Vẫn thiếu những trường đại học kiểu mới đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển đất nước
Quy hoạch các trường công lập không phải là sự sáp nhập giải thể một cách cơ học để giảm số lượng trường công.
Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập, rằng cho trường nào là trọng điểm, trường nào không.
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 209).
Góp ý về vấn đề này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.
Cuộc CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng đề ra những yêu cầu mới cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng đưa nhiều công nghệ mới làm thay đổi phương thức đào tạo và mô hình nhà trường.
Giáo dục mở đang mở ra nhiều khả năng to lớn để phát triển. Sự hội nhập sâu rộng cũng tạo sự giao thoa với thế giới trong giáo dục và khoa học. Bên cạnh đó, đất nước đang trong tình hình ,buộc phải phát triển sức mạnh, trước hết là sức mạnh trí tuệ như một lẽ sống còn.
Việc đánh giá, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, sư phạm hiện nay là cần thiết. (Ảnh minh họa)
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng cũng cho rằng việc quy hoạch lại các trường là cần thiết do ngân sách nhà nước đang quá tải nếu tiếp tục bao cấp cho hệ thống sự nghiệp to lớn trong đó có giáo dục.
Video đang HOT
“Nền đại học Việt Nam cũng có quá nhiều bất cập từ hệ thống đến các cơ sở đào tạo; có một số trường thực sự yếu kém về năng lực và chất lượng đào tạo. Rất thiếu những trường đại học kiểu mới đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nói chung hệ thống giáo dục của ta hiện nay mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng còn xa mới thỏa mãn được các tiêu chí cần có của một nền GDĐH tiên tiến là công bằng, chất lượng , hiệu quả và nhất thể hóa”, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ.
Hiệp hội này cũng cho rằng, tinh thần của Luật Quy hoạch việc sắp xếp lại các cơ sở GDĐH công lập không phải là sự sáp nhập giải thể một cách cơ học để giảm số lượng trường công lập. Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng không nên chỉ bằng một thiết kế duy ý chí của người quản lý, không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập, rằng cho trường nào là trọng điểm, trường nào không. “Chuyện sáp nhập giải thể thường đụng đến rất nhiều người và hậu quả kéo theo nhiều việc đến vài năm chưa yên. Do đó cần có sự tính toán thận trọng, có bước đi phù hợp, có giải pháp thích hợp”.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng kiến nghị những nội dung liên quan đến quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng như:
Thực hiện tự chủ đầy đủ. Các trường sẽ tự khẳng định mình bằng phấn đấu bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự bảo đảm về tài chính, về nhân lực, tự xây dựng thương hiệu mà tồn tại và phát triển.
Hai là khuyến khích các trường phát triển theo hướng đa ngành , đa lĩnh vực, đa cấp, bảo đảm quy mô kinh tế về số lượng người học để thích hợp với nền kinh tế thị trường và thị trường dịch vụ giáo dục. Các trường đơn ngành có quy mô nhỏ là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, nay rất khó có điều kiện phát triển tốt trong điều kiện mới và trên thực tế các trường đang tự động từng bước đa ngành hóa, đa lĩnh vực hóa, đa cấp hóa. Đó là một xu thế nên chấp nhận.
Ba là thực hiện việc kiểm định chất lượng thực sự khách quan đáng tin cậy về cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và minh bạch về tài chính. Lấy đó cùng với kết quả điều tra hàng năm tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp làm cơ sở cho sự đánh giá của cơ quan quản lý và sự tín nhiệm của xã hội. Điều này tối quan trọng khi ta “mở” nhiều mặt, xoá nhiều ràng buộc trong quản lý.
Bốn là chấp nhận sự sàng lọc các đơn vị đào tạo theo cơ chế thị trường thông qua uy tín của thương hiệu, có sự định hướng của nhà nước thông qua khen thưởng, đầu tư và chế tài. Chế tài của nhà nước có thể từ thấp đến cao tới mức quyết định đóng cửa trường.
Năm là thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) các cơ sở GDĐH, phân cấp quản lý triệt để cho các địa phương. Khuyến khích các trường đăng ký về sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của trường tương xứng với năng lực của trường mình và có thể thay đổi trong quá trình phát triển. Về phía nhà nước cũng nên chấp nhận sự khác biệt tương đối rộng về năng lực giữa các trường, có nghĩa là chấp nhận một phổ tương đối rộng về năng lực từ các trường đầu đàn đến các trường yếu. Điều này cũng là một thực tế của quá trình phát triển .
Sáu là việc xuất hiện các trường top đầu trước hết phải do sự vận động tự thân vươn lên mà nổi trội bằng sự tự khẳng định mình thông qua thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Nhà nước có thể tập trung đầu tư cho những trường này cũng như đầu tư vào một số ngành, một số lĩnh vực quan trọng ở những trường có sở trường tương ứng để tạo thành các trọng điểm quốc gia.
Bảy là việc sắp xếp điều chỉnh nên được chuẩn bị thật kỹ về về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể. Bộ Giáo dục Đào tạo nên thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng mà đủ chặt, xây dựng một kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát. Không nên coi sắp xếp lần này như là một đợt cấp tập, làm thật nhanh rồi kết thúc mà nên coi đó là sự sắp xếp thường xuyên, giai đoạn đầu có thể làm nhiều việc hơn, sau đó còn có sự điều chỉnh tiếp tục theo hướng tự lựa chọn tốt nhất.
Tám là nên suy nghĩ toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục đại học, từ đó mới tính được việc sắp xếp mạng lưới trường. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH công lập phải được soạn thảo xuất phát từ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Chiến lược phát triển giáo dục của đất nước trong những năm tới./.
Nâng trường đại học thành đại học cho oai, hay để nhận trọng trách lớn hơn?
Hiện nay nhiều trường đại học đang dự kiến thời gian hướng tới trở thành "đại học", đa ngành, đa lĩnh vực trong 3- 5 năm nữa khi thực hiện tự chủ toàn diện.
Liên quan đến vấn đề này, câu hỏi đặt ra là làm sao để có được các đại học đa lĩnh vực đích thực. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thông tin:
Trước năm 1993 (chí ít là từ sau năm 1975), ở Việt Nam không có các đại học đa lĩnh vực. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học lúc đó đều phục vụ cho nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đều được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cũ, tức là đều là các trường đại học chuyên ngành.
Tuy nhiên từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Ban chấp hành Trung ương Khóa 7 (1993) đã ban hành Nghị quyết 4 về việc xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm. Các đại học này đều được hình thành chủ yếu bằng cách gom và tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học có trên cùng một địa bàn. Đây là một chủ trương đúng giúp chúng ta sớm có được những cơ sở giáo dục đại học mạnh, đa năng.
Theo tinh thần đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: "Tại Tờ trình Hội đồng Bộ trưởng số 1315/ĐH ngày 17/3/1992 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ đại học đa lĩnh vực "không phải là một cơ quan quản lý trung gian mà thực chất là một đơn vị đào tạo thật sự quan trọng được lập ra trên cơ sở hợp nhất hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường"".
Và trong 2 năm 1993 và 1994, lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực đã được thành lập, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành có trên cùng một địa bàn lại với nhau.
Hiện tại 5 đại học này đều hoạt động theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (đối với 2 đại học quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với 3 đại học vùng) ký ban hành.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, khi thành lập các đại học đa lĩnh vực, xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau trong một đại học, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành (Inter-disciplinary)...
Tuy nhiên đã hơn 20 năm qua đi nhưng các đại học của chúng ta được hình thành từ các năm 1993, 1994 vẫn chưa thực sự "mạnh" do các đại học đa lĩnh vực của ta ngay từ lúc thành lập đã có xu hướng tồn tại dưới dạng một "liên hiệp các trường đại học chuyên ngành ", trong khi đáng lẽ đại học đa lĩnh vực phải là một chỉnh thể thống nhất.
Vì các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp. Bởi về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa các đại học đa lĩnh vực.
Thậm chí có ý kiến cho rằng ở các đại học này tầng trên "đại học" là thừa, gây cản trở đến hoạt động của các "trường đại học thành viên" dẫn đến chuyện nhiều trường muốn li khai ra khỏi đại học.
Chính vì vậy, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khuyến cáo: "Chỉ nên nâng lên thành đại học khi phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống để đón nhận những trọng trách quan trọng hơn thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường chứ đừng chạy theo mốt".
'Lên đời' đại học: Cần vì thực lực chứ không vì danh Cách đây khoảng hơn chục năm, hàng loạt trường cao đẳng 'lên đời' thành trường đại học, thì xu hướng phát triển hiện nay là hàng loạt trường đại học đang chuẩn bị để trở thành 'đại học'. Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong 5 đại học đa lĩnh vực hiện nay của Việt Nam - ẢNH: NGỌC THẮNG Tuy nhiên,...