Nam sinh ở ngôi trường bên chân sóng vượt qua hoàn cảnh đạt thành tích cao trong học tập
Dù cơ thể không lành lặn như bao nhiêu người khác, nhưng 17 năm qua, Trần Lộc Hải , nam sinh lớp 12 B5 trường THPT Tam Giang (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) không ngừng vươn lên, vượt qua nỗi đau và mặc cảm bản thân để đạt những thành tích cao trong học tập.
Trần Lộc Hải bên cô giáo
Tuổi thơ buồn
Niềm vui đón đứa con trai đầu lòng của hai vợ chồng nhà giáo tiểu học- thầy Trần Xuân Bình và cô Cao Thị Ty không được trọn vẹn khi Trần Lộc Hải đã chịu nỗi bất hạnh ngay từ lúc mới sinh ra. Cơ thể thì bình thường nhưng khuôn mặt thì bị dị tật bẩm sinh . Thương con, để nước mắt chảy vào lòng, hai vợ chồng anh Bình, chị Ty nghe ở đâu có bác sĩ giỏi là liền ôm con tìm đến với hy vọng cháy bỏng làm thay đổi được khuôn mặt, cho con có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Chịu bao đau đớn, qua nhiều lần phẫu thuật, Lộc Hải chỉ được phục hoàn khoảng 30 %. Con mắt em không nhìn thấy rõ, thính giác yếu và giọng nói thì không tròn vành, rõ tiếng.
Khiếm khuyết về thể xác kèm theo nỗi buồn đau về tinh thần bởi em luôn có những mặc cảm khi bắt gặp một ánh nhìn không mấy thiện cảm của vài đứa bạn cùng trang lứa. Biết bao lần Lộc Hải đã khóc. Em khóc vì buồn, khóc vì nỗi đau dày vò bởi những vét thương phẫu thuật khi trái gió trở trời. Những ngày đầu đến trường đến lớp, cậu bé Hải sống khép mình…Rồi nhừng lần nghỉ học để chữa trị, vào ra bệnh viện. Cậu bé sớm nhận ra tuổi thơ buồn cay đắng của bản thân.
Vượt qua nỗi buồn đau, đam mê học tập
Theo thời gian, dần dà, nhận được tình thương và sự quan tâm, sẻ chia ân cần của gia đình, thầy cô, bè bạn…Lộc Hải cởi bỏ được những mặc cảm, bi quan để sống hòa nhập, hồn nhiên, lạc quan với lớp học, với mọi người xung quanh.
Em Trần Lộc Hải
Càng lớn lên, em càng có những suy nghĩ chín chắn. Dù đã bao lần lòng cảm thấy không bình yên như chính con sóng vỗ nơi phá Tam Giang quê mình nhưng rồi chính câu nói của Witman mà em đã đọc được- Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất dần sau lưng bạn- đã tiếp thêm động lực để em mạnh mẽ đứng lên và tiến về phía trước.
Nghĩ về bố mẹ, nghĩ về thầy cô và những người bạn tốt, Lộc Hải dồn tất cả niềm đam mê vào sách vở để khám phá chân trời tri thức với khát vọng nuôi dưỡng ước mơ. Dù thính giác và thị giác không đươc vẹn nguyên như bạn bè nhưng bù lại Trần Lộc Hải có sự tập trung cao độ, đức tính siêng năng và trái tim tinh nhạy. Vì lẽ đó, gần 12 năm học qua, chàng trai đó đã viết nên câu chuyện đẹp dưới mái trường bên chân sóng Tam Giang.
Em trở thành tấm gương sáng về nghị lực được nhiều học sinh vùng sóng, cát Phong Điền chọn làm dẫn chứng trong các bài văn bàn về vai trò của ý chí. Thật đáng tự hào, trân trọng những thành tích đạt được của nam sinh này: Ba năm liền đạt giải học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn khi còn học ở trường THCS Điền Lộc; giải Nhất môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Tam Giang ; giải Ba kì thi học sinh giỏi lớp 12 môn Lịch sử cấp tỉnh năm học 2019 – 2020. Nhiều năm liền Hải đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.
Học giỏi đều các môn, trong đó Ngữ văn và Lịch sử là hai môn học mà em yêu thích nhất. Hải đọc nhiều sách, ghi chép cẩn thận, nắm chính xác các sự kiện lịch sử hay thời sự cuộc sống hằng ngày để đưa vào bài làm. Đam mê công tác xã hội nhưng vì trở ngại về nét mặt, giọng nói nên Lộc Hải không dám ước mơ. Em quyết tâm đi theo con đường nghiên cứu.
Không chỉ học giỏi, Lộc Hải còn là chàng trai năng động, hoạt bát. Dù hạn chế về ngoại hình và sức khỏe nhưng chưa bao giờ em vắng mặt trong các phong trào, hoạt động tập thể. Thầy Lê Ngọc Lành – giáo viên trường THPT Tam Giang tỏ ra xúc động và khâm phục khi nói về cậu học trò yêu quý của mình: “Vượt lên hoàn cảnh, bệnh tật, Lộc Hải là tấm gương đẹp về khát vọng vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Tôi rất quý em ở nghị lực vượt khó và tinh thần trách nhiệm cao đối với tập thể. Em làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Hải sống tình cảm, hiền lành, luôn được thầy yêu , bạn mến”.
Không thật hoàn thiện về ngoại hình nhưng đẹp biết bao về tâm hồn và nghị lực. Với khát vọng được học, được đóng góp cho cuộc sống…tôi tin rằng, Trần Lộc Hải sẽ tiếp tục viết tiếp những câu chuyện đẹp và ước mơ được tìm hiểu, nghiên cứu trong ngành Luật sẽ trở thành hiện thực.
Trần Văn Toản
Theo GDTĐ
Cần Thơ phát triển mạnh ‘đặc sản’ du lịch miệt vườn, sông nước
Cùng với những loại hình du lịch đặc biệt của các địa phương khác ở ĐBSCL, Cần Thơ sẽ chú trọng phát triển du lịch miệt vườn, sông nước nhằm thu hút du khách và góp điểm nhấn cho bức tranh chung của du lịch ĐBSCL.
Chợ nổi Cái Răng là điểm nhấn của du lịch Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ vừa tổ chức nghiệm thu đề án "Phát triển du lịch đường sông thành phố Cần Thơ".
Nhóm nghiên cứu đề án cho biết, Cần Thơ có tiềm năng du lịch lớn, tuy nhiên tốc độ phát triển chưa xứng tầm. Trước thực trạng đó, bên cạnh những loại hình du lịch đặc biệt của các địa phương khác như du lịch nghệ thuật truyền thống, tâm linh, nông nghiệp... nhóm nghiên cứu đề xuất thành phố cần chú trọng phát triển mô hình du lịch miệt vườn, sông nước để thu hút khách du lịch, đồng thời góp điểm nhấn cho bức tranh chung của du lịch ĐBSCL.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất danh sách chương trình hành động ưu tiên nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường sông của Cần Thơ, như: Nạo vét kênh rạch trên các tuyến tham quan trọng yếu; nâng cấp bến tàu, thuyền tại các đầu mối đưa đón khách du lịch; đầu tư khai thác loại tàu, thuyền đặc trưng phục vụ du lịch đường sông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng chuẩn hóa chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch...
Thành phố cũng cần xây dựng gian hàng, điểm mua sắm dừng chân cho các đoàn khách để quảng bá, bán những sản phẩm, đặc sản của địa phương.
Đề án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về tính thực tiễn; nội dung phù hợp với định hướng phát triển du lịch của Cần Thơ và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đó là phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, mở rộng các tuyến du lịch liên vùng dựa trên việc xây dựng du lịch đặc thù cho từng địa phương.
Phát triển mô hình du lịch miệt vườn sông nước là một hướng đi đúng đắn đối với Cần Thơ. Trong đó, cần chú trọng xây dựng các tour, tuyến mang nét đặc thù riêng của các nhóm khách hàng khác nhau, nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đa dạng của du khách.
Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc phát triển du lịch của Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung dựa trên nền tảng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Cổng Thông tin du lịch và ứng dụng thông minh trên thiết bị di động - thành phố Cần Thơ vừa đi vào hoạt động sẽ giúp du khách có nhiều thông tin về điểm đến trước khi trải nghiệm thực tế.
Đồng thời, khi đề án được đưa vào triển khai rộng rãi, cần chú trọng vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường với những giải pháp mạnh tay hơn, mang tính xử lý tận gốc, thay vì chỉ dừng lại ở những chiến dịch vớt rác trên sông như hiện nay.
Là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh thành trong cả nước, Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đất đai màu mỡ, cây trái xanh tươi bốn mùa. Nơi đây cũng có nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống, di tích văn hóa lịch sử có giá trị; hệ thống nhà vườn ven thành phố như: Làng du lịch Mỹ Khánh, Giáo Dương, Vàm Xáng, Ba Cống, Mười Cương, du lịch cộng đồng Cồn Sơn... các điểm du lịch bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng...
Đây còn là nơi sinh sống của dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, tạo nên nền văn hóa rất đặc trưng của người dân vùng đất Tây Đô.
Ngoài ra, Cần Thơ còn có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư khang trang và đồng bộ; nhiều loại hình du lịch, vui chơi giải trí được đầu tư phong phú và đa dạng.
Theo baochinhphu.vn
Trường THPT Văn Miếu (Phú Thọ): Khẳng định chất lượng, chú trọng tuyên truyền ATGT cho học sinh Nằm trên địa bàn miền núi huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng các thế hệ thầy và trò trường THPT Văn Miếu đang từng bước khẳng định chất lượng đào tạo và vị thế trong hệ thống các trường THPT của tỉnh. Nhận thức rõ giáo...