Ước vọng đầu năm: Đừng để người thầy “mất lửa”!
Trước thềm năm mới, mong sao mỗi nhà giáo tiếp tục dưỡng nuôi “ngọn lửa” của lòng yêu nghề, mến trò…
Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (Q.1, TP.HCM) tri ân giáo viên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 – Ảnh: NHƯ HÙNG
“Giáo viên có cảm giác nghề không phải là nghề khi hai vũ khí của họ đã bị tước đoạt là cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh” – Đó là một ý kiến đánh giá thẳng thắn, sắc bén từ PGS.TS Lê Khánh Tuấn (nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT) tại hội thảo “Đánh giá tổng quát chất lượng giáo dục Việt Nam – tiếp cận và thách thức” vào sáng 30-12.
Tôi nghĩ xã hội dẫu có đổi thay thế nào đi chăng nữa thì sứ mệnh của người “ kỹ sư tâm hồn” sẽ mãi không bao giờ phôi pha – gieo tri thức, trồng nhân cách thế hệ trẻ. Sứ mệnh đặc biệt ấy muốn thành công thì người thầy phải dưỡng nuôi một ngọn lửa nhiệt huyết, yêu thương, cần mẫn, vị tha, sáng tạo…
Từ “ngọn lửa” nội tại, người thầy lại đi “thắp lửa” trong lòng học sinh. Chúng ta tự hào khi có không ít người thầy tận tâm, hết lòng vì học sinh thân yêu đã thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, say sưa sáng tạo, trui rèn lòng nhân ái, trung thực, trách nhiệm…Nhưng chúng ta cũng buồn biết bao khi có không ít người thầy đã… “mất lửa”.
Xã hội đặt kỳ vọng lớn vào giáo dục trong nhà trường, phụ huynh giao trọng trách lớn cho người thầy dạy – dỗ thế hệ trẻ nhưng rõ ràng bủa vây quanh người thầy là vô số áp lực từ cái nhìn khe khắt của gia đình và xã hội sẵn sàng phán xét, đe nẹt, trả đũa nhằm vào người thầy nếu chẳng may mắc sai lầm trong phương pháp giáo dục.
Đôi khi, lòng nhiệt tâm uốn nắn trò của người thầy bị đánh đồng với bạo hành học sinh, sự nghiêm khắc giáo dục học trò bị quy chụp thành xâm phạm thân thể và xúc phạm nhân cách người học. Để rồi biết bao nhiêu nhà giáo đã phải hứng chịu cái bạt tai, cú đấm đá, lời miệt thị từ chính phụ huynh…
Video đang HOT
Và sau nhiều lần trót rơi vào cảnh “tình ngay lý gian” trong giáo dục trẻ hoặc là chứng kiến đồng nghiệp của mình nhận “gạch đá” từ dư luận, một bộ phận nhà giáo dần dà “mất lửa”, thui chột nhiệt huyết uốn nắn trẻ.
Phương châm giáo dục của họ lúc này sẽ là “có trống vào lớp, hết tiết ra về”, là “mackeno” (mặc kệ nó). Thậm chí có người đã từng thốt lên đầy phẫn nộ “Bố mẹ nó không cho mình dạy, rồi cuộc đời sẽ dạy bài học thích đáng” nên bàng quan với trò biếng học, trò sai quấy trong nhận thức, hành vi.
Mặt khác, giáo dục nước nhà đang trong giai đoạn đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học và bước đầu đem lại nhiều tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, mặt trái của căn bệnh thành tích lại khiến lòng người nặng trĩu muộn phiền. Thầy phải dối lòng, trò không trung thực, xã hội kêu ca phàn nàn về điểm số, thành tích.
Đầu năm vẫn là những con số chỉ tiêu chẳng khác gì “vòng kim cô” quàng vào vai người thầy. Cuối năm là bảng thành tích “khủng” với tỉ lệ học sinh giỏi, lên lớp, tốt nghiệp ngất ngưởng. Học sinh tiểu học giờ chỉ mơ điểm 10, nhận điểm 9 chẳng ưa nổi và điểm 8 bị đánh đồng với “điểm xấu”. Kỳ lạ thay!
Chất lượng của ngành đặt ra, ấn định buộc người thầy phải “đua” để đạt chỉ tiêu. Phụ huynh lại mơ mộng về thành tích của con nên mùa thi lại rộn ràng xin điểm, chạy điểm. Giữa bối cảnh người người chuộng thành tích, nhà nhà mê thành tích như thế, người thầy mất dần quyền chấm điểm chính xác, đánh giá trung thực năng lực học sinh bởi chẳng có bao nhiêu người dám “ngược dòng thành tích”. Đáng buồn thay!
Bên cạnh đó, bàn về nhiệt huyết người thầy, dư luận lại khơi lên những nguyên nhân xưa cũ từng khiến bao người “mất lửa”, nào là lương thưởng thấp, nào là áp lực khổng lồ từ nhà trường và xã hội, nào là sự bấp bênh trong quá trình công tác khi giáo dục liên tục đổi mới, cải cách…
Khi người đi “thắp lửa” mất dần nhiệt huyết, sản phẩm của giáo dục sẽ chẳng thể vẹn toàn đức – trí – thể – mĩ! Vậy nên, tôi nghĩ muốn trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc thì trước hết phải làm cho người thầy cảm nhận được hạnh phúc mỗi ngày đến lớp. Trước thềm năm mới, mong sao mỗi nhà giáo tiếp tục dưỡng nuôi “ngọn lửa” của lòng yêu nghề, mến trò…
Mong rằng ngành giáo dục, mỗi gia đình và toàn xã hội có những động thái tích cực đồng hành, tương tác, hỗ trợ để giúp người thầy giữ trọn vẹn ngọn lửa nhiệt huyết! Và lời kêu gọi trả lại “vũ khí” cho người thầy trên mặt trận giáo dục một lần nữa tha thiết gửi trao…
Thanh Nguyễn
Theo tuoitre
Con gái 'tụt dốc không phanh', bố mẹ đã làm một hành động nhỏ giúp con đỗ vào trường đại học danh giá
Bố mẹ của cô gái đã cùng tắt điện thoại mỗi khi ở nhà với con và rồi mọi thứ thực sự thay đổi.
Võ Diệc Thù sinh ra tại Thượng Hải, đạt giải quán quân trong chương trình truyền hình là Đại hội thơ Trung Quốc. Sau khi đạt giải cao trong hội thơ, cô được báo chí săn đón và tiểu sử của Thù cũng dần được hé lộ.
Thù từng đạt điểm cao và đỗ vào trường Đại học Thanh Hoa, được xem là trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc và Châu Á. Điều khiến mọi người bất ngờ là ngay từ nhỏ, Thù không có niềm đam mê với việc học.
Được biết, mẹ của Thù là giáo viên mỹ thuật giảng dạy tại một trường tiểu học, bố của cô là luật sư có tiếng trong ngành. Thuở bé, Thù và bố mẹ luôn xảy ra xung đột vì cô không thích học và cũng không phải là học sinh nổi trội trong lớp.
Khi thấy con ngày càng tuột dốc trên con đường học vấn, bố mẹ của Thù đã ngồi lại bàn bạc và tìm cách khơi dậy niềm đam mê học hành của con.
Họ nhận ra nguyên nhân khiến Thù không thể tập trung học hành là do môi trường học tập không đảm bảo. Họ đã thay đổi môi trường học tích cực và cải tạo lại căn nhà, thậm chí họ thay đổi thói quen sống bằng cách tắt điện thoại và đọc sách cùng con, đây là điều không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể làm vì con.
Để con gái chuyên tâm học hành, bố mẹ Thù đã thay đổi như thế nào?
1. Trở thành tấm gương cho con, thay đổi bản thân trước
Bố mẹ Thù hiểu rằng giáo dục trong gia đình là quan trọng nhất. Muốn con thích ứng với thay đổi thì bố mẹ phải trở thành tấm gương sáng, phải thay đổi bản thân trước rồi mới có thể khiến con thay đổi.
2. Sử dụng các thể thơ trong trò chơi
Sau khi Thù tan học, bố mẹ của cô sẽ lập tức tắt điện thoại. Họ bầu bạn với con gái qua những trò chơi và khéo léo lồng ghép những thể thơ vào trò chơi.
3. Cho con cơ hội trưởng thành
Thành tích của Thù bắt đầu cải thiện từ cấp hai, trước đó bố mẹ của cô cho dù nôn nóng nhưng không biểu hiện ra mặt, bởi họ biết cần phải cho con cơ hội trưởng thành và đợi chờ hái quả ngọt.
Tú Uyên
Theo baodatviet
Tính nhân văn trong khen thưởng, kỷ luật học sinh Trong trường học, công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông nhằm khuyến khích, động viên và ngăn chặn học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật học sinh hiện nay tại các trường phổ thông còn mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa làm cho...