Về An Giang ăn tung lò mò
Nếu có dịp đi qua làng Chăm thị xã Tân Châu (An Giang), sẽ không khó để bạn bắt gặp hình ảnh các thiếu nữ Chăm đang phơi từng dây tung lò mò. Đây là một món ăn không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Chăm sống ở An Giang.
Tung lò mò – đặc sản khơi gợi sự hiếu kỳ từ tên gọi. Ảnh: Internet.
Anh Hứa Hoàng Vũ, một người chuyên sống bằng nghề làm tung lò mò, cho biết theo tiếng Chăm, “tung” nghĩa là ruột, “lò mò” là con bò, dịch ra tiếng Việt nghĩa là lạp xưởng bò. Ngày xưa, vào các ngày lễ tết của dân tộc, theo truyền thống Chăm, các gia đình giàu có trong vùng sẽ làm một còn bò để biếu tặng cho những người nghèo. Nhưng vì khi đó không có dụng cụ để bảo quản, nên người xưa đã cho thịt và mỡ vào ruột bò, sau đó treo lên cà ràng. Dần dà, nó trở thành một món đặc sản riêng.
Tung lò mò được chia làm hai loại: chua và không chua. Loại chua thường được trộn thêm cơm nguội để tạo hèm, khẩu vị quen thuộc của người Chăm. Với loại không chua thì dành cho khách chưa quen được khẩu vị của món này.
Tuy không được đặt trên mâm cao cỗ đầy, nhưng tung lò mò không thể tách rời trong văn hóa ẩm thực của người Chăm. Không chỉ xuất hiện trong các bữa cơm bình thường của gia đình, nó còn được dùng tiếp đãi khách quý trong các dịp lễ trọng đại khác như giỗ chạp hay lễ tết.
Video đang HOT
Theo tiếng Chăm “tung” nghĩa là ruột, “lò mò” là con bò, dịch ra tiếng Việt nghĩa là lạp xưởng bò. Ảnh: Internet.
Trước kia, tung lò mò chỉ giới hạn trong văn hoá ẩm thực của đồng bào Chăm vùng bảy núi An Giang. Thế nhưng, chính vì vị ngon và dân dã của nó mà người Kinh, người Hoa, người Khmer… vùng này đón nhận và coi như là món ăn khoái khẩu của chính dân tộc mình.
Món ăn này hấp dẫn mọi người từ lúc chuẩn bị nguyên liệu cho đến cách chế biến. Một mẻ tung lò mò ngon là phải được làm từ các phần ngon nhất của con bò như: đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương. Sau khi khử mùi bò bằng rượu hoặc gừng, thịt bò được lược bỏ hết gân, nhầy… sau đó xắt nhuyễn.
Khi làm tung lò mò, thịt và mỡ phải theo tỉ lệ 2:1 và mỡ bò dùng làm lạp xưởng là loại mỡ sa, mỡ chày vừa mỏng, vừa không nặng mùi như mỡ thăn. Sau đó, trộn đều hỗn hợp với tiêu sọ, hoa hồi, một số gia vị thông thường và một loại gia vị bí truyền của người Chăm.
Cầu kỳ từ cách chế biến đến thưởng thức. Ảnh: Internet.
Ruột bò lộn bề trái, cạo, rửa nước muối thật sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Thịt trộn xong, để cho thấm, dồn vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng ba đốt ngón tay, tròn cỡ ngón chân cái, phơi chừng ba nắng là có thể dùng được. Tung lò mò để càng lâu ăn càng ngon.
Thưởng thức tung lò mò đúng điệu nhất chính là nướng trên than hồng. Tung lò mò chín tới đâu ăn tới đó. Chúng ta sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của thịt và mỡ, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt. Món tung lò mò phải ăn cùng với rau hung quế, ngò gai và đu đủ cho ngọt vả chấm với tương phở đen, tương ớt thì mới cảm nhận được sự phối hợp gia vị thú vị của người Chăm.
Theo Sgtiepthi
Quán cháo bò 20 năm ăn kèm với bún lạ lẫm ở An Giang
Cháo không chỉ ăn kèm bánh mì mà thực khách còn được miễn phí một phần bún tươi đủ cho bạn một bữa sáng no nê.
Quán cháo trước hiên nhà của cô Yến, huyện Tri Tôn, An Giang là địa chỉ ăn điểm tâm quen thuộc của người dân địa phương nơi đây. Bắt đầu từ 6h sáng, khá đông khách ruột tranh thủ ghé "làm tô cháo" trước khi đi làm. Không ít người ăn đến quen mặt nhưng hiếm khi nào thấy ngán. Mỗi ngày, quán bán hơn 100 tô, ngày lễ thì đông khách hơn nên nếu muốn ăn đầy đủ thì bạn phải tranh thủ đi sớm.
Chủ quán cháo là cô Hồng Yến đã gắn bó với nghề gần 20 năm nay. Cô chia sẻ, hằng ngày thức dậy lúc 4h30 để chuẩn bị nguyên liệu như lòng bò, thịt bò, rau giá.... Lòng phải rửa thật sạch với nước muối để không bị hôi. Riêng nồi cháo phải hầm khoảng 1 tiếng đồng hồ cho nhuyễn. Lòng bò được cho vào nồi cùng lúc với gạo để luộc mềm vì lòng lâu chín. Cuối cùng là đổ huyết vào. Đây cũng là công đoạn quan trọng nhất vì khi nước vừa sôi, đầu bếp phải thật khéo léo và canh giờ chuẩn xác để đổ sao cho huyết không bị phồng, xốp, mất ngon. Nêm nếm thêm bột ngọt, mắm, muối là xong.
Điểm nhấn tạo sự khác biệt ở tô cháo là sử dụng gạo Campuchia và lá chúc. Gạo Campuchia khi nấu cháo mềm, dẻo mà thơm hơn so với các loại gạo thường. Còn cây chúc được xem là đặc sản của An Giang, trồng nhiều tại huyện Tri Tôn. Quả chúc giống quả chanh nhưng vỏ xù xì, có mùi thơm lâu mà nhẹ nhàng, thanh mát. Chút lá chúc thái mỏng khiến nồi cháo đậm đà mà thơm hơn.
Một phần ăn đầy đặn giá 25.000 đồng gồm một tô cháo có lòng bò, huyết, thịt bò tái, óc, tủy, nạm... thêm hành lá và rau thơm lên trên. Đặc biệt, món cháo này không chỉ ăn kèm bánh mì mà thực khách còn được miễn phí một phần bún tươi đủ cho bạn một bữa sáng no nê. Kiểu kết hợp lạ lẫm này khiến nhiều người "mắt tròn mắt dẹt". Khi ăn, thực khách vắt một lát quả chúc tạo vị chua nhẹ, chấm lòng, thịt... chung với nước mắm gừng là chuẩn vị.
Theo ngôi sao
Về An Giang thưởng thức bánh Kà Tum Ẩm thực Khmer vốn nổi tiếng với nhiều loại bánh quen thuộc như bánh dứa, bánh gừng, bánh ống, bánh nùm bon... Còn có một loại bánh ngon không kém nhưng lại ít phổ biến với tên gọi Kà Tum. Gọi là Kà Tum vì trong tiếng Khmer, Kà Tum có nghĩa là quả lựu. Bên cạnh đó, vẻ ngoài loại bánh này...