Vẫn buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự
Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua Dự thảo Bộ luật Hình sự ( sửa đổi). Đây là lần sửa đổi toàn diện bộ luật có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật với 425 điều luật.
So với luật hiện hành, Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật cũng như thảo luận tại Quốc hội, vấn đề này vẫn có 2 luồng ý kiến. Nhìn chung, nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, cần có bước đi phù hợp. Trước mắt, chỉ nên tập trung vào 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng, cần mở rộng nhóm tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cho rằng việc quy định này đã được cân nhắc kỹ trên tình trạng pháp nhân vi phạm phổ biến và mức độ vi phạm nghiêm trọng, do đó, cần chọn lựa những hành vi vi phạm cần phải bị xử lý về hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, trên cơ sở ý kiến của đa số nhân dân và đại biểu, qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến quy định phạm vi trách nhiệm của pháp nhân gồm 40 tội danh như quy định tại Điều 76, trong đó có tội buôn lậu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 3 tội danh trên thị trường chứng khoán, gồm tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng thị trường chứng khoán.
Ủng hộ việc quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, đại biểu Thân Đức Nam (TP. Đà Nẵng) nhấn mạnh sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc áp dụng chế tài.
“Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ là công cụ hữu hiệu để pháp nhân không ngừng giữ gìn uy tín của pháp nhân hoạt động hợp pháp, tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó, cũng để những người đại diện pháp nhân, người quản lý điều hành pháp nhân, nhân viên của pháp nhân nêu cao trách nhiệm đối với pháp nhân nhằm đảo bảo sự tồn tại và phát triển của pháp nhân”, đại biểu Thân Đức Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng, theo Điều 76 của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, các tội mà pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là các tội thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường, phần lớn do các pháp nhân kinh tế thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, tính cụ thể, tránh bỏ lọt tội phạm, đề nghị quy định rõ những pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cũng tán thành việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhưng còn băn khoăn về quyền lợi người lao động khi pháp nhân phải giải thể, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, do đó, cần có quy định để bảo vệ người lao động. Cũng có đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như điều kiện phạm vi các tội phạm mà pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và đề nghị chú trọng hình phạt tài sản đối với pháp nhân.
Dù vậy, tại phiên thảo luận hội trường ngày 30/10, một số đại biểu vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định buộc pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự. Đại biểu Nguyễn Minh Khai (Cần Thơ) đề nghị xem xét lại vấn đề này, từ trước đến nay, việc xử lý vi phạm của pháp nhân bằng các biện pháp hành chính dân sự cơ bản đảm bảo phòng chống tội phạm như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Theo đại biểu công tác phòng chống tội phạm pháp nhân thời gian qua chưa cao là do thi hành pháp luật chưa nghiêm, vì vậy, cần khắc phục ở chỗ tăng cường hiệu quả công tác thi hành án. Cùng một vụ án, có thể cả pháp nhân và cá nhân đều phải chịu trách nhiệm hình sự, vậy phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm như thế nào, tòa án phán quyết ra sao, trong dự thảo chưa giải quyết thỏa đáng. Nếu tố tụng phức tạp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều vần đề hoạt động của pháp nhân doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế.
Video đang HOT
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thì cho rằng, đúng là cần quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, không loại trừ trách nhiệm hình sự cá nhân, nhưng lo ngại trong xử lý tội phạm cụ thể vẫn có thể có vướng mắc. Dự thảo quy định khi có đủ 3 điều kiện: hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân được thực hiện vì lợi ích pháp nhân có sự chỉ đạo điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Như vậy, nếu đã thỏa mãn 3 điều kiện này thì truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, còn cá nhân có thẩm quyền trong pháp nhân phạm tội sẽ được truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Dự kiến ngày 25/11 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.
Bùi Trang
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Tham nhũng, sau 30 năm cũng không thoát tội
Nhiều điểm mới của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 25/10.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường
Bộ luật Hình sự là một đạo luật quan trọng, có vai trò và ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống pháp luật cũng như trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Chính vì quan trọng như vậy, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trong vòng 2 tháng đối với bản Dự thảo Bộ luật này. Việc lấy ý kiến đã kết thúc vào ngày 14/9 vừa qua và được đánh giá là đạt kết quả tốt không kém gì đợt lấy ý kiến Bộ luật Dân sự.
Trước một số băn khoăn của người dân về kết quả lấy ý kiến cũng như những điểm mới trong dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi) lần này, trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 25/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có những chia sẻ cụ thể về những điểm mới trong dự thảo Bộ luật dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào ngày 30/10 tới đây.
- - Thưa Bộ trưởng, một số cán bộ, chuyên gia cho biết họ có tham gia đóng góp ý kiến rất cụ thể cho Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này và xin Bộ trưởng cho biết việc lấy ý kiến vừa qua được thực hiện như thế nào?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này được thực hiện hết sức nghiêm túc. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối nhận được tổng cộng 119 báo cáo từ 30 Bộ, Ngành, cơ quan đoàn thể Trung ương, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 26 cơ quan, tổ chức mang tính độc lập.
Theo các báo cáo, có 7 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia vào dự thảo Bộ luật lần này, tập trung vào 8 vấn đề lớn mà Chính phủ, Quốc hội đã chọn ra để lấy ý kiến nhân dân. Rất vui mừng thông báo với nhân dân cả nước là trên 8 vấn đề đó, đã có 7 vấn đề nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân.
Cụ thể, có 5 vấn đề nhận được tỉ lệ nhất trí của nhân dân trên 75% như: Giới hạn lại phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người vị thành niên (từ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi); thay thế tội danh hiện nay là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng việc cụ thể hóa từng tội phạm cụ thể trong chương về kinh tế... Đặc biệt, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã nhận được sự ủng hộ cao nhất, đến 92%.
- Trách nhiệm hình sự đối với tư cách pháp nhân là vấn đề hoàn toàn mới, Bộ trưởng có thể giải thích tại sao chúng ta lại đưa vấn đề này vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này hay không?
Đúng đây là vấn đề mới đối với pháp luật hình sự Việt Nam. Lần này, Chính phủ đề nghị bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nói đúng hơn là của các doanh nghiệp, vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bởi rất nhiều nguyên nhân.
Có thể thấy 3 lí do chủ yếu là: Vừa qua đã xảy ra những vụ việc rất nghiêm trọng về pháp luật, gây bức xúc cho người dân không phải chỉ một làng, một xã mà thậm chí cả tỉnh, nhiều tỉnh. Nếu chỉ xử lý hành chính, bồi thường dân sự thì thật ra không đạt được hiệu quả, do đó cần xử lý về hình sự thì mới bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật.
Thứ hai, chúng ta đang ở bước ngoặt, chuyển đổi hẳn sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một làn sóng mới về phát triển kinh tế, đầu tư của nước ngoài, phát triển thương mại với nước ngoài đang hình thành. Chính vì vậy, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp, của pháp nhân kinh tế vừa mang tính phòng ngừa, vừa mang tính răn đe. Không có lí do gì mà doanh nghiệp của Việt Nam đi làm ăn ở nước ngoài thì bị xử lý hình sự nếu sai phạm mà doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì chỉ bị xử lý về dân sự khi có sai phạm.
Một điều quan trọng là chúng ta xử lý mà không để bỏ lọt tội phạm. Có những trường hợp không phải một cá nhân đưa ra quyết định để có hành vi phạm tội mà là quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên thậm chí là của Đại hội cổ đông. Vậy nếu chỉ xử lý đối với cá nhân thì chắc sẽ bỏ lọt tội phạm. Trong trường hợp đó, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp, thì cá nhân có thể lợi dụng, vi phạm pháp luật bằng cách lồng ghép vào quyết định của một tập thể, của cơ quan lãnh đạo doanh nghiệp đó.
Nếu nhìn ra thế giới, có đến 119 nước, bao gồm cả nhiều nước nước xung quanh chúng ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 6/10 nước ASEAN, đã quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân, trong đó có doanh nghiệp.
Nói về tư cách pháp nhân, nhưng Bộ trưởng hầu như chỉ nhấn mạnh về doanh nghiệp. Vậy điều này có ý nghĩa gì, thưa Bộ trưởng?
Tất cả các nước khi bắt đầu đưa vào Bộ luật Hình sự các quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân luôn có bước đi rất thận trọng. Đầu tiên, xử lý doanh nghiệp, giải quyết những vấn đề bức xúc, nghiêm trọng trước. Đây là những vấn đề hết sức mới kể cả về lý luận đối với Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội có bước đi thận trọng.
Theo đó, chúng ta thực hiện khoanh vùng lại, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong một số lĩnh vực như trong kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm và một số tội phạm mà chúng ta đã có cam kết quốc tế như là rửa tiền, phòng chống khủng bố.
- - Thưa Bộ trưởng, một cán bộ công tác trong ngành luật lâu năm có hỏi: Tôi nhận thấy dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này thể hiện rất rõ tính nhân đạo trong đổi mới chính sách hình sự. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về khía cạnh này?
Phải nói rằng dự thảo đã thể hiện rất sâu sắc quan điểm của Đảng là hướng thiện trong xử lý hình sự, nhân đạo hóa chính sách hình sự, xuyên suốt từ quy định chung cho đến các quy định đối với các tội phạm cụ thể.
Tôi có thể nêu ra 3 ví dụ sau. Một là nhân đạo hóa bằng việc đối xử với trẻ em từ 14-16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự hiện hành quy định các cháu phải chịu trách nhiệm về tất cả các tội quy định trong Bộ luật Hình sự (đến gần 350 tội) trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật lần này chắt lọc ra, dự kiến trình Quốc hội, các cháu chỉ chịu trách nhiệm hình sự về 22/350 tội. Chính phủ trình Quốc hội làm sao chuyển hướng xử lý đối với các cháu, có thể các hình thức như khiển trách, giáo dục tại cộng đồng...
Thứ hai là liên quan đến giảm hình phạt tù, thay thế bằng hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Qua rà soát lại, khoảng 1/3 các quy định về tội phạm cụ thể đó đã được xử lý theo hướng trên.
Thứ ba là về vấn đề tử hình. Dự kiến lần này Chính phủ đề nghị bỏ 7/22 tội mà hiện nay quy định hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị và người dân cũng đồng thuận rất cao về việc không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, thưa Bộ trưởng, pháp luật hình sự có nghĩa là trừng phạt. Có ý kiến cho rằng, có những hành vi phải trừng phạt nặng hơn, ví dụ như tình trạng tham nhũng và lạm dụng chức vụ hiện nay. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này có xử lý nghiêm khắc hơn so với Bộ luật hiện hành hay không?-
Đúng là trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này có nhiều quy định mang tính trừng phạt nghiêm khắc hơn, nhất là liên quan tới hai vấn đề tham nhũng, lạm dụng chức vụ.
Ví dụ, dự thảo Bộ luật đã quy định một nguyên tắc coi như tình tiết tăng nặng, đó là người giữ chức vụ càng cao, quyền hạn càng lớn thì bị xử phạt càng nặng.
Riêng với tham nhũng, đã bổ sung đầy đủ hơn trong Bộ luật sửa đổi lần này để cho phù hợp với thế giới. Các tội danh tham nhũng như tham ô, nhận hối lộ không chỉ trong khu vực nhà nước mà được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước.
Thứ ba, chúng ta bổ sung vào Dự thảo quy định là không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, có nghĩa là không có quy định là sau 5, 10, 20, 30 năm mà sẽ là vô hạn. Nếu một người phạm tội tham nhũng thì bất kể lúc nào, kể cả sau 30 năm, sẽ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một quy định mới nữa là doanh nghiệp nếu tổ chức hối lộ, tham nhũng, rửa tiền... cũng sẽ bị xử lý hình sự chứ không chỉ cá nhân. Rất nhiều điểm mới được bổ sung sẽ làm cho Bộ luật Hình sự thực sự là một công cụ pháp lý hữu hiệu để đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Xin Cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi.
Tuệ Khanh (ghi)
Theo_VnMedia
Không công bằng khi bỏ án tử hình tội tham nhũng Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Đoàn Hà Nội), ông không đồng tình với quy định của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về việc miễn án tử hình đối với tội tham nhũng. Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Bộ luật hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu đồng ý với việc sửa đổi Bộ luật...