xa gần. Hằng năm vào dịp tết Đoan Ngọ ở một số địa phương có tổ chức lễ hội trái cây với quy mô hoành tráng như Chợ Lách (Bến Tre), Tân Lộc (TP. Cần Thơ),...
Còn nếu muốn đến tham quan những vườn hoa lâu đời và phong phú về chủng loại thì dịp cận Tết là thời điểm thích hợp nhất. Lúc này các làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (TP. Cần Thơ), Tân Quy Đông (Đồng Tháp),... đang vào mùa rộ nở, trăm sắc ngàn hoa được chăm chút, các loại cây kiểng, bon sai cũng được tạo những hình dáng ấn tượng.
Một hoạt động khác hấp dẫn không kém đó là đi thuyền khám phá cảnh vật. Trong đó có thể kể đến việc tham quan các chợ nổi như Cái Răng (TP. Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy (Hậu Giang),... Các ghe, tàu đậu san sát, tiếng người mua bán tấp nập tạo nên sự sôi động của một khu chợ vùng sông nước. Có một điểm độc đáo của chợ nổi là hình ảnh cây "bẹo".
Đó là một cây sào cắm trên mỗi chiếc ghe, tàu như một dấu hiệu nhận diện đặc biệt. Bởi trên cây "bẹo" treo món gì thì người ta sẽ biết trên chiếc ghe, tàu ấy bán loại hàng gì. Ngoài ra, du khách cũng sẽ có những phút giây thư giãn khi thong thả len lỏi bằng xuồng giữa các mương trồng cây trái (Cái Mơn, Bến Tre), những vườn tràm với bát ngát màu xanh của bèo (Trà Sư, An Giang) hay những vườn dừa tỏa bóng mát rượi (cù laoTân Lộc, TP. Cần Thơ).
Du khách cũng có thể kết hợp du lịch với việc tìm hiểu những nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của các dân tộc sông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Du khách sẽ được xem cuộc tranh tài ngoạn mục của cuộc đua ghe ngo, nghe nhạc ngũ âm rộn vang và thưởng thức món cốm dẹp còn thơm hương nếp mới trong lễ hội Ok Om Bóc của người Khomer vùng đất Trà Vinh, Sóc Trăng.
Về với An Giang, du khách hãy một lần dừng chân ghé lại làng Chăm đển cảm nhận không khí yên bình của một ngôi làng mang nhiều nét văn hóa độc đáo giữa vùng châu thổ. Sản phẩm dệt lụa và thổ cẩm ở đây đã nổi tiếng khắp xa gần bởi sự tinh tế trong bí quyết nhuộm sợi vải cũng như chăm chút cho từng hoa văn, họa tiết.
Sáng tạo trong xu thế hội nhập và phát triển
Ngày nay, khi mà nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng ở các khu du lịch sinh thái vùng sông nước càng tăng thì các nhà vườn du lịch cũng đã có nhiều sáng tạo đáp ứng để đáp ứng thị hiếu khách du lịch.
Các khu du lịch cũng chú ý hơn trong việc bày trí các tiểu cảnh đậm chất miền Tây để thu hút khách như ụ rơm, xe ngựa, gốc chuối, hàng dừa... Kết hợp với việc tham quan, gần đây các khu du lịch còn hút du khách, đặc biệt là giới trẻ bởi các hoạt động trò chơi dân gian.
Trải nghiệp bằng cách chèo thuyền thúng giữa miền sông nước |
Mô hình mới lạ này được lòng du khách bởi họ sẽ được hóa thân thành người nông Nam Bộ trong trang phục áo bà ba, khăn rằn tham gia trải nghiệm một ngày làm nông dân với nhiều hoạt động hấp dẫn như tát mương bắt cá, làm vườn. Hoạt động trải nghiệm làm bánh dân gian gần đây cũng thu hút đông đảo giới trẻ bởi sự độc đáo của các món bánh truyền thống có phần lắng dịu trong nhịp sống hiện đại.
Sôi nổi hơn nữa là các trò chơi bơi xuồng, bơi thuyền thúng, chạy xe đạp qua cầu, đi dây thăng bằng qua hồ,... Các nhà vườn du lịch cũng thiết kế không gian khá rộng rãi để phụ vụ các đoàn công ty đơn vị tổ chức hoạt động team building hay lửa trại vào buổi tối.
Mô hình homestay cũng là điểm mới cho nhu cầu lưu trú của du khách ở xa ghé đến. Các homestay thiết kế giản dị nhưng đầy đủ những tiện nghi cơ bản phụ vụ nhu cầu ngỉ dưỡng. Cách trang trí cũng nhấn vào những nét riêng của đồng bằng với vật liệu bằng lá dừa, tre, trúc tạo nên những phòng ngỉ ấm cúng mà gần gũi. Ở homestay, du khách có thể cùng sống với người dân địa phương, tìm hiểu và hòa mình vào văn hóa bản địa.
Sự đa dạng trong văn hóa, phong tục, phong cảnh ... đã tạo nên những nét độc đáo, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Một sớm mai về miền Tây, hãy một lần trải nghiệm và hòa mình vào không khí trong trẻo, an lành của vùng sông nước, chắc hẳn du khách sẽ được lắng lòng mình sau những bộn bề của cuộc sống và cảm nhận được sự nồng hậu, chất phát của người dân bản xứ.
Khi người Tây khám phá miền Tây Thân tràm cao, tán tràm xanh... là những ưu điểm của rừng tràm Trà Sư, giúp khu rừng luôn tươi mát trước cái nắng cận hè. Tết đương tới nghĩa là Tết đương qua, khi người người nhà nhà dần trở về nhập cuộc với bộn bề công việc, thì du khách nước ngoài lại bắt đầu dã ngoại du xuân. Với họ,...