Vạn điều hay từ thư viện mở thân thiện
Để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực đổi mới phương pháp tiếp cận độc giả, đưa nguồn sách đến đúng đối tượng.
“ Thư viện xanh” của Trường Tiểu học Khai Quang (TP Vĩnh Yên) với không gian đọc sách thoáng đãng.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng sáng tạo, tổ chức phong phú các hình thức khuyến đọc.
Đổi mới, sáng tạo
Năm học 2021 – 2022, tỉnh Vĩnh Phúc có 145 trường tiểu học, 132 trường THCS, 16 trường liên cấp tiểu học & THCS và 30 trường THPT. Hiện, 100% các trường có phòng thư viện, riêng khối THPT có một số trường có nhà thư viện. Các trường học trong tỉnh đang không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả của thư viện, tổ chức các hoạt động sáng tạo, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tạo “cầu nối” tri thức cho học sinh.
Mặc dù, 100% trường học tại Vĩnh Phúc có phòng thư viện nhưng diện tích, quy mô, cách bố trí khác nhau. Nhiều nơi không gian đọc sách hạn chế, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đồng bộ, thậm chí xuống cấp, nguồn học liệu, tài liệu, số lượng đầu sách chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm sức hấp dẫn của thư viện, không thu hút được học sinh đến đọc sách.
Vì vậy, việc xây dựng những góc thư viện mở, thân thiện; không gian đọc sách, học tập ngoài trời sáng tạo, hấp dẫn nhằm khơi dậy niềm đam mê và duy trì, tăng cường thói quen đọc sách cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của ngành Giáo dục, mà cả các cấp chính quyền.
Thầy Cao Trung Kiên, phụ trách thư viện Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), chia sẻ: Nhà trường có 29 lớp với 897 học sinh. Thời gian qua, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm đến hoạt động của thư viện và có nhiều giải pháp hiệu quả để đưa hoạt động đọc đến với học sinh.
Một trong những giải pháp đem lại hiệu quả là triển khai góc thư viện tại lớp. Theo đó, sách được chuyển đến các lớp để học sinh đọc trước mỗi giờ nghỉ trưa. Sau một khoảng thời gian nhất định, thư viện sẽ đổi chéo sách giữa các lớp để học sinh có thể lựa chọn nhiều đầu sách. Bên cạnh đó, hoạt động đọc của học sinh cũng được điều chỉnh. Các em có thể đọc sách tại thư viện hoặc ngoài trời với không gian thoáng đãng và thời gian linh hoạt.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cắt băng khánh thành công trình không gian đọc sách ngoài trời tại Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường. Ảnh: TG
Những mô hình tiên phong
Video đang HOT
Ở Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), cứ giờ ra chơi, học sinh lại ùa về thư viện. Các em lựa chọn cho mình những cuốn sách yêu thích. Em thì đứng, em tựa vào cửa sổ hoặc nằm chống cằm… Tất cả đều trong tâm thế thoải mái để tiếp nhận tri thức.
Được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022, “Thư viện trên cây” của Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường đã tạo cho học sinh không gian đọc sách gần gũi với thiên nhiên, tăng cường và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Em Hải Quỳnh, lớp 4C hào hứng cho biết: Em rất thích đọc sách nhưng không có điều kiện để mua thường xuyên. Vì thế, thư viện thân thiện thực sự là người bạn lớn. Ở đó, em học hỏi được nhiều kiến thức, biết thêm điều thú vị trong cuộc sống. Ngoài ra, chúng em còn thảo luận, chia sẻ những điều hay sau mỗi câu chuyện.
Không gian đọc sách tại Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường.
Nhờ làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình, thư viện thân thiện đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong trường học, tỷ lệ học sinh tham gia đọc sách tăng lên, với 100% học sinh trong trường tham gia đọc sách. Từ thói quen đọc sách đã giúp các em sống hòa đồng, trưởng thành và chăm chỉ hơn. Nhiều em trước đây thường dùng thời gian để nô đùa thì nay cũng đã bị thu hút bởi góc thư viện thân thiện trong trường.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Tường, ông Phan Quốc Hào, cho biết: Thực hiện Chương trình hành động của Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi huyện, thành phố của tỉnh trong năm 2021 xây dựng được ít nhất 3 thư viện đạt chuẩn cho các trường phổ thông và những chỉ đạo cụ thể, thiết thực về việc chuẩn hóa các thư viện trường học của các huyện, thành phố theo hướng thân thiện với học sinh tại Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030″ của tỉnh, huyện Vĩnh Tường đã đẩy mạnh tốc độ xây dựng thư viện và không gian đọc trong trường học.
Tính đến hết năm 2021, toàn huyện xây dựng được 8 thư viện đạt chuẩn, thân thiện với học sinh tại 5 trường tiểu học gồm Kim Xá, Tứ Trưng, thị trấn Vĩnh Tường, Tuân Chính, Thượng Trưng; 2 trường THCS gồm Kim Xá, Yên Lập và Trường liên cấp Tiểu học & THCS Vũ Di.
Đến nay, thư viện thân thiện, thư viện mở đã trở thành hình ảnh, hoạt động quen thuộc của học sinh ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Mỗi “Thư viện xanh” trong trường học đã và đang góp phần vào việc hình thành thói quen đọc sách hằng ngày, giúp các em tiếp cận tri thức, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ học tập và cuộc sống.
Cô giáo Thanh Minh với sáng kiến thư viện "mở" thu hút học trò
Thông qua sử dụng các phần mềm để minh họa những cuốn sách đã đọc giúp cho việc đọc sách và giới thiệu sách của học sinh trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, lan tỏa hơn.
"Nhận thấy thực trạng hiện nay học sinh không thích đọc sách, mà thay vào đó là sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn, chính vì vậy tôi rất muốn làm sao để các em yêu thích văn hóa đọc, nghĩ là làm và việc này tôi đã triển khai cách đây khoảng 3 năm, lúc đó thư viện của nhà trường còn rất mới, chưa đầy đủ trang thiết bị cũng như các đầu sách.
Tôi có tìm hiểu các mô hình thư viện mở trên thế giới bởi tôi không muốn trường mình đi theo hướng những thư viện "cổ truyền" với những tủ sách, những bộ bàn ghế,...và những cái "cũ" đó sẽ khó thu hút được các con đến với thư viện, hiểu được đặc tính của trẻ nên tôi tham mưu với ban giám hiệu nhà trường biến thư viện thành không gian mở, hiện đại. Đầu tiên, thư viện phải đẹp mới thu hút được trẻ, rồi từ đó mới tính đến chuyện đọc sách.
Ban giám hiệu nhà trường đã thiết kế thư viện với những không gian đẹp, góc ngồi riêng, có sân khấu để các em biểu diễn các hoạt động, khu vực thu âm, khu hoạt động nhóm,...". Cô Phạm Thanh Minh - Khối trưởng chủ nhiệm, Tổ phó chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cô Phạm Thanh Minh - Khối trưởng chủ nhiệm, Tổ phó chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã tham dự Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo" lần thứ V, năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC.
Khơi dậy và duy trì văn hóa đọc
Cô Minh cho biết: "Có thể nói đây là một thư viện mở rất đẹp và tiện lợi nên thu hút được rất nhiều học sinh đến đọc sách và tham gia các hoạt động hàng ngày. Thay vì phải đọc sách một cách khiên cưỡng thì các con sẽ say mê, hứng thú, chủ động đọc sách. Muốn vậy, phải có môi trường văn hóa đọc mọi lúc, mọi nơi như tại thư viện, trong lớp hay ở nhà, bên cạnh đó cũng cần tổ chức hiệu quả các hoạt động để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh...
Trong thời gian đầu tiên, tôi đẩy mạnh phong trào "sách cũ của bạn là sách mới của tôi" để học sinh mang sách của mình đã đọc đến thư viện cho bạn khác mượn, các em giao lưu và chia sẻ những cuốn sách hay với bạn bè trong trường, ngoài ra nhà trường cũng bổ sung thêm khá nhiều đầu sách mới.
Mọi việc bước đầu được đi đúng hướng khi trong khuôn viên trường, tại lớp học hoặc tại nhà, thầy cô, cha mẹ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các con tay cầm cuốn sách và say mê nghiền ngẫm. Tránh tình trạng đọc sách tràn lan, sa đà, ngay từ đầu năm tôi đã xây dựng kế hoạch đọc có định hướng cho học sinh thông qua phương pháp đọc sách và lựa chọn các chủ đề phù hợp với sở thích của các em. Việc định hướng này rất quan trọng, giúp học sinh có kỹ năng đọc, bổ sung thêm kiến thức trên lớp theo môn học, đồng thời khơi gợi niềm đam mê đọc sách theo nhu cầu.
Nhưng đến giai đoạn các con phải học trực tuyến, phải sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều, và nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến việc các con sa đà vào những trang web "độc hại", các con không có cơ hội đến trường đọc sách tại thư viện, các cô cũng không thể giám sát để biết được học sinh của mình có đọc sách sau khi kết thúc buổi học chính khóa hay không.
Vì vậy, tôi lại tiếp tục nghĩ suy, trăn trở khi mà trong giai đoạn học online, học sinh được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ thông tin, cơ hội học hỏi có nhiều nhưng nguy cơ gặp nguy hiểm luôn thường trực bởi việc sử dụng các thiết bị thông minh nếu không được định hướng sẽ rất dễ sai mục đích. Vậy tại sao không gắn việc đọc sách với khai thác ứng dụng của các thiết bị công nghệ".
Những góc đọc sách rất đẹp thu hút nhiều học sinh đến với thư viện. Ảnh: NVCC.
Thư viện có cả sân khấu để các em học sinh biểu diễn các hoạt động. Ảnh: NVCC.
Áp dụng Công nghệ thông tin vào đọc sách
Cô Minh chia sẻ: "Nghĩ là làm, tôi đã có sáng kiến: "Duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa những cuốn sách đã đọc". Với ý tưởng hướng dẫn các con sử dụng phần mềm để phát huy tính sáng tạo, và có thêm nhiều kĩ năng về Công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ có ích kết hợp phát triển, duy trì việc đọc sách.
Và một lần nữa tôi đã bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng. Đầu tiên, tôi hướng dẫn học sinh tìm hiểu và sử dụng các phần mềm để minh họa cho các cuốn sách. Hiện có rất nhiều phần mềm nhưng tôi chọn một số phần mềm có ưu điểm dễ sử dụng, không mất chi phí, có nhiều tính năng vượt trội, dễ dàng chèn âm thanh, thuyết minh, tạo hiệu ứng di chuyển của kho ảnh các nhân vật trong nhiều tác phẩm văn học cũng rất đa dạng. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm thành công, tôi bắt tay vào triển khai hướng dẫn học sinh.
Thông qua sử dụng các phần mềm minh họa những cuốn sách đã đọc giúp cho việc đọc sách và giới thiệu sách của học sinh trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, lan tỏa hơn. Duy trì văn hóa đọc cho học sinh trong thời gian học trực tuyến, và thông qua sử dụng các phần minh họa đã giúp học sinh đọc lại cuốn sách nhiều lần, dễ ghi nhớ, hiểu rõ nội dung câu chuyện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, các con lại phát hiện được các nhân vật mới trong kho dữ liệu của phần mềm, điều này giúp thúc đẩy mong muốn học sinh tìm hiểu các cuốn sách mới để đọc.
Có thể hiểu đơn giản, trước kia nếu như đọc xong một cuốn sách, các con có thể viết thu hoạch những gì mình cảm nhận từ cuốn sách đó, nhưng nay phải ở nhà học trực tuyến, thay vì viết cảm nhận thì các con có thể dùng phần mềm công nghệ để vẽ tranh, vẽ hình để minh họa, hoặc có thể đứng trước máy quay diễn thuyết về nội dung cuốn sách mình vừa đọc, nhưng tất cả những việc này được làm thành clip ngắn để giới thiệu với bạn bè trong trường.
Việc này cũng giúp cho các con thỏa sức sáng tạo về công nghệ thông tin, không chỉ dừng lại ở việc đọc sách, mà còn diễn đạt, truyền cảm hứng đọc sách đến với các bạn theo cách mà các con thích".
Thư viện "mở" hiện đại của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Nhiều góc đọc sách hiện đại, thoải mái thu hút học sinh. Ảnh: NVCC.
Theo cô Minh: "Thay vì viết cảm nhận thì các con có thể dùng phần mềm công nghệ để vẽ tranh, vẽ hình để minh họa". Ảnh: NVCC.
Cô Minh chia sẻ thêm: "Sau gần hai tháng triển khai, phong trào duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến, học sinh thực sự duy trì được thói quen đọc sách, đam mê tìm kiếm những cuốn sách hay để đọc, số lượng sách mà học sinh đọc cũng được tăng lên đáng kể. Điều đặc biệt, các con đã biết bộc lộ những năng lực và phẩm chất của mình trong các tình huống thực tế của cuộc sống, biết yêu thương, chia sẻ, thể hiện tình cảm với người thân, thầy cô, bạn bè thông qua những hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch và đáng yêu".
Sáng kiến của cô giáo Phạm Thanh Minh (1984) được Hội đồng khoa học xét duyệt Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo" lần thứ V, năm học 2020 - 2021 đánh giá cao. Cô vinh dự là một trong 40 nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức.
Nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc Đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc, đầu tư cho các thư viện, đưa tiết đọc sách vào chương trình học là một số giải pháp thúc đẩy thói quen đọc sách. Theo số liệu của Hội Xuất bản các quốc gia châu Á, ở Indonesia, học sinh đọc sách 15 phút mỗi ngày trước giờ học...