Ưu thế cho thí sinh giỏi ngoại ngữ
Để nâng cao trình độ ngoại ngữ sinh viên, nhiều trường có chính sách ưu tiên thí sinh có trình độ ngoại ngữ ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào.
Miễn thi tốt nghiệp và chuyển điểm
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, dự thảo Quy chế tổ chức thi THPT quốc gia 2016 giữ ổn định như năm 2015. Trong đó, cho phép thí sinh giỏi ngoại ngữ được miễn thi môn này để xét tốt nghiệp. Cụ thể, thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ hoặc thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định sẽ được miễn thi môn này để xét tốt nghiệp. Trong đó riêng với môn tiếng Anh, thí sinh phải có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm hoặc TOEFL iBT 45 điểm (do ETS cấp) hoặc IELTS 4.0 điểm (do BC hoặc IDP cấp) trở lên. Các chứng chỉ này có giá trị trong xét tốt nghiệp hoặc tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng, không được xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Theo đại diện nhiều trường ĐH xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, năm nay trường vẫn không có chính sách tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường không áp dụng hình thức tuyển thẳng này vì việc quy đổi điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang thang điểm 10 chỉ có tính chất tương đối. Trong khi đó, thí sinh dự thi môn này phải cạnh tranh nhau khốc liệt ở mức 0,25 điểm. Do vậy các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ chỉ được ưu tiên trong quá trình đào tạo. Trong chương trình đào tạo của trường này có 4 học phần tiếng Anh, sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được miễn học và chuyển điểm theo mức điểm khác nhau của các chứng chỉ. Với việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh như Trường ĐH Quốc tế, thí sinh trúng tuyển vào trường có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên sẽ được theo học ngay chương trình chính thức mà không phải học chương trình đào tạo tiếng Anh. Nhiều trường ĐH khác cũng khẳng định thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được xét miễn học môn tiếng Anh trong chương trình đào tạo như: Kinh tế – luật, Mở TP.HCM, Nông Lâm TP.HCM…
Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển
Trong khi đó, phương án tuyển sinh riêng của một số trường thông báo dành chỉ tiêu tuyển thẳng các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dành 20% chỉ tiêu ngành sư phạm tiếng Anh và ngôn ngữ Anh để tuyển thẳng các thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên hoặc tương đương. Trường cũng dành 20% chỉ tiêu các ngành kỹ thuật giảng dạy bằng tiếng Anh để xét tuyển thẳng thí sinh đạt IELTS từ 5.5 trở lên, có điểm trung bình học bạ THPT 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, điểm mỗi môn đạt từ 7.0 trở lên.
Trường ĐH Hoa Sen dành 6% chỉ tiêu (150 chỉ tiêu) xét tuyển thí sinh dựa vào kết quả học bạ THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào các ngành bậc ĐH và CĐ của trường năm nay. Theo đó, thí sinh phải tốt nghiệp THPT; có điểm IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL iBT 89 trở lên đối với các ngành bậc ĐH; IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 80 trở lên với bậc CĐ. Các thí sinh này cũng phải có điểm trung bình cộng 3 năm THPT từ 6.0 trở lên (bậc ĐH) và 5.5 trở lên (bậc CĐ). Tuy nhiên, thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông trường này, lưu ý với các ngành nhóm mỹ thuật ứng dụng, thí sinh phải đạt sơ tuyển năng khiếu hoặc điểm năng khiếu tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào do trường quy định.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn quy đổi điểm các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo quy định của Bộ GD-ĐT với các thí sinh được miễn thi trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào trường này. Cụ thể, chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên (hoặc TOEFL iBT 77 điểm trở lên hoặc TOEFL ITP 550 điểm trở lên) tương ứng với 10 điểm. Trong khi mức điểm thấp nhất của chứng chỉ tiếng Anh là IELTS 4.0 tương đương với 6 điểm.
Một số trường khác ưu tiên thí sinh giỏi ngoại ngữ bằng cách xác định tiêu chí phụ là điểm môn tiếng Anh trong trường hợp thí sinh đồng điểm. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết năm 2016 trường ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong trường hợp đồng điểm với các ngành ngoại ngữ. Các chứng chỉ này phải do các trung tâm khảo thí hoặc trung tâm đào tạo có thẩm quyền hoặc được ủy quyền cấp, còn thời hạn sử dụng 2 năm tính từ ngày cấp.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho hay điểm môn thi THPT quốc gia môn tiếng Anh sẽ được xem xét để trở thành tiêu chí phụ thứ 2 trong trường hợp thí sinh đồng điểm. Cụ thể, khi có nhiều người đồng điểm, thí sinh có điểm thi môn toán cao hơn sẽ được ưu tiên xét trước; sau khi xét môn toán vẫn xảy ra trường hợp đồng điểm, trường sẽ xét tới tiêu chí phụ thứ 2 là điểm môn tiếng Anh.
Ngoài ra, năm nay trường cũng bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh vào các ngành của trường. Theo thạc sĩ Đương, định hướng của trường là ưu tiên thí sinh có trình độ tiếng Anh tốt ngay từ đầu vào để nâng cao chuẩn ngoại ngữ đầu ra của sinh viên.
Theo TNO