Ước mơ thành phóng viên để “đi và viết” của nữ sinh “khập khễnh”
Suốt 12 năm qua, Nguyễn Thị Linh (lớp 12A8, Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà) đến trường bằng đôi chân mang dị tật.
Phương tiện đến trường của Linh là chiếc xe máy điện 3 bánh.
Nhưng cô gái nhỏ vẫn luôn nỗ lực, say mê học tập với ước mơ được trở thành phóng viên trong tương lai, để đi và viết…
Đôi chân khập khễnh của Linh
Ngôi nhà của em Nguyễn Thị Linh nằm trong con ngõ nhỏ của tổ dân phố 6, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Trong ngôi nhà không có lấy một căn phòng tươm tất bởi chỗ nào cũng chất đầy hàng trăm bao lúa. Linh cho biết, mẹ em làm hàng xén, mỗi năm đến vụ mùa mẹ lại chạy vạy khắp nơi thu mua lúa đem ra chợ bán lại. Đó cũng là nguồn sinh nhai của 3 mẹ con Linh trong gần 20 năm qua.
Số phận không may mắn khiến Linh vừa sinh ra đã mang trên mình một đôi chân tật nguyền. Thương con lọt lòng đã bị khiếm khuyết về cơ thể, bố mẹ Linh đã phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho em nhưng không được kết quả gì.
Chị Nguyễn Thị Tuấn, mẹ của Linh nhớ lại: “Lúc nhỏ chỉ thấy chân cháu hơi yếu, gia đình cứ nghĩ cháu bị thiếu chất do hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đến 2 tuổi, con nhà người ta biết chạy nhảy, 2 chân của Linh vẫn gập ra phía sau không thể đứng được. Khi đó, vợ chồng tôi mới đưa cháu đi khám từ Tây y sang Đông y nhưng không có kết quả. Bản thân cháu đã trải qua 3 lần mổ nhưng vẫn không thể đi lại”.
Tình nguyện viên hỗ trợ Linh đến trường trong những ngày thi.
Trong thời gian chạy chữa cho Linh, bố em mắc bệnh nặng rồi qua đời. Bao nhiêu khó khăn, vất vả đổ dồn lên bàn tay mẹ. Thời điểm đó, một mình mẹ Linh vừa chạy chợ, vừa ngược xuôi đưa con đến các bệnh viện chữa bệnh.
“Chỉ khi, các bác sĩ thông báo cháu bị dị tật bẩm sinh, khả năng đôi chân cháu có thể đi lại cũng rất mong manh… tôi mới chấp nhận đưa con về”, giọng chị Tuấn nghẹn lại.
Cũng kể từ đó, không gian của Linh chỉ quanh quẩn trong nhà. Nhiều lần thấy con tần ngần nhìn các bạn chạy nhảy ngoài đường, chị Tuấn lại quặn thắt ruột. Không đầu hàng số phận, chị Tuấn động viên con cố gắng tập đi.
Video đang HOT
Ròng rã gần 3 năm trời cuối cùng nỗ lực của 2 mẹ con đã cho kết quả. Lên 6 tuổi, khi những đứa trẻ cũng trang lứa bắt đầu vào lớp 1 cũng là lúc Linh biết đi những bước đầu tiên. Dù những bước chân khập khễnh ngắn dài nhưng đã thôi thúc Linh quyết tâm đến trường đi học như các bạn.
Cũng từ đó, mười hai năm đến lớp là mười hai năm bạn bè, thầy cô được chứng kiến một cô bé khuyết tật như không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn vất vả.
Thí sinh Nguyễn Thị Linh (lớp 12A8, Trường THPT Lý Tự Trọng).
Ước mơ thành phóng viên để được đi và viết
Từ cấp 1 đến hết năm lớp 11, Linh đến trường bằng chiếc xe lăn có sự hỗ trợ của mẹ. Đến năm lớp 12, em được một nhà tài trợ tặng chiếc xe máy điện 3 bánh để đến trường. Linh nói, nhờ có chiếc xe này mà quãng đường đến trường được rút ngắn lại, mẹ cũng đỡ vất vả.
Trong cuộc sống, Linh luôn cố gắng tự lập, khắc phục khiếm khuyết của bản thân. Ba năm học cấp 3, lớp học của Linh ở tầng 2 nên việc di chuyển lên cầu thang rất khó khăn, nhưng Linh luôn tự mình vịn vào tường để bước lên.
“Các bạn bè trong lớp thường đợi em dưới cầu thang để dìu em lên nhưng em không muốn. Chỉ những hôm trời lạnh, chân tê buốt em mới nhờ đến sự giúp đỡ của các bạn”, cô học trò chia sẻ.
Có thể với mọi người có đôi chân lành lặn, con đường đến trường, đến lớp, sẽ bớt phần gồ ghề, nhấp nhô hơn. Nhưng với Linh, tất cả những khó khăn mà em đang đối diện là cơ hội để bản thân thêm nghị lực, thêm cố gắng.
Bằng chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy là thành tích học tập luôn ở mức khá của em. Đặc biệt, các môn xã hội, Linh luôn có điểm tổng kết trên 8,0. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Linh cũng đăng ký thi khối C vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Chúng tôi gặp Linh khi em đã trải qua hết các môn của khối C trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Linh không giấu được niềm vui vì em làm bài rất tốt. Dù chưa xem lại kết quả nhưng Linh tự tin khi ước mơ trở thành một nữ phóng viên ngày một gần hơn.
Linh cho biết, năm nay em thấy đề thi không quá khó. Các bài em đều hoàn thành tốt và kiểm tra kỹ trước khi nộp bài. Em hy vọng năm nay, ngành báo in thi sẽ không lấy điểm quá cao.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Linh nói: “Em muốn trở thành một phóng viên để được đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người và viết về những điều em đã trải qua. Trong suốt những năm qua em đã luôn nỗ lực để hoàn thành ước mơ của mình”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8, Trường THPT Lý Tự Trọng cho biết: “Linh là một học sinh rất nghị lực và ham học hỏi. Dù khiếm khuyết, lại thường đau ốm nhưng số lần nghỉ học của em rất hiếm hoi. Đặc biệt, vào mùa đông, chân tay em thường bị sưng tấy rất đau nhưng em vẫn đến trường. Nghị lực của em là tấm gương và truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trong lớp”.
Nữ sinh 3 năm "làm xe đạp ôm" chắp ước mơ cho bạn
Dù trời nắng mưa, giông bão hay mùa đông giá lạnh, hình ảnh nữ sinh Đồng Thị Luyến đèo bạn Ngô Thị Lan Dung (bị khuyết tật) đến trường vẫn không đổi.
Hình ảnh thí sinh Đồng Thị Luyến dắt xe sau khi đèo bạn Ngô Thị Lan Dung (bị khuyết tật) đến Điểm thi.
Hành trình 3 năm đã khép lại sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 nhưng tình bạn đẹp thì còn mãi.
Một tình bạn cao đẹp
Ở Điểm thi Trường THPT Hiệp Hòa số 2, mọi người đã quen với hình ảnh đôi nữ sinh đến sớm đèo nhau trên xe đạp điện. Thí sinh Đồng Thị Luyến đỗ xe thì Ngô Thị Lan Dung từ từ bước xuống. Đó là đôi bạn thân học sinh lớp 12C Trường THPT Hiệp Hòa số 6 (huyện Hiệp Hòa) dự thi tại Điểm thi Trường THPT Hiệp Hòa số 2. Sau khi Luyến dừng xe, đo thân nhiệt thì Dung ngồi sau xuống xe bằng cánh tay bám vào vai bạn.
Những hình ảnh này đã được đôi bạn Dung và Luyến đồng hành suốt 3 năm học qua và cho đến những ngày thi tốt nghiệp THPT. Trò chuyện với PV Báo GD&TĐ, Dung cho biết, năm lên 2 tuổi em bị sốt cao, rồi biến chứng khiến tay phải bị co quắp, tay trái cũng yếu, khó khăn khi nói và đi lại.
"Em sống cùng mẹ và bà ngoại đã hơn 90 tuổi. Mẹ em buôn bán nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả. Tay em đau, vì vậy không tự đến trường bằng xe đạp. Tuy nhiên, hàng ngày có bạn Luyến giúp đỡ đèo em đến trường suốt 3 năm qua. Em cảm ơn bạn Luyến...", Dung chia sẻ nhanh rồi bước vào trường thi.
Còn Luyến cho biết, vì đi cùng nhau 3 năm nên có rất nhiều kỉ niệm với nhau. "Dung là người nghị lực, em học được Dung rất nhiều. Dung dành tình cảm và sự yêu thương hòa đồng với các bạn và thầy cô. Qua đó giúp em thêm cố gắng trong học tập và là động lực để chúng em vượt qua những cung đường đến trường...", Luyến nói về bạn Dung.
Được biết, thương bạn bị khuyết tật từ nhỏ với một tay bên phải không thể cử động, nữ sinh Đồng Thị Luyến đã ngày ngày tình nguyện đón bạn đến trường trong suốt 3 năm qua. Đồng Thị Luyến và Ngô Thị Lan Dung (học sinh lớp 12C Trường THPT Hiệp Hòa số 6) đều sinh ra trong những gia đình làm nông ở xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa). Đặc biệt, Ngô Thị Lan Dung bị khuyết tật bé sống với mẹ và bà ngoại đã 90 tuổi.
Thí sinh Đồng Thị Luyến (bên phải) 3 năm đèo bạn Ngô Thị Lan Dung (bị khuyết tật).
"Từ bé Dung với tay phải bị co quắp không thể cử động được. Kinh tế gia đình khó khăn nhưng thương con, mẹ Dung cũng đã cố gắng tìm mọi cách để chạy chữa đưa đi nhiều bệnh viện nhưng mọi thứ dường như không thể thay đổi số phận...", Đào Thị Hiền - GV chủ nhiệm lớp 12C Trường THPT Hiệp Hòa số 6 mở đầu câu chuyện về nữ sinh Dung với PV Báo GD&TĐ.
Cô Hiền cho biết, Dung và Luyến là những học sinh chăm ngoan, hiền lành, chịu khó vươn lên trong học tập. Lực học của Luyến có phần hạn chế hơn Dung nhưng đây là đôi bạn rất nỗ lực trong học tập. "Là giáo viên chủ nhiệm từ lớp 11 của 2 nữ sinh, khi tiếp cận thì em Luyến là học sinh ít nói nhưng ngoan và hiền. Mới đầu, tôi vẫn nghĩ, em là học sinh nhút nhát, có phần khó gần nhưng qua tiếp xúc, thấy em là người hiền lành, đồng cảm chia sẻ với bạn bè...", cô Hiền nói về học trò Đồng Thị Luyến.
Còn Ngô Thị Lan Dung thì cô Hiền cho biết, là cô học trò đặc biệt của lớp và cả trường. "Em là học sinh khuyết tật nhưng rất lạc quan, yêu đời, luôn cố gắng trong học tập và vượt qua khó khăn, không ỷ lại được ưu tiên mà nhận thương hại người khác. Môn học nào Dung cũng muốn được học như bạn bè chứ không cần có sự thiên vị từ thầy cô. Lực học còn khá hơn các bạn bình thường khác trong lớp, trong trường...", cô Hiền tự hào nói.
Theo cô Hiền, Ngô Thị Lan Dung học đều các môn, kiến thức so với nhiều bạn khác trong trường, tuy giáo viên cũng tạo điều kiện nhưng nỗ lực bản thân được Dung phát huy hết khả năng.
"Đối với môn Văn, cô giáo chỉ cần dạy hỗ trợ dàn ý cơ bản. Dung đã xây dựng ý tưởng, bám sát đề, nắm kiến thức cực kỳ cơ bản để viết ngắn đáp ứng yêu cầu giáo viên chấm bài mặc dù viết tay trái là bị chậm...", cô Hiền chia sẻ.
Thương bạn không thể tự đạp xe đến trường lại với hoàn cảnh gia đình éo le, 3 năm nữ sinh Đồng Thị Luyến đã chủ động đưa bạn tới trường. Đặc biệt, hầu như không bao giờ nghỉ học cũng chẳng bao giờ để bạn phải đi học muộn...
"Hình ảnh trời mưa to, tôi đến gần con đường rẽ vào trường thì thấy 2 em đèo nhau. Nhưng hình ảnh đập vào mắt tôi là em Luyến nhường cả bộ áo mưa cho em Dung để bạn không bị ướt, 2 bạn cứ đẩy nhau, cuối cùng là hai bạn ướt hết...", cô Hiền nhớ lại hình ảnh xúc động của học trò.
Cô Hiền bày tỏ, hình ảnh nhường áo mưa cho nhau của đôi bạn cứ ám ảnh mãi. "Tôi động viên các em là đi xe mà dùng áo mưa hai tà rất nguy hiểm, tôi khuyên các em mỗi bạn một bộ áo mưa để đảm bảo sức khỏe khi lên lớp...", cô Hiền kể lại.
Thầy Phù Văn Chất động viên đôi bạn Luyến và Dung vững tin làm bài tại điểm thi Trường THPT Hiệp Hòa số 2.
Nghị lực để vượt qua nghịch cảnh
Chiều 8/7 có mặt ở ngoài Điểm thi Trường THPT Hiệp Hòa số 2, cô Hiền cũng cho biết, cô khá hồi hộp chờ đợi học sinh của trường thi. "Chúc các em may mắn và đạt được thành công tốt nhất. Tôi nghĩ rằng, người thật thà như Luyến và nghị lực như Dung sẽ có tình bạn không phai nhòa và muốn 2 em có công việc mong muốn. Nhất là Dung có tâm sự "con muốn có một công việc để có thể làm và không ngồi ở nhà để không trở thành người vô dụng...", cô Hiền gửi gắm đến Luyến và Dung sau khi hoàn thành bài thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, thầy Phù Văn Chất - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Hòa số 6 cho biết, đôi bạn Đồng Thị Luyến và Ngô Thị Lan Dung là hình ảnh đẹp của học sinh nhà trường. "Quãng đường gần 10 km hàng ngày được đôi bạn Dung Luyến thêu dệt một tình bạn cao đẹp với tình yêu thương chia sẻ. Đặc biệt, rất vui khi 2 em đều nỗ lực vươn lên trong học tập trở thành trò ngoan, học khá của nhà trường....", thầy Chất nói.
Thầy Chất cho biết thêm, cảm phục tình bạn của 2 nữ sinh nhà trường đã nhiều lần khen thưởng, động viên để các em cùng cố gắng học tập.
"Luyến hỗ trợ, chia sẻ với bạn. Dung thì cũng sống hòa đồng, không mặc cảm tự ti vẫn cố gắng vươn lên trong học tập. Đáp lại những sự giúp đỡ của Luyến, năm nào Dung cũng là học sinh tiên tiến của nhà trường. Chắc chắn với sự nỗ lực cố gắng, cả hai em sẽ đạt được nguyện vọng mong muốn trong tương lai...", thầy Chất bày tỏ.
Ước mơ trở thành phóng viên của nữ sinh 11 năm đến trường nhờ đôi chân của mẹ Bố mất sớm, bản thân bị tật bẩm sinh ở chân nhưng Linh luôn cố gắng, phấn đấu trong học tập. Kỳ thi năm nay em hy vọng thi thật tốt để có thể đậu trường báo chí, trở thành nữ phóng viên để theo đuổi đam mê viết lách. Linh được các tình nguyện viên hỗ trợ đi lại trong kỳ thi...