Vật vờ nghiên cứu khoa học – Kỳ 5: Thay đổi tư duy tận gốc
Phải có những thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt từ các cấp cơ sở đến nhà nước, chuyển biến tận gốc về mặt tư duy mới mong nghiên cứu khoa học của Việt Nam bước vào dòng chảy thế giới.
Tăng chất lượng qua phân tầng ĐH
GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường ĐH hiện nay đang bị phân tán về năng lực, không tạo được sức mạnh. Việc đầu tư cho NCKH của các trường cũng chưa có cơ sở tập trung. Cứ để tình trạng như hiện nay thì mãi mãi NCKH trong các trường ĐH không thể phát triển được.
Ông Ga khẳng định: “Từ năm 2013, khi áp dụng luật Giáo dục ĐH, Bộ sẽ bắt đầu tiến hành phân tầng các trường ĐH theo 3 loại hình: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nghề nghiệp. Khi đó, việc NCKH sẽ tạo một sức bật mới. Sẽ có quy định rõ ràng về việc NCKH như thế nào, các viện nghiên cứu được lập hoạt động ra sao. Kinh phí đầu tư cho các trường này cũng sẽ được tăng lên đáng kể. Dĩ nhiên với mức đầu tư lớn, số lượng các trường nghiên cứu sẽ không có nhiều. Trong khi đó, NCKH tại các trường theo hướng ứng dụng hay đào tạo nghề nghiệp cũng sẽ rõ ràng hơn. Chủ yếu là theo hướng hợp tác để chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp là chính”.
Chính sách đãi ngộ và chế tài cụ thể
Hiện tại một số trường ĐH có chính sách khen thưởng những giảng viên có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Trường ĐH Quốc tế quy định giảng viên phải dành 45% thời gian cho giảng dạy, 35% cho NCKH và 20% cho các công tác khác. Số bài báo quốc tế được quy định như sau: giáo sư phải có 2 bài, phó giáo sư và tiến sĩ 1 bài. Ngoài mức trên, có thêm sẽ được thưởng 1.500 USD/bài quốc tế và 750 USD/bài trong nước. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng đưa ra mức thưởng 10 triệu đồng/bài báo quốc tế được đăng và nằm trong danh sách của ISI. Bắt đầu từ năm 2012, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng nâng mức thưởng từ 5 triệu đồng/bài báo (mức cũ) lên khoảng 20 triệu đồng/bài. Trường này cũng đưa ra biện pháp chế tài nếu giảng viên không đạt được mức yêu cầu cụ thể về NCKH sẽ không trả tiền giảng cho số giờ giảng được quy đổi từ số tiết dành cho NCKH tối thiểu.
PGS-TS Chu Quốc Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, có ý kiến: “Để có một bài được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, giảng viên phải đầu tư thời gian ít nhất từ 1 đến 2 năm. Do vậy, giảng viên cần có môi trường làm việc tốt nhất. Môi trường đó có thể chỉ là một khoảng không gian riêng tư với bộ máy tính nối mạng, có khi là cả một cơ chế mở”.
Video đang HOT
Thành lập quỹ khoa học quốc gia với cơ chế chủ động
Giáo sư Martin Hayden (người Úc), lãnh đạo nhóm tư vấn quốc tế cho Bộ GD-ĐT Việt Nam, cho rằng cơ chế quan liêu trong việc phân bổ kinh phí nghiên cứu cần được bãi bỏ và thay bằng những phương pháp cạnh tranh. Theo đó, các quỹ tài trợ nghiên cứu nên mở rộng cho các trường ĐH và các viện nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh, dùng một quy trình minh bạch và dựa vào bình duyệt của các chuyên gia độc lập, những người sẽ đánh giá các hồ sơ xin tài trợ theo tiêu chuẩn quốc tế. Để làm điều này, phần lớn ngân sách nghiên cứu nên được thông qua Quỹ NAFOSTED (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) hoặc Quỹ sáng kiến công nghệ quốc gia.
Một số chuyên gia nhận xét Quỹ NAFOSTED tuy có nhiều tiến bộ và sát dần đến chuẩn mực quốc tế nhưng vẫn “bán chủ động”, chưa thoát khỏi sự quản lý nghiêm ngặt của Bộ Tài chính. Với cơ chế này, cứ đến thời điểm gần hết kinh phí cấp cho các đề tài, NAFOSTED lại phải chờ đợi sự thẩm định của Bộ Tài chính. Trong thời gian đó, các đề tài khoa học sẽ chờ nguồn kinh phí một cách bị động, và điều này ít nhiều sẽ gây tác động tiêu cực tới chất lượng nghiên cứu.
Các chuyên gia cho rằng cơ chế phân công, phân phối bất hợp lý trong NCKH hiện nay dễ dẫn đến hiện tượng “cha chung không ai khóc”. Vì thế cần thiết phải có một cơ quan quyền lực điều phối chung các nguồn quỹ khoa học quốc gia.
Chẳng hạn ở Mỹ có Quỹ khoa học quốc gia Mỹ (NSF), một cơ quan liên bang độc lập, có một cơ chế tài chính hoàn toàn chủ động với một nguồn vốn được tổng thống phê duyệt, quốc hội thông qua cho mỗi năm. Ở Singapore, Hội đồng Quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia (NRF) do Hội đồng Nghiên cứu, đổi mới và doanh nghiệp quản lý, chủ tịch là thủ tướng. Tổ chức này điều phối các hoạt động nghiên cứu và phát triển dưới sự chỉ đạo và đề xướng của chính phủ tới cơ quan công lập và các tổ chức, học viện hoặc các cá nhân, tạo điều kiện hợp tác, giao lưu, trao đổi khoa học giữa các bên. Riêng ở Úc, mỗi năm, nhà nước chi ra khoảng 5 – 6 tỉ đô la Úc ( khoảng 5% GDP) cho các dự án NCKH và công nghệ. Kinh phí này phân phối đến các nhóm nghiên cứu ĐH hàng đầu và các viện nghiên cứu trên toàn nước Úc. NHMRC (Hội đồng Y tế và y khoa quốc gia) và ARC (Hội đồng Nghiên cứu khoa học quốc gia) chịu trách nhiệm quản lý dự án, phân phối ngân sách nghiên cứu.
Theo thanh niên
Vật vờ nghiên cứu khoa học- Kỳ 3: Quá nhiều trói buộc
Đánh giá nguyên nhân nghiên cứu khoa học của Việt Nam kém phát triển dù mức đầu tư của ngân sách không nhỏ, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xem lại chính sách tạo động lực cho các nhà khoa học.
Thiếu cơ chế khuyến khích
Đánh giá về những nguyên nhân khiến hoạt động nghiên cứu trong các trường ĐH của Việt Nam yếu kém, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân, thừa nhận: "Các trường ĐH không đủ nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ngay cả trường trọng điểm thì kinh phí nghiên cứu khoa học (NCKH) dành cho cán bộ giảng dạy chỉ có vài ba tỉ đồng mỗi năm. Các trường ĐH không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp, vì vậy nghiên cứu được coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy".
Học viên cao học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thí nghiệm về công nghệ nâng cao xử lý chất thải - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các trường ĐH còn thiếu cả cơ chế khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu. Theo ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GD-ĐT), nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu cơ chế, chính sách tạo động lực, khuyến khích giảng viên tham gia NCKH, đặc biệt là trong những lĩnh vực khó và phức tạp. Cũng theo ông Thịnh, quy định về định mức thời gian NCKH với giảng viên hiện nay chưa phải là nhiều nhưng không phải giảng viên nào cũng thực hiện được do khối lượng giờ dạy lớn, quá tải, nhất là đối với người dạy các môn khoa học cơ bản và khoa học xã hội.
TS Lê Văn Luyện, Học viện Ngân hàng, bức xúc: "Chúng ta chưa có một cơ chế thúc đẩy và khuyến khích các nhà khoa học tại trường ĐH, cơ sở nghiên cứu tham gia vào hoạt động thực tiễn ở các doanh nghiệp. Các công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu cũng không có cơ quan nào quản lý và đưa vào ứng dụng. Không thể đòi hỏi các nhà khoa học, các trường ĐH vừa tự làm, tự nghiên cứu vì họ không có cơ sở vật chất trong tay, họ cũng không có doanh nghiệp của mình để thử nghiệm hay ứng dụng các nghiên cứu. Càng không thể yêu cầu họ nghiên cứu xong rồi đi vận động các doanh nghiệp ứng dụng, nhất là các công trình khoa học về quản lý kinh tế".
Chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng nhận định một trong những nguyên nhân chính gây nên sự thiếu hụt nhân tài khoa học là do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Điều này dẫn đến kết quả là học sinh, sinh viên giỏi ít chọn con đường NCKH. Số ít người giỏi đam mê khoa học đều du học và không nhiều người trở về nước.
PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: "Cơ chế cấp phát kinh phí hiện nay đôi khi khiến giảng viên chỉ nghiên cứu ảo để đối phó và không có giá trị. Khi đó họ thường chọn đề tài nghiên cứu theo hướng an toàn cho mình: dễ để thực hiện ngay hoặc đã làm rồi triển khai thêm cho chắc để được duyệt cấp kinh phí hoặc cấp mà không bị trả lại". TS Cần nói thêm: "Thực tế số tiền từ ngân sách dành cho NCKH hiện nay rất ít, đã vậy khi sử dụng lại rất lãng phí, việc cấp phát lại dàn trải nên càng không có hiệu quả".
PGS-TS Phạm Đình Nghiệm, Trưởng phòng Quản lý khoa học - dự án Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nêu ra thực tế: "Hiện nay giảng viên làm NCKH chỉ là niềm đam mê chứ chưa thể sống được bằng lương từ công việc này. Nếu thực hiện nghiêm túc các đề tài, kinh phí được cấp chỉ đủ để trả cho các chi phí nghiên cứu chứ không phải cho công sức của người thực hiện. So với việc đi dạy thấp nhất ở bậc thạc sĩ, giảng viên có thể có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Chính điều này làm cho giảng viên không hứng thú với NCKH bằng đi giảng dạy".
TS Nghiệm còn cho rằng, bất cập nằm ở cơ chế duyệt cấp kinh phí: "Sau khi hoàn thành việc nghiên cứu, giảng viên phải dành rất nhiều thời gian để lo chứng từ và giải trình chi tiêu. Quy định chi tiêu của Bộ Tài chính cho nghiên cứu cũng có những mục rất bất hợp lý, chẳng hạn một bài báo cho hội thảo chỉ được trả tối đa 200.000 đồng. Trong khi để có bài báo này, giảng viên phải bỏ ra nhiều tuần để sáng tạo, tìm tòi cái mới".
GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, phân tích: "Do kinh phí đề tài cấp bộ, cấp cơ sở hạn chế (20 - 70 triệu đồng/đề tài) nên các nghiên cứu thực nghiệm khó thực hiện. Cách tiếp cận chủ yếu dựa trên tư liệu quá khứ, tổng hợp lại các ý kiến đã có trước ở đâu đó, thiếu sự nghiên cứu, khám phá, tìm tòi mới".
Còn PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, tâm tư: "Các giáo sư nước ngoài thường phê bình việc NCKH của Việt Nam. Nhưng giáo sư nước ngoài chỉ lo NCKH, lương đủ sống và lo cho gia đình. Còn ở Việt Nam ngoài việc làm nghiên cứu còn phải làm nhiều việc khác để có tiền nuôi gia đình nữa". Tương tự, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng giảng viên ĐH - người có kiến thức và kinh nghiệm NCKH, thường phải giảng dạy và kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Còn nghiên cứu sinh - người đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết một vấn đề khoa học cụ thể, lại không thể tự sống được bằng nguồn kinh phí dự án hoặc thậm chí phải tự bỏ tiền túi ra trả cho các bài báo khoa học.
Vì vậy TS Nghiệm đề xuất: "Để thúc đẩy hoạt động NCKH của giảng viên, một mặt cần phải có chính sách quản lý tài chính linh hoạt hơn, tăng kinh phí. Đồng thời, phải giảm số lượng sinh viên/ giảng viên để bớt giờ dạy cho giảng viên". TS Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: "Giảng viên cần phải có mức thu nhập tương đối để họ có thể bớt thời gian giảng dạy để nghiên cứu".
Theo thanh niên
Dạy cho trẻ tư duy có khó không?. Có con chuẩn bị vào lớp 1, lại luôn săn lùng, tìm kiếm sách dạy trẻ phương pháp tư duy, phát triển IQ, chị Minh Nguyệt ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, rất mừng khi được xem những bài tập của Trung tâm Toán Mathnasium. Chị Minh Nguyệt cảm thấy như thể mình đã "phát hiện ra kho báu". Sau khi...