Vào giảng đường trên đôi vai của nội
Những ngày đầu tháng 9, khi biết Quỳnh Như chính thức đậu đại học thì ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Kim Phượng (67 tuổi) ở phường An Mỹ, TP Tam Kỳ ( Quảng Nam) lại chộn rộn người vào ra.
Video: THÁI BÁ DŨNG – HUỲNH VY – TRINH TRÀ
Quỳnh Như phụ bà nội làm việc nhà trước lúc lên đường nhập học – Ảnh: B.D.
Trời sẩm tối, những đợt mưa xối xả giội vào căn nhà của mấy bà cháu. Dưới nền đất, Trần Võ Quỳnh Như cùng đứa em út là Quỳnh Trâm – hiện đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam) – tranh thủ những ngày cuối cùng ở nhà trước lúc vào đại học để nấu cơm, rửa bát, phụ làm công việc nhà. Ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng, rộn rã tiếng cười.
Suốt 20 năm nuôi cháu lớn khôn
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng là cán bộ về hưu. Suốt gần 20 năm qua, bà tự tay nuôi ba anh em Quỳnh Như khôn lớn bởi ba đứa cháu của bà đã chịu cảnh mồ côi cha, mẹ bỏ đi từ nhỏ.
Chị Trần Thị Bích Thủy – con gái của bà Phượng – cho biết ba mẹ Như sinh được ba người con. Như là con giữa, người anh đầu hiện đang đi học nghề, em út đang học lớp 12. Mẹ Như bỏ đi từ năm em mới 3 tuổi. Năm 2010, ba Như là ông Trần Quốc Toản cũng mắc ung thư ác tính và qua đời. Ba đứa trẻ vốn đầy đủ mẹ, cha bỗng rơi vào cảnh mồ côi.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết khi không còn cả cha lẫn mẹ, mấy anh em Như được ông bà đón về nuôi. Cuộc sống mấy bà cháu chật vật vì nguồn chi tiêu hằng ngày, chi phí học tập của ba cháu chỉ trông chờ vào đồng lương của ông bà. Cha mất, Như và hai anh em được ông bà yêu thương hết mực. Ông bà là chỗ dựa còn lại, thay cha mẹ nuôi ba đứa trẻ khôn lớn, trưởng thành.
Năm Như học lớp 9, bi kịch một lần nữa lại đến. Ông Trần Văn Tống – nội của Như – cũng rời bỏ mái nhà, bỏ mấy bà cháu sau nhiều năm chống chịu với căn bệnh ung thư. “Lúc đó mình gần như tuyệt vọng, cảm thấy mình quá nhiều nỗi bất hạnh khi mà những người thân yêu nhất lần lượt ra đi” – Như nghẹn ngào.
Bà Phượng nói rằng càng nghĩ về mấy đứa cháu mình, bà như xé từng khúc ruột. Mẹ Như bỏ đi biệt tích, mấy chục năm nay các cháu tự lớn lên, coi ông bà là điểm tựa cuối cùng. Như hay tâm sự với ông nội về chuyện học hành, chuyện tương lai nghề nghiệp nên khi ông nội mất, Như suy sụp, việc học hành tưởng chừng như sẽ lỡ dở.
Càng buồn càng phải học vượt lên
Như giờ đã là tân sinh viên ngành kinh doanh quốc tế – Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Bạn thi được 25,35 điểm, đủ điều kiện để vào nhiều ngôi trường lớn nhưng quyết định học ở Đà Nẵng để tiết kiệm chi phí học hành, dễ dàng lui tới thăm nom nội. Từ hôm biết cháu đậu đại học tới nay, bà Phượng hết vào lại ra ngôi nhà. Bà mừng tủi vì cháu gái mình không cha mẹ từ nhỏ nhưng vẫn mạnh mẽ vượt lên học hành để vào đại học không thua bạn bè cùng trang lứa.
Đằng sau điểm số 25,35 mà Như đạt được, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được các thầy cô giáo ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết Như là một trong những nữ sinh học xuất sắc nhất môn lịch sử suốt ba năm ở ngôi trường top 1 của Quảng Nam này. Cả ba năm cấp III Như đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, năm lớp 11 và lớp 12 đều đoạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử tỉnh Quảng Nam.
Trong câu chuyện về học hành của mình, Như luôn nhắc đến ông bà, các cô cậu, chú bác cùng thầy cô giáo của mình. Dù không là cha, là mẹ nhưng gần như mọi khó khăn của Như đều được họ dành sự quan tâm đặc biệt. “Mình không may mắn khi không có ba mẹ từ nhỏ, nhưng ông bà nội chính là ba, mẹ sinh ra mình lần thứ hai. Những ngày bên gia đình, mình cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến…” – Như xúc động nói.
Đồng lương còm xẻ làm ba
Mấy hôm nay cô, dì, chú, bác cùng bà nội của Như đang tìm cách gom góp từng khoản tiền để làm lộ phí cho cháu gái lên đường ra Đà Nẵng nhập học. Nghị lực vượt lên của cô nữ sinh này làm nhiều người cảm kích.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết lâu nay toàn bộ chi phí nuôi cháu ăn học đều nhờ vào khoản lương hưu trí mỗi tháng chỉ hơn 2 triệu đồng của bà. Giờ đây đồng lương này sẽ tiếp tục xé lẻ ra thêm để làm bệ đỡ đưa cháu vào đại học. “Tôi có khổ cực, ăn uống thiếu thốn ra sao cũng dành hết sức để lo cho cháu trưởng thành. Việc không có ba mẹ là một bất hạnh mà không yêu thương nào đủ để khỏa lấp” – bà Phượng nói.
Cùng Tuổi Trẻ vượt COVID đến giảng đường
Nữ sinh kinh tế đạt học bổng trao đổi toàn phần của chính phủ Mỹ: Muốn phát triển, chúng ta phải dám bước ra khỏi vùng an toàn
Hoạt động ngoại khóa dày dặn và khả năng hiểu mình là chìa khóa giúp Quỳnh Tiên trở thành một trong bốn sinh viên Việt Nam đạt học bổng Global Ugrad.
Nguyễn Đặng Quỳnh Tiên, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế Đại học Kinh tế Đà Nẵng vừa rời quê nhà cho kỳ học trao đổi sắp tới tại Mỹ. Cô sẽ theo học tại Emporia State University, theo chương trình trao đổi ngắn hạn của Vụ Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Global Ugrad).
Quỳnh Tiên là một trong bốn sinh viên Việt Nam vinh dự đạt học bổng này trong năm học 2021-2022. Ngày biết kết quả trúng tuyển, cô chia sẻ đầu tiên với người bạn thân nhất của mình. Tiên cho biết mình rất bất ngờ, vì số người được chọn năm nay khá hạn chế. "Khi đăng ký, mình chỉ nghĩ rằng phải cố gắng hết sức có thể chứ chưa tự tin sẽ trúng tuyển" , Tiên chia sẻ trải nghiệm khi ứng tuyển.
Một tháng chuẩn bị hồ sơ và thành quả như mong đợi
Với cá tính sôi nổi, Tiên từng tham gia nhiều dự án và hoạt động tình nguyện. Động lực của cô nàng là thử thách bản thân hơn nữa khi quyết định dự tuyển học bổng. Cô mong muốn khám phá mình và trải nghiệm nhiều nền văn hoá khác nhau.
"Mình bị thu hút bởi giá trị trải nghiệm của học bổng, đó là tạo điều kiện cho người trẻ hội nhập với các nền văn hoá khác nhau, nâng cao kiến thức học thuật để giúp chúng mình gắn kết và cống hiến cho cộng đồng" , Tiên bộc bạch lý do vì sao mình luôn hướng tới học bổng Global Ugrad.
Ấp ủ những khao khát đó, Tiên dành toàn lực để chuẩn bị hồ sơ. Vòng đơn khá áp lực vì tỷ lệ cạnh tranh cao, ứng viên cần nộp hai bài luận cá nhân. Trong một tháng chuẩn bị, Tiên thú thật đây là giai đoạn khó khăn nhất, việc lên ý tưởng và viết theo quy định của chương trình tốn khá nhiều thời gian.
Nữ sinh chia sẻ mình có tham khảo những bài luận mẫu từng đạt học bổng danh giá trước đây. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có câu chuyện và bản sắc riêng, Tiên cảm thấy khó khăn khi áp dụng những bài mẫu này cho mình. Cô không đặt ra áp lực phải viết bài luận hoàn hảo về mọi mặt. "Mình không thể viết theo bài mẫu của người khác nên đã để cảm xúc dẫn lối và kể lại câu chuyện của cá nhân mình. Sau đó, mình trau chuốt lại câu từ và nhờ người bạn nhận xét với ý kiến khách quan hơn." - Tiên nhớ lại.
Nỗ lực của nữ sinh kết thành trái ngọt. Quỳnh Tiên được chọn vào vòng phỏng vấn với số lượng chưa đầy 20 người trên cả nước . Tiên chuẩn bị kỹ những câu hỏi quen thuộc về điểm mạnh, điểm yếu, người truyền cảm hứng và sở thích. Riêng những câu hỏi về kỹ năng lãnh đạo, Quỳnh Tiên đã có kinh nghiệm dày dặn khi tham gia các hoạt động ngoại khóa và tổ chức xã hội.
Quỳnh Tiên cho hay: "Buổi phỏng vấn mình trả lời chưa trôi chảy lắm, nhưng đó là trải nghiệm trọn vẹn vì mình có cơ hội thể hiện rõ những quan điểm, cảm xúc chân thật. Quan trọng hơn, mình được là chính mình trong vòng phỏng vấn".
Kỹ năng lãnh đạo bản thân là tố chất lãnh đạo căn bản nhất
Học bổng Ugrad đề cao tinh thần lãnh đạo của ứng viên. Quyết định của hội đồng ít nhiều dựa trên tiêu chí này. Riêng với Quỳnh Tiên, cô bạn đã trang bị cho mình những hoạt động xã hội từ kinh nghiệm làm việc và sinh hoạt với các tổ chức khác nhau.
Tiên là thành viên của Tổ chức Thanh niên Quốc tế AIESEC, nữ sinh tham gia hoạt động tình nguyện và các cuộc thi quy mô khu vực. Đặc biệt, ở những cuộc thi này, Tiên cùng đội nhóm đều đạt danh hiệu cao và thành tích đáng ngưỡng mộ. Trong số đó, Tiên cho biết trải nghiệm đáng nhớ nhất là hành trình tại cuộc thi ULFF 2020 do Unilever Việt Nam tổ chức. Đồng hành cùng 2 người bạn với những khó khăn, áp lực về thời gian và lịch trình riêng, nhưng Tiên và cả đội vẫn cố gắng để đi đến cùng. Đây là cơ hội để mọi người hiểu nhau, cũng như nhận ra những giá trị của chính mình. Quá trình tham dự cuộc thi tại TP.HCM đã giúp Tiên làm quen, học hỏi từ các sinh viên tài năng khác.
Quỳnh Tiên không xem những hoạt động đó là thành tích. Nữ sinh cho rằng đó là trải nghiệm và thử thách mà mình may mắn được thử sức. Tiên kể: "Mình nhận ra bản thân còn những thiếu sót gì và làm cách nào để trau dồi, bổ sung nó". Những cơ hội này đã giúp Tiên trui rèn phẩm chất lãnh đạo và kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, Tiên cũng cho biết thêm, cô học được cách trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Đối với cô,khả năng lãnh đạo đơn giản và căn bản nhất là lãnh đạo được chính bản thân mình trước khi lãnh đạo người khác.
Tiên nghĩ, học bổng UGrad hướng đến những ứng viên hiểu rõ chính mình chứ không quy về phẩm chất cụ thể nào. "Những trải nghiệm trong quãng thời gian sinh viên, gồm cả những lần thất bại và giải thưởng đã giúp cho mình mở mang thêm kiến thức và biến nó thành điểm mạnh" - nữ sinh tâm sự khi được hỏi cách xác định điểm mạnh của bản thân trong quá trình ứng tuyển.
Ngoài thời gian hết mình với các hoạt động ngoại khóa, Quỳnh Tiên có sở thích cá nhân đọc sách và chơi đàn violin. Cô nàng tự nhận niềm yêu thích với nhạc cổ điển, Tiên hòa mình vào âm nhạc bằng việc tập đàn để giải tỏa căng thẳng sau thời gian học tập và làm việc. Đọc sách trước khi ngủ là một thói quen giúp một ngày của Tiên thêm trọn vẹn. Bí kíp cân bằng việc học, việc làm của Tiên là lên kế hoạch rõ ràng để quản lý thời gian. Vào mùa thi cao điểm, Tiên cố gắng hoàn thành bài ngay sau giờ học và tránh việc dồn ứ bài tập.
Quỳnh Tiên đang bước vào giai đoạn đầu tiên của kỳ trao đổi tại Emporia State University. Là một sinh viên kinh tế, cô muốn tận dụng cơ hội này để tìm hiểu về các ngành học khác. Dự định của cô là nghiên cứu về tâm lý học, lịch sử và chính trị Mỹ. Nữ sinh nói rằng cô đang được trải nghiệm môi trường học tập lý tưởng với sự chăm sóc chu đáo từ chương trình. Cá nhân Tiên mong đợi mở rộng mối quan hệ qua việc hòa nhập, học hỏi văn hóa nước bạn và cải thiện kỹ năng Anh ngữ.
Chia sẻ về dự định sau kỳ trao đổi, Tiên chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp phù hợp với năng lực và ngành học Kinh doanh quốc tế của mình trước. Nếu buộc phải rẽ ngang một dự định khác, cô nói rằng mình cũng đã chuẩn bị tâm lý cho việc này. Từ những trải nghiệm mà Tiên có được, nữ sinh đã xây dựng cho mình một tinh thần linh hoạt để sẵn sàng dấn thân, học hỏi và hoàn thiện cuộc sống.
Quỳnh Tiên cũng mong muốn lan tỏa giá trị của học bổng UGrad đến các bạn sinh viên khác. Câu nói tâm đắc của nữ sinh là: "Muốn phát triển, chúng ta phải dám bước ra khỏi vùng an toàn". Với những bạn mong muốn ứng tuyển học bổng ở các năm sau, Tiên nhắn nhủ rằng hãy luôn động viên bản thân và giữ tinh thần học hỏi để sẵn sàng trải nghiệm những điều mới lạ trong cuộc sống muôn màu.
Điểm chuẩn Đại học Ngoại thương 2021: Thấp nhất 28,05 điểm Điểm chuẩn Đại học Ngoại thương 2021 đã được công bố, trong đó thấp nhất là 28,05 điểm với ngành Luật. Ngày 15/9, điểm chuẩn các trường đại học 2021 đã được công bố. Trong đó điểm chuẩn Đại học Ngoại thương 2021 thấp nhất là 28,05 điểm. Điểm trúng tuyển của các ngành tuyển sinh tại Cơ sở Quảng Ninh (ngành Kế...