Ứng dụng CNTT trong dạy học hỗn hợp
GD&TĐ – Lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hỗn hợp đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới đã được các đại biểu khẳng định tại hội thảo cùng tên diễn ra sáng nay (5/12) tại Hà Nội.
Hội thảo ứng dụng CNTT trong dạy học hỗn hợp đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới
Hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ.
Chương trình mới tăng cường ứng dụng CNTT, truyền thông
Video đang HOT
Theo ông Đoàn Văn Ninh – Trưởng ban thường trực Đề án đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông – thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Ông Đoàn Văn Ninh – Trưởng ban thường trực Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông – phát biểu tại hội thảo
Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này là tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực người học.
Về phương pháp giáo dục, tiếp tục đổi mới theo hướng: Phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập; đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, tăng cường hiệu quả sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt là CNTT và truyền thông; giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.
Ông Đoàn Văn Ninh cũng cho biết: Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT đã xác định năng lực CNTT và truyền thông là một trong tám năng lực chung cần hình thành và phát triển cho học sinh. Đồng thời, đổi mới tập huấn giáo viên theo hướng phát huy hiệu quả các phương tiện kỹ thuật, công nghệ mới, nhất là CNTT; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng.
Cùng với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề.
Ứng dụng CNTT dạy học hỗn hợp: Bài học thành công
Liên quan đến việc ứng dụng CNTT trong dạy học hỗn hợp, trong thời gian qua, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã phối hợp với Trường phổ thông liên cấp Olympia tiến hành nhiều hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là ứng dụng CNTT, xây dựng mô hình dạy học, giáo dục hỗn hợp và đến nay đã có những thành công đáng kể.
Làm rõ nội dung này, thạc sĩ Chris McDonald – Tổng hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Olympia cho biết: Với môn Xã hội học tại Trường Olympia, từ lớp 9, học sinh bắt đầu sử dụng các nguồn tài liệu học tập hỗn hợp như sách điện tử, video, thông tin trên internet, blogs, báo điện tử, google, classroom… Học sinh được đi “ du lịch” vòng quanh thế giới trong 4 năm học thông qua các hoạt động tìm hiểu thời sự và văn hóa từng vùng, tùy thuộc vào sở thích và mối quan tâm.
Mặc dù cả lớp sẽ được đọc một số tài liệu chung và cùng thảo luận về tài liệu đó, nhưng học sinh được khuyến khích tự tìm tòi tùy theo mối quan tâm, từ những khám phá khoa học tại phòng thí nghiệm gia tốc phân tử tại Pháp cho tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Các tài liệu khoa học có thể xuất xứ từ nhiều vùng miền, bao gồm nhiều thể loại và về nhiều chủ đề khác nhau, từ văn bản chính luận, tiểu thuyết cho tới hình ảnh số và truyền thông… Học sinh được đánh giá theo nhiều cách, thể hiện triết lý giáo dục “trí thông minh đa dạng” của Gardner.
Trao đổi về dạy học hỗn hợp, thạc sĩ Michael Horn – đồng sáng lập và giám đốc Học viện Clayton Christensen – thông tin: Trên thế giới, các nhà giáo dục đã và đang áp dụng phương pháp học tập hỗn hơn – học trực tuyến tại trường học – để cá nhân hóa quá trình học cho từng học sinh, tăng cơ hội tiếp cận tới một nền giáo dục chất lượng, bất kể học sinh đó đến từ đâu và để kiểm soát chi phí.
Theo thạc sĩ Michael Horn, dạy học hỗn hợp không đảm bảo 100% thành công, nhưng ngay lúc này, nó là chiến lược duy nhất để chuyển từ trường học xây dựng theo mô hình kiểu nhà máy sang trường học lấy học sinh làm trung tâm.
Để đạt được điều đó, lãnh đạo trường không nên bắt đầu bằng việc áp dụng học tập hỗn hợp hay sử dụng công nghệ một cách máy móc. Thay vào đó, họ nên có một quá trình thiết kế kỹ càng, tỷ mỉ để cho ra mô hình giảng dạy phù hợp với mục tiêu và tiềm năng của trường mình.
Theo GD&TĐ