“Vầng trăng khuyết” tỏa sáng giữa đời thường
Cô giáo trẻ bị liệt cả 2 chân ở tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực để chứng minh: “Tàn nhưng không phế”. Và cô đã thành công.
Tấm gương vượt khó của cô gái khuyết tật
Tại Lễ tuyên dương những Thanh niên điển hình tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng năm 2015 do Tỉnh Đoàn Sóc Trăng phối hợp Đài PTTH tỉnh Sóc Trăng tổ chức vừa qua đã giới thiệu 21 gương mặt tiêu biểu của Thanh niên Sóc Trăng đã có thành tích cao trong mọi mặt.
Trong số những gương mặt tiêu biểu đó, cô giáo Lâm Ngọc Hoa Lan (Giáo viên trường Tiểu học An Ninh D, xã An Ninh, huyện Châu Thành) là gương mặt được nhiều người quan tâm nhất bởi đây là một cô giáo người dân tộc Khmer dù tật nguyền nhưng đã vượt lên hoàn cảnh của chính mình, đạt nhiều thành tích trong giảng dạy và các hoạt động khác của nhà trường…
Hoa Lan nhận danh hiệu Gương mặt tiêu biểu 2015
Hoa Lan sinh năm 1988 trong 1 gia đình nông dân Khmer ở ấp Châu Thành, xã An Ninh. Mới được một vài tháng tuổi, Hoa Lan bị sốt nhưng gia đình cứ nghĩ là sốt bình thường của trẻ nhỏ khi trái gió trở trời. Đâu biết rằng, sau khi hết sốt, đôi chân của cô con gái đầu lòng có khuôn mặt dễ thương của mình dần teo lại. Đưa đi khám, cha mẹ mới biết con mình vừa trải qua một cơn sốt bại liệt.
Hoa Lan chia sẻ: “Lớn lên, thấy các bạn đến trường, em cũng ao ước được đi học như các bạn. Dù đi lại rất khó khăn nhưng nhờ có sự trợ giúp của ba nên mong ước được đến trường của em thành hiện thực. Mỗi ngày đến trường em đều nhờ ba chở đi. Hôm nào ba bận ra ruộng thì gia đình lại kêu xe ôm đưa em đến trường”.
Video đang HOT
Cũng theo Hoa Lan, những ngày đầu đến trường cô học trò nhỏ này gặp không ít khó khăn bởi sự mặc cảm của chính mình, cộng vào đó là sự trêu chọc của bạn bè. Thế nhưng, ước mơ được đến trường, được học hành đã giúp Hoa Lan vượt lên. Bỏ qua mọi sự trêu chọc của bạn bè, cô học trò nhỏ nhắn Hoa Lan đã cố gắng trong học tập. Kết quả học tập của Lan liên tục đạt danh hiệu Học sinh Tiên tiến và Học sinh Giỏi nhiều năm liền.
Hoa Lan tâm sự: “Em biết hoàn cảnh của mình không may mắn như các bạn cùng trang lứa nhưng em đã tự dặn với lòng mình rằng nếu các bạn có trêu chọc thì kệ các bạn, mình ráng học cho thật giỏi để các bạn không trêu chọc, thậm chí xem thường mình nữa. Đặc biệt, mình phải học thật giỏi, phải hoạt động thật tốt, làm việc thật tích cực để cho mọi người biết dù tàn tật nhưng những người như mình sẽ làm được những gì mà người bình thường làm được”.
Cô giáo trẻ cùng các học sinh của mình
Năm 2006, sau khi học xong THPT, Hoa Lan đăng ký thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng chuyên ngành sư phạm tiếng Anh cho gần nhà. Nhưng rào cản chắn ngang ước mơ xanh của cô khi trường này có qui chế không tuyển sinh học sinh khuyết tật. Không bỏ cuộc, Hoa Lan lại nộp đơn thi và đỗ vào Trường Đại học Cần Thơ, ngành sư phạm Anh văn.
Kể lại thời kỳ học ở Cần Thơ của mình, cô giáo Hoa Lan vẫn còn nguyên cảm xúc: “Khi nhận tin mình đỗ vào Đại học Cần Thơ, em và gia đình vui lắm nhưng vẫn ngổn ngang bao lo lắng bởi xa nhà, chân lại đi không vững, liệu mình có thể học xong hay không”. Thật may mắn cho Hoa Lan khi đồng hành suốt 4 năm học ở Cần Thơ cùng cô là gia đình, bạn bè luôn động viên, an ủi, giúp đỡ với tình yêu thương chân thành, chan chứa.
Khi mới bước chân vào học ở Cần Thơ, cô rất khó khăn khi theo học chuyên ngành mình yêu thích là sư phạm Anh văn. Suốt năm học đầu, dù đã cố gắng hết mình nhưng Hoa Lan chỉ đạt mức Trung bình, thua xa các bạn trong lớp. Thế nhưng, những năm sau, Hoa Lan đã có sự tiến bộ vượt bậc khi điểm trung bình luôn ở mức cao. Kết quả thi tốt nghiệp, điểm bình quân của Hoa Lan là 8,3 điểm, trong khi đó, sinh viên có điểm trung bình từ 8,5 được xếp loại Giỏi.
Thành công nhờ nỗ lực
Sau khi tốt nghiệp, Hoa Lan thu xếp hành lý trở về quê hương với ước mong được dạy tại Trường THPT An Ninh, nơi Lan học trước đó. Thế nhưng, hồ sơ nộp vào Sở GDĐT Sóc Trăng đã lâu mà không thấy hồi âm, trong khi đó bạn bè cùng nộp hồ sơ với Lan đã có quyết định phân công công tác. Mấy lần hỏi thăm thì được trả lời: “Hồ sơ đang xem xét, khi nào có kết quả sẽ báo sau”.
Cho đến khi năm học mới đã đi qua gần nửa học kỳ 1, Hoa Lan mới nhận được điện thoại từ Sở GDĐT cho biết: “Hồ sơ đã chuyển về Phòng GDĐT Châu Thành, liên hệ để biết kết quả”. Cuối cùng, Phòng GDĐT Châu Thành cũng thấu hiểu hoàn cảnh, ước mơ của Lâm Ngọc Hoa Lan nên cô được phân công về giảng dạy môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học An Ninh D.
Về trường, Hoa Lan được phân công giảng dạy hầu hết các khối ở tiểu học và đều đạt chất lượng tốt, giúp các em yêu thích và có hứng thú trong môn học. Hàng năm, cô đều có kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi và giúp đỡ những học sinh còn yếu…
Soạn giáo án
Hiện tại, để đến trường, Hoa Lan vẫn phải nhờ ba làm “tài xế” đưa đón mỗi ngày bởi đường vào nhà Hoa Lan là hẻm nhỏ, sâu trong khu dân cư, không thể đi dễ dàng được nếu như có xe gắn máy dành cho người khuyết tật. Gia đình Hoa Lan có 2 chị em, Hoa Lan là chị lớn, cậu em trai giữa đang học tại Trường Cao đẳng y tế Cần Thơ, cậu em út đang học lớp 11 Trường THPT An Ninh, nơi chị và anh của em đã từng theo học trước đây.
Thầy Đào Phụ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Ninh D cho biết: “Cô Hoa Lan là giáo viên trẻ rất nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động của trường cũng như ở địa phương. Chuyên môn thì rất vững vàng, những năm qua cô đều được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Anh, với sự hướng dẫn nhiệt tình của cô Hoa Lan, trường chúng tôi đã có học sinh đạt giải trong các cuộc thi tiếng Anh trên internet cấp huyện”.
Đặc biệt, cô Hoa Lan là người khởi xướng, phụ trách Câu lạc bộ Doreamon của nhà trường – câu lạc bộ tiếng Anh dành cho học sinh, thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh. Với nhiều hình thức sinh hoạt, câu lạc bộ là nơi các em học sinh, nhất là học sinh người dân tộc Khmer, được học, nắm bắt vững vàng hơn về môn ngoại ngữ này. Với thành tích đó, tháng 11 vừa qua, cô Hoa Lan đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Làm tốt công việc tại trường, cô còn tham gia tích cực CLB Người Khuyết tật TP.Sóc Trăng và của tỉnh, với mong muốn được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những hoàn cảnh không may mắn như mình.
Năm 2014, Hoa Lan từng tham gia hội thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” – cuộc thi nhằm khuyến khích người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ bị khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, thêm tự tin thể hiện khả năng và cô đã vào đến vòng bán kết. Dù không lọt vào vòng chung kết nhưng Hoa Lan vẫn tươi cười bởi: “Dù sao đi nữa, mình vẫn là người may mắn hơn nhiều người khác”. Hoa Lan và những người khuyết tật như cô vẫn mang niềm vui, ánh sáng đến cho cuộc đời.
Với những nỗ lực phấn đấu vươn lên đầy nghị lực, Hoa Lan đã được UBND huyện Châu Thành tặng Giấy khen, UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng Khen. Đặc biệt, vừa qua, Lâm Ngọc Hoa Lan vinh dự được Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Sóc Trăng vinh danh là 1 trong 21 đoàn viên, thanh niên điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực của tỉnh.
Không có ý chí, niềm tin sẽ mất tất cả chứ không chỉ 2 chân
Hoa Lan cho biết: Bị liệt hoàn toàn 2 chân do di chứng của bệnh sốt bại liệt, tôi cũng như hầu hết những người khuyết tật khác gặp không ít khó khăn trong cuộc sống cũng như sinh hoạt thường nhật. Nỗi sợ đứng trước đám đông với đôi chân teo quắp, dáng đi nặng nhọc, không giống ai… càng tạo nên một bức tường kiên cố nhốt tôi vào thế giới riêng của mình mặc dù gia đình, thầy cô và các bạn đều quan tâm đến tôi. Tuy nhiên, chính sự mặc cảm tự ti quá lớn khiến tôi luôn thu mình lại, cố vẽ cho mình những ước mơ, và đợi chờ cái gọi là kỳ tích.
“Cho đến một ngày tôi nhận ra không có kỳ tích nào xuất hiện nếu như ta không có trái tim biết yêu thương, chia sẻ, không có ý chí, niềm tin và hơn hết là sự cố gắng của chính bản thân mình. Từ đó, tôi cười nhiều hơn và học tập chăm chỉ hơn, tôi đón nhận tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình, thầy cô và bạn bè một cách tự nhiên hơn, và suy nghĩ cũng ngày một tích cực hơn”, cô tâm sự.
“Tôi bắt đầu đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình và không ngừng học hỏi phấn đấu với tất cả nghị lực cùng niềm đam mê làm giàu tri thức và làm đẹp tâm hồn của mình. Tôi muốn khẳng định rằng: Tôi có một tâm hồn trong sáng và một ý chí mạnh mẽ mà không phải một người không khuyết tật nào đều có thể làm được”, cô nói.
Hoa Lan cho rằng, ngoài sự cố gắng của bản thân, người khuyết tật thật sự rất cần đến sự hỗ trợ của nhà nước và chính quyền địa phương và cộng đồng, đặc biệt sự bao dung của cộng đồng là một nhân tố không thể thiếu giúp họ có thể thoát khỏi mặc cảm tự ti vốn có, thỏa sức phát huy tài năng, trí tuệ…
Theo motthegioi.vn