Văn bằng, chứng chỉ – Thực lực hay “giấy thông hành”?
Chứng chỉ, văn bằng đang trở thành gánh nặng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Việc rà soát lại những giấy tờ này là hết sức cần thiết, nhằm tiến tới loại bỏ dần “giấy phép con” trong công tác cán bộ và phát triển nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước.
“Loạn” chứng chỉ, văn bằng
Thời gian gần đây, chị Huỳnh Thị Ngọc Anh (43 tuổi), công tác tại một bệnh viện ở TPHCM hàng ngày phải sắp xếp công việc để đi học Tin học, Ngoại ngữ, nhằm đáp ứng quy định của ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn mới.
Cụ thể là Thông tư 01 của Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và Thông tư 03 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Chị Anh cho biết, các nội dung bồi dưỡng thi Tin học cũng chỉ ở trình độ cơ bản, nhưng phải cố gắng học đủ số ngày thì mới đủ điều kiện dự thi.
“Theo tôi nên bỏ quy định cán bộ, công chức viên chức phải nộp chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, bởi vì khi tuyển dụng vào làm thì phải kiểm tra trình độ đạt yêu cầu mới nhận vào. Ngoài ra, đã đi làm mà còn phải sắp xếp đi học các môn đó thì rất bất tiện, trong khi việc học này nặng về hình thức và không đảm bảo chất lượng”- chị Anh chia sẻ.
PGS.TS Phạm Văn Tất (đứng) đang hướng dẫn triển khai Đề án Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Hoa Sen TPHCM.
Anh Lê Nhựt Duy, sinh năm 1983, công tác hơn chục năm qua tại một đơn vị sự nghiệp ở quận 1, TPHCM cũng từng có chứng chỉ A Tin học, nhưng “không còn phù hợp với chuẩn quy định hiện tại”. Buộc lòng anh phải đi học lại để lấy bằng, trong khi công việc hàng ngày gần như không sử dụng vi tính.
“Đối với những người làm công việc ít liên quan hoặc không liên quan Tin học văn phòng nhưng vẫn đòi hỏi, yêu cầu chứng chỉ thì điều này vô tình gây khó khăn cho người lao động. Đồng thời gây lãng phí về thời gian công sức khi mà phải quay lại học lấy chứng chỉ Tin học A, trong khi trước đây tôi đã có chứng chỉ này”- anh Duy nói.
Liên quan đến các loại văn bằng, chứng chỉ, những người công tác trong lĩnh vực báo chí cũng gặp phải khá nhiều phiền toái. Theo Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các biên tập viên, phóng viên…, các phóng viên hạng 3 phải có 5 loại giấy tờ. Đó là bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành báo chí, xuất bản; trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học không phải là chuyên ngành báo chí, xuất bản thì phải qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, xuất bản từ 8 tuần trở lên. Ngoài ra, phải đạt trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông; trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời phải đạt sơ cấp lý luận chính trị trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Biên tập viên hạng 3.
Theo quy định này, nhiều nhà báo thâm niên nhiều năm công tác, có tác phẩm đạt giải thưởng về báo chí vẫn phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cho đủ thủ tục, chỉ vì tốt nghiệp đại học không đúng chuyên ngành báo chí. Anh Công Trường, một phóng viên ở TPHCM cho hay: các nhà báo dù thường xuyên làm việc trên máy tính vẫn phải đi học, đi thi lấy chứng chỉ tin học văn phòng, chưa kể một số nội dung để thi lấy chứng chỉ này không cần thiết đối với vị trí việc làm hiện tại.
Video đang HOT
“Nếu một người đang làm việc tốt ở vị trí của mình thì việc đòi hỏi thêm những văn bằng nào đó thì cũng không cần thiết. Thứ hai là chưa chắc những người có văn bằng đó sẽ làm được việc. Thành ra phải xem xét cụ thể, chứ không thể bắt buộc mọi công chức, viên chức phải theo quy định cứng nhắc như vậy”- anh Trường cho hay.
Rà soát, loại bỏ các “thủ tục” không cần thiết
Không chỉ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà còn nhiều loại chứng chỉ, giấy tờ khác khiến cán bộ, công chức, viên chức bất bình, mệt mỏi vì sự phi lý. PGS.TS Phạm Văn Tất, công tác tại Đại học Hoa Sen TPHCM rất bức xúc vì ông đã từng giảng dạy suốt 30 năm qua cho sinh viên Cao đẳng, Đại học và đào tạo cả bậc Tiến sĩ; các học trò của ông cũng đã trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nhưng giờ đây thầy và trò phải ngồi cùng lớp, để học chứng chỉ “phương pháp sư phạm giảng dạy đại học” theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. PGS.TS Phạm Văn Tất cho biết đây cũng là tình cảnh của rất nhiều giảng viên ở các trường đại học khác, kể cả những giảng viên chính sắp nghỉ hưu.
“Chứng chỉ này chỉ phù hợp với những giảng viên trẻ, chưa bao giờ kinh qua việc giảng dạy. Còn tôi đã đi dạy và đã học chứng chỉ về phương pháp giảng dạy ở nước ngoài 3-4 tháng. Bây giờ bắt tôi trở lại học một chứng chỉ, tôi không học. Bởi vì tôi đã là Phó Giáo sư, giảng viên cao cấp mà lại đi học lớp phương pháp giảng dạy nghiệp vụ sư phạm”- PGS Phạm Văn Tất cho biết.
Thực trạng phải đi học để có văn bằng chứng chỉ theo quy định thực chất chỉ làm mất thời gian, tốn tiền của công chức, viên chức. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc buộc phải có văn bằng này, chứng chỉ kia dễ dẫn đến “lợi ích nhóm”, tạo điều kiện cho các học viện, các trung tâm đào tạo bồi dưỡng có thêm lợi nhuận, mà không tính đến lợi ích chung của xã hội. Do đó cần phải xem xét lại những quy định liên quan xem có thực sự cần thiết hay không, nếu đã lỗi thời cần điều chỉnh phù hợp, thậm chí xóa bỏ. Bởi cơ man các loại văn bằng, chứng chỉ như vậy liệu có chứng minh được năng lực thực sự không, hay chỉ là hình thức?
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực dẹp bỏ các chứng chỉ, văn bằng không cần thiết gây khó khăn cho công chức, viên chức, nhất là đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế… Mới đây Bộ GD-ĐT thống nhất được với Bộ Nội vụ sẽ bỏ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho giáo viên các trường công lập, dự kiến từ tháng 2/2021. Đây quả là một tin vui.
Nếu như vậy thì hơn 1 triệu giáo viên công lập trên cả nước sẽ thoát cảnh lo chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho đủ chuẩn, vừa đỡ hao tốn công sức, vừa đỡ hẳn một khoản tiền nong. Việc bãi bỏ các văn bằng, chứng chỉ không cần thiết cần sớm được thực thi, giúp công chức, viên chức giảm bớt gánh nặng bằng cấp, an tâm công tác, nhất là giảm chi phí xã hội./.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên: Không tạo thêm gánh nặng bồi dưỡng, tập huấn
Việc Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ vừa tìm được tiếng nói chung trong việc bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên - là tin vui đối với hơn 1 triệu giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông công lập trên cả nước.
Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý đi vào thực chất, không làm mất đi động lực phấn đấu của giáo viên là câu hỏi đặt ra cho cơ quan quản lý.
Cô Phùng Thị Ngọc Mai (Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TPHCM) cùng học sinh trao đổi tại thư viện. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chuẩn chất lượng từ trường sư phạm
PGS-TS Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), cho biết, các trường sư phạm trong quá trình đào tạo sinh viên đã quy định chuẩn đầu ra đối với 2 kỹ năng ngoại ngữ và tin học, đáp ứng trình độ cử nhân sư phạm.
Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, nếu yêu cầu các thầy, cô bổ sung thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là phủ nhận kết quả đào tạo đã có ở các trường sư phạm. Chưa kể, hầu hết chứng chỉ hiện nay chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định.
Nếu giáo viên không có ý thức học tập nâng cao trình độ, không tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn trong quá trình tham gia giảng dạy thì các kỹ năng sẽ bị thui chột, chứng chỉ dù có cũng không còn giá trị. Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và triển khai sách giáo khoa mới đặt ra nhiều yêu cầu đối với giáo viên trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và phương pháp giảng dạy, trong đó có năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học.
Nhận xét về vai trò của chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với chất lượng đào tạo giáo viên, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 bày tỏ, trường sư phạm hiện nay đóng vai trò là "máy cái" quyết định chất lượng đào tạo giáo viên. Nếu khâu đào tạo ngay từ máy cái không được quản lý chặt chẽ thì những "máy con" - đội ngũ các thầy, cô giáo trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường khó đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Mặt khác, trong quá trình vận hành, cần kiên quyết loại bỏ những "máy cũ" lạc hậu, tránh vì nể nang mà thực hiện quy định theo kiểu đối phó sẽ ảnh hưởng quyền lợi học sinh. Ngoài ra, theo cô Phạm Thị Kim Oanh, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), trên thực tế hiện nay nhiều giáo viên có đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng không vận dụng được vào giảng dạy hoặc vận dụng ít, gây lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức của giáo viên, đồng thời làm mất đi ý nghĩa của chứng chỉ, bằng cấp.
Tạo động lực phấn đấu
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, giáo viên một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, cho biết, trước đây, Bộ GD-ĐT quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nên đa số các thầy, cô giáo đã đăng ký học bên ngoài và bổ sung chứng chỉ theo đúng quy định. Tuy nhiên, không tránh khỏi trường hợp giáo viên đi học cho có hoặc vì lý do cá nhân phải "mua bằng" tạo ra ảnh hưởng tiêu cực.
Trước thực tế đó, PGS-TS Ngô Minh Oanh cho rằng, quy định mới cho phép bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ giúp giảm áp lực nghề nghiệp đối với giáo viên. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, ngoại ngữ và tin học là hai kỹ năng quan trọng cần được thường xuyên bồi dưỡng theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp và môn học để nâng cao chất lượng giờ dạy của giáo viên.
Vì vậy, song song với việc bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, cơ quan quản lý phải tính toán làm thế nào để tạo động lực cho giáo viên học tập nâng cao trình độ. Đơn cử, địa phương có thể nghiên cứu, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề, tổ chức cho giáo viên dự giờ, học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Một đề xuất khác, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường TPHT Nguyễn Du (quận 10), nếu đưa hoạt động bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học vào kế hoạch tập huấn đại trà cho giáo viên thì phải có thêm các quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng, nếu giáo viên không đạt chuẩn theo quy định sẽ áp dụng các hình thức tái bồi dưỡng, cùng với đó xác định đối tượng nào được bồi dưỡng, tập huấn ở từng cấp học, tránh việc bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng tạo thêm gánh nặng cho công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.
Ngoài ra, cũng theo ông Huỳnh Thanh Phú, nếu đã bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên thì Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu bỏ yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp trong thi tuyển đầu vào đối với các ứng viên dự tuyển công chức ngành GD-ĐT để tạo sự công bằng cho tất cả giáo viên.
Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) cho rằng, chứng chỉ, bằng cấp hiện nay không phải công cụ duy nhất để đánh giá và nâng cao trình độ giáo viên. Thay vào đó, trường học có thể tăng cường tổ chức các hoạt động như triển khai chuyên đề dạy học bằng tiếng Anh, thường xuyên tổ chức các dự án học tập liên môn, phổ cập giáo án điện tử trong toàn trường... để qua đó mỗi giáo viên tự ý thức được tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học.
- Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT: Mong mỏi từ lâu của giáo viên
Bộ GD-ĐT đã làm việc, trao đổi và đi đến thống nhất với Bộ Nội vụ về việc bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến chính thức bằng văn bản, Bộ GD-ĐT đã hiện thực hóa trong chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực trong tháng 2-2021.
Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Những năm qua, đã có nhiều phản ánh về những áp lực và tiêu cực khi giáo viên phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Trong khi đó, trên thực tế, trong quá trình đào tạo, các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ chỉ là hình thức, chưa thiết thực.
Tới đây, khi các thông tư ban hành các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến nhà giáo ra đời, giáo viên sẽ được "cởi trói" về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp; để khi ra trường, giáo viên có đủ năng lực ngoại ngữ, tin học phục vụ công việc.
- Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Sẽ quy định cụ thể từng vị trí, công việc
Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định 138 ngày 27-11-2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã quy định cụ thể việc miễn thi ngoại ngữ, tin học đối với một số trường hợp. Trước đây, các nghị định về nội dung này không quy định cụ thể những trường hợp nào được miễn, còn nay đã được cụ thể hóa rất chi tiết trong Nghị định 115 và Nghị định 138 khi tuyển dụng công chức, viên chức và khi thi nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh viên chức.
Hai nghị định này đã quy định cơ cấu, kết cấu của vị trí việc làm, trong đó có việc mô tả công việc ra sao, xác định khung năng lực như thế nào, có cả quy định về ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, nghiệp vụ... phù hợp với từng vị trí, việc làm. Trên tinh thần các nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, kể cả những bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành như tài chính, thuế, kho bạc, ngân hàng, hay các bộ quản lý ngành lĩnh vực sự nghiệp như y tế, giáo dục rà soát lại toàn bộ những quy định về mã số, tiêu chuẩn, chức danh để hoàn chỉnh cho phù hợp.
- Bà Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: Yêu cầu mang tính đối phó, hình thức
Thông tin bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giáo viên thực sự là tin rất vui với chúng tôi. Từ lâu, những bất cập của quy định này ai cũng thấy rõ, nhất là với những giáo viên có tuổi, có kinh nghiệm chuyên môn gặp khó khăn, bất lợi so với giáo viên trẻ khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp, hoặc xét (thi) nâng hạng.
Mặt khác, do đặc thù kiến thức, một số bộ môn không đòi hỏi cao về ngoại ngữ và tin học (Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật), nên việc có chứng chỉ hoàn toàn mang tính đối phó, hình thức, không áp dụng trong thực tế.
Do đó, để đủ điều kiện thăng hạng, một bộ phận giáo viên đã vất vả bỏ thời gian, công sức đi học, thi lấy chứng chỉ, ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian dạy học trên lớp. Vấn đề là nhiều giáo viên không áp dụng kiến thức ngoại ngữ, tin học có được từ việc học và thi các chứng chỉ trên. Bởi vậy, bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thực sự là một sự "cởi trói" đối với giáo viên.
LÂM NGUYÊN ghi
Giáo viên chưa hết khổ vì chứng chỉ ngoại ngữ Bộ GD&ĐT sẽ đưa nội dung xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào thông tư sửa đổi quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Theo kế hoạch, tháng 12, thông tư sẽ được đưa ra lấy ý kiến và có hiệu lực sau 45 ngày....