‘Văn bằng 2 tiếng Anh không nên có giá trị suốt đời’
TS Lê Viết Khuyến đề xuất nên đặt ra thời hạn của văn bằng 2 tiếng Anh, không nên có giá trị suốt đời. Nếu không, tấm bằng sẽ không đánh giá được năng lực người học qua thời gian.
Nhiều ý kiến băn khoăn khi cùng đánh giá trình độ ngoại ngữ, nhưng bằng cử nhân hoặc văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh lại có giá trị suốt đời trong khi các chứng chỉ như TOEIC, IELTS chỉ có thời hạn nhất định. Hết thời hạn, người học phải thi lại để chứng minh khả năng tiếng Anh.
Chính điều này dẫn đến sự nở rộ các chương trình đạo tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh ở các trường đại học và nạn “học giả bằng thật” như ở ĐH Đông Đô.
Văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh của ĐH Đông Đô cấp cho học viên. Ảnh: N.H.
Khối lượng kiến thức chênh lệch nên giá trị khác nhau
Bà Bùi Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (HUFLIT) cho biết bằng cử nhân chính quy hay văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh chỉ được cấp cho người học khi họ hoàn thành một khối lượng kiến thức nhất định theo khung chương trình chuẩn quốc gia đã được Bộ GD&ĐT ban hành.
Bất kể ngôn ngữ nào, người học không chỉ luyện thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn học nhiều khối kiến thức đại cương, chuyên ngành, kiến thức bổ trợ và các khối kiến thức khác về văn minh, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị. Do đó, như bao nhiêu bằng cử nhân hoặc văn bằng 2 của những ngành khác, văn bằng ngành Ngôn ngữ Anh có giá trị suốt đời.
Trong khi các chứng IELTS, TOEFL, TOEIC chỉ tập trung vào một mảng kiến thức chuyên biệt trong tiếng Anh. Chứng chỉ TOEIC đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh khi làm việc trong môi trường quốc tế, TOEFL dành cho những người có nguyện vọng học chuyên sâu, du học. Họ chỉ tập trung rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho thành thạo. Tùy theo năng lực, các chứng chỉ sẽ đánh giá khả năng, trình độ của người học theo bậc, số điểm nhất định.
“Việc học những kỹ năng này chỉ là một phần trong khối lượng kiến thức mà chương trình cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh yêu cầu. Nói cách khác, giỏi tiếng Anh chỉ là một phần yêu cầu để có được bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh. Chính vì khối lượng kiến thức khác nhau nên giá trị sử dụng của bằng cử nhân và chứng chỉ tiếng Anh khác nhau”, Trưởng khoa Ngoại ngữ của HUFLIT nói.
Nhiều ý kiến lo lắng năng lực, kỹ năng của những người có bằng cử nhân hoặc văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh sẽ bị mai một qua thời gian nhưng giá trị tấm bằng vẫn còn. Trong khi các chứng chỉ TOEIC, IELTS có thời hạn nhất định sẽ đánh giá đúng, thực chất khả năng của người học ở mỗi thời điểm.
Bà Trúc thừa nhận qua thời gian không được sử dụng, trau dồi, những kỹ năng về ngôn ngữ dễ bị mai một, lãng quên. Tuy nhiên, bà cho rằng, để xác định năng lực của người học, người làm ở bất kể thời điểm nào, các nhà tuyển dụng, sử dụng lao động luôn có cách.
“Đơn vị sử dụng lao động hoàn toàn có thể đưa ra bài kiểm tra, yêu cầu nhân viên chứng minh khả năng của mình. Cơ quan Nhà nước cũng hoàn toàn có thể kiểm tra như vậy, yêu cầu công chức, viên chức cập nhật kiến thức. Vấn đề là các đơn vị đó có muốn kiểm tra hay không chứ không thể đổ lỗi cho tấm bằng”, bà Trúc nêu.
Học văn bằng 2 dễ hơn cử nhân chính quy tập trung?
Một thực tế không thể phủ nhận, văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh đang là một trong những yêu cầu tối thiểu để người học tham gia các chương trình, bậc học cao hơn hoặc bổ nhiệm, nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức.
“Đây là lựa chọn của người học. Thay vì học một chứng chỉ có giá trị trong 2 năm, họ chọn học văn bằng có giá trị lâu dài, khỏi phải thi đi thi lại”, bà Trúc nói.
Video đang HOT
Trưởng khoa Ngoại ngữ ĐH HUFLIT thừa nhận vì nhiều yếu tố khác nhau, mọi người luôn cảm thấy việc học văn bằng 2 nhẹ nhàng, dễ dàng hơn học chương trình cử nhân chính quy.
Đối với người học văn bằng 2, họ được giảm khối lượng kiến thức đại cương do đã được học từ văn bằng 1. Nên số tín chỉ, khối lượng kiến thức còn lại trong chương trình đào tạo ít hơn so với chương trình chính quy tập trung. Hơn nữa, văn bằng 2 hướng đến đối tượng là người đã đi làm, thời gian đào tạo khoảng 18-24 tháng. Người học được linh động học vào buổi tối, cuối tuần.
“Khi đã đi làm, điều kiện trau dồi kiến thức sẽ khác sinh viên đi học chính quy. Đến lúc này, yếu tố người học rất quan trọng. Nếu họ đầu tư thời gian thì kết quả thu được năng lực cũng tương đương như sinh viên học chính quy. Nhưng do tác động từ công việc đang làm, thời gian, tuổi tác ảnh hưởng đến sự tập trung, đầu tư cho việc học nên chất lượng sinh viên văn bằng 2 thường thấp hơn chương trình chính quy tập trung”, giảng viên ĐH HUFLIT đánh giá.
Nhưng không phải tất cả đều như vậy, bà Trúc cho biết vẫn có những sinh viên học lớp văn bằng 2 nhưng năng lực xuất sắc, tốt nghiệp loại giỏi, thực sự có kiến thức, kỹ năng.
Bà Trúc đánh giá việc nhiều người đổ xô đi học văn bằng 2 và bằng nhiều cách có được tấm bằng, trong đó có trường hợp gian dối, không thực học như đã xảy ra ĐH Đông Đô là khó tránh khỏi trong thực tế nếu cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát.
Yêu cầu bằng cấp gây “học giả, bằng thật”
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), nhận định nguyên nhân của việc “học giả bằng thật” như hiện nay xuất phát từ yêu cầu bằng cấp của các cơ quan tuyển dụng. Khi Nhà nước phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, người lao động buộc phải có thêm bằng cấp, chứng chỉ mới để đáp ứng yêu cầu việc làm.
Từ đó, học văn bằng 2, văn bằng 3 dần trở thành xu hướng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian vừa học vừa làm, dẫn đến tình trạng “mua bằng” nở rộ ở nhiều trường đại học.
Về việc sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh để “bắc cầu” làm mục đích khác, TS Khuyến đề xuất các cơ quan cần đặt ra tiêu chí riêng.
“Ví dụ, những người muốn học lên bậc cao hơn, cần có đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết hoặc phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chứ không phải “chạy” bằng 2 tiếng Anh để làm điều kiện đầu vào”, nguyên phó vụ trưởng đề xuất.
Ông Khuyến cho rằng văn bằng 2 tiếng Anh ở các trường đại học cũng nên đặt thời hạn 2 năm giống các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Sau 2 năm, kiến thức có thể mai một, thiếu tính cập nhật, người học cần học và lấy bằng mới để đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan làm việc hoặc cơ sở đào tạo.
Ông T., giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, cũng nhận thấy việc đặt thời hạn nhất định cho bằng tiếng Anh có lợi ích nhất định. Điều này khiến người học phải liên tục trau dồi, cập nhật kiến thức mới. Ví dụ, các chứng chỉ tiếng Anh ở nước ngoài như IELTS, TOEIC chỉ có thời hạn trong 2 năm. Nếu chứng chỉ hết hạn, học viên phải lấy chứng chỉ mới.
Nhưng thời hạn 2 năm, theo ông T., cũng có những bất cập như tốn kém thời gian và tiền bạc để học và thi.
“Không nên để chứng chỉ có giá trị vĩnh viễn, thay vào đó có thể đặt thời hạn 10 năm thi lại một lần, như thế sẽ phù hợp hơn”, Ông T. đề xuất.
Ngoài ra, ông T. cho rằng cơ quan Nhà nước cần xem xét và thống nhất khung chương trình chung cho việc đào tạo và cấp bằng cử nhân tiếng Anh. Tiếng Anh là ngành đặc thù, nếu đặt ra tiêu chuẩn quốc gia cho những trường đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh, việc kiểm soát chất lượng đào tạo và xử lý sai phạm sẽ thuận tiện hơn.
IELTS 6.5 được đặc cách học sinh giỏi là hợp lý, chỉ học trong trường khó đạt
Với tuyển sinh đại học, có thể nói không mất công bằng, vì khi thí sinh có IELTS 6.5 đã đủ điều kiện tuyển thẳng vào những trường danh tiếng...
Thông tin 70 học sinh ở Hà Tĩnh có điểm IELTS tiếng Anh từ 6.5 trở lên được đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh được báo chí đăng tải mới đây đã dấy lên trong dư luận việc có hay không sự thiếu công bằng giữa các học sinh lúc xét tuyển đầu vào đại học, khi việc đặc cách này chỉ có ở một vài địa phương.
Không riêng gì Hà Tĩnh, Nghệ An cũng đã áp dụng chương trình đặc cách cho các học sinh có điểm IELTS từ 6.5 trong năm học 2019.
Công nhận học sinh có IELTS 6.5 đạt học sinh giỏi là xứng đáng.
IELTS (viết tắt của The International English Language Testing System - tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế) là một kỳ thi quốc tế nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của đối tượng có nhu cầu đi du học, định cư hay làm việc tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính.
Bài thi IELTS đánh giá cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Bài thi IELTS được đồng thực hiện và điều hành bởi 3 tổ chức: của ESOL của Đại học Cambridge (Anh Quốc), Hội đồng Anh (British Council) và tổ chức giáo dục IDP của Úc.
Nhiều người cho rằng kì thi IELTS là kì thi nghiêm túc, tuyệt đối trong sạch, không có thể mua bán, chạy chọt được.
Giải Nhất học sinh giỏi cấp Tỉnh, Thành phố của chúng ta chỉ có giá trị mang tầm ... địa phương, trong khi đó IELTS mang giá trị toàn cầu.
Công nhận học sinh có IELTS 6.5 đạt học sinh giỏi có gây mất công bằng? (Ảnh minh hoạ: Baokhanhhoa.vn)
Thầy giáo dạy Anh văn Trung học phổ thông, là người luyện thi IELTS có tiếng ở thành phố biển Vũng Tàu (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: "Với học sinh lớp 12 có IELTS 6.5 được công nhận giải Ba cấp Tỉnh là hoàn toàn xứng đáng.
Xứng đáng đầu tiên là học sinh đó đã tự học ngoài nhà trường tốt, có ý chí cầu tiến, dám trải nghiệm thực tế với cuộc sống để trau dồi kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Nếu học sinh học tốt, đạt loại giỏi kiến thức trong sách giáo khoa Anh văn của chúng ta, không thể nào đạt được điểm số IELTS 6.5, (thầy khẳng định lại) tuyệt đối không thể đạt được nếu chỉ dựa vào chương trình Anh văn của chúng ta.
Với học sinh tỉnh ta (Vũng Tàu) có đời sống kinh tế, xã hội có thể nói nhất nhì cả nước, có IELTS 6.5 cũng không nhiều, dù chúng ta đã có chính sách thưởng từ 2013, số học sinh được nhận thưởng từ 6.0 trở lên cũng tập trung chủ yếu ở Vũng Tàu.
Theo tôi, nên thực hiện như Nghệ An, Hà Tĩnh để khuyến khích học sinh học Anh văn theo chuẩn quốc tế.
Thi học sinh giỏi Anh văn của chúng ta cũng nên học mô hình thi IELTS, có như thế mới theo kịp thế giới, đưa giáo dục đến với cuộc sống được".
Công nhận học sinh có IELTS 6.5 đạt học sinh giỏi có gây mất công bằng trong tuyển sinh đại học?
Trong kì tuyển sinh đại học 2020-2021 có trường tuyển thẳng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, nhưng không có nghĩa tất cả học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh là được tuyển thẳng, mà chỉ số lượng cụ thể, học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ "chọi' trong số đó.
Cũng tương tự, các trường đại học có thể tuyển thẳng thí sinh sinh có IELTS từ 6.5 trở lên (13 trường Đại học trên toàn quốc thực hiện phương án này như: Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương...).
Nếu nói học sinh có IELTS 6.5 được công nhận đạt học sinh giỏi gây mất công bằng trong tuyển sinh đại học cũng chẳng khác gì nói tuyển thẳng thí sinh sinh có IELTS từ 6.5 trở lên gây mất công bằng.
Với tuyển sinh đại học, có thể nói không mất công bằng, vì khi thí sinh có IELTS 6.5 đã đủ điều kiện tuyển thẳng vào những trường danh tiếng như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương...vv; những thí sinh đó đâu cần đến danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.
Vì vậy, có thể nói công bằng hay không cũng do góc nhìn của mỗi người, nhưng với nhiều giáo viên dạy Anh văn mà người viết thăm dò đều trả lời không mất công bằng, công nhận học sinh có IELTS 6.5 đạt học sinh giỏi giải Ba cấp Tỉnh là hợp tình, hợp lý.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm như thế nào để khuyến khích học Anh văn?
Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Quyết định Số: 05/2013/QĐ-UBND Khen thưởng học sinh đạt được chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế (bao gồm cả học sinh trường trung học phổ thông Chuyên):
- Mức 1: IELTS từ 5.0 điểm trở lên hoặc TOEFL (IBT) từ 61 điểm trở lên hoặc ngoại ngữ khác có trình độ tương đương: 5.000.000 đồng/ học sinh;
- Mức 2: IELTS từ 6.0 điểm trở lên hoặc TOEFL (IBT) từ 65 điểm trở lên hoặc ngoại ngữ khác có trình độ tương đương: 6.000.000 đồng/ học sinh;
- Mức 3: IELTS từ 7.0 điểm trở lên hoặc TOEFL (IBT) từ 79 điểm trở lên hoặc ngoại ngữ khác có trình độ tương đương: 8.000.000 đồng/ học sinh.
Năm 2019 Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2019 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019 - 2025" trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó sẽ tăng cường 2 tiết tiếng Anh/tuần cho học sinh phổ thông, chi phí từ ngân sách tỉnh.
Chính nhờ sự quan tâm của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên trong hai năm gần đây Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vững vị trí thứ 3 điểm trung bình Anh văn trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông so với cả nước.
Tài liệu tham khảo:
http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=166598
https://gln.edu.vn/tin-tuc/danh-sach-13-truong-dai-hoc-tuyen-thang-thi-sinh-co-chung-chi-ielts-nam-2020
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-chi-ha-tinh-nghe-an-cung-dac-cach-cong-nhan-hoc-sinh-gioi-post214327.gd
"Làm sao lại có chuyện đặc cách cho học sinh giỏi Tỉnh được" Ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhấn mạnh, riêng tỉnh Thanh Hóa từ trước tới giờ không bao giờ có chế độ đó Việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đặc cách cho 70 học sinh lớp 12 đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên là học sinh giỏi Tỉnh...