Ươm mầm tri thức qua phong trào đọc sách
Với mục đích phát triển văn hóa đọc ở học sinh, Trường Tiểu học Quảng Hưng đã xây dựng thư viện và đầu tư phong phú các thể loại sách, báo…
Nhiều học sinh thích thú khi được đến thư viện đọc sách.
Thư viện của Trường Tiểu học Quảng Hưng là một trong số ít thư viện của trường trong địa bàn TP Thanh Hóa được công nhận thư viện tiên tiến cấp tỉnh.
Học sinh hào hứng đến thư viện
Không còn cảnh học sinh ngồi ở hành lang, góc lớp đọc sách, hơn 1 năm nay học sinh Trường Tiểu học Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) đã có một không gian đọc sách vô cùng lý tưởng. Ngay sau khi thư viện của nhà trường được xây dựng xong và đi vào hoạt động, mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh đến thư viện để đọc sách và giải trí.
Có mặt tại Trường Tiểu học Quảng Hưng đúng giờ ra chơi, điều ấn tượng nhất với chúng tôi chính là hàng chục em học sinh kéo đến tủ sách thư viện để tìm sách đọc.
Thư viện với diện tích 225m2, được nhà trường bố trí khoa học thành 2 khu là thư viện xanh và phòng đọc cho học sinh và giáo viên. Khu vực thư viện xanh được trang trí nhiều cây xanh, tạo không gian mát mẻ, dễ chịu; không gian lại được tô điểm bởi những bức tranh bắt mắt phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Không chỉ giờ giải lao, Trường Tiểu học Quảng Hưng còn dành riêng một tiết để học sinh được đọc sách.
Bên cạnh đó, đầu sách đa dạng, phong phú, được trưng bày trên những kệ tủ nhỏ xinh và được phân loại sắp xếp ngăn nắp và khoa học. Bởi thế, cứ đến giờ giải lao, thư viện lại chật kín người. Nhóm đọc sách, nhóm làm bài tập, nhóm thảo luận sôi nổi…
Video đang HOT
Không chỉ thu hút những học sinh lớp 4,5, ngay cả các học sinh “nhí” cũng rất hào hứng đến thư viện. Ở đây, các em được tìm thấy những cuốn truyện tranh độc đáo.
Em Lê Ngọc Minh, lớp 5A1 chia sẻ: “Từ ngày trường có thư viện, chúng con rất thích vì không chỉ có không gian rộng, mát mẻ mà ở đây các con còn được đọc nhiều cuốn sách hay, truyện thú vị”.
“Đến thư viện, con cảm thấy như cả thế giới ở nơi này, sách, báo gì cũng có. Từ việc đọc sách, con đã rèn luyện thêm cho mình kỹ năng tư duy, kỹ năng viết. Con mong giờ giải lao kéo dài lâu để chúng con được đọc nhiều hơn”, em Hoàng Phương Linh bộc bạch.
Kệ sách được trình bày ngăn nắp, khoa học, học sinh dễ dàng tìm loại sách mình yêu thích.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, hiện nay thư viện của nhà trường có hàng nghìn bản sách. Trong đó, có các thể loại như sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo, sách thiếu nhi và rất nhiều các loại báo… Ngoài ra, thư viện còn có tủ sách pháp luật, sách đạo đức, sách tra cứu…
Thư viện của Trường Tiểu học Quảng Hưng không chỉ là không gian phục vụ việc đọc sách, mà còn là nơi học sinh giải trí bằng các trò chơi như: chơi cờ, trò chơi dân gian hoặc giao lưu cùng bạn. Tính đa năng của các không gian đọc giúp học sinh hứng thú sau những giờ học căng thẳng.
Lan tỏa niềm say mê đọc sách
Để nhân lên những đầu sách mỗi ngày, ngoài kinh phí ngân sách, vận động xã hội hóa từ phụ huynh, Trường Tiểu học Quảng Hưng kêu gọi học sinh quyên góp những cuốn sách hay đã đọc. Cách làm này, không chỉ làm phong phú thêm tủ sách cho nhà trường mà ngày càng nhiều học sinh cùng được tiếp cận những cuốn sách hay.
Học sinh thích thú khi tìm được cuốn sách hay.
“Nhờ có thư viện, con được đọc nhiều cuốn sách mà con chưa từng có vì thế khi được bố mẹ mua cho những cuốn sách hay con lại muốn sẻ chia tới các bạn khác với mong muốn lan tỏa những câu chuyện hay, những điều tốt đẹp từ trang sách”, em Lê Ngọc Minh chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng cho rằng, một nền giáo dục muốn đổi mới toàn diện thì cần phải nâng cao khả năng tự học, tự đọc của học sinh. Hạt giống thói quen đọc sách ở mỗi người cần được gieo trồng ngay từ nhỏ. Đọc sách ở trường mỗi ngày là cách tốt nhất để tạo thói quen đó.
Với mong muốn phát triển văn hóa đọc, hướng đến xây dựng ngôi trường hạnh phúc, năm học 2021-2022, nhà trường đã quyết tâm xây dựng thư viện để học sinh có không gian đọc. Nhà trường cũng đầu tư rất nhiều đầu sách để học sinh thỏa thích tìm tòi, khám phá tri thức. Qua đó, giúp các em có thêm kinh nghiệm sống, học tập và trau dồi tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống; hướng học trò đến việc ham học hỏi, thỏa sức sáng tạo, khám phá khoa học.
Cũng theo bà Hương, đối với học sinh lớp 1, từ những câu truyện tranh, học sinh được phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tư duy…Đối với học sinh lớp lớn hơn thì được tìm tòi, nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bạn bè, thầy cô.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng cho rằng, hạt giống thói quen đọc sách ở mỗi người cần được gieo trồng ngay từ nhỏ.
“Ngoài giờ giải lao, nhà trường còn dành riêng tiết thứ 8 là tiết đọc sách. Thực tế, từ khi có phong trào đọc sách, nhiều học sinh tiến bộ trong ứng xử cũng như trong học tập, có trường hợp học sinh “cá biệt” đã có những thay đổi…”, bà Hương chia sẻ.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng, việc kêu gọi học sinh ủng hộ sách, báo, truyện cũ cũng là một hình thức lan tỏa niềm say mê đọc sách, yêu sách đối với học sinh. “Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn xã hội hóa, kêu gọi học sinh ủng hộ sách cũ để làm phong phú thêm tủ sách trong trường, đáp ứng được nhu cầu đọc sách của học sinh”, bà Hoàng Thị Hương cho biết thêm.
Thư viện của những học viên cai nghiện
Ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, những tủ sách đã đem ánh sáng hy vọng đến với những học viên cai nghiện.
Những giờ đọc sách đã giúp họ vơi bớt đi những tháng ngày dằn vặt với lầm lỗi trong quá khứ của mình.
Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh lựa chọn sách tại thư viện của Cơ sở.
Đọc sách là việc rất bình thường nhưng lại là điều rất khó khăn đối với người nghiện ma túy. Người nghiện vốn chỉ dành để suy nghĩ về việc làm thế nào để bớt vã vì thiếu thuốc chứ còn đâu thời gian để đọc sách. Với lại, không ít trong số họ nhiều người có muốn đọc cũng không được vì không biết chữ. Bởi vậy, đi liền với việc xây dựng văn hóa đọc thì Cơ sở cai nghiện ma túy cần phải xóa mù chữ cho học viên. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh có 2 lớp học xóa mù chữ cho học viên. Một lớp vỡ lòng dạy làm quen với bảng chữ cái, dạy đánh vần. Lớp còn lại dành cho học viên đã học qua lớp 1, lớp 2 tiểu học. Tất cả học viên đặc biệt này đều học ngoài giờ lao động trị liệu với một thời gian biểu phù hợp.
Khi học viên đã biết đọc, biết viết rồi thì phải dần điều chỉnh hành vi, thói quen hướng đến việc đọc sách. Để tập cho học viên có thói quen đọc sách thật ra không phải dễ, bởi lẽ họ rất sợ phải ngồi một chỗ và phải tập trung suy nghĩ. Ban đầu học viên sẽ làm quen với những cuốn sách mỏng, với các tập truyện ngắn, tập thơ. Sau đó đến những sách dày hơn, sách dạy kỹ năng, sách khoa học thường thức. Các học viên có trình độ học vấn cao hơn thì đọc sách tùy thích.
Tủ sách phong phú nhiều thể loại tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Đến hôm nay, hầu hết người nghiện vào Cơ sở đều thích đọc sách. Vì vậy, Cơ sở đã xây dựng không gian phòng đọc và thư viện sách một cách khang trang và thoáng mát giúp học viên được thư giãn. Học viên nào muốn mang về phòng ở thì sẽ được cho mượn tối đa trong thời gian 1 tuần phải trả để mượn cuốn khác.
Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh có 2 tủ sách với hàng trăm đầu sách các loại, rất đa dạng và đầy đủ về các lĩnh vực: Pháp luật, lịch sử, kinh tế, khoa học, văn hóa, văn chương, giáo dục, tâm lý, các loại sách về giá trị sống, hạt giống tâm hồn và các loại sách truyện mang tính giải trí khác... Đặc biệt, có một số văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã có lòng hảo tâm tặng sách làm phong phú thêm cho tủ sách độc đáo này.
Học viên đọc sách tại thư viện Cơ sở cai nghiện ma túy sau giờ lao động.
Nguồn tri thức mà sách mang lại giúp các học viên ở đây nhận ra được giá trị của bản thân mình, khơi dậy khát vọng sống, tạo niềm tin, động lực để vươn lên từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Anh Bùi Văn Tuấn, học viên Ban số 1, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết: "Tôi rất ham mê đọc sách. Những cuốn sách ở đây mà tôi đã đọc rất hữu ích với tôi. Sách giúp tôi giải trí quên đi những ưu phiền và cung cấp những tri thức hữu ích cho tôi sau này tái hòa nhập cộng đồng xã hội".
Việc duy trì hoạt động của thư viện cho học viên cai nghiện ma túy là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cải thiện đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho học viên có điều kiện cập nhật kiến thức. Bên cạnh việc điều trị, quản lý học viên, công tác dạy nghề, giáo dục lao động trị liệu thì văn hóa đọc sẽ định hướng tư tưởng, tình cảm, giáo dục ý thức pháp luật cho học viên trở thành người có ích khi kết thúc thời gian điều trị.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, chúng tôi có 2 tủ sách cho học viên. Các thư viện tạm thời được lồng ghép với các lớp học văn hóa. Số lượng sách hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học viên. Việc nâng cấp thư viện khang trang hơn đã là một trong những nội dung của đề án chung sẽ được triển khai trong thời gian tới đây.
Tự hào với hành trình ươm mầm cho biết bao thế hệ học trò Sáng ngày 18/11, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo...