Vẫn sẽ “thừa thầy, thiếu thợ”?
GiadinhNet – Nhận xét về khung sơ đồ hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT vừa xây dựng trình Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng chưa có sự thống nhất, đặc biệt là việc phân luồng theo định hướng nghề đối với cấp trung học rất bất hợp lý.
Thiếu sự phân luồng định hướng nghề là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thừa cử nhân, kỹ sư trong khi thiếu lao động có tay nghề. Ảnh: Q.Anh
Luồng đào tạo vào chỗ chưa… thông?
Đầu năm 2016, Bộ GD&ĐT có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Đề án được xây dựng có sự đảm bảo liên thông, liên kết giữa các bậc học, giữa các trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân và tương thích với hệ thống giáo dục quốc tế. Từ đó, người học có thể dễ dàng dịch chuyển giữa các hình thức học tập, giữa các kiến thức khác nhau. Cũng như việc công nhận bằng cấp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới được thuận lợi hơn. Những nét mới trong Đề án sẽ được thể hiện cụ thể ở từng cấp học.
Theo Đề án, ở 3 năm THPT, học sinh có thể lựa chọn 3 luồng chính gồm: Định hướng chung (có tính hàn lâm/khoa học), định hướng kỹ thuật/công nghệ và định hướng năng khiếu. Mỗi luồng sẽ có một chương trình học riêng, học sinh có quyền chọn một trong 3 luồng này. Học sinh học hết THCS cũng có thể bắt đầu học các trường nghề sơ cấp hoặc trung cấp nếu muốn tham gia thị trường lao động sớm. Tuy nhiên, TS.Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng trong khối đó cũng không có sự liên thông thực sự. Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định muốn được dự tuyển vào CĐ thí sinh phải đồng thời vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp THPT. Từ CĐ chuyển lên ĐH lại càng không dễ dàng chút nào vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình đào tạo. Điều nữa, ở hệ thống giáo dục nước ta hiện tại không có sự hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.
“Theo tôi, sơ đồ đã cho thấy không có sự phân luồng học sinh sau THCS cũng như sau THPT. Việc rẽ nhánh học sinh sau THCS dường như không có lối rẽ học lên, vì người học không có hướng học lên cho dù là CĐ, vì học lên CĐ cần phải có bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, sau THCS người học đều cố đi vào THPT. Ở mảng giáo dục chuyên nghiệp vẫn được tách ra riêng biệt, không được sắp xếp theo một trật tự nhất quán của hệ thống giáo dục quốc dân”, TS Lê Viết Khuyến nêu rõ.
Tiếp tục khủng hoảng thừa cử nhân
Video đang HOT
Đánh giá về đề xuất của Bộ GD&ĐT hệ thống cơ cấu giáo dục quốc dân, PGS.TS Phạm Tất Dong – Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, trên thế giới hiện có hai xu hướng phân luồng là sau khi tốt nghiệp THCS, tức là khi học xong lớp 9 và sau khi đã tốt nghiệp THPT. Dự thảo của Bộ chọn phân luồng sau khi học xong lớp 12, sau đó phân luồng theo 3 định hướng nghề nghiệp. Nếu phân luồng như vậy, sau khi học hết lớp 12 sẽ không có học sinh nào muốn quay lại học nghề mà sẽ cố lên học ĐH.
Cũng theo PGS.TS Phạm Tất Dong, Bộ nên phân luồng học sinh sau THCS. Tức là sau THCS, cần hướng các em học sinh học theo thế mạnh của mình. Đồng thời, trong quá trình học nghề, học sinh vẫn phải học kiến thức, văn hóa… để đảm bảo được những yêu cầu cần thiết khi tham gia vào thị trường lao động, hoàn toàn có thể học lên cấp học cao hơn nếu có nhu cầu. Nếu Bộ cố thực hiện phân luồng sau THPT thì cơ cấu nghề nghiệp vẫn tiếp tục mất cân đối, vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay.
“Hiện nay, hệ thống các trường ĐH mở ra ngày càng nhiều, đặc biệt là các trường ngoài công lập nên việc theo học ĐH cũng trở nên khá dễ dàng. Học sinh có học lực trung bình cũng có thể vào ĐH. Điều này tạo ra hệ quả là nhân lực có trình độ ĐH ngày càng dư thừa, chất lượng không đáp ứng yêu cầu với công việc. Trong khi đó, những trường nghề chỉ có những học sinh trượt đại học, thậm chí thi trượt vẫn cố học ôn để năm sau thi lại… khiến cho các trường nghề luôn thiếu chỉ tiêu đào tạo và chất lượng đào tạo không cao”, PGS.TS Phạm Tất Dong đưa ra cảnh báo.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, hiện nay giữa khâu đào tạo nghề nghiệp còn đang có sự “vênh” giữa lao động nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) và đào tạo giáo dục chuyên nghiệp (chủ yếu nghiêng về đào tạo ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT quản lý). Do đó, hai Bộ cần “ngồi lại” với nhau để cùng bàn thảo, nghiên cứu đưa ra chiến lược đào tạo nghề phù hợp và dài hơi hơn cho đất nước, tránh tình trạng chồng chéo, dẫn đến thừa cử nhân, kỹ sư trong khi khan hiếm lao động có tay nghề.
Theo GiadinhNet.vn
Học ngày đêm, đủ lên sếp thì được... điều động
Quý nghề, trọng nghề và làm nghề cho đến nơi, đến chốn ở nhiều nơi vẫn là câu chuyện không cũ, không mới, "bùng" lúc nào thôi.
Nói chuyện "thừa thầy, thiếu thợ" có lẽ ở quê tôi là tiêu biểu nhất. Đơn giản, cả vùng quê, từ đời này qua đời khác, nhà nhà một mực chăm lo chuyện học - đỗ - ông nọ, bà kia...
Mục tiêu phấn đấu là làm sao thoát cho được cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Việc ra đồng cấy lúa, vào rừng lấy củi, vắt đất nung gạch, làm nhà dựng cửa sinh ra là làm được, không học cũng làm được, cả làng đời này qua đời khác làm chán chê ra rồi, chả phải khuya sớm đèn sách làm gì...
Nói chuyện "thừa thầy, thiếu thợ" có lẽ ở quê tôi là tiêu biểu nhất. Ảnh: VietNamNet.
Thừa thầy, thiếu thợ
Tôi còn nhớ, hồi HTX thủ công nghiệp mở lò gạch, lò vôi khai thác tiềm năng tại chỗ, cắt cử lao động nông nghiệp đùm cơm đi tham quan học hỏi, họp lên họp xuống kết quả đốt ra gạch non méo cháy, vôi sống đen. Sau này phải thuê người tận ngoài Nam Hà, Thanh Hóa vào làm, mọi việc mới ổn.
Lớn lên, tôi về thành phố, lấy vợ làm nhà, hiểu hết chuyện thợ quê làm ăn thua xa cánh thợ Huế. Thợ mình chỉ thật thà xây trát, quét, chưa thể nói đến chuyện kỹ - mỹ thuật xa vời, như trát đá rửa hay cầu thang cong chẳng hạn. Ngay cả công trình lớn nhất thành phố lúc bấy giờ, nơi đẹp nhất cũng phải thuê thợ Huế, cho thợ nhà làm cùng và học hỏi, chịu xấu mà trưởng thành.
Rồi chiếc cầu bắc qua sông quê người người mơ ước nối đôi bờ. Vui lắm, chỉ có điều, phần hai bờ bắc - nam cạn dễ thi công do các đơn vị địa phương làm, còn ở giữa dòng nước chảy xiết, kỹ thuật phức tạp do đội cầu Thăng Long của Bộ GTVT đảm nhiệm.
Nói thế để thấy, "thừa thầy" ở đâu không biết, nhưng việc "thiếu thợ", thiếu người khéo tay, tay nghề cao là chuyện rất rõ ràng, cụ thể. Việc khó, kỹ thuật cao chưa có nhiều người làm được. Việc nhà thấy rõ, việc huyện, việc tỉnh, việc thành lại càng rõ ràng hơn...
Người bạn cùng ra trường, cùng về quê nhận việc từng than thở với bạn bè, ý rằng, làm ở một cơ quan chuyên môn mà sếp không có nghề, chỉ "ba đường quyền" thì tốt nhất là... chuồn lẹ!
Làm nghề cho ra nghề cũng thiếu
Toàn quốc tổ chức liên hoan nhân kỷ niệm nọ, sếp chỉ đạo làm "tác phẩm", bỏ công, bỏ của, chọn người làm, hừng hực khí thế, hy vọng ngút trời. Đến khi chấm, ban giám khảo không thể xếp tác phẩm "để đời' ấy vào thể loại nào, bèn xem là "chương trình chào mừng ". Ngao ngán.
Thế nhưng, điều đó chẳng ai lấy làm băn khoăn, day dứt về việc mình yếu kém chuyên môn, nghề nghiệp so với đồng nghiệp cả nước. Mọi việc vẫn cứ như cũ, liên hoan vẫn được đánh giá thành công tốt đẹp, các loại bằng, huy chương vẫn trao, nhận "mỏi tay" (như ai đó lỡ mồm rồi mắc vạ dở khóc dở mếu ấy).
Bạn tôi nói tiếp, sau kỳ đó, có những người vì tự ái nghề nghiệp mà ngày đêm học thầy, học bạn, học ngoài hỏi trong để vươn lên. Đến khi họ trưởng thành, có đủ điều kiện để giao trọng trách thì lần lượt những người đó được... điều động đi cơ quan khác.
Ở nơi cũ, lại là một sếp "ba đường quyền", văn không ra văn, kịch không ra kịch, nhưng lúc nào cũng làu làu quy trình, quy tắc, báo cáo 6 tháng, cuối năm long lanh lóng lánh, không chê vào đâu được. Hình như đó cũng là một... nghề?
Mới đây ồn chuyện luân chuyển, quản lý nghề "trồng người" mà chưa học sư phạm, lại cũng được khẳng định đúng quy trình tuốt luốt. Người ta chê ông tổ chức, bà nội vụ nói năng loằng ngoằng, mà đâu có biết các vị ấy thực ra chỉ là người chấp hành.
Chỉ biết rõ là, chuyện quý nghề, trọng nghề và làm nghề cho đến nơi, đến chốn ở nhiều nơi vẫn là câu chuyện không cũ, không mới, "bùng" lúc nào thôi. Có người để câu chuyện ồn ào lên (mà có thể đã và sẽ bất lợi cho bản thân như giảng viên ở Cần Thơ nọ hay ông trưởng phòng từ chối chức bí thư nọ...), người lặng lẽ tìm cách khắc phục như chuyện bạn tôi kể.
Tất cả là để được làm nghề, trau dồi nghề nghiệp, phát triển trưởng thành bằng chính nghề mình được đào tạo, đúng sở trường và nguyện vọng. Để phải là đốt đất ra gạch, nung đá ra vôi, văn ra văn, kịch ra kịch, vàng thật thì không thể đổi bằng vàng giả...
Theo Châu Phú/Vietnamnet