Ứng dụng ‘đào’ tiền ảo trên điện thoại bị Google xóa
Ứng dụng Bee Network được nhiều người Việt tải về để “đào” tiền ảo Bee vừa biến mất khỏi Play Store.
Nhiều người cho biết, không thể tìm thấy ứng dụng Bee Network trên cửa hàng của Google. Khi truy cập qua đường link có sẵn, nền tảng này thông báo “không tìm thấy ứng dụng”. Nút tải ứng dụng trên website của Bee cũng hướng người dùng đến download một tệp tin .apk, thay vì chuyển sang Play Store như trước đây.
Trên trang fanpage của mình, Bee Network thông báo ứng dụng bị Google xóa. Nền tảng này viết: “Google đã xóa Bee Network khỏi Play Store vì họ hiểu sai thuật toán của chúng tôi”.
Dù không chia sẻ cụ thể thuật toán đó là gì, trang này cho biết “tình trạng trên cũng từng xảy ra với iOS của Apple nhưng đã xử lý xong”. Phiên bản iOS của ứng dụng này hiện vẫn tồn tại trên App Store.
Ứng dụng Bee Network được nhiều người Việt sử dụng vì cho rằng có thể đào được tiền ảo Bee.
Bee Network được giới thiệu là ứng dụng để “đào” tiền ảo Bee, ra mắt khoảng 6 tháng trước. Tính đến ngày 30/3, đơn vị này đã có 10 triệu người sử dụng trên toàn thế giới. Việt Nam cũng nhiều lần lọt top 10 nước có nhiều người sử dụng nhất.
Tuy nhiên, ứng dụng đang bị các chuyên gia đặt ra nhiều nghi vấn về tính khả dụng, cũng như nguy cơ lấy thông tin người dùng.
Video đang HOT
Để sử dụng, người dùng tải về và đăng ký tài khoản bằng số điện thoại hoặc Facebook, đồng thời phải có mã giới thiệu của người dùng trước. Việc khai thác các đồng tiền này không yêu cầu công sức hay chi phí. Người dùng chỉ cần trong 24h vào ứng dụng một lần để “điểm danh”, sau đó tài khoản tiền ảo sẽ tự động tăng. Với cơ chế này, Bee Network được đánh giá là “bản sao” của Pi Network, một ứng dụng “đào” tiền ảo ra mắt năm 2019.
Sách trắng của Bee Network chỉ nêu các thông tin chung chung, không có tên người sáng lập, không có lộ trình phát triển, cũng không có các công nghệ đặc biệt, ngoài việc tặng đồng Bee cho người dùng nếu “điểm danh” đủ. Ứng dụng Bee miễn phí nên thường xuyên hiển thị quảng cáo mỗi lần khởi động. Theo một chuyên gia về tiền điện tử, đây có thể là cách kiếm tiền chính của những người đứng sau ứng dụng này. Khi họ thu hút được một lượng lớn người sử dụng và có lượng active user cao, họ bắt đầu bán quảng cáo.
Theo các chuyên gia của trang AI Multiple , Bee Network không có khả năng mang lại giá trị, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ứng dụng này trên Android yêu cầu nhiều quyền truy cập, như danh bạ, vị trí, đọc bộ nhớ điện thoại, trong khi đơn vị phát hành không có lai lịch rõ ràng.
Ứng dụng Bee Network yêu cầu nhiều quyền truy cập dữ liệu người dùng.
Trên fanpage của Bee Network, nhiều người đã tán thành việc xóa ứng dụng của Google. “Dự án này là một trò lừa đảo. Họ lấy sẽ lấy dữ liệu của chúng ta và đem bán cho các nhà quảng cáo”, tài khoản Tony Lewis bình luận. Tài khoản có tên Hoàng Cương đến từ Việt Nam cho rằng đáng lẽ dự án phải ở giai đoạn hai, nhưng đến giờ vẫn “dậm chân tại chỗ” và nghi ngờ đây là một trò lừa đảo. “Không biết người đứng sau Bee hay đội ngũ phát triển của họ là ai. Chúng tôi cần được tôn trọng và các thông tin cần được minh bạch”, một người dùng khác bình luận.
Tương tự Pi, đồng Bee hiện không có giá trị. Người dùng không thể giao dịch hay trao đổi.
Google nghiêm cấm ứng dụng vi phạm quyền riêng tư, lừa dối người dùng hay lạm dụng thiết bị. Các ứng dụng vi phạm sở hữu trí tuệ, mạo danh, gây nguy hiểm… có thể bị xóa mà không báo trước.
Thời gian qua, nhiều ứng dụng được quảng cáo là có thể “đào” tiền ảo bằng điện thoại xuất hiện trên Play Store, như Time Stope, Eagle Network… nhưng chưa được kiểm chứng là hữu dụng hay không. Hiện tại chúng vẫn tồn tại.
Nở rộ đào tiền ảo không mất gì trên điện thoại, có thật không mất gì?
Lợi dụng thời gian mọi người rảnh rỗi vì dịch và cận nghỉ Tết Nguyên đán 2021, nhiều dự án đào tiền ảo trên điện thoại đã mọc lên như nấm, với những lời quảng cáo hấp dẫn dụ dỗ người tham gia.
Sau Pi Network nổi lên thời gian gần đây, hai đồng tiền ảo khác là Bee Network và Timestope cũng bắt đầu dụ dỗ người tham gia với cùng chiêu bài miễn phí, hệ phân quyền phi tập trung và đào không mất gì bằng điện thoại. Các coin này đều phát hành sách trắng nói về tầm nhìn, tham vọng thay đổi thế giới với hàng triệu người dùng đã tham gia, mà rất khó để kiểm chứng.
Những đồng tiền mới nổi này có đầy đủ hỗ trợ cho người Việt và bắt đầu xuất hiện dày đặc thời gian gần đây theo một chu kỳ đến hẹn lại lên, ăn theo sự tăng giá bất thường của Bitcoin hàng năm.
Thực tế, có ba bước rất cơ bản để một đồng tiền ảo ra mắt công chúng. Bước đầu là giới thiệu thuật toán để mời gọi người tham gia, bước hai cho phép đào đến số lượng coin nhất định và bước ba là lên sàn giao dịch.
Các bài đăng trên các hội nhóm về tiền ảo không trực tiếp dụ dỗ người tham gia, nhưng tạo ra tranh luận khiến nhiều người tò mò tìm hiểu
Tất nhiên, đảm bảo ba bước này không có nghĩa là một đồng tiền ảo sẽ chắc chắn thành công như Bitcoin. Thực tế, theo Coinmarketcap, có hơn 8.400 đồng tiền ảo trên thị trường, nhưng chiếm phần lớn là các đồng tiền ảo có giá trị chưa đến 0,1 USD do nguồn cung cầu chênh lệch nhau dẫn đến không thể tạo lập được giá trị thật sự.
Chẳng hạn, vào ngày 22/05/2010, một nhà phát triển ứng dụng có tên Laszlo Hanyecz sống tại Florida (Mỹ) đã sử dụng 10.000 Bitcoin để mua 2 chiếc pizza, tức là đã có sự trao đổi hàng hóa tương đương ở thời điểm đó. Tất nhiên nếu giữ lại, số Bitcoin đó bây giờ có giá trị là hơn 375 triệu USD.
Không như Bitcoin, nhiều coin cỏ (altcoin) khi mới lên sàn tăng vọt giá trị rất nhanh do các cá mập thao túng thị trường, sau đó xuống đáy và bị loại khỏi sàn. Gần đây, bốn đồng tiền ảo là Blockmason Credit Protocol, CyberMiles, Time New Bank và Vibe đã bị đẩy khỏi sàn theo cách đó.
Điều đó đồng nghĩa với việc, tiền ảo thế hệ mới hay tiền ảo đào trên điện thoại không phải một sự đảm bảo chắc chắn 100% thành công. Trước khi tham gia, người dùng cần đặt những câu hỏi hết sức cơ bản như liệu bản thân sẽ được gì và mất gì khi đào những đồng tiền này?
Sau đó những người quan tâm sẽ được mời gọi tham gia một cách hết sức bài bản, tinh vi trong đó nhấn mạnh yếu tố MIỄN PHÍ.
Rõ ràng, với việc cài một ứng dụng bất kỳ lên điện thoại Android, người dùng đã mặc nhiên đồng ý cấp quyền truy cập vào smartphone và để ứng dụng đó thu thập thông tin gửi về máy chủ. Không phải ngẫu nhiên mà thỉnh thoảng Google vẫn gỡ bỏ nhiều ứng dụng khỏi Play Store vì lý do thu thập thông tin trái phép của người dùng hay chứa mã độc.
Việc người dùng mặc định trong đầu rằng bản thân không mất gì khi có người đã bỏ công sức sáng tạo ra đồng tiền ảo chính là một điểm bẫy trong suy nghĩ. Hàng triệu người dùng ứng dụng không rõ nguồn gốc chính là nguồn nuôi sống ứng dụng đó chứ không phải tiền ảo được tạo ra hay những giá trị được những người sáng tạo tiền ảo đó vẽ ra trong tương lai.
Một câu nói kinh điển có lẽ rất đúng trong hoàn cảnh này, đó là 'cái gì trên đời miễn phí thì người dùng chính là sản phẩm'. Tuy nhiên, bởi không có gì ràng buộc ở thị trường cryptocurrency cho dù đó là đa cấp biến tướng, chỉ có thời gian mới cho người tham gia câu trả lời chính xác nhất liệu những đồng tiền ảo này sẽ ra sao.
Thợ đào tiền ảo Việt Nam bán tháo 'trâu cày' Nhiều thợ đào tiền điện tử ở Việt Nam đang tìm cách bán nhanh dàn "máy đào" để chốt lời, do lo sợ "bong bóng tiền ảo" có thể sớm quay lại. "Không còn đủ sức thể theo, bán lại dàn 'trâu' 1060 6G cho anh chị nào cần. Giá cả thương lượng", Chí Hùng đăng bài trên nhóm kín về đào tiền...