Vận hành thử nghiệm kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu
Nhằm tạo thuận lợi trong việc kiểm tra hành khách và hàng hóa, phương tiện xuất nhập cảnh, chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào đã thống nhất đưa vào vận hành thử nghiệm mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”.
Chiều 5/1, sau quá trình chuẩn bị, chính quyền 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Savanakhet (Lào) đã phối hợp tổ chức khai trương, vận hành thử nghiệm mô hình “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) – Đensavan (tỉnh Savanakhet).
Theo đó, mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” được các nước ký kết trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê kông mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA), nhằm tạo thuận lợi trong việc vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới, rút ngắn thời gian thông quan tại các cặp cửa khẩu Quốc tế dọc các hành lang trong tiểu vùng Mê kông, bao gồm cả hành lang kinh tế Đông – Tây.
Việc kiểm tra theo mô hình này sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh đối với người và phương tiện
Từ tháng 7/2014, tỉnh Quảng Trị cũng đã nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để vận hành mô hình kiểm tra mới tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.
Với phương thức thông quan truyền thống, việc kiểm tra thực hiện riêng biệt từng phía Lào và Việt Nam. Trong khi đó, mô hình “một cửa một lần dừng”, thì toàn bộ người, hàng hóa và phương tiện xuất nhập cảnh sẽ được hai phía Lào và Việt Nam phối hợp kiểm tra, làm thủ tục tại một điểm.
Dự kiến đến tháng 2/2015, mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” sẽ chính thức được triển khai
Video đang HOT
Việc vận hành thử nghiệm mô hình trên có ý nghĩa rất quan trọng để các cơ quan liên quan tỉnh Quảng Trị và Savanankhet rà soát lại quy trình, thủ tục, trang thiết bị, nguồn nhân lực, cũng như sự phối hợp giữa các bên liên quan để vận hành chính thức trong thời gian sắp tới.
Phát biểu tại lễ vận hành thử nghiệm, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Việc đưa vào vận hành việc kiểm tra theo mô hình “một cửa, một lần dừng” sẽ tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian, chi phí cho hành khách và hàng hóa xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng hội nhập và hiện đại. Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây”.
Dự kiến, tháng 2/2015, mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” sẽ chính thức được triển khai.
Đăng Đức
Theo Dantri
Việt Nam: Chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ mở ra một chương mới cho liên kết khu vực. Việt Nam luôn tự hào là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng ASEAN sau 20 năm gắn bó.
Lịch sử
Sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 đã đưa quan hệ giữa các nước Đông Nam Á sang một trang mới của xây dựng lòng tin và tình hữu nghị.
Việc Việt Nam thúc đẩy thành công đồng thuận trong ASEAN về quyết định kết nạp Campuchia tại Cấp cao ASEAN-6 (Hà Nội, năm 1998) đã hoàn tất giấc mơ về một ASEAN-10 và gieo mầm ý tưởng về một ngôi nhà chung ASEAN.
Sau những nét bút đầu tiên về Cộng đồng ASEAN được phác thảo theo đề xuất của Singapore về trụ cột kinh tế năm 2002 và Indonesia về trụ cột an ninh năm 2003, Việt Nam đã hoàn tất bức tranh Cộng đồng ASEAN với đề xuất trụ cột văn hóa-xã hội. Hiện thực hóa ý tưởng đó, Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào việc xây dựng các văn kiện định hướng lớn của ASEAN như Chương trình Hành động Vientian năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2008 và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015).
Những thành công trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn đến Hành động", chúng ta đã đưa bộ máy tổ chức ASEAN (xây dựng theo Hiến chương ASEAN) vào hoạt động trên thực tế; thúc đẩy hợp tác ASEAN theo hướng nâng cao tính hành động và thực thi, nhất là trong triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục đề cao và bám sát cách tiếp cận này, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của các dòng hành động được đề ra trong Lộ trình; đặc biệt, trong trụ cột kinh tế, Việt Nam luôn là một trong những nước đạt tỷ lệ thực thi cao nhất (năm 2013, Việt Nam đứng thứ hai, sau Singapore, với tỷ lệ triển khai đạt gần 90%).
Hiện tại và tương lai
Năm 2015 sẽ là một năm vô cùng bận rộn và sôi động của ASEAN. ASEAN sẽ cần tập trung nỗ lực để triển khai gần 20% các dòng hành động còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; mặc dù chiếm phần nhỏ, nhưng đây lại là những biện pháp khó, yêu cầu mức độ liên kết và hội nhập cao.
Xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và các kế hoạch triển khai cụ thể cũng là một trọng tâm lớn của ASEAN nhằm định hướng cho giai đoạn phát triển cao hơn của Cộng đồng, nhất là tiếp tục làm sâu sắc hơn liên kết của ASEAN trên cả ba trụ cột. Việt Nam sẽ cùng ASEAN triển khai các trọng tâm của năm 2015 theo các hướng sau:
Thứ nhất, nỗ lực hết mình vì đoàn kết và thống nhất của ASEAN. Đây chính là sức mạnh cộng hưởng từ ý chí và quyết tâm của 10 nước thành viên để chèo lái con thuyền ASEAN qua mọi sóng gió và cập bến thành công.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy thực hiện đúng hạn và hiệu quả các dòng hành động còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng, đồng thời tham gia tích cực vào việc soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 nhằm xây dựng một kịch bản tối ưu cho sự phát triển của ASEAN trong thập kỷ mới.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, chú trọng tuyên truyền về sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các lợi ích do Cộng đồng mang lại.
Cuối cùng, xây dựng bộ máy hiệu quả với một cơ chế phối hợp nhịp nhàng và thông suốt giữa các Bộ/ngành từ trung ương đến địa phương, được đầu tư nguồn lực thích đáng và vận hành bởi một đội ngũ cán bộ, công chức giàu tâm huyết và giỏi chuyên môn.
Là bộ phận hữu cơ của ASEAN, tương lai của Việt Nam sẽ luôn gắn chặt với những bước phát triển tiếp theo của ASEAN.
Những nền tảng tốt đẹp mà Việt Nam đã tạo dựng được trong gần hai thập kỷ qua là xung lực quan trọng để chúng ta tiếp tục nỗ lực hết mình vì một
Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và phồn vinh.
Nguyễn Vũ Tú
Trưởng SOM ASEAN
Theo Chính phủ
Các nguyên thủ quốc gia được đón tiếp như thế nào tại VIP A Nội Bài? Nhà khách VIP A tại ga T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (HKQT) - vừa khánh thành sáng 4/1 được sử dụng để đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Nghi thức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia sẽ được tiến hành như thế nào? Nhằm phục vụ tốt hoạt động đối ngoại...