Văn mẫu: Mạnh dạn vượt qua chính mình
Theo nhiều giáo viên Ngữ văn, thoát ly văn mẫu khác với thoát ly kỹ năng.
Học sinh tự luyện tập môn Ngữ văn tại Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An.
Giống như xây ngôi nhà cần có kiến trúc sư vẽ thiết kế, làm một bài văn cũng cần có nền tảng hiểu biết, tư duy, kỹ năng. Dạy cho học sinh phương pháp thay vì học thuộc máy móc, công nhận và đánh giá đúng nỗ lực, cá tính của học sinh chính là tạo động lực để các em làm chủ bài văn của mình.
Chấp nhận chính kiến, sáng tạo của học sinh
Bài kiểm tra đầu tiên môn Ngữ văn sau khi nhập học của Xã Nguyệt Ánh (lớp 10C1 Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An) được cô giáo chấm 9 điểm, dù chỉ viết hơn 1 tờ giấy thi. Đây là niềm vui bất ngờ đối với nữ sinh dân tộc Thái đến từ huyện vùng cao Tương Dương. Bởi thời gian vừa qua, việc học của Ánh và các bạn khá vất vả và mới chỉ tập trung học trực tiếp được hơn 2 tuần.
Nói về bài kiểm tra này, cô Bùi Thị Lệ Thu – giáo viên Ngữ văn cho biết: Đề ra gồm 2 câu khá quen thuộc trong chương trình Ngữ văn lớp 10 và cũng không quá khó. Bao gồm câu đọc – hiểu và câu làm văn “Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Đăm Săn trong đoạn trích “Chiến thắng Mtao – Mxây” (Sử thi Đăm Săn). Mục đích của cô vừa kiểm tra định kỳ, tìm kiếm, phát hiện học sinh có năng khiếu môn Văn. Bài làm của em Nguyệt Ánh không dài, nhưng ngắn gọn, đủ ý và gây ấn tượng với cô với giọng văn riêng, mộc mạc, cảm xúc.
“Trong đó, những phẩm chất của nhân vật Đăm Săn được em sắp xếp, chuyển ý mạch lạc, sáng tạo không rập khuôn theo dàn ý mà cô đã giảng dạy. Đó là điều đáng quý để tôi bồi dưỡng, phát triển thêm. Vì vậy, dù vẫn chưa tròn trịa về câu chữ, dùng từ, tôi vẫn mạnh dạn cho điểm cao, để ghi nhận và khích lệ tố chất văn chương và sự độc đáo của học trò”, cô Lệ Thu chia sẻ.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, ôn thi môn văn, cô Bùi Thị Lệ Thu cho rằng: Thoát ly khuôn mẫu không phải là điều dễ dàng đối cả giáo viên và học sinh. Điều này xuất phát từ việc các em vẫn chưa hoàn thiện, phát triển, đa dạng về ngôn từ. Để cảm thụ, phân tích đầy đủ một tác phẩm hay ngữ liệu văn học, trước hết cần có sự dẫn dắt, thuyết giảng từ phía giáo viên.
Vì vậy, dễ nhận thấy với học sinh đại trà phần lớn chưa thoát ly khỏi kiến thức của thầy cô, phụ thuộc vào văn mẫu, hoặc bài giảng để đúng ý thầy cô, đạt điểm cao. Ngược lại, không ít giáo viên cũng chưa cho phép bản thân chấp nhận một cách thoải mái chính kiến ở học sinh, hoặc ý tưởng trái với khuôn mẫu mà mình đã cung cấp.
Video đang HOT
Cô Lệ Thu cũng thừa nhận,cách dạy văn – chấm văn của cô đối với học sinh từng khối lớp có sự khác biệt. Trong đó, việc đổi mới phương pháp, tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá được mạnh dạn áp dụng đối với lớp 10, 11. Còn học sinh cuối cấp thiên về ôn tập phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, cô quan niệm, “dù với phương pháp nào, mong muốn của tôi là mỗi bài văn của học trò, không phải là sự sao chép kiến thức của người khác, kể cả thầy cô. Mà qua lăng kính cá nhân, các em tạo ra một tác phẩm B’ so với tác phẩm gốc. Người dạy không chỉ xoáy vào nội dung cần đảm bảo trong tác phẩm mà mở ra trang đời để học sinh cảm nhận, ứng xử, nêu lên chính kiến của mình”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An có 73/149 học sinh dự thi đạt 9 điểm trở lên môn Ngữ văn. Điểm trung bình môn học này của trường là 8,86. Để đạt được điểm số đó, không thể chỉ rập khuôn, giống nhau, mà chắc chắn có yếu tố sáng tạo, cá tính của bản thân học sinh trong bài văn.
Thoát ly văn mẫu cần sự mạnh dạn từ phía giáo viên.
Từng bước thay đổi
Nói về vấn đề thoát ly văn mẫu, theo cô Nguyễn Thị Hương -giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho rằng: Trước hết cần hiểu đúng khái niệm văn mẫu trong dạy văn, học văn. Văn học là bộ môn mang tính khoa học và thẩm mỹ. Mẫu của văn, thực chất là cách thức, phương pháp tư duy, triển khai một bài làm theo bố cục đầy đủ, dẫn chứng phù hợp, lập luận logic. Cách viết, triển khai bài làm sáng tạo đến đâu, cũng nằm trong, thuộc cái khuôn đó, nếu không sẽ lan man, sai trọng tâm, thậm chí lạc đề.
“Mặt khác, làm gì cũng phải có “thị phạm”. Và khuôn mẫu, hay văn mẫu chính là sự “thị phạm” của giáo viên để giúp học trò hiểu, nắm kiến thức cơ bản, biết cách đọc hiểu ngữ liệu, nhận biết thủ pháp nghệ thuật, rèn kỹ năng làm bài. Để sau này, kể cả khi gặp một tác phẩm, văn bản, ngữ liệu mới mẻ, các em vẫn có thể vận dụng và sáng tạo theo cách hiểu, cảm thụ của mình”, cô Hương nêu quan điểm.
Tuy nhiên, để học trò biết vận dụng sáng tạo khuôn mẫu, cần sự nỗ lực thực sự của giáo viên trong chuyển đổi phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Trên thực tế, không phải bất cứ bài giảng nào giáo viên cũng làm được điều này. Nhưng cô Hương đã từng bước điều chỉnh, thay đổi từ tổ chức hoạt động cho học sinh, cũng như làm mới cách diễn đạt, dạy học của mình.
Ví dụ học sinh làm việc nhóm, video, thuyết trình về quê hương của các em. Với hình thức này, học sinh phải làm việc nhiều hơn, buộc phải tự tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, từ người lớn trong gia đình, làng xã. Nhưng các em lại hào hứng, thích thú hơn và làm việc bằng sự say mê, nhiệt tình chứ không phải bắt buộc. Từ việc tự khám phá, tìm hiểu kiến thức, chọn cách diễn đạt, học sinh được phát huy năng lực của mình đối với môn học một cách hiệu quả.
Nhiều năm dạy học, ra đề kiểm tra, tham gia chấm thi, cô Hương cho biết mình đã từng chấm nhiều bài văn điểm cao đến 9,5 – 9,75 nếu thấy các em viết đúng yêu cầu đề ra, hay, cảm xúc, sáng tạo. “Tôi sẵn sàng ghi nhận sự cố gắng, sáng tạo của học trò. Đọc những bài văn như vậy, thấy các em viết ra bằng sự yêu thích đối với môn Văn chứ không phải là môn bắt buộc. Giáo viên cảm thấy mình không bị phụ, không bị học sinh quay lưng, đó là niềm hạnh phúc lớn của nghề giáo”.
Theo ông Nguyễn Chí Hòa – chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Nghệ An), cũng như các môn học khác, trong kiểm tra, đánh giá, thi cử,môn Văn đều có barem điểm rõ ràng. Để bài văn đạt điểm cao, thí sinh phải đảm bảo đúng các ý trong đáp án, cách triển khai, bố cục, lập luận phải chặt chẽ, sắc sảo. Đồng thời phải thể hiện được sự sáng tạo, năng lực cảm thụ và chất văn chương của riêng mình. Đây cũng là đổi mới trong dạy văn, học văn và đánh giá học sinh.
Thoát ly văn mẫu: Biến kiến thức chung thành "của riêng"
Từ góc nhìn của học sinh phổ thông, nếu cứ học thuộc theo các bài văn mẫu thì trước một đề thi có câu lệnh "lệch" khỏi mô - típ của các đề Ngữ văn quen thuộc sẽ "chới với" ngay.
Nếu HS rèn được kỹ thuật viết, sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào văn mẫu. (Ảnh: HS Đà Nẵng dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập).
Vì vậy, văn mẫu chỉ nên là một kênh tham khảo và HS phải tự rèn kỹ năng viết. Điều này không chỉ cần thiết cho môn Ngữ văn, mà còn bổ trợ cho các môn học khác.
Văn mẫu khác tài liệu tham khảo
Đặng Văn Quang, cựu HS lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam) là một trong ít thí sinh hiếm hoi đạt điểm 10 bài thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021. Chia sẻ bí quyết học môn Ngữ văn, Quang cho biết, em không đọc văn mẫu như phần đông các bạn mà chỉ "tìm đọc các nguồn tài liệu để tham khảo, có thêm dẫn chứng hoặc có thể mở rộng bài viết của mình, học được cách tư duy hoặc các kiến thức hay của họ".
Theo như Quang lý giải, văn mẫu, cho dù đạt đến độ chuẩn mực, cũng xuất phát từ một người, có sự chủ quan của người viết. Vì vậy, có thể tham khảo dữ liệu chứ không nên ảnh hưởng hoàn toàn từ văn mẫu dẫn đến bị chi phối theo cách viết, quan điểm của họ thì không còn là văn nữa.
Em Đinh Văn Tiên Sơn, cựu HS Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) giải Nhất môn Ngữ văn, Kỳ thi HS giỏi lớp 12 thành phố Đà Nẵng năm học 2020 - 2021, cho rằng: Văn mẫu là nguồn kiến thức thú vị để HS tham khảo và trau dồi thêm. Mỗi quyển sách tham khảo sẽ cho mình khía cạnh riêng của người viết ra.
"Trong quá trình học môn Văn, HS có thể tham khảo thêm những dẫn chứng, cách lập luận nhưng đừng nên phụ thuộc hoàn toàn mà phải triển khai thành cách viết riêng của mình. Lúc chọn văn mẫu nên lựa quyển sách của các nhà xuất bản uy tín hoặc của thầy cô nổi tiếng chứ không nên lựa những quyển sách đại trà" - Sơn nói.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Đặng Văn Quang, nhiều HS THPT đang học môn Ngữ văn theo kiểu học thuộc văn mẫu. "Những đoạn phân tích các tác phẩm thì có sẵn và rất nhiều, các bạn cứ thế học thuộc. Những đoạn mẫu này có thể sử dụng cho bất kỳ bài văn nào". Thế nhưng, theo như kinh nghiệm của Quang, kiểu học đối phó này chỉ có thể "trót lọt" đối với những bài kiểm tra thông thường.
"Với những đề thi có tính phân loại cao, yêu cầu "lắt léo" hơn một chút, các bạn sẽ không biết đưa các đoạn văn mẫu đã học thuộc vào như thế nào hoặc nếu cứ đưa đại vào sẽ lạc đề. Học thuộc văn mẫu hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào văn mẫu, HS sẽ hạn hẹp vốn từ cũng như khả năng tư duy, khả năng sáng tạo của mình" - Quang cho biết. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến HS thấy chán học văn. Còn nếu viết bằng sự sáng tạo, làm chủ được khả năng diễn đạt của mình mới thấy được sự thú vị của môn học.
Đinh Văn Tiên Sơn thì cho rằng, không phải cứ học thuộc văn mẫu là sẽ đạt điểm cao. "Khi bạn không có được vốn từ và cách thức diễn đạt rất dễ bị "tủ đè" nếu "trật tủ". Chưa kể là không phải bài văn mẫu nào cũng có chất lượng. Và cần phải phân biệt giữa văn mẫu và tài liệu tham khảo cho môn học Ngữ văn" - Sơn chia sẻ.
Đặng Văn Quang cùng cô giáo chủ nhiệm lớp 12 chuyên Văn và bạn học.
Chìa khóa thoát khỏi văn mẫu
Từ kinh nghiệm học tập bộ môn, Đặng Văn Quang đưa ra lời khuyên để có thể học tốt môn Văn: "Dù học chuyên Văn hay đại trà, môn Văn cũng phải khơi được sự sáng tạo, cách cảm nhận và suy nghĩ riêng của HS. Các bạn hoàn toàn có thể tìm đọc nhiều sách tham khảo, kể cả văn mẫu để trau dồi khả năng viết cũng như làm giàu thêm vốn từ của mình. Nếu được, hãy luyện viết nhiều, tập viết từ những đoạn văn ngắn. Phải tập luyện viết từ sớm chứ không phải đợi đến khi lên đến THPT mới bắt đầu tập viết".
Đinh Văn Tiên Sơn thì cho rằng: Việc luyện viết đòi hỏi HS phải có sự kiên trì. Theo Sơn, chỉ cần viết được một lượng bài nhất định thì với đề nào, HS cũng có thể viết được mạch lạc, trôi chảy. Phải bắt đầu từ những đoạn viết ngắn để triển khai một luận điểm nào đó rồi dần dần tập viết dài. "Để có "vốn" viết dài, cần tổng hợp kiến thức trên trường, chắt lọc kiến thức từ các nguồn tham khảo rồi viết theo cách viết riêng của mình".
Sơn cho rằng, HS đại trà nên học môn Ngữ văn với tinh thần thoải mái, nên tiếp cận kiến thức theo kiểu học cái hay của bài văn, và viết lại theo cách cảm nhận của mình. "Tự viết văn, cũng hỗ trợ cho các môn học khác như viết bài thuyết trình, viết tiểu luận. Lên bậc học cao hơn, các bạn khối A nếu không nhuần nhuyễn kỹ năng viết sẽ gặp rất nhiều lúng túng".
Cô Hồ Thị Tâm - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế) - chia sẻ: "Sau thời gian dài dạy học Ngữ văn, tôi nhận ra, khi đến với môn học này, điều HS thiếu không phải là tri thức, kiến thức, mà là ngôn ngữ. Qua tìm hiểu điều kiện môi trường sống hiện nay, mình gặp phải một thực trạng phổ biến, là trẻ con ngày càng chậm nói, ngôn ngữ hình ảnh lấn chiếm ngôn ngữ lời nói hằng ngày. Vì vậy, việc hình thành ngôn ngữ trong mỗi đứa trẻ bị hạn chế. Từ đó, các con nhận thức được vấn đề nhưng không gọi tên nó được, hoặc các con hiểu được vấn đề nhưng không diễn đạt được... là điều đang xảy ra hằng ngày".
Thoát ly văn mẫu: Đột phá từ kiểm tra, đánh giá Học sinh tham khảo văn mẫu để hỗ trợ cho quá trình học tập sẽ tốt. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc đến mức học thuộc lòng văn mẫu sẽ đi ngược lại với mục tiêu của môn học. Cô Chử Thị Minh Hiền, giáo viên môn Ngữ văn - Trường THCS thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường - Lai Châu) trao đổi...